Thế giới 24h: Trung Quốc dùng 'đường cơ sở' đe Nhật

Thế giớiThứ Bảy, 15/09/2012 05:03:00 +07:00

(VTC News) - Trung Quốc muốn quốc tế hóa Senkaku/Điếu Ngư?; Phơi bày kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc; 6 tàu hải giám Trung Quốc đã rời đảo Điếu Ngư/Senkaku.

(VTC News) - Trung Quốc muốn quốc tế hóa Senkaku/Điếu Ngư?; Phơi bày kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc; 6 tàu hải giám Trung Quốc đã rời quần đảo tranh chấp với Nhật;… là những tin đáng chú ý trong ngày 15/9.

Mỹ gia hạn lệnh miễn trừ với Nhật Bản

Chính quyền Mỹ ngày 14/9 thông báo sẽ gia hạn các biện pháp miễn trừ trừng phạt tài chính với Nhật và 10 quốc gia châu Âu khác vì các nước này đã giảm đáng kể lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran.

Theo một đạo luật do chính quyền Tổng thống Obama ban hành năm ngoái, tất cả ngân hàng ở những nước có chính phủ mua dầu của Iran không được phép tiếp cận, giao dịch với thị trường tài chính lớn nhất thế giới là Mỹ.


Nhật và 10 quốc gia châu Âu khác tiếp tục được Mỹ miễn trừ trừng phạt tài chính do đã giảm lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran 

Ngày 20/3 vừa qua, 11 nước gồm Nhật Bản, Bỉ, Anh, Cộng hòa Czech, Pháp, Đức, Hi Lạp, Ý, Hà Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha đã được miễn trừ lệnh trừng phạt này trong vòng 180 ngày do đã giảm nhập khẩu dầu từ Iran.

Trong tuyên bố ra ngày 14/9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho hay sẽ trình lên quốc hội để gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt thêm 180 ngày nữa.

Ngoại trưởng Hillary đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Nhật Bản bởi trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với những khó khăn về năng lượng sau thảm họa hạt nhân Fukushima hồi năm ngoái.

7 tháng đầu năm nay Tokyo đã cắt giảm 39% lượng dầu nhập khẩu từ Iran so với năm ngoái - mức cắt giảm sâu nhất trong số các quốc gia khách hàng của Tehran.

Trung Quốc muốn quốc tế hóa Senkaku/Điếu Ngư?

Trung Quốc đã đệ trình "đường cơ sở" của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong một động thái được đánh giá là nhằm quốc tế hóa tranh chấp lãnh thổ với Nhật.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông đã nộp hồ sơ mô tả chi tiết đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon vào hôm 13/9, theo tờ South China Morning Post.

Động thái tương đương với việc chính thức phân ranh giới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực được giới quan sát đánh giá là một sự thay đổi lớn từ chính sách mong muốn khai thác tài nguyên chung với Nhật thông qua đàm phán.

Chuyên gia về Nhật thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc Chu Vĩnh Thăng nhận xét: “Nguyên tắc gác tranh chấp, cùng khai thác lâu nay đang được sửa đổi”.

Ông này nói việc đệ trình đường cơ sở cho thấy Bắc Kinh đang muốn sử dụng các công cụ pháp lý để tuyên bố chủ quyền và có thể sẽ hành động cứng rắn hơn với khu vực này.


Tàu hải giám Trung Quốc ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc liên tục phát đoạn băng quay cảnh một sĩ quan trên tàu hải giám Trung Quốc yêu cầu tàu Nhật Bản rời khỏi khu vực qua sóng vô tuyến.

Truyền thông Nhật cho biết toàn bộ các tàu Trung Quốc đã rời đi vào đầu giờ chiều ngày 14/9. Nhật cũng triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa để đưa ra kháng nghị vào sáng hôm 14/9.

Một quan chức Nhật đã bác bỏ việc Trung Quốc đệ trình đường cơ sở, nói rằng đó chỉ là công việc giấy tờ.

“Nó chẳng thay đổi tình hình vì đường cơ sở đã từng được đệ trình (bởi Nhật vào năm 1996), một người phát ngôn thuộc Vụ Các vấn đề Pháp lý Quốc tế của Bộ Ngoại giao Nhật tuyên bố.

Theo tờ South China Morning Post, Bắc Kinh muốn đưa tranh chấp với Nhật ra quốc tế qua việc đệ trình đường cơ sở. Các lãnh đạo Trung Quốc hy vọng động thái này đủ để gây áp lực buộc Tokyo quay trở lại với các cuộc đàm phán song phương.

Hàng ngàn người bao vây sứ quán Nhật tại Bắc Kinh


Hàng ngàn người biểu tình Trung Quốc hôm nay 15/9 đã bao vây sứ quán Nhật ở Bắc Kinh, ném đá, chai lọ vào tòa nhà, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á leo thang vì nhóm đảo tranh chấp trên Hoa Đông.

Cảnh sát bán quân sự được trang bị khiên, dùi cui đã lập hàng rào bảo vệ sứ quán Nhật tại Bắc Kinh, trong khi những người biểu tình hô khẩu hiệu, vẫy cờ có lúc cố gắng tìm cách xông vào tòa nhà.


Cảnh sát chống bạo động ngăn người biểu tình tiến vào sứ quán Nhật ở Bắc Kinh ngày 15/9 

“Trả lại quần đảo của chúng tôi!”, một số người biểu tình hô khẩu hiệu. Một trong những người biểu tình còn giương dòng chữ: “Vì sự tôn trọng với đất mẹ, chúng ta phải chiến đấu với Nhật.”

Căng thẳng leo thang khi xuất hiện thông tin còn có các cuộc biểu tình khác trên khắp Trung Quốc.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật đã phải cắt ngắn chuyến công du tới Australia để trở lại Tokyo vào sáng nay nhằm đối phó với tình hình.

Căng thẳng leo thang quan hệ Trung – Nhật khi Trung Quốc phái 6 tàu hải giám tới quần đảo nằm trên biển Hoa Đông này. Đây là đợt căng thẳng nguy hiểm nhất giữa hai cường quốc châu Á kể từ năm 2010.

Phơi bày kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc

Truyền thông nhà nước Trung Quốc vừa công bố thông tin về kho vũ khí hạt nhân chiến lược, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) được nói là đang tranh cãi gay gắt với ước tính của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc Trung Quốc đang sở hữu bao nhiêu đầu đạn hạt nhân.

Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng  Trung Quốc đang có khoảng 300 – 400 đầu đạn hạt nhân, CIA nói Bắc Kinh đang cất giấu số lượng đầu đạn hạt nhân lớn hơn thế nhiều trong các hầm chứa chôn ngầm dưới lòng đất.


Đội pháo binh số 2 của Trung Quốc đang chở tên lửa tới điểm tập kết 

Nội dung trên được Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc ‘tiết lộ’ trong bối cảnh nước này đang có tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư (tiếng Nhật là Senkaku).

Trước đó, trang Tiếng nói nước Mỹ (VOA) dẫn lời chính phủ nước này xác nhận thông tin Bắc Kinh đã thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất, trong động thái được đánh giá là “dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thay đổi về chiến lược hạt nhân”.

Theo trang mạng quân sự Trung Quốc, nước này đã thử thành công tên lửa Đông Phong – 41, thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất và sẽ sớm đi vào phục vụ quân đội sau khi thực hiện thêm một số lần bắn thử từ nay đến hết năm sau.

6 tàu hải giám Trung Quốc đã rời quần đảo tranh chấp với Nhật

Chánh văn phòng Nội các Nhật cho biết tất cả 6 tàu hải giám Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển quanh quần đảo tranh chấp giữa hai nước ở Hoa Đông.

Trung Quốc đã phái đội 6 tàu hải giám tới quần đảo tranh chấp mà Nhật gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo vào hôm thứ ba 11/9. Cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.

“Việc có sự xâm phạm vùng lãnh hải của chúng tôi vô cùng đáng tiếc”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura cho hay. “Tất cả các tàu Trung Quốc đã rời vùng biển của Nhật vào 1h30 chiều (14/9)”, ông cho biết thêm.


Tàu tuần duyên Nhật (trên) bám theo tàu hải giám 51 của Trung Quốc trên vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 14/9 

Sáng ngày 14/9, trong khoảng từ 6h20 đến 7h, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết đã phát hiện thấy 6 con tàu của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc “xâm phạm vào vùng biển của Nhật Bản”.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã cử tàu tuần tra và trực thăng ra để yêu cầu các tàu trên phải rời khỏi khu vực.

Các tàu này đã đáp lại cảnh báo của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bằng tiếng Trung, tuyên bố rằng quần đảo Senkaku là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.

Sau đó khoảng 90 phút, 3 tàu đã rời khỏi khu vực. Trong khi đó, 3 tàu còn lại được xác nhận đã rời đi vào khoảng 1h30 phút chiều ngày 14/9.

Tập Cận Bình xuất hiện sau 2 tuần vắng mặt

Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa xuất hiện trước công chúng, sau hai tuần ông vắng mặt trên truyền thông và hủy một số cuộc gặp khách nước ngoài.

Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua sáng nay đưa tin ông Tập đã "đến trường đại học Nông Nghiệp Trung Quốc ở Bắc Kinh để tham gia các hoạt động kỷ niệm Ngày Phổ cập Khoa học Quốc gia năm 2012".

Đây là lần đầu tiên phó chủ tịch Trung Quốc xuất hiện trước công chúng kể từ hôm 1/9. Ông đã hủy nhiều cuộc gặp với các lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.


Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại đại học Nông Nghiệp Trung Quốc sáng nay 

Sự vắng mặt này gây chú ý mạnh mẽ đối với báo chí nước ngoài, nhất là trong thời điểm Bắc Kinh đang chuẩn bị cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng.

Hôm 13/9, sau gần hai tuần không xuất hiện trên truyền thông, tên của ông Tập được nhắc đến bên cạnh nhiều nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc.

Báo chí đưa tin ông và các lãnh đạo "bày tỏ lòng tiếc thương" khi một cựu quan chức đảng Cộng sản qua đời.

Tin này được đăng tải rộng rãi khắp Trung Quốc, và không kèm lời nào nói đến tình trạng sức khỏe của ông. Trước đó trên các báo nước ngoài và mạng xã hội, có nhiều phỏng đoán rằng ông bị thương khi chơi thể thao.

Obama thề đưa kẻ giết đại sứ Mỹ ra công lý

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua thề "cứng rắn" với các cuộc bạo động chống Mỹ của thế giới Arab, khi ông đón linh cữu của 4 nhà ngoại giao Mỹ bị giết tại Libya.


Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Clinton hôm qua đón linh cữu của những nhà ngoại giao Mỹ thiệt mạng tại Libya 

"Sự hy sinh của họ sẽ không bao giờ bị quên lãng, chúng ta sẽ đem những kẻ cướp đi sinh mạng của họ ra trước công lý. Chúng ta sẽ kiên quyết chống lại bạo lực đối với các phái đoàn ngoại giao Mỹ", ông Obama hôm qua phát biểu tại căn cứ không quân Andrews, ngoại ô Washington, khi đón nhận linh cữu những nhà ngoại giao nước này.

Bọc trong cờ Mỹ, linh cữu của các nạn nhân được 7 lính thủy quân lục chiến đưa ra từ máy bay vận tải quân sự C-17 tới nhà để máy bay tại căn cứ không quân Andrews.


"Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu", Obama dẫn lời kinh thánh và nói 4 nhà ái quốc của Mỹ đã phục vụ hết mình cho tổ quốc.

Đỗ Hường (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn