Buộc doanh nghiệp chia sẻ dữ liệu với chính phủ, vũ khí mới của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ?

Thế giớiThứ Tư, 04/09/2019 15:16:00 +07:00

Trung Quốc muốn hợp nhất thông tin từ các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc và tích hợp vào cơ sở dữ liệu số tập trung.

Mặc dù Bắc Kinh khẳng định hệ thống này nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và có thể dự đoán được, nhưng có những lo ngại về cách chính phủ có thể sử dụng dữ liệu, đặc biệt là khi căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ. Hệ thống mới cũng có thể đưa Trung Quốc tới gần hơn mục tiêu tạo ra một hệ thống tín nhiệm xã hội trên toàn quốc.

Cơ sở dữ liệu mới cho phép chính phủ theo dõi và giám sát hoạt động của tất cả các doanh nghiệp tại Trung Quốc (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài). Nó cũng nhằm cải thiện cách các công ty tuân thủ luật pháp và tăng hình phạt cho những người làm việc với các đối tác liên quan đến hoạt động gian lận.

trungquoc

 (Ảnh minh họa)

Một phiên bản thử nghiệm của cơ sở dữ liệu khổng lồ - được gọi là Hệ thống Giám sát + Internet quốc gia - có thể sẽ được phát hành vào tháng 9 và phiên bản cuối cùng đưa ra vào cuối năm nay, theo báo cáo của Phòng Thương mại EU.

Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, cho biết trong một sự kiện báo chí hôm 28/8 rằng hệ thống mới có thể "san bằng" sân chơi giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Trung Quốc.

Hệ thống giám sát doanh nghiệp dường như là chìa khóa để biến hệ thống tín nhiệm xã hội gây tranh cãi của Trung Quốc thành hiện thực. Mục tiêu của cơ sở dữ liệu là tích hợp vô số kênh thu thập thông tin đã tồn tại ở Trung Quốc, qua đó tạo ra một hệ thống tín dụng xã hội trên toàn quốc vào năm 2020.

Khi hoàn thành, hệ thống tín nhiệm xã hội đầy đủ sẽ nhắm vào các công dân, doanh nghiệp và chính phủ Trung Quốc, theo công ty nghiên cứu Trivium có trụ sở tại Bắc Kinh. Nó sẽ bao gồm ba phần: cơ sở dữ liệu chính, hệ thống danh sách đen và cấu trúc để trừng phạt và phần thưởng.

Hầu hết các báo cáo phương tiện truyền thông cho đến nay tập trung vào cách tín nhiệm xã hội sẽ theo dõi các hành động cá nhân ở Trung Quốc, nhưng chính phủ nước này dường như cũng đang tăng cường chú ý đến các công ty.

Về mặt lý thuyết, một khi hệ thống tín nhiệm xã hội doanh nghiệp (SCS) hoạt động, chính phủ có thể biết liệu một công ty có tuân thủ các quy định hay có "hành vi tốt".

"Điểm số cao hơn có thể có nghĩa là mức thuế thấp hơn, điều kiện tín dụng tốt hơn, tiếp cận thị trường dễ dàng hơn và nhiều cơ hội mua sắm công hơn cho các công ty. Điểm số thấp hơn dẫn đến điều ngược lại, và thậm chí có thể dẫn đến bị đưa vào danh sách đen", báo cáo cho biết.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn