Ấn Độ 'điêu đứng' bởi siêu bão 185 km/h, mạnh nhất 2 thập kỷ

Thế giớiThứ Sáu, 03/05/2019 17:37:00 +07:00

Trường học toàn bang Odisha đóng cửa, bác sĩ, cán bộ y tế không được nghỉ phép trong hai tuần tới, quân đội sẵn sàng hỗ trợ ứng cứu người dân trước bão Fani.

Bão nhiệt đới Fani, cơn bão mạnh nhất tấn công Ấn Độ trong hai thập kỷ qua, đã đổ bộ vào bờ biển phía Đông bang Odisha, nơi các quan chức vẫn đang cố gắng sơ tán khoảng một triệu người có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi siêu bão.

fani-ando-10

 (Ảnh: AP)

Theo báo cáo của các quan chức khí tượng Ấn Độ, cơn bão "cực kỳ dữ dội" mang theo sức gió lên tới 185 km/h đổ vào thành phố nhỏ Puri nằm bên bờ biển phía Đông bang Odisha, nơi có khoảng 200.000 người sinh sống, vào khoảng 8h sáng 3/5.

Bão đã giảm cấp độ khi di chuyển vào khu vực bờ biển và dự kiến sẽ suy yếu hơn khi hướng về phía Bắc, qua bang Tây Bengal và tấn công Bangladesh vào ngày 5/5. Nhưng Fani vẫn có thể là thảm họa đối với người dân ở khu vực thấp, mật độ dân cư cao sống dọc theo Vịnh Bengal. Đây là một trong những khu vực dễ chịu thiệt hại nhất bởi lũ lụt trên thế giới.

Mưa to, gió mạnh dọc bờ biển phía đông Ấn Độ vào đêm ngày 2/5 khi chính quyền địa phương đang nỗ lực để di chuyển ít nhất 1,1 triệu người, trong đó có hơn 1.000 phụ nữ mang thai, ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, theo The Guardian. Video từ các kênh liên lạc của chính phủ từ Bhubaneswar, thủ phủ bang Odisha, vào sáng 3/5 cho thấy những cây cọ lớn cũng bị nghiêng rạp trong gió do bão tấn công.

Video: Siêu bão Fani tấn công Ấn Độ

Bimal Pandia, một nhân viên của tổ chức từ thiện Oxfam chuyên cứu trợ thảm họa, có trụ sở tại Bhubaneswar, cho biết: "Không có ai trên đường và không thể có. Hiện tại cơn bão khá mạnh; sức gió khoảng 120km đến 150km/h. Nhiều cây cối bên ngoài ngôi nhà của chúng tôi đã bị bật gốc nhưng vì chúng tôi không thể mạo hiểm ra ngoài giữa gió bão nên rất khó để nói về thiệt hại."

Văn phòng khí tượng Kolkata, Ấn Độ, cảnh báo cơn bão có thể phá hủy hoàn toàn nhiều ngôi nhà, gây ra lũ lụt trên đường và bốc tung những mảnh vỡ của đồ đạc, gạch đã lớn bay lên không trung.

fani-ando-8

 Đường đi dự kiến của siêu bão. (Ảnh: CNN)

Tất cả các chuyến bay ra khỏi Bhubaneswar đã bị hủy vào 3/5 và sân bay Kolkata sẽ ngừng hoạt động từ 9h30 tối 3/5 đến 6h tối 5/5. Khách du lịch đã được sơ tán trên ba chuyến tàu đặc biệt vào ngày 2/5 nhưng gần 150 tuyến đường sắt khác đã bị tạm dừng hoạt động.

Hàng trăm nhân viên quản lý thảm họa đã được triển khai trên toàn tiểu bang. Các trường học đã được đóng cửa trong khi bác sĩ và các cán bộ y tế sẽ không được nghỉ phép trong hai tuần tới. Quân đội, hải quân và không quân Ấn Độ cũng đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao sẵn sàng hỗ trợ ứng cứu người dân.

Gần 5.000 nơi trú ẩn đã được thiết lập ở Odisha cho người di tản. Cảnh sát ở bang này đăng tải hình ảnh trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy các sĩ quan cố gắng thuyết phục những người chần chừ nhanh chóng di chuyển đến khu vực an toàn hơn.

fani-ando-5 3

 Người dân tập trung tại nơi trú ẩn. (Ảnh: NDTV)

Fani, theo tiếng Bengal có nghĩa là phần đầu một con rắn. 15 trong số 20 cơn bão nguy hiểm nhất đã hình thành ở Vịnh Bengal, nơi nhà cửa chất lượng thấp, dân dân cư dày đặc dẫn đến thường có tỉ lệ người thương vong cao mỗi khi có lũ quét hay lốc xoáy mặc dù chính phủ Ấn Độ và Bangladesh đã có cải thiện đáng kể trong việc phản ứng trước các thảm họa như sơ tán, hỗ trợ người dân thiết lập nơi trú ẩn an toàn...

Lốc xoáy Great Bhola từng tấn công Bangladesh năm 1970 đã giết chết hơn nửa triệu người.

Trong khi, một cơn bão mạnh đổ bộ vào bang Odisha nghèo khó của Ấn Độ năm 1999 làm hơn 10.000 người thiệt mạng.

Video: Bão Fani đổ bộ Ấn Độ

fani-ando-2 4

Cơn bão mang theo sức gió đến 185 km/h. (Ảnh: NDTV)

fani-ando-3 4

Khoảng 1 triệu người phải sơ tán. (Ảnh: NDTV)

fani-ando-6 6

Chưa có thông tin cụ thể về thiệt hại do siêu bão gây ra. (Ảnh: NDTV)

fani-ando-4 6

(Ảnh: NDTV)

fani-ando-9 6

(Ảnh: AP)

fani-ando-7 6

Lực lượng chức năng loại bỏ một thân cây đổ bên đường. (Ảnh: NDTV)

fani-ando-11 6

(Ảnh: AP)

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn