Thế giới 24h: ‘TQ bị cho là quốc gia hiếu chiến'

Thế giớiThứ Năm, 12/12/2013 05:24:00 +07:00

(VTC News) – Trung Quốc bị cho là một quốc gia hiếu chiến, Nhật Bản tăng cường máy bay đối phó Trung Quốc là những tin đáng chú ý ngày 12/12.

(VTC News) – Trung Quốc bị cho là một quốc gia hiếu chiến, Nhật Bản tăng cường máy bay đối phó Trung Quốc, Hàn Quốc đóng thêm tàu chiến là những tin đáng chú ý hôm nay.

‘Trung Quốc bị cho là quốc gia hiếu chiến’

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc bản tiếng Anh số ra ngày 10/12 đã công bố kết quả cuộc khảo sát về thái độ đối với Trung Quốc ở một loạt nước trên thế giới. Theo đó, các nước nhìn nhận Trung Quốc như một quốc gia "tự tin", "hiếu chiến" và "kiêu ngạo", chỉ có 13% số người được hỏi coi gã khổng lồ châu Á này là một "đất nước yêu chuộng hòa bình".

tàu chiến trung quốc
Tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận 
Kết quả khảo sát cho thấy "càng gần với Trung Quốc, người dân các nước tham gia cuộc thăm dò dư luận trên càng suy nghĩ tiêu cực hơn về quốc gia láng giềng này... Đánh giá Trung Quốc, người ta đã sử dụng các ngôn từ như "gay gắt", "kiêu ngạo" và "cởi mở hợp tác".

Trong đó, 25% số người được hỏi từ các nước láng giềng và 36% người ở các nước khác cho biết họ “thích” Trung Quốc. Tham gia cuộc khảo sát trên có 14.400 người sống tại 14 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Philippines và Brazil.

Nhật Bản tăng cường máy bay F15 đối phó với Trung Quốc


Ngày 11/12, nhóm xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh thuộc liên minh hai đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) và Công Minh ở Nhật Bản đã đề xuất tăng cường khả năng bảo vệ đảo xa bằng việc bổ sung nhiều phi đội máy bay chiến đấu F15.

Đề xuất trong kế hoạch trung hạn trang bị vũ trang cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), nhóm trên đề nghị Nhật Bản bổ sung một phi đội F15 gồm 20 máy bay cho căn cứ Naha của Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF). Mục đích nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn tấn công từ trên biển và trên không cho ASDF.
máy bay F-15
Quần đảo Dokdo/Takeshima đang nằm dưới sự kiểm soát của Hàn Quốc 
Phi đội F15 ở căn cứ Naha có nhiệm vụ chính là xuất kích khẩn cấp để đối phó với các vụ xâm phạm không phận của Nhật Bản ở các đảo Tây Nam, trong đó có quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài), bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng không của Nhật Bản.

Việc tăng cường thêm phi đội thứ hai cho ASDF tại căn cứ này được đánh giá nhằm nâng cao khả năng đối phó với máy bay quân sự Trung Quốc ở vùng phòng không đã được Nhật Bản thiết lập. Kế hoạch phòng vệ trung hạn của Nhật Bản đang được thảo luận về giai đoạn 5 năm mới, từ năm 2014.

Hàn Quốc chỉ trích Nhật vì video quảng bá chủ quyền


Ngày 12/12, Hàn Quốc đã chỉ trích dữ dội Nhật vì công bố đoạn video bằng 10 thứ tiếng khẳng định chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima hiện Seoul đang kiểm soát.

Theo hãng tin AFP, Bộ Ngoại giao Nhật mới đưa đoạn phim này lên trang web của mình và lên trang mạng Youtube. Trong đoạn video, phía Tokyo khẳng định quần đảo Dokdo/Takeshima thuộc chủ quyền của Nhật và mô tả sự kiểm soát của Hàn Quốc là “bất hợp pháp”.
hàn quốc tranh chấp
Quần đảo Dokdo/Takeshima đang nằm dưới sự kiểm soát của Hàn Quốc 
“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc công bố đoạn video này và yêu cầu Nhật phải lập tức đưa nó ra khỏi mạng Internet - Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố - Chúng tôi sẽ không dung thứ cho hành vi vi phạm chủ quyền này và sẽ phản ứng quyết liệt”.

Nhật và Hàn Quốc đã tranh cãi về quần đảo Dokdo/Takeshima trong nhiều thập kỷ qua. Căng thẳng leo thang từ hồi năm ngoái khi hai bên liên tục đấu khẩu. Hồi tháng 10, quân đội Hàn Quốc đã tổ chức tập trận gần quần đảo Dokdo/Takeshima.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Nhật cũng công bố đoạn băng video khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc cũng đang đòi quyền sở hữu.

Chỉ huy Quân đội Thái Lan từ chối gặp lãnh đạo biểu tình


Ngày 12/12, báo chí Thái Lan trích dẫn nguồn tin quân sự cho biết, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep, thủ lĩnh của các cuộc biểu tình chống Chính phủ đã đề nghị được gặp và trao đổi ý kiến với các tướng lĩnh chỉ huy Quân đội và Cảnh sát Thái Lan ngay trong ngày hôm nay (12/12).

Tuy nhiên, các tướng chỉ huy Quân đội và cảnh sát đã nhất trí đi đến quyết định không gặp ông Suthep trong thời điểm này, đồng thời cho rằng, ông Suthep nên gặp và thảo luận với các phe nhóm chính trị - xã hội để cùng nhau tìm kiếm giải pháp thoát khỏi khủng hoảng.
thái lan biểu tình
Người biểu tình chống Chính phủ tập trung bên ngoài trụ sở của đảng
Vì nước Thái
 
Giới tướng lĩnh chỉ huy Quân đội cũng khẳng định, trong bối cảnh mâu thuẫn chính trị gia tăng hiện nay, Quân đội giữ lập trường trung lập và kiên nhẫn, thận trọng trong mọi hành động của mình, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Trước đó, có nguồn tin cho rằng, thủ lĩnh nhóm biểu tình Suthep đã gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit và cựu Tư lệnh Lục quân Anupong để bàn chuyện chính trị. Tuy nhiên, đại diện Quân đội và ông Suthep đều đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Giáo hoàng Francis là nhân vật của năm


Tạp chí Time vừa bình chọn Giáo hoàng Francis là nhân vật của năm với lời ca ngợi rằng chỉ trong 9 tháng đứng đầu giáo hội Công giáo, ông đem đến tiếng nói nhận thức mới.

Theo Telegraph, Giáo hoàng Francis đánh bại các lãnh đạo thế giới và người làm rò rỉ bí mật động trời, Edward Snowden, để giảnh giải Nhân vật của Năm do tờ tạp chí danh tiếng bình chọn. Dù mới chỉ đảm nhiệm vai trò trong năm đầu tiên, cựu hồng y người Argentina đã được ban biên tập của tạp chí chọn là người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2013.
giáo hoàng
Giáo hoàng Francis là nhân vật của năm do Time bình chọn 
"Hiếm khi nào một người mới xuất hiện trên vũ đài thế giới có khả năng thu hút được sự chú ý từ người già lẫn người trẻ, người sùng đạo lẫn người ngoại đạo, như Giáo hoàng Francis", bà Nacy Gibbs, thư ký tòa soạn của Time giải thích.

Người về nhì trong danh sách Nhân vật của Năm là Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), người tiết lộ chương trình theo dõi bí mật của chính phủ Mỹ, hiện tị nạn ở Nga.
 

Quân đội Nga sẽ tuyển nửa triệu quân nhân hợp đồng


Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 10/12 tuyên bố quân đội Nga sẽ có 500.000 quân nhân phục vụ theo chế độ hợp đồng trong 1 thập kỷ tới. Theo kế hoạch giảm binh sĩ nghĩa vụ và tăng gấp đôi binh sĩ hợp đồng, đến năm 2022, một nửa nhân sự lực lượng vũ trang Nga sẽ là lính “nhà nghề”. Hiện số quân nhân hợp đồng trong quân đội Nga là 220.000.
quân đội nga
Quân đội Nga sẽ tuyển nửa triệu quân nhân hợp đồng 
Tại một hội nghị mở rộng về quốc phòng, ông Shoigu cũng thừa nhận hiện quân đội đang thiếu nhân sự với tỷ lệ là 1/5. “Hiện tại quân đội Nga mới chỉ đáp ứng 82% nhân lực so với yêu cầu,” ông Shoigu nói. “Chúng tôi ưu tiên cung cấp đầy đủ biên chế cho các đơn vị không vận, đặc nhiệm, hải quân đánh bộ và gìn giữ hòa bình, bao gồm cả những đơn vị bảo đảm an ninh cho Thế vận hội Mùa đông tại Sochi”.

Nước Nga hiện đang thực hiện các cải cách lớn về quân sự bao gồm việc chi 650 tỷ USD cho các thiết bị mới và việc chuyển từ quân đội nghĩa vụ sang quân đội gồm chủ yếu là lính chuyên nghiệp.

Kể từ đầu năm nay, quân đội Nga đã có 6 đợt kiểm tra đột xuất về khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như thực hiện gần 750 cuộc tập trận cấp lục quân theo kế hoạch đã đề ra.

Hàn Quốc sắp chi 3,8 tỷ USD đóng tàu chiến

Theo Yonhap, ngày 11/12, ông Choi Yun-hee, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) thông qua kế hoạch đóng thêm ba tàu khu trục Aegis từ năm 2023-2027, trong cuộc họp với các quan chức cấp cao. Ngân sách ước tính cho ba tàu tải trọng 7.600 tấn là 3,8 tỷ USD.
tàu chiến hàn quốc
Một tàu khu trục Aegis của Hàn Quốc 
JCS cho biết động thái này nhằm nâng cao năng lực quân sự chống lại các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, cùng những xung đột tiềm ẩn với các nước láng giềng.

Hàn Quốc đang vận hành ba tàu khu trục tên lửa dẫn đường Aegis, do công ty Hyundai Heavy Industries Co. của nước này và Lockheed Martin của Mỹ cùng đóng.

Quyết định mới nhất được đưa ra không lâu sau khi Seoul thông báo về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới, bao trùm các rặng san hô và đảo ngoài khơi phía nam bán đảo Triều Tiên. Động thái nhằm phản ứng lại quyết định đơn phương mở rộng vùng ADIZ riêng của Trung Quốc hôm 23/11.

Tùy Phong(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn