Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến nơi nhiễm độc dioxin nặng nhất Việt Nam

Thế giớiThứ Tư, 17/10/2018 15:15:00 +07:00

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến sân bay Biên Hòa, tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, cụ thể là vấn đề chất độc da cam/dioxin.

 Sáng 17/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến sân bay Biên Hòa. Lịch trình trước đó cho biết ông sẽ thăm khu xử lý chất độc da cam/dioxin ở sân bay này. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sắp bắt đầu dự án khắc phục hậu quả chiến tranh tại đây, nơi từng là Căn cứ Không quân Biên Hòa trong thời chiến.

"Việc này sẽ mất vài năm, tôi muốn được nhìn thấy nó tận mắt để khi trở về và báo lại với Quốc hội, tôi có thể kể cho họ ấn tượng của riêng mình về nơi đó", ông Mattis nói trước khi đến Việt Nam.

Tiếp bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại sân bay là Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Bùi Anh Chung.

james-mattis-4

 Phó tư lệnh Bùi Anh Chung giới thiệu tình hình tại sân bay Biên Hòa cho Bộ trưởng Mattis. (Ảnh: Liêu Lãm)

Phát biểu tại sân bay, quan chức USAID cho biết quá trình tẩy chất độc hóa học ở sân bay Đà Nẵng sẽ hoàn tất vào ngày 7/11. Quá trình tẩy độc ở Đà Nẵng kéo dài 5 năm với số tiền 110 triệu USD. 

Công tác này ở sân bay Biên Hòa dự kiến sẽ lâu hơn do khó đo lường hậu quả hơn. Theo quan chức của USAID, mức nhiễm độc ở sân bay Biên Hòa cao gấp 4 lần Đà Nẵng. Hiện người ta phải đào mương quanh khu vực này để thu hết nước mưa, không để lan ra ngoài.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng cho biết sân bay Biên Hòa là nơi nhiễm độc nặng nhất tại Việt Nam, tại khu vực sân bay có khoảng 500.000 m3 đất nhiễm dioxin. 

Năm 2010, chính phủ giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Bộ Tư lệnh cùng các cơ quan chức năng đã đào xúc, chôn lấp cô lập ít nhất 160.000 m3 đất tại đây. Năm 2012, từ nguồn tài trợ của USAID và Quỹ môi trường toàn cầu, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam đã triển khai dự án Cô lập chống lan tỏa bằng cách xây dựng hồ điều hóa (hồ lắng dioxin), đào đắp mương thu gom dòng chảy nước bề mặt, cô lập diện tích hơn 5 ha, với khối lượng ô nhiễm ước tính hơn 70.000 m3.

Ngày 11/5, USAID và Quân chủng Phòng không - Không quân đã ký thỏa thuận cho dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa. Chi phí dự kiến cho dự án là 390 triệu USD, thời gian xử lý dự kiến là 10 năm.

james-mattis-vietnam-5

 Bộ trưởng Mattis nói rằng ông đến Biên Hòa để nhìn thấy tận mắt tình trạng ở đây và báo cáo lại với quốc hội Mỹ. (Ảnh: Liêu Lãm)

Trước đó, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng với việc thăm sân bay Biên Hòa, Bộ trưởng Mattis nhìn nhận tầm quan trọng của việc khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, cụ thể là vấn đề chất độc da cam. 

"Chúng tôi đã hứa sẽ giúp đỡ, một lời hứa, tôi nghĩ, từ 4 năm trước. Vì thế, đây là nước Mỹ đang giữ lời hứa của họ, sửa đổi một vài sai lầm trong quá khứ", Bộ trưởng Mattis cũng thừa nhận.

Ông Thayer nhận định việc Bộ trưởng Mattis đến Việt Nam lần thứ hai trong năm cho thấy Washington xem Hà Nội là một đối tác chiến lược quan trọng. 

Theo vị chuyên gia, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đánh giá cao quan hệ cá nhân giữa ông và Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Trong chuyến thăm lần này, ông Mattis có thể sẽ tìm hiểu ý kiến của người đồng cấp Việt Nam về các hoạt động hợp tác quốc phòng trong tương lai. 

"Khi sang thăm Việt Nam hồi tháng 1, Bộ trưởng Mattis nói rằng ông đến để lắng nghe. Trong chuyến thăm TP.HCM lần này, ông Mattis có thể sẽ đề xuất các bước tăng cường hợp tác quốc phòng, gồm việc ủng hộ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, nâng cao năng lực nhận thức về lãnh thổ hàng hải của Việt Nam và tăng cường các chuyến tàu hải quân đến thăm cảng Việt Nam", giáo sư Thayer nói. 

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn