Bức thư kêu gọi người dân cùng giải quyết khủng hoảng xã hội của Tổng thống Pháp

Thế giớiThứ Hai, 14/01/2019 07:17:00 +07:00

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi một bức thư kêu gọi người dân tham gia vào cuộc thảo luận, tham vấn chính sách quốc gia được tổ chức trong 3 tháng tới, kể từ ngày 15/01, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay.

Bức thư là thông điệp mà ông Macron mong muốn người dân Pháp, không phân biệt lứa tuổi, địa vị xã hội, cùng tham gia đóng góp ý kiến xung quanh 4 chủ đề được xác định trong cuộc tham vấn chính sách quốc gia, bắt đầu từ ngày 15/01 tới. 4 chủ đề là chính sách thuế và chi tiêu công, tổ chức nhà nước và các dịch vụ công, chuyển tiếp sinh thái, nền dân chủ và tư cách công dân.

Trong bức thư, Tổng thống Pháp đặt ra 32 câu hỏi, đồng thời là các gợi ý để người dân Pháp đưa ra quan điểm, giúp chính phủ tìm gia các giải pháp toàn diện để giải quyết tình hình hiện nay.

macron

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Getty)

Trong bức thư, ông Macron thừa nhận một số tồn tại, bất cập trong xã hội Pháp hiện nay, những điều đang khiến cho một bộ phận người dân cảm thấy bất bình, thậm chí là nổi giận. Đó là mức thuế cao, tiếp cận các dịch vụ công còn hạn chế, thu nhập của người dân thấp, không tương xứng với thành quả lao động, cũng như còn tồn tại một số bất bình đẳng giữa người dân và giữa các khu vực. Tổng thống Pháp chia sẻ những lo lắng cũng như sự giận giữ của người dân, quyết tâm đem đến câu trả lời rõ ràng nhất, mong muốn chính phủ và người dân cùng nhau thảo luận để biến sự giận giữ thành những giải pháp cụ thể.

 Đề cập tới chính sách thuế, chủ đề quan trọng nhất, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các làn sóng biểu tình phản đối trong xã hội hiện nay, ông Macron cho rằng, đây là trung tâm trong đời sống xã hội Pháp. Thuế cho phép nước Pháp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, cốt yếu. Tuy nhiên, nếu mức thuế quá cao sẽ lấy đi các nguồn lực của nền kinh tế cũng như tước mất quyền được hưởng thành quả lao động của người dân. Các biện pháp về thuế mới đây của chính phủ đang cho thấy tác động tích cực và chưa cần điều chỉnh trong thời gian tới. Trong cuộc tham vấn sắp tới, người dân sẽ được lấy ý kiến về một số vấn đề chung như việc làm thế nào để chính sách thuế đạt được hiệu quả và công bằng, có cần cắt giảm một số dịch vụ công quá đắt đỏ, có cần thiết lập các dịch vụ công mới và nếu có kinh phí hoạt động như thế nào…

Về chủ đề tổ chức nhà nước và các dịch vụ công, Tổng thống Pháp khẳng định đây là các lĩnh vực trọng yếu của đất nước, người dân sẽ được tham gia ý kiến về việc tổ chức bộ máy nhà nước, hoạt động của các dịch vụ công nhằm cải thiện hiệu quả, đồng thời trao nhiều quyền quyết định hơn cho người dân...

 Đối với chủ đề về chuyển tiếp sinh thái, Tổng thống Pháp cho rằng đây là vấn đề quan trọng cho tương lai của đất nước và không ai có thể phủ nhận tính cấp thiết phải hành động vì các mục tiêu về môi trường. Để thực hiện thành công quá trình chuyển tiếp sinh thái, nước Pháp sẽ phải đầu tư mạnh tay hơn, đồng thời sẽ đồng hành cùng người dân trong suốt quá trình này.

 Đối với chủ đề về nền dân chủ và quyền công dân, Tổng thống Pháp nêu ra các vấn đề để người dân có thể tham gia nhiều hơn vào việc quyết định tương lai của đất nước, chẳng hạn nên hay không nên công nhận việc bỏ phiếu trắng, có nên quy định việc bỏ phiếu là bắt buộc, có cần tăng thêm các cuộc trưng cầu dân ý hay vai trò của các công dân, không phải là đại biểu dân cử, trong các quyết định của đất nước… Bên cạnh đó, người dân Pháp cũng sẽ được lấy ý kiến về việc tiếp nhận người di cư và vấn đề tách biệt tôn giáo trong đời sống chính trị, xã hội. 

Bức thư của ông Macron gửi tới người dân Pháp là một động thái được trông đợi trong bối cảnh cuộc khủng hoảng xã hội tại Pháp chưa có dấu hiệu được giải quyết. Tuy nhiên, trong bức thư này, Tổng thống Pháp cũng gửi đi một số thông điệp cứng rắn, đó là Tổng thống và chính phủ không chấp nhận tình trạng bạo lực hiện nay (ám chỉ những hoạt động đập phá, tấn công cảnh sát bên lề các cuộc biểu tình “Áo vàng”) hay việc Tổng thống sẽ tiếp tục đường lối cải cách và thực hiện các cam kết trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017.

Huỳnh Điệp/VOV-Paris
Bình luận
vtcnews.vn