Ai sẽ lãnh đạo nước Nga sau năm 2024?

Thế giớiThứ Năm, 05/12/2019 15:04:00 +07:00

Người kế nhiệm ông Putin có thể đến từ các cơ quan tình báo hoặc quân sự, và tất nhiên là một người có kinh nghiệm trong hành chính công.

Phó giám đốc Trung tâm Levada Denis Volkov và giám đốc chương trình “Chính sách đối nội và tổ chức chính trị của Nga” của Trung tâm Carnegie Matxcơva Andrei Kolesnikov, mới đây cho công bố trên trang web của Trung tâm Carnegie Matxcơva một nghiên cứu lớn và thú vị mang tên “Người kế nghiệp Putin: Ai sẽ lãnh đạo nước Nga sau năm 2024?”.

Công trình nghiên cứu tập trung vào làm rõ tình hình chính trị tại Nga và những dự báo về giờ “X” – thời điểm kết thúc nhiệm kỳ hợp hiến cuối cùng của ông Putin trong vai trò là Tổng thống Nga. Sau đây là những nội dung thú vị nhất trong bài nghiên cứu:

Tại sao bạn lại nghĩ rằng năm 2024 là một năm đặc biệt và mọi thứ sẽ thay đổi? Tôi không thấy có lý do gì để như thế” - một trong những người được hỏi am hiểu về tiến trình chính trị Nga nói với nhóm nghiên cứu.

Ý của người này là, một hệ thống đã phát triển trong suốt 20 năm với cùng một nhà lãnh đạo khó có thể thay đổi, dù cho có còn nhà lãnh đạo đó hay không. Ý kiến tương tự cũng được chia sẻ bởi nhiều người đối thoại khác. Để rồi từ đó nhóm nghiên cứu đã hiểu ra cách mà giới tinh hoa – các nhà quản lý, chính trị và doanh nghiệp – sẽ tồn tại trong khoảng thời gian chuyển giao khi mà nhiệm kỳ Tổng thống của ông Vladimir Putin sắp kết thúc.

12

Ông Putin liệu có tìm ra được nhân vật giống như chính ông trong mắt cựu Tổng thống Boris Yeltsin trước năm 2024. (Ảnh: kremlin.ru)

Mùa thu năm 2018 và dịp xuân - hè năm 2019, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 2 loạt phỏng vấn chuyên gia với những người, ở mức độ này hay mức độ khác, thực hiện công tác đào tạo cho giới tinh hoa công nghệ (bao gồm các khóa học, bài giảng, chương trình huấn luyện, tư vấn cho những người ra quyết định), nghiên cứu giới tinh hoa này, cũng như theo dõi tiến trình này từ góc độ kinh doanh.

Tất cả những người được hỏi, bằng cách này hay cách kia, đều tham gia vào quá trình chuyển đổi đất nước từ chu kỳ chính trị năm 2018-2024 sang giai đoạn sau cuộc bầu cử Tổng thống: một số tham gia trực tiếp, một số khác đóng vai trò là người ngoài cuộc và quan sát”.

Không ai trong số họ nuôi ảo tưởng về sự sẵn sàng của các quan chức nhà nước cấp cao nhất để dân chủ hóa hệ thống chính trị, tự do hóa nền kinh tế, và nói chung là để hiện đại hóa đất nước và xã hội. Nhưng cũng không ai vẽ ra những kịch bản "tận thế" của cuộc cách mạng hay sự sụp đổ của đất nước.

Những người thuộc giới tinh hoa không có khả năng ảnh hưởng đến tiến trình sự kiện đã sẵn sàng và tiếp tục thích nghi với những thay đổi trong hệ thống.

Liên quan tới kỹ thuật chuyển giao quyền lực, đối với ông Putin, tất nhiên, điều quan trọng là phải tìm ra được nhân vật giống như chính ông trong mắt cựu Tổng thống Boris Yeltsin trước năm 2024 - trong trường hợp nếu Tổng thống quyết định từ chức mà không muốn mất đi vị trí của "cha đẻ" - người đặt nền móng cho hệ thống.

Về nguyên tắc, điểm quan trọng trong đặc tính của hệ thống là mức độ tham gia cao của Nhà nước trong các quá trình kinh tế, chính trị. Nhiệm vụ của giới tinh hoa dân sự (nghĩa là những người tự do và thuần túy công nghệ, không mang màu sắc ý thức hệ) là duy trì hệ thống ở trạng thái ổn định."

Nhiệm vụ của giới tinh hoa cầm quyền là xác định: khuôn khổ tư tưởng – khuyến khích chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng và chính sách nước lớn, đối đầu với phương Tây, chủ nghĩa truyền thống, tâm lý một pháo đài bị bao vây, tự lập, bao gồm cả kinh tế (như thay thế nhập khẩu và can thiệp nhà nước sâu rộng vào nền kinh tế); đường lối chính sách đối nội và đối ngoại – chuyển hướng các dòng tài chính chính về phía mình, thương thảo các mối đe dọa được cho là đủ sức ngăn chặn.

Đây là mô hình, theo quan điểm của giới tinh hoa cầm quyền và tinh hoa ý thức hệ (chủ yếu từ  chính quyền Kremlin), cần phải được duy trì đến năm 2024.

Khi chính phủ Nga được định hình vào mùa xuân năm 2018, ông Dmitry Patrushev (con trai của ông Nikolai Patrushev – một trong những người thân cận của ông Putin) đã nhận được chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Trước đó, một loạt con trai của những nhân vật thân cận xung quanh ông Putin cũng được bổ nhiệm vào các vị trí cao trong ngân hàng nhà nước và các tập đoàn nhà nước (con trai của các ông Nikolai Patrushev, Sergey Ivanov, Sergey Kiriyenko, Dmitry Rogozin, Alexander Bortnikov, “gia tộc” Kovalchuk và Rotenberg).

Đây là một kiểu tự bộc lộ của tầng lớp chính trị cấp cao về cơ chế kế thừa tập thể: vào năm 2024, thế hệ con trai của các nhân vật thân cận với ông Putin sẽ thừa kế một phần đất nước.

Theo đó, giới thượng lưu rất quan tâm đến tính liên tục của quyền lực chính trị vì nó đảm bảo tính liên tục của quyền lực kinh tế. Chỉ trong trường hợp đó, mới có thể duy trì mô hình “quyền lực – tài sản” ngay cả sau năm 2024.

Ông Putin có thể trở thành người kế nhiệm của chính mình nếu không tìm được người thừa kế xứng đáng. Nếu quyết định rời đi, người kế nhiệm của ông Putin có thể là hệ thống do ông tạo ra và là “đứa con chính trị” của ông.

Trong cuộc bầu cử năm 2018, chức năng vai trò của Tổng thống và người lãnh đạo quốc gia (biểu tượng của đất nước) đã hợp nhất với nhau.

Vấn đề chính của cuộc bầu cử năm 2024 là liệu hệ thống có đủ ổn định để ông Putin chỉ giữ vai trò lãnh đạo quốc gia và biểu tượng của Nga hay không, hay ông sẽ vẫn phải giữ quyền Tổng thống để đảm bảo sự liên tục của chế độ?

Đáng lưu ý là, đến cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông Medvedev, mức tín nhiệm của ông này gần như ngang bằng với ông Putin, và để duy trì sức nặng của ông Putin thì vị trí Thủ tướng là chưa đủ. Hóa ra, vị trí Tổng thống Nga vẫn là rất quan trọng. Có lẽ đó là lý do tại sao, vào năm 2011, người ta đã đưa ông Putin trở lại vị trí này. Và hệ thống do đó cũng được bảo tồn.

Ngoài ra, trong dư luận, vấn đề năm 2024 không hề tồn tại.

Hơn một nửa dân số Nga ngày nay vẫn muốn, sau khi hết nhiệm kỳ Tổng thống hiện tại, ông Putin tiếp tục là Tổng thống của đất nước. Con số này gấp rưỡi so với năm 2012. Và mặc dù có hạ bớt sau cải cách lương hưu, nhưng số người sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Putin ngày hôm nay vẫn là nhiều hơn 8 năm trước (40% người Nga vào tháng 7/2019 so với 31% vào tháng 11/2011).

Điều này cũng được thể hiện bằng kết quả nghiên cứu của Trung tâm Levada vào cuối tháng 4/2019. Những người được hỏi tập trung vào 2 kịch bản chính: hoặc là Tổng thống không đi đâu hết và được tái đắc cử, hoặc là ông rời đi và bổ nhiệm người kế nhiệm. Có rất nhiều người ủng hộ kịch bản đầu tiên, trong đó có cả những người ủng hộ lẫn phản đối ông Putin.

Nhiều người được hỏi không biết về sự tồn tại của bất kỳ hạn chế hiến pháp nào đối với việc đề cử ông Putin vào nhiệm kỳ mới, hoặc, nhiều khả năng, không quan tâm đến điều đó. Việc Tổng thống đương nhiệm tham gia vào cuộc bầu cử tiếp theo được rất nhiều người nghĩ đến”.

Trong trường hợp ông Putin rời khỏi vị trí Tổng thống, kịch bản khả thi nhất, theo câu trả lời của những người được hỏi, là ông sẽ bổ nhiệm người kế vị.

Khi thảo luận về các ứng cử viên có thể cho các nhóm nghiên cứu nhận thấy cái tên Dmitry Medvedev được nhắc đến nhiều nhất. Mặc dù ông không phải là chính trị gia nổi tiếng nhất sau ông Putin, nhưng ông đã từng ngồi vào ghế Tổng thống và hiện giữ chức Thủ tướng. Do đó trong mắt mọi người, ông là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Tổng thống.

Ngay sau ông Medvedev là các chính trị gia có tỷ lệ tín nhiệm cao. Người được nêu tên nhiều hơn là Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, và người ít hơn một chút là Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Thị trưởng Matxcơva Sergei Sobyanin và đảng viên cộng sản Pavel Grudinin.

Nhiều người tin rằng, người kế nhiệm sẽ là nhân vật mà mọi người chưa biết hoặc chưa chú ý đến, bởi hiện giờ chưa có ai ở vị trí số một.

Những người được hỏi nhắc lại câu chuyện đã xảy ra: trước khi ông Putin, cũng như ông Medvedev được bổ nhiệm, không ai thực sự nghĩ rằng họ là người kế nhiệm. Do đó, lần này cũng có thể giống như vậy: một năm trước bầu cử, một người sẽ xuất hiện, và đó là một nhân vật hoàn toàn mới và không cảm giác nhàm chán.

Đó chắc chắn sẽ là một người có hình ảnh tốt, xứng đáng, người mà chắc chắn mọi người sẽ bỏ phiếu. Theo những người được hỏi, ứng viên có thể đến từ các cơ quan tình báo hoặc quân sự, và tất nhiên là một người có kinh nghiệm trong hành chính công – như thống đốc, lãnh đạo khu vực, hoặc cố vấn nhà nước.

Sự ủng hộ của ông Putin chắc chắn sẽ một điểm cộng cho người kế thừa.

Cả 2 kịch bản – “Putin ở lại” và “Putin rời đi nhưng chọn người kế nhiệm” – hiện nay đang được chấp nhận bởi phần đông dân chúng. Mọi người sẵn sàng chấp nhận bất cứ kịch bản nào trong 2 kịch bản đó. Điều đó có nghĩa là, khả năng cho bất cứ phương án nào vẫn còn mở.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn