Bạo động ở Pháp: Chuyên gia Việt chỉ ra điều khủng khiếp đón đợi châu Âu

Thế giớiThứ Ba, 11/12/2018 12:49:00 +07:00

Làn sóng bạo động “Áo khoác vàng” bùng nổ phản ánh sự mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội nước Pháp, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo đến toàn châu Âu, nơi nhiều quốc gia cũng đang mắc “trọng bệnh” giống Pháp.

Bài phân tích của PGS. TS Đinh Công Tuấn, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu châu Âu.

Biểu tình khó dừng lại

Ngày 8/12 đánh dấu tuần thứ tư liên tiếp những người mặc áo gi-lê màu vàng xuống đường biểu tình ở Pháp. Từ một phong trào đơn lẻ, khởi xướng bởi một nhóm người ở thị trấn nhỏ, sau gần 1 tháng đã bùng phát thành làn sóng bạo động, đẩy nước Pháp vào tình trạng bất ổn nhất sau 5 thập niên.

47681799_275052413188362_2280785010367660032_n

 

Theo quan điểm của tôi, cuộc biểu tình này sẽ chưa dừng lại, chưa kết thúc được bằng đàm phán và đối thoại.

PGS. TS Đinh Công Tuấn

Cuộc biểu tình này đầu tiên là một việc hết sức bình thường, là cuộc đấu tranh để phản đối tăng giá nhiên liệu, giá xăng dầu, trước hết ở những người “áo vàng”, thường là những người lái taxi, vận chuyển, vận tải, và nó chỉ nổ ra ở một thị trấn nhỏ, sau đó qua các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là báo mạng, nó đã lan rộng ra khắp đất nước.

Ở Paris, cuộc biểu tình diễn ra từ ôn hòa, dần dẫn đến bạo động, đập phá, gây mất trận tự cả về an ninh đường phố cũng như đời sống chính trị của đất nước.

Những cái đặc biệt của cuộc biểu tình là nó diễn ra trong một không gian rộng, không phải chỉ có ở thủ đô. Thứ hai là số lượng người tham gia từ ban đầu là khoảng mấy chục người cho đến nay là lên đến mấy trăm nghìn người. Thành phần tham gia đầu tiên chỉ là những người lái xe taxi, những người làm nghề vận tải, rồi đến một số nông dân chở hàng hóa lên thành phố, sau đó lan rộng sang các tầng lớp dân cư khác trong xã hội như học sinh, sinh viên, những viên chức, công chức và thậm chí cả giai cấp công nhân.

paris-sau-bieu-tinh-10-9-0803353 6

Bức tượng Marianne - biểu tượng của nước Cộng hòa Pháp, bị phá hoại bên trong Khải Hoàn Môn. (Ảnh: Etienne Laurent / EPA) 

Về thời gian, cho đến nay cuộc biểu tình đã diễn ra 4 tuần nhưng chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nó sẽ còn tiếp diễn và quy mô của nó không chỉ là những cuộc biểu tình mà trở thành những cuộc bạo động và mang tính chất như cách mạng xã hội.

Trước tình hình này, chính phủ Pháp đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết, từ gặp gỡ người biểu tình, gặp gỡ các đảng phái chính trị và tiến hành các cuộc họp, thủ tướng lên tiếng tuyên bố các biện pháp có tính chất nhượng bộ như dừng hẳn tăng thuế nhiên liệu, chấp nhận đề cập một số điều kiện động đến an sinh xã hội của người lao động như lương hưu, vấn đề giảm tuổi nghỉ hưu, v.v.

Ngoài ra, nhà nước tăng cường triển khai lực lượng cảnh sát, trang bị vũ khí để chống lại bạo động. Lượng cảnh sát ở Paris tuần đầu chỉ có khoảng 3000 người, tuần sau lên đến 6000 người, tuần thứ 3 lên đến 8000 người và cho đến tuần gần đây nhất là khoảng 80-90.000 cảnh sát. Các xe bọc thép được huy động.

Như vậy bên cạnh hình thức chấp nhận đàm phán rồi thảo luận bàn bạc cách giải quyết thì chính phủ Pháp còn một số biện pháp cứng rắn chống lại những kẻ quá khích. Cho đến hiện nay đã có hàng nghìn người bị bắt và cuộc biểu tình cũng đã gây chết người.

Theo quan điểm của tôi, cuộc biểu tình này sẽ chưa dừng lại, chưa kết thúc được bằng đàm phán và đối thoại.

Mâu thuẫn sâu sắc

3000_2 3

 Những người biểu tình quá khích đốt lửa và đạn khói trước Khải Hoàn Môn, Paris. (Ảnh:Reuters)

Xã hội Pháp bây giờ có hai bộ mặt. Nhìn bên ngoài rất thịnh vượng nhiều tầng lớp giàu có. Người ta thống kê 1% những người giàu có chiếm đến 20% tài sản của đất nước Pháp. Hoặc 20% người giàu có có tài sản gấp 5 lần 20% những người nghèo. Nó tạo ra một sự phân hóa, phân cực trong xã hội, giữa người giàu và người nghèo, giữa thành thị và nông thôn, giữa những người nông dân và những người giàu có ở thành phố. Đặc biệt là những tầng lớp nhập cư.

Sự phân hóa không những nằm ở phân tầng xã hội mà còn có những mâu thuẫn cả về vấn đề sắc tộc, tôn giáo và văn hóa. Giữa văn hóa bản địa và văn hóa ngoại lai. Các cuộc biểu tình lần này là lớn nhất trong vòng 50 năm qua, từ 1968, nó phản ánh sự mâu thuẫn giữa người dân và những người lãnh đạo đất nước.

Xã hội Pháp bây giờ bộc lộ mâu thuẫn sâu sắc về mặt xã hội. Một sự mâu thuẫn chồng chất kéo dài trong nhiều năm, nhiều đời lãnh đạo và “chính sách tăng thuế nhiên liệu” của Chính phủ chính là giọt nước làm tràn ly.

Tổng thống Pháp thực hiện cải cách khi lên cầm quyền từ tháng 5/2017. Ông vốn xuất thân từ một người công chức bình dân, tuổi còn trẻ và thắng cử được là do dựa vào mọi giai tầng trong xã hội ủng hộ. Nhưng khi lên cầm quyền thì những lời hứa của ông không thực hiện được, ông còn có những phát ngôn ngạo mạn, gây bức xúc.

Một ví dụ là sau khi Tổng thống Pháp lên nắm quyền, ông tuyên bố ngay giảm thuế cho người giàu. Theo thống kê năm 2017, số tiền ngân sách nhà nước Pháp bị mất do giảm thuế cho người giàu là khoảng 32-36 tỷ euro.

Người dân gọi ông là tổng thống của người giàu. Ông cũng có những phát ngôn không “khéo”, tạo ra hiểu lầm hoặc sự đánh giá là ông không phải tổng thống của người dân, không giống như khi ông phát biểu tranh cử.

Đối với những người biểu tình, ông Macron cũng có những tuyên bố có tính chất thách thức, khiêu khích, trong tuần biểu tình thứ hai ông vẫn nói chính phủ sẽ không nhượng bộ và sẽ có biện pháp mạnh mẽ trấn áp các cuộc biểu tình.

Đường lối cải cách của Tổng thống Macron đưa ra nhưng chưa đạt được theo đúng nguyện vọng của người dân, tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất cao, khoảng gần 10%. Số lượng dân nhập cư vẫn rất lớn, ảnh hưởng đến hệ thống an sinh xã hội và đất nước.

Cuộc biểu tình trong tuần thứ 3 vẫn chủ yếu phản đối chính sách tăng thuế của chính phủ, nhưng đến cuộc biểu tình tuần thứ tư, làn sóng phản đối đã nhằm thẳng vào những bất mãn đối với Tổng thống Macron.

Nhìn chung, tôi cho rằng đường lối của chính phủ Pháp không rõ ràng, không được lòng dân, không giải quyết được những mâu thuẫn trong xã hội.

Kịch bản xấu nhất

bieu-tinh-phap-8-12-brussel-9-12063410 4

 Phong trào "Áo vàng" có thể biến thành cuộc cách mạng xã hội và khả năng cầm quyền của ông Macron sẽ rất khó khăn. (Ảnh: EPA)

Nếu như chính quyền Tổng thống Macron không đưa ra được những giải pháp căn cơ, không tìm ra những người lãnh đạo chính, phong trào này ai đứng đằng sau giật dây để giải quyết tận gốc vấn đề, không biết lắng nghe ý kiến của người dân mà phản ứng thái quá thì tôi cho rằng nó sẽ biến thành cuộc cách mạng xã hội và khả năng cầm quyền của ông Macron sẽ rất khó khăn.

Qua trưng cầu dân ý, 94% những người được hỏi ý kiến ủng hộ cuộc biểu tình còn uy tín của tổng thống bây giờ chỉ còn 18%, rất thấp.

Nước Pháp là quê hương của các phong trào cách mạng dân chủ, người dân có ý thức giác ngộ rất lớn, rất biết được vấn đề cần bỏ phiếu cho ai, tiến hành các cuộc cách mạng xã hội như thế nào. Cho nên, nếu chính phủ không đưa ra những giải pháp đúng đắn kịp thời, lắng nghe ý kiến của người dân, bên cạnh trấn áp những tội phạm lợi dụng sự việc này và người dân làm mất trật tự trị an xã hội và phân loại rõ ràng những người biểu tình thì tôi cho rằng nguy cơ chính phủ bị lật đổ là rất lớn, bản thân ông Macron cũng có khả năng khó tồn tại trong vai trò tổng thống.

Một vấn đề lớn hơn là từ nước Pháp, vấn đề sẽ lan sang các nước khác.

Liên minh Châu âu 10 năm qua, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công năm 2009, đến nay, liên tục gặp phải những cuộc khủng hoảng sâu sắc: khủng hoảng nợ công, khủng hoảng người nhập cư, khủng bố, khủng hoảng di dân và trong các cuộc bầu cử vừa qua là chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan lên ngôi.

Hiện nay, ngay trong liên minh châu Âu, các đảng dân túy dân tộc một số nước đã nắm chính quyền như Italy, Áo, Hungary. Nếu như Đức và Pháp cũng để đảng dân túy giành được chính quyền thì con thuyền liên minh châu Âu khó mà tồn tại, đặc biệt là hai đầu tàu Pháp và Đức.

Cuộc biểu tình bây giờ lan sang đến Bỉ và Hà Lan vì nó đánh vào đúng tâm lý con người, đòi dân sinh dân chủ, đề cao vị trí, vai trò của dân tộc.

Chủ nghĩa dân túy bùng phát toàn châu Âu

bieu-tinh-phap-8-12-2-1206328 5

Những biến động hiện nay ở Pháp trở thành điềm xấu và ý nghĩa của nó vượt xa khỏi biên giới một quốc gia. (Ảnh: Reuters)

Đó là vấn đề giữa lãnh đạo và nhân dân, đem lại cải cách an sinh xã hội cho người dân. Đó là vấn đề giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội, mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn, mâu thuẫn giữa cải cách và đem lại lợi ích gì cho người dân.

Sau khủng hoảng nợ công châu Âu, tất cả các nước đều phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, chính sách khắc khổ mà chính sách khắc khổ nghĩa là giảm chất lượng đời sống an sinh xã hội của người dân.

Kinh tế châu Âu vừa mới khởi sắc năm 2018 còn trước đó người dân đã chịu đựng 10 năm, suốt thời gian tăng trưởng hầu như là 0-1%, thất nghiệp khoảng 10%, riêng hai nước Tây Ban Nha và Hy Lạp là 25%, Pháp đứng thứ 2 khoảng 12%. Với thời gian người dân chịu đựng như vậy, trong khi vừa cải cách là chính phủ tăng thuế luôn, không thăm dò phản ứng của người dân. Cuộc biểu tình quy mô lớn là hậu quả tất yếu của Chính phủ Pháp.

Các khẩu hiệu chính trị là dân túy, từ khẩu hiệu giảm thuế, ông Macron từ chức, bầu cử lại quốc hội, về mặt chính trị là đảng dân túy giật giây, muốn lật đổ đảng cầm quyền.

Như Đức vừa rồi trải qua cuộc bầu cử đảng dân túy rất ghê gớm và đảng cầm quyền cũng bị mất uy tín sau lần chia lại hạn ngạch cho người nhập cư. Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Angela Merkel và đảng của bà sụt giảm nghiêm trọng, dẫn tới việc bà tuyên bố từ chức chủ tịch đảng và không tham gia tranh cử khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc.

Các nước liên minh châu Âu phải cùng với nước Pháp, giải quyết vấn đề này. Thậm chí phải nhượng bộ người biểu tình, nếu cứ để đảng dân túy kích động thì vấn đề sẽ trở nên không thể kiểm soát.

Liên minh châu Âu phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng liên miên, chồng chất: nợ công, khủng bố, Brexit, Hiệp ước Schengen về tự do đi lại giữa một số nước châu Âu căng thẳng, phân chia hạn ngạch cho người nhập cư, bây giờ là “Áo vàng Pháp”.

 Bản chất cuộc biểu tình “Áo vàng” ở Pháp là tự phát, phản ánh sự suy giảm của các tổ chức truyền thống, đặc biệt là công đoàn ở Pháp và phần lớn  xã hội của châu Âu.

Các lực lượng cực đoan trên khắp các nước châu Âu đang hân hoan trước tình cảnh của ông Macron. Điều họ muốn là sự thay đổi chính trị ở châu Âu trong cuộc bầu cử nghị viện EU vào tháng 5 tới. Những biến động hiện nay ở Pháp trở thành điềm xấu và ý nghĩa của nó vượt xa khỏi biên giới một quốc gia.

Nếu chính quyền của ông Macron yếu đi, sẽ tạo cơ hội cho những người mang tư tưởng cực đoan trên khắp châu lục, coi đó là chiến thắng của chủ nghĩa dân túy.

>>> Đọc thêm: Ảnh: Cùng với Pháp, biểu tình ‘Áo vàng’ nổ ra ở Bỉ và Hà Lan

PGS. TS Đinh Công Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn