Thế giới giảm tích trữ USD, đồng tiền Mỹ suy yếu?

Tư liệuThứ Hai, 02/05/2022 07:30:00 +07:00
(VTC News) -

Sự biến động thị trường tiền tệ trong xung đột Ukraine lại khiến thế giới đặt ra câu hỏi về tính bền vững của đồng tiền đang có vai trò “thống trị” - USD.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine khởi động ngày 24/2. Trong bối cảnh toàn cầu phục hồi sau đại dịch, áp lực lạm phát và giá nhiên liệu tăng cao, các lệnh trừng phạt với quy mô chưa từng có của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga không khỏi làm cho thị trường bối rối.

Theo báo cáo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố cuối tháng 3, tỷ lệ USD Mỹ trong dự trữ quốc tế đã giảm trong hai thập kỷ qua. Nguyên nhân được cho là do các ngân hàng trung ương tìm cách đa dạng hóa ngoại tệ dự trữ sang đồng tiền khác, trong đó nổi bật là nhân dân tệ của Trung Quốc.

Theo IMF, dự trữ đồng USD giảm đều khi ngân hàng trung ương các nước chủ yếu chuyển sang hai hướng thay thế: 1/4 chuyển sang nhân dân tệ và 3/4 đang tìm hiểu các loại tiền tệ phi truyền thống.

Thế giới giảm tích trữ USD, đồng tiền Mỹ suy yếu? - 1

Tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại hối nhà nước giảm dần trong 20 năm qua. (Đồ họa: Reuters)

Các lệnh trừng phạt đe dọa vị thế đồng USD?

300 tỷ USD dự trữ của ngân hàng Nga bị đóng băng do các lệnh trừng phạt. Nhiều biện pháp khác dựa vào việc ngăn khả năng tiếp cận với đồng USD, hứa hẹn gây ra các ảnh hưởng lớn hơn.

Trong hoàn cảnh đó, cộng với áp lực lạm phát ở Mỹ, đồng USD đứng trước lo ngại giảm vị thế.

Các quốc gia trước gánh nặng của lệnh trừng phạt phương Tây có thể tìm cách tránh giao dịch bằng đồng USD. Họ không tin tưởng khi Mỹ đã thể hiện sẵn sàng sử dụng vị thế của đồng USD như một “vũ khí” kinh tế.

Theo Phó Tổng giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), bà Gita Gopinath, điều này cũng có thể khiến hệ thống tiền tệ quốc tế “phân mảnh”, khuyến khích sự xuất hiện của các khối tiền tệ nhỏ do nhiều nhóm quốc gia khác nhau thúc đẩy.

Bà nói trên Financial Times: “Đồng USD vẫn là đồng tiền chính trên toàn cầu nhưng sự phân mảnh hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng tôi đã thấy điều đó khi một số quốc gia đàm phán lại đơn vị tiền tệ mà họ muốn được thanh toán cho các giao dịch”.

Theo bà, việc các quốc gia sử dụng nhiều loại tiền tệ khác nhau trong thương mại toàn cầu sẽ khiến tài sản dự trữ do các ngân hàng trung ương nắm giữ đa dạng hóa. Khi đó, tỷ trọng của đồng USD sẽ giảm.

Gopinath lưu ý rằng tỷ trọng dự trữ quốc tế của đồng USD đã giảm từ 70% xuống còn 60% trong hai thập kỷ qua, với sự xuất hiện của các loại tiền tệ khác trong giao dịch quốc tế.

USD vẫn là “nơi trú ẩn an toàn nhất”?

Không phải đợi đến khủng hoảng Ukraine, câu hỏi về vị thế của đồng USD mới được đặt ra.

Những năm 1971, sau thời gian dài hệ thống tiền tệ quốc tế Bretton Wood - quy định USD là đồng tiền duy nhất có khả năng đổi sang vàng - bị xem là không hiệu quả, cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã thông báo “tạm thời” dừng khả năng đổi USD sang vàng. Từ đó, các nhà phân tích đã cảnh báo về “buổi hoàng hôn” của đồng tiền Mỹ.

Tuy nhiên, trải qua những “thăng trầm”, đồng USD vẫn được nhiều chuyên gia tin rằng còn lâu mới kết thúc thời kỳ thống trị, vì tính phổ biến, vẫn là lựa chọn “trú ẩn” an toàn và có hệ thống tài chính vững chắc hỗ trợ.

Thế giới giảm tích trữ USD, đồng tiền Mỹ suy yếu? - 2

Khủng hoảng Ukraine diễn ra, vị thế USD suy yếu nhưng khó thay thế. (Ảnh minh họa)

USD hiện là đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất trong thị trường tài chính, thương mại và dự trữ của các ngân hàng trung ương. Theo số liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế, USD chiếm khoảng 88% giao dịch quốc tế toàn cầu trong năm 2019, và xu hướng này vẫn được duy trì ổn định trong suốt 20 năm qua.

Tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối dù giảm nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với euro – đồng tiền được dự trữ nhiều thứ hai, và đây là một xu hướng dài hạn. 

Ngoài ra, báo cáo của Cục dự trữ liên bang Mỹ hồi tháng 10/2021 cho biết khoảng 60% các khoản nợ và tài sản ngoại tệ quốc tế được tính bằng USD. Tỷ lệ này cũng khá ổn định kể từ năm 2000.

Về thương mại, khoảng 40% giao dịch hàng hóa toàn cầu được lập hóa đơn USD. Thương mại toàn cầu đạt mức cao kỷ lục 28,5 nghìn tỷ USD vào năm 2021, theo Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển.

Cũng có lo ngại cho rằng nhu cầu giữ USD đang giảm dần do công nghệ giúp thực hiện chuyển khoản trực tiếp giữa các đồng tiền nhỏ, vì thế không cần đồng bạc xanh làm “người gác cổng”.

Nhưng hầu hết các tài khoản thụ hưởng đa dạng hiện hay đều có mối liên hệ chặt chẽ với USD. Nói cách khác, việc chuyển đổi tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương và FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) làm cho đồng tiền này trở thành nút thắt trong một hệ thống rộng lớn. Bằng việc nắm giữ đồng tiền này, khách hàng luôn cảm thấy “sẵn sàng”, biết rằng nếu có nhu cầu khẩn cấp thì việc chuyển tiền của họ sẽ diễn ra suôn sẻ, và được đảm bảo.

Kathy Jones, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab bình luận: “Tôi nghĩ rằng khả năng thời đại USD kết thúc trong cuộc đời tôi là không cao. Khi chúng ta nhận thấy những lo ngại xung quanh các sự kiện có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, cho dù đó là kinh tế hay các sự kiện địa chính trị, thì đồng USD đều đã tăng giá chứ không giảm giá. Nó được xem như một nơi trú ẩn an toàn”.

Thế giới giảm tích trữ USD, đồng tiền Mỹ suy yếu? - 3

Chỉ số USD (DYI), thước đo giá trị của đồng USD so với các đồng tiền nước ngoài, từ tháng 2/2021 đến tháng 3/2022. (Nguồn: Capital.com)

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, thị trường Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì “sức khỏe” của đồng tiền này trên toàn cầu. Eswar Prasad, thành viên cấp cao tại Viện Brookings lập luận: “Việc đồng USD sụp đổ thực sự là khá khó xảy ra, bởi vì khi nói đồng USD sụp đổ, nghĩa là bạn sẽ phải có nơi khác để tìm đến. Trong khi nơi duy nhất thực sự an toàn để gửi nhiều tiền vẫn là Mỹ”.

Vì vậy, chuyên gia cho rằng, thực tế đồng USD là “không thể tránh” và sẽ vẫn thống trị trong giao dịch và mua bán.

Nhân dân tệ, tiền điện tử có thể “soán ngôi” USD?

Trong khủng hoảng Ukraine, khi các đồng tiền khác giảm giá, nhân dân tệ và USD tăng giá.

Một số ý kiến cho rằng đồng tiền Trung Quốc đang ngày càng có vai trò lớn hơn, có thể “soán ngôi” USD khi đồng tiền này suy yếu. Bà Gopinath nói, Bắc Kinh đang trong quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và đã đi trước các quốc gia khác trong việc áp dụng đồng tiền kỹ thuật số.

Thực tế, thị phần của USD đã chuyển bớt sang nhân dân tệ. Theo dữ liệu IMF, một phần tư sự sụt giảm tỷ trọng của đồng USD có thể được giải thích bằng việc nhân dân tệ của Trung Quốc được dùng nhiều hơn.

Dù vậy, chưa đến 3% dự trữ của các ngân hàng trung ương toàn cầu được tính bằng tiền của Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, theo Gopinath, việc trở thành đồng tiền “thống trị” đòi hỏi đồng tiền phải có “khả năng chuyển đổi dễ dàng, có thị trường vốn mở và các tổ chức có thể hỗ trợ đồng tiền này. Đó là quá trình diễn ra chậm chạp, cần thời gian”.

Trong khi đó đồng tiền Trung Quốc lại chưa đủ “linh động”. Megan Greene, nhà kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Kroll bình luận, sẽ rất khó cho Bắc Kinh nếu chỉ giao dịch bằng đồng tiền của họ. Và dù có tích thêm rúp của Nga, Trung Quốc cũng khó chuyển đổi những đồng tiền này ở nước ngoài.

Một đồng tiền khác được cho là có thể đe dọa vị thế của USD là tiền kỹ thuật số. Chuyên gia cho rằng chiến tranh sẽ thúc đẩy việc các tổ chức áp dụng các hệ thống tài chính kỹ thuật số, từ tiền điện tử đến stablecoin, và cả tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.

Chương trình tiền tệ kỹ thuật số của Bắc Kinh - có thể sớm cho phép các giao dịch xuyên biên giới diễn ra tương đối dễ dàng - thể hiện rõ tham vọng của nước này trong việc cải thiện sức hấp dẫn của đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của đồng tiền Trung Quốc vẫn khó cạnh tranh với tiền Mỹ khi Bắc Kinh dường như không muốn nới lỏng kiểm soát đối với giao dịch nhân dân tệ ở nước ngoài.

Chưa kể tiền điện tử cũng khó có khả năng thay thế được USD. Bà Greene nhận định, còn chưa thể dùng các loại ví kĩ thuật số để mua hàng tạp hóa và trả thuế, “chứ chưa nói đến mua một tàu chở đầy dầu”.

Phương Anh(Tổng hợp )
Bình luận
vtcnews.vn