Thế giới Di động vừa đau đầu đóng 7 cửa hàng, vừa oằn mình trả nợ khủng

Kinh tếThứ Năm, 24/05/2018 07:40:00 +07:00

Thế giới Di động đang khiến cổ đông lo lắng vì đóng 7 cửa hàng chỉ trong 4 tháng đầu năm, nhưng đây không phải nỗi lo duy nhất, nợ cũng là điều khiến cổ đông phải đau đầu.

Trong những ngày cuối tháng 5/2018, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục sốc nặng khi VN-Index trải qua nhiều phiên rơi tự do và mất mốc quan trọng 1.000 điểm.

Còn với cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động, bên cạnh nỗi lo chung, họ còn đau đầu khi chứng kiến Thế giới Di động phải đóng 7 cửa hàng điện thoại chỉ trong 4 tháng đầu năm.

Nhưng đó chưa phải nỗi lo lớn duy nhất của Thế giới Di động. Hiện tại, cổ đông công ty này còn phải đối mặt với nỗi lo nợ khủng.

Món nợ khổng lồ

Thế giới Di động thường xuyên nằm trong danh sách các công ty sở hữu những món nợ khủng nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2017, món nợ tăng cao khi công ty phải chi hàng ngàn tỷ đồng để thâu tóm Trần Anh.

33227969_1028358547328998_859397860435689472_n

Thế giới Di động thường xuyên nằm trong danh sách các công ty sở hữu những món nợ khủng nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thế nhưng, bước sang năm 2018, khi Thế giới Di động chưa công bố thương vụ thâu tóm đình đám nào thì nợ tại công ty này vẫn có xu hướng tăng mạnh và vượt xa vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2018, tại thời điểm cuối quý, chỉ tiêu vay ngắn hạn tại Thế giới Di động tăng 1.290 tỷ đồng, tương ứng 23% so với cuối năm 2017 lên 6.894 tỷ đồng; nợ dài hạn đạt 1.362 tỷ đồng, tăng 162 tỷ đồng, tương ứng 13,5% lên 1.362 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong 1 quý, tổng nợ vay tại Thế giới Di động đã là 8.256 tỷ đồng, tăng 1.452 tỷ đồng, tương ứng 21,3% so với cuối năm 2017. Tổng nợ vay lớn tới mức nhiều hơn vốn chủ sở hữu 987 tỷ đồng và nhiều hơn vốn góp chủ sở hữu 5.024 tỷ đồng.

Tổng nợ vay tăng nhưng tổng nợ phải trả lại được kiềm chế hơn. Tại thời điểm cuối quý 1, nợ phải trả của công ty giảm từ 16.914 tỷ đồng xuống 16.390 tỷ đồng, cao gấp 2,25 lần so với vốn chủ sở hữu và chiếm 69,2% tổng nguồn vốn.

Tổng nợ vay lớn nên chi phí tài chính cũng là một trong những áp lực lớn của Thế giới Di động. Trong 3 tháng đầu năm 2018, công ty đã phải rút hầu bao 113 tỷ đồng chi cho lãi vay, tăng mạnh so với con số 65 tỷ đồng hồi quý 1/2017.

“Bom” nợ đáo hạn

Có thể thấy, nợ vay tại Thế giới Di động là rất lớn và vượt trội so với vốn chủ sở hữu. Vì vậy, các ngân hàng có lẽ khá “dũng cảm” khi cho một công ty có tỷ lệ nợ/vốn quá cao tới như vậy.

Trong đó, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) là chủ nợ lớn của ông lớn ngành điện máy. Và khoản nợ trị giá gần 800 tỷ đồng này, Thế giới Di động phải trả vào ngày 28/6 năm nay. Như vậy. Thế giới Di động chỉ còn hơn 1 tháng nữa cho khoản nợ này.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng là chủ nợ lớn khi cho Thế giới Di động vay gần 750 tỷ đồng. Theo hợp đồng, đến thời điểm này, Thế giới Di động đã phải trả cho Vietcombank 750 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ công ty đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình hay chưa.

Ngân hàng TNHH Mizuho Bank (chi nhánh Hà Nội) cũng cấp tín dụng trị giá hơn 660 tỷ đồng cho Thế giới Di động. Hợp đồng này được ký từ 2/4/2018. Hiện vẫn chưa rõ thời gian đáo hạn của hợp đồng.

Tổng kết lại, nợ ngắn hạn của Thế giới Di động đạt 6.894 tỷ đồng. Đa số các khoản nợ này đều đáo hạn vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay. Tuy nhiên, ở cuối quý 1, tổng tiền mặt của công ty chỉ là 2.344 tỷ đồng, chỉ đủ một phần để thanh toán nợ.

Video: Bắt đầu giảm giá 20% giá cước di động từ ngày 1/5

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

 

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn