Báo Mỹ: Các lệnh trừng phạt đang ‘gắn kết’ các đối thủ truyền thống của Mỹ

Thế giớiThứ Sáu, 13/12/2019 15:28:00 +07:00

Để không tự cô lập, Mỹ nên duy trì quan hệ tốt đẹp với cả 2 nước, khi đó Matxcơva và Bắc Kinh sẽ ngừng hợp tác tích cực và tự hạn chế ảnh hưởng của nhau.

Tuần trước đánh dấu một cột mốc mới trong nỗ lực kiểm soát lãnh thổ Á-Âu của Nga - Hill viết. Với việc mở đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia”, Nga tiến thêm một bước để đưa Trung Quốc vào tầm ảnh hưởng chiến lược của Matxcơva.

Sức mạnh Siberia” được thiết kể để vận chuyển 10 nghìn gallon (38 tỷ m3) khí đốt tự nhiên hóa lỏng mỗi năm trong vòng 30 năm, từ các mỏ khai thác của Nga tới người tiêu dùng Trung Quốc, tương đương với khoảng cách 1.865 dặm. Khối lượng này chiếm khoảng một phần sáu lượng khí đốt tự nhiên được tiêu thụ ở Trung Quốc vào năm 2018.

Gazprom lên kế hoạch khởi động với việc cung cấp 10 triệu m3 mỗi ngày và đạt công suất cao nhất vào năm 2025. Trong tương lai, thậm chí khí đốt của Nga còn có thể được vận chuyển nhiều hơn qua Mông Cổ.

“Sức mạnh Siberia” là kết quả của một hợp đồng trị giá 400 tỷ USD được ký kết chỉ vài ngày sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến tình hình Ukraine - tờ báo Mỹ lưu ý. Trước đó, Bắc Kinh và Matxcơva đã đàm phán để xây dựng 2 đường ống dẫn khí đốt trong nhiều năm, nhưng không thể đi đến thống nhất về vấn đề giá cả.

11

 Các lệnh trừng phạt đang ‘gắn kết’ các đối thủ truyền thống của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Khi các lệnh trừng phạt được đưa ra, vấn đề giá cả cho đường ống dẫn khí đầu tiên đã được giải quyết. Sức ép về kinh tế từ phía Mỹ đã mang lại hiệu quả ngược lại và trở thành động lực cho sự hợp tác của Nga và Trung Quốc - tác giả của bài viết nhấn mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức lễ thông dòng đường ống thông qua hội nghị truyền hình chung. Ông Putin cho biết, đường ống dẫn khí sẽ giúp nâng thương mại song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2024, tăng gấp đôi mức hiện tại là 100 tỷ USD. Ngược lại, nhập khẩu hàng hóa Mỹ vào Trung Quốc năm 2019 giảm 26,4% và xuất khẩu sang Mỹ cũng giảm 10,7%.

Tăng trưởng thương mại cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, phát triển kể từ khi Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt - ấn phẩm giải thích. Vào tháng 6, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng, ông Putin và ông Tập Cận Bình đã gặp nhau tổng cộng 28 lần kể từ năm 2013, và cuộc gặp gần đây nhất diễn ra “khi trật tự thế giới bị đặt câu hỏi do các hành động đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, còn nền kinh tế thế giới bị suy yếu do tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc – 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới”.

Ông Tập tỏ rõ nhiệt tình về mối quan hệ thân thiết của ông với ông Putin và còn gọi Tổng thống Nga là người bạn tốt nhất và thân thiết nhất của ông: “Sự tương tác của tôi với Tổng thống Putin dựa trên mức độ tin tưởng lẫn nhau cao. Đây là nền tảng vững chắc cho tình bạn thân thiết giữa chúng tôi”.

Bằng cách đưa ra các mức thuế và các biện pháp trừng phạt khác đối với Nga và Trung Quốc, Mỹ đang tạo ra một khoảng trống giúp lan rộng ảnh hưởng của Nga - Hill nhận định. Cựu Đại sứ Mỹ Chas Freeman viết: “Chủ nghĩa dân tộc tự ái không phải là liều thuốc giải độc hiệu quả đối với sự từ chối và không tán thành của nước ngoài”. Tác động đối với Nga và Trung Quốc là phản tác dụng từ quan điểm chiến lược của Mỹ - tác giả bài báo nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch cho biết: “Mặc dù ưu thế tài chính của Mỹ khiến các biện pháp trừng phạt trở thành một công cụ dễ dàng và khá hiệu quả, nhưng tôi thực sự lo ngại về hậu quả của việc lạm dụng chúng, đặc biệt là khi không có chiến lược rộng lớn hơn. Các biện pháp trừng phạt bổ sung không khiến chúng ta cứng rắn hơn trong mối quan hệ với Nga”. Ngoài ra, ông Risch cũng cảnh báo rằng, “các biện pháp trừng phạt chung chung, nếu chúng không có liên hệ với các mục tiêu cụ thể, có thể phản tác dụng”.

Về Trung Quốc, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng cho rằng: “Chính sách coi Trung Quốc là kẻ thù, chủ yếu vì nền kinh tế đang phát triển và hệ tư tưởng, cuối cùng sẽ dẫn đến sự cô lập của Mỹ”.

Bị hạn chế giao thương với Mỹ, Bắc Kinh chuyển hướng sang Nga, nơi chỉ chờ đợi có thế - Hill viết. Một sự cân bằng 3 bên trong mối quan hệ hữu nghị với Nga và Trung Quốc theo tinh thần Nixon có thể làm tăng ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á, đồng thời lợi dụng cả hai nước này để hạn chế sự phát triển ảnh hưởng của họ - tác giả tin tưởng.

Nga và Trung Quốc trong lịch sử luôn là các đối thủ cạnh tranh, và Matxcơva từ lâu vốn đã cảnh giác với sự phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc tại Siberia. Trung Quốc cũng nhận thức được kho vũ khí hạt nhân của Nga tại vùng biên giới. Nếu Mỹ mở cửa để cải thiện quan hệ với các quốc gia này, thay vì tăng tốc độ chuyển đổi sang tự cung tự cấp, thì điều đó sẽ loại bỏ nhu cầu hợp tác giữa hai đối thủ này, - Hill kết luận.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn