Thế giới 24h: Yanukovich cầu cứu nhưng Nga từ chối

Thế giớiThứ Năm, 27/02/2014 06:27:00 +07:00

(VTC News) - Hãng thông tấn RT nói ông Viktor Yanukovich vẫn tự xem mình là Tổng thống của Ukraine đồng thời kêu gọi Nga đảm bảo tính mạng nhưng Nga từ chối.

Yanukovich cầu cứu nhưng Nga từ chối
Ngày 27/2, các hãng thông tấn Nga cho biết Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych đã kêu gọi Nga đảm bảo cho an toàn cá nhân của ông.
Trước đó cùng ngày, Trưởng công tố Ukraine Oleh Makhnytsky cho biết Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych đã bị đưa vào danh sách truy nã quốc tế.
Nhà chức trách mới của Ukraine tuyên bố ông Yanukovych, người bị quốc hội phế truất hôm 22/2 sau 3 tháng bùng phát các vụ bạo động đường phố và hiện đang lẩn trốn, đã bị truy nã về “tội giết người hàng loạt” liên quan đến các vụ xả súng sát hại nhiều người biểu tình trong cuộc khủng hoảng ở nước này.
 Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban các Vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga - ông Mikhail Margelov - cho biết, Nga sẽ không cho cựu Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych tị nạn.
"Tôi biết chắc chắn ông Yanukovych không ở Nga. Theo thiển ý của tôi, Nga sẽ không cho ông ấy tị nạn" - ông Margelov trả lời phỏng vấn tờ Nước Nga Ngày nay.
Ông Margelov nhấn mạnh rằng, Nga không có ý định cắt đứt quan hệ với Ukraina. "Chúng tôi duy trì mối quan hệ của mình với Ukraina trên tất cả các lĩnh vực và không có ý định tuyệt giao. Chúng tôi triệu hồi Đại sứ Nga từ Kiev về nước vì chúng tôi thực sự cần tham vấn với đại sứ về những gì đang diễn ra ở Ukraina" - ông Margelov nói.
Theo quan điểm của ông Margelov, việc Nga triển khai thêm Hạm đội Biển Đen trong bối cảnh hiện tại là điều không bất ngờ.
Hải quân Nga tăng cường an ninh căn cứ ở Ukraine
Nga đang thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh tại các căn cứ hải quân trên bán đảo Crimea, phía nam Ukraine, trong bối cảnh bất ổn chính trị tại nước này có nguy cơ leo thang.
"Chúng tôi đang theo dõi kỹ lưỡng tình hình ở Ukraine và quanh Hạm đội Biển Đen", RIA Novosti dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói ở Moscow hôm qua. "Chúng tôi đang áp dụng các biện pháp để đảm bảo an ninh cho căn cứ, cơ sở hạ tầng và kho vũ khí của hạm đội".
Nga đang tăng cường an ninh ở các căn cứ hải quân tại nam Ukraine.
Ông Shoigu không hé lộ thêm chi tiết. Một nguồn tin quân sự Nga trước đó cho hay các chốt an ninh ở một số căn cứ của Hạm đội Biển Đen đã được củng cố thêm các xe bọc thép.
Thông tin trên được ông Shoigu đưa ra sau cuộc ẩu đả hôm qua tại thành phố Simferopol, thủ phủ của nước cộng hòa tự trị Crimea.
Mỹ "bơm" tỷ USD cho Ukraine
Mỹ đang cân nhắc cho Ukraine vay 1 tỷ USD trong bối cảnh Ukraine ra sức kêu gọi phương Tây cứu trợ tài chính 35 tỷ USD để tránh nguy cơ vỡ nợ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã xác nhận thông tin trên đồng thời cho biết, khoản cho vay nói trên là một phần trong kế hoạch viện trợ tài chính quốc tế dành cho Ukraine. Cũng theo ông Kerry, Mỹ sẽ xem xét thêm các loại viện trợ trực tiếp khác dành cho Ukaine.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry thông báo, Mỹ đang xem xét viện trợ tài chính 1 tỷ USD cho Ukraine.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định, 1 tỷ USD mà Mỹ dự định cho Ukraine "vay nóng" chỉ như "muối bỏ bể" khi chính phủ lâm thời nước này công bố cần tới 35 tỷ USD mới trách được nguy cơ vỡ nợ, đồng thời ra sức kêu gọi Liên minh châu Âu, Mỹ cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế cứu trợ tài chính khẩn cấp.
Nhiều nhà phân tích nhận định, phương Tây và Mỹ sẽ không thể "hào phóng" với Ukraine như Nga vì bản thân họ cũng đang phải vật lộn đối phó với khủng hoảng tài chính trong nước. Moscow từng ký thỏa thuận cứu trợ tài chính trị giá tới 15 tỷ USD với Kiev nhưng đã đình chỉ thỏa thuận sau khi Tổng thống thân Nga Yanukovych bị lật đổ.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo, việc can thiệp quân sự vào Ukraine “sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”: “Bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào Ukraine sẽ vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của một Ukraine có chủ quyền. Đây sẽ là một sai lầm nghiêm trọng”.
Đi mua sắm, vợ cũ ông Thaksin bị người biểu tình rượt đuổi
Bà Khunying Potjaman na Pombejra đã bị một nhóm biểu tình rượt đuổi trong trung tâm mua sắm thời trang trong khu Sukhumvit ở Bangkok hôm 26-2.
Trong video bà Khunying Potjaman bị một nhóm người biểu tình chống chính phủ do các thủ lĩnh Nattapol và Thaya Theepsuwan dẫn đầu, quấy rối tại một gian hàng của trung tâm mua sắm Emporium. Bà vội chạy ra chiếc ô tô của mình với sự trợ giúp của các vệ sĩ.
Bà Khunying Potjaman và ông Thaksin chia tay năm 2008, kết thúc 32 năm hôn nhân.
“Một người bạn gọi điện thoại cho tôi và nói rằng bà Khunying Potjaman đang mua sắm tại gian hàng Louis Vuitton. Tôi không hiểu làm thế nào lại có người muốn đi mua sắm sau những ngày bi kịch vừa qua, thế nên tôi gọi điện cho chồng tôi (ông Nattapol – vốn là cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ) để báo tin và muốn ông xác nhận đó có thực sự là bà vợ cũ của ông Thaksin hay không?” – bà Thaya cho biết giữa đám đông người biểu tình ở Pathumwan.
Nữ Thủ tướng Thái đối mặt với cuộc "đảo chính tư pháp"?
Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan hôm nay 27/2 đã triệu tập nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra để nghe về các cáo buộc lơ là trách nhiệm. Động thái có thể khiến bà mất chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối bà nhiều tháng qua vẫn tiếp diễn.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trước đó đã khẳng định mình vô tội trước các cáo buộc lơ là trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân. Bà dự kiến sẽ cử luật sư đại diện cho bà trong buổi thẩm vấn ngày hôm nay.
Nếu bị kết luận có tội, Thủ tướng Yingluck có nguy cơ bị mất chức.
Vào tuần trước bà cũng tuyên bố sẽ “sẵn sàng hợp tác để thiết lập sự thật” trong vụ việc.
Hôm qua, 26/2, bà Yingluck đã bay tới “cứ địa” chính trị của mình ở miền bắc Thái Lan và dự kiến sẽ ở lại đây nhiều ngày để thị sát các chương trình được chính phủ ủng hộ.
Cơ quan chống tham nhũng quốc gia (NACC) của Thái Lan, cơ quan triệu tập bà Yingluck, cho rằng nữ Thủ tướng Thái đã phớt lờ cảnh báo rằng chương trình giá gạo sẽ càng làm tăng nạn tham nhũng và gây ra tổn thất tài chính cho Thái Lan.
Nếu bị kết tội, bà Yingluck sẽ đối mặt với lệnh cấm tham gia chính trường trong 5 năm.
Tư lệnh hải quân Ấn Độ từ chức vì tai nạn tàu ngầm
Tư lệnh hải quân Ấn Độ hôm qua từ chức để nhận "trách nhiệm đạo đức" sau một vụ cháy trên tàu ngầm, làm hai thủy thủ mất tích và 7 người khác bị thương.
"Nhận trách nhiệm đạo đức đối với những vụ tai nạn và sự cố xảy ra trong vài tháng qua, Tư lệnh hải quân, Đô đốc D.K Joshi hôm nay từ chức. Chính phủ vừa chấp nhận đơn từ chức của ông, quyết định có hiệu lực tức thì", hãng thông tấn PTI dẫn lời Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm qua cho biết.
Đô đốc D.K Joshi từ chức tư lệnh hải quân Ấn Độ.
Trong lá thư từ chức, Đô đốc Joshi cho hay mặc dù được chính phủ đặt niềm tin vào năng lực, ông không thể tiếp tục cố giữ chức tư lệnh hải quân. Với quyết định này, ông trở thành tư lệnh đầu tiên của lực lượng vũ trang Ấn Độ từ chức kể từ khi nước này giành độc lập năm 1947.
Sự việc diễn ra chỉ vài giờ sau một vụ tai nạn trên tàu ngầm INS Sindhuratna, làm hai thủy thủ mất tích và có thể đã chết, 7 người bị thương. Con tàu sáng nay đỗ tại Mumbai để hải quân Ấn Độ tiếp tục tìm kiếm hai thủy thủ, AFP dẫn lời ông D. K. Sharma, phát ngôn viên hải quân cho hay.
Bình luận
vtcnews.vn