Châu Âu nghi ngại 5G, Huawei cam kết ‘không dính líu’ tới chính phủ

Thế giớiThứ Sáu, 11/10/2019 16:25:00 +07:00

EU công bố báo cáo mới về nguy cơ phụ thuộc quá mức vào một nhà cung cấp thiết bị 5G dù Huawei nhấn mạnh “sự độc lập” và an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu.

Huawei gặp đôi chút vấn đề với các mẫu điện thoại thông minh mới của mình khi không có được phiên bản Android đầy đủ và các hỗ trợ khác từ gã khổng lồ IT của Mỹ và tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn thế - theo chuyên gia Zack Doffman của tờ Forbes. Hiện giờ, rõ ràng, những rắc rối đang chờ đợi gã khổng lồ Trung Quốc trên mặt trận công nghệ 5G.

Châu Âu bất ngờ bày tỏ lo ngại về kế hoạch ban đầu của mình. Trong một báo cáo được công bố ngày 9/10, các nhà chức trách EU cảnh báo rằng mạng di động thế hệ 5G có tích hợp với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo đang làm tăng nguy cơ khiến một quốc gia thù địch có thể giành quyền kiểm soát các cơ sở hạ tầng quan trọng, hệ thống giao thông và thậm chí cả hệ thống máy tính thực thi pháp luật.

Hãng tin Bloomberg trước đó cho biết, trong văn bản không đề cập cụ thể đến Trung Quốc hay Huawei, nhưng báo cáo này là một sự báo trước về các lệnh cấm có thể được áp dụng. 

11

 Châu Âu nghi ngại 5G, nhưng Huawei đảm bảo ‘không dính líu’ tới Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)

Theo Bloomberg, EU muốn ngăn chặn “một kịch bản ác mộng”. Theo đó, với sự phổ cập của công nghệ 5G, tin tặc và các quốc gia thù địch có khả năng sẽ nắm quyền kiểm soát lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc của cảnh sát và thậm chí cả các thiết bị gia dụng. Tác giả của bài viết nhấn mạnh rằng, các tin tặc nguy hiểm nhất lại đang làm việc cho một số quốc gia nhất định, trong đó có Trung Quốc và Nga. “Như mọi khi, trong thế giới của chiến tranh ảo, mọi thứ đều được liên kết với nhau” - Doffman nhận định.

Chuyên gia lưu ý, một ngày trước khi báo cáo của EU được công bố, Mỹ đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc phát triển hệ thống giám sát và nhận diện khuôn mặt với lý do tiếp tay cho “các vi phạm nhân quyền”. Có vẻ như, “sự lan rộng nhanh chóng của công nghệ Trung Quốc đã trở thành một mối đe dọa được thừa nhận đối với phương Tây – ít nhất thì suy nghĩ đó cũng là lý do dẫn tới các lệnh trừng phạt và cảnh báo mới nhất từ Mỹ và châu Âu” - tác giả bài báo viết.

Bản báo cáo của châu Âu bày tỏ lo ngại rằng, một số quốc gia có thể gây áp lực lên các nhà cung cấp thiết bị 5G để tạo điều kiện cho các cuộc tấn công mạng vì lợi ích quốc gia. Ngoài ra, còn có một suy nghĩ phổ biến rằng, các công ty Trung Quốc khi cần thiết sẽ thực hiện nghĩa vụ giúp đỡ nhà nước để đảm bảo an ninh quốc gia, dù cho Huawei đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ điều đó. Cần phải thừa nhận rằng, xét tổng quan, không thể có kết luận rõ ràng về việc gã khổng lồ Trung Quốc này thuộc về ai.

Do đó, các nước châu Âu đưa ra khuyến cáo không nên dựa hoàn toàn vào một nhà cung cấp Trung Quốc trong việc triển khai các công nghệ 5G. Rõ ràng, đây là một tin xấu đối với Huawei. Công ty này đã hy vọng rằng, bất chấp những lời hô hào của Washington, họ sẽ không có vấn đề gì ở châu Âu và có thể tránh được các lệnh cấm. Nhưng báo cáo ở cấp độ toàn Liên minh châu Âu rõ ràng cho thấy điều ngược lại.

Doffman tin chắc rằng, Mỹ rất hài lòng với báo cáo của châu Âu, sẽ cố gắng vận động hành lang và hỗ trợ tối đa để châu Âu đưa ra các hạn chế đối với hoạt động của Huawei tại EU. Quan điểm của Washington, mà theo đó, nước này sẽ không chia sẻ thông tin tình báo của mình với các đồng minh sử dụng công nghệ 5G của Huawei, cũng chính là căn cứ quan trọng cho bản báo cáo này.

Về phần mình, công ty Trung Quốc tập trung nhấn mạnh đến “sự độc lập” của mình và khẳng định an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu của họ. Huawei yêu cầu người châu Âu bám sát quan điểm ban đầu của mình: dựa trên các yếu tố thực tiễn, chứ không nên chỉ đơn giản là tìm cách kết tội các quốc gia và doanh nghiệp riêng lẻ.

Đúng là EU không nêu tên Trung Quốc hay Huawei trong báo cáo của mình, nhưng trong tình huống này, thật khó để nghĩ đến ai khác, khi mà các đối thủ chính của Trung Quốc trong lĩnh vực 5G chỉ có Thụy Điển, Phần Lan và Hàn Quốc - tác giả kết luận.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn