Thế giới 24h: Tàu hậu cần Mỹ tới Philippines

Thế giớiThứ Ba, 04/09/2012 05:00:00 +07:00

(VTC News) - Hàn Quốc sẽ mua tên lửa hành trình JASSM của Mỹ; Nga chế tạo loại tên lửa liên lục địa hạng nặng mới;… là những tin đáng chú ý trong ngày 4/9.

(VTC News) - Hàn Quốc sẽ mua tên lửa hành trình JASSM của Mỹ; Nga chế tạo loại tên lửa liên lục địa hạng nặng mới;… là những tin đáng chú ý trong ngày 4/9.

Hàn Quốc sẽ mua tên lửa hành trình JASSM của Mỹ

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố kế hoạch mua tên lửa hành trình "không đối đất" có độ chính xác cao (JASSM) của Mỹ, với khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 400km.

Tuyên bố của bộ trên khẳng định: "Tên lửa lớp JASSM là loại vũ khí chiến lược quan trọng, cho phép các lực lượng vũ trang chúng ta bắn trúng mục tiêu của đối phương ở cự ly lớn với độ chính xác cao, trong điều kiện chiến tranh." Tuy nhiên, chương trình mua JASSM chưa được thống nhất.

>>Video tên lửa vũ trụ Mỹ rời bệ phóng

Tên lửa hành trình JASSM của Mỹ 

Các quan sát viên nhận xét rằng, nhiều khả năng hợp đồng mua tên lửa JASSM sẽ được thực hiện, nếu tính đến tình hình quan hệ Mỹ-Hàn Quốc hiện nay và thực tế lực lượng không quân Hàn Quốc phần lớn được trang bị các công nghệ của Mỹ.

Những tên lửa này sẽ đảm bảo an ninh của Hàn Quốc không chỉ trước các mối đe dọa của Triều Tiên, mà cả những hiểm họa nảy sinh trong trường hợp thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Nga chế tạo loại tên lửa liên lục địa hạng nặng mới

Hãng RIA Novosti dẫn tuyên bố của Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, Đại tướng Sergei Karakaeva, cho biết Nga có kế hoạch chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng mới từ nay đến năm 2018.

Theo ông Karakaeva, quá trình chế tạo tên lửa này đang diễn ra và sẽ được hoàn thành vào năm 2018.

Tên lửa mới sẽ thay thế các tên lửa đạn đạo hạng nặng R-36M2 Voyevoda, được biết đến ở phương Tây với tên gọi Satan.


Tên lửa đạn đạo hạng nặng R-36M2 Voyevoda 

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố kế hoạch chế tạo tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng hạng nặng mới liên quan đến việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa NMD ở Châu Âu.

Hiện tại chỉ biết rằng tên lửa mới sẽ sử dụng loại nhiên liệu mới cho phép giảm thời gian làm việc của động cơ trong khu vực tên lửa bay.

Nhật trả 26 triệu USD mua đảo tranh chấp với Trung Quốc


Chính phủ Nhật Bản cho biết đã đạt được thỏa thuận chung về việc mua lại quần đảo Senkaku từ người chủ của nó với mức giá khoảng 26 triệu đôla Mỹ.

Chính phủ Nhật Bản cho biết tiến trình đàm phán mua lại đảo Senkaku đã được thực hiện, do Nhật Bản có trách nhiệm phải thiết lập kiểm soát hiệu quả quần đảo nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định. Senkaku cũng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền được phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Senkaku/Điếu Ngư hiện đang là tâm điểm căng thẳng Nhật-Trung 
Nhật Bản dự kiến sẽ thúc đẩy các thủ tục giấy tờ cần thiết để hoàn tất việc quốc hữu hóa quần đảo vào trước cuối tháng 9.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Tokyo cũng đang xem xét mua lại một số đảo.

Thị trưởng thành phố Tokyo, ông Ishihara Shintaro, nói rằng ông sẽ ủng hộ việc chính phủ mua lại quần đảo nếu chính phủ xây dựng các cơ sở phục vụ cho các thuyền đánh bắt cá trú ẩn trên đảo.

Hàn Quốc sẽ hủy bỏ cuộc tập trận đổ bộ đảo Dokdo


Theo Đài KBS, cuộc tập trận đổ bộ đảo Dokdo của lính thủy đánh bộ Hàn Quốc sẽ không diễn ra trong khuôn khổ tập trận chung bảo vệ đảo Dokdo vào đầu tháng Chín này.

Cuộc tập trận chung bảo vệ đảo Dokdo sẽ bắt đầu từ ngày 7/9 và kéo dài đến ngày 10/9 tại vùng biển gần quần đảo Dokdo đang tranh chấp với Nhật Bản.


Quần đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima 

Theo các chuyên gia phân tích, động thái huỷ bỏ tập trận đổ bộ đảo Dokdo là do Chính phủ Hàn Quốc không muốn làm xấu đi quan hệ ngoại giao với Nhật Bản do vấn đề liên quan tới đảo mà Tokyo gọi là Takeshima này.

Cuộc tập trận chung sắp tới có sự tham dự của lục quân, không quân, hải quân, cảnh sát biển và lính thủy đánh bộ, dự kiến sẽ diễn ra tại một địa điểm gần đảo Ulleung và đảo Dokdo ở biển Đông để tăng cường khả năng bảo vệ khu vực này trong trường hợp tàu thuyền của các nước khác xâm phạm lãnh hải Hàn Quốc.

Mã Anh Cửu sẽ thăm đảo tranh chấp vào ngày 9/9

Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu sẽ đi máy bay tới thị sát quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku vào ngày 9/9 tới, Thời Báo Hoàn Cầu hôm nay đưa tin.

Các binh lính Hải, Không quân Đài Loan đã sẵn sàng đợi lệnh tháp tùng ông Mã Anh Cửu, lãnh đạo Đài Loan tới thị sát đảo tranh chấp Điếu Ngư (mà Nhật Bản gọi là Senkaku).


Đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku  

Ông Mã Anh Cửu dự kiến đi máy bay tới thị sát đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku vào ngày 9/9 tới, chuyến đi này được cho là sẽ làm phức tạp hơn nữa căng thẳng ngoại giao hai nước Trung – Nhật.

Nhiều nhận định cho rằng, chuyến đi thị sát đảo lần này của ông Mã chủ yếu là để nghe ngóng phản ứng của đối phương, qua đó cũng thể hiện quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” đảo tranh chấp.

Tuy nhiên, nguồn tin không nói chi tiết về chuyến thị sát đảo tranh chấp của ông Mã, chỉ nói đây là chuyến lên đảo đầu tiên của ông Mã, do đó sẽ chuyến đi được diễn ra bí mật.

Ông Mã dự kiến sau khi tới thăm người dân trên đảo Bành Giai, sẽ đi máy bay đến thăm đảo Điếu Ngư gần khu vực phòng không Đài Loan (ADIZ) khoảng hơn 30 phút. Đảo Bành Giai, cách đảo Điếu Ngư 140km, cách khu vực phòng không Đài Loan (ADIZ) 80km.

Tàu hậu cần Mỹ tới Philippines

Tàu hậu cần chuyên hỗ trợ tàu ngầm, USS Frank Cable (AS-40) sáng qua tới vịnh Subic của Philippines để bắt đầu chuyến thăm thông thường kéo dài 12 ngày.

Thông tin này được báo Inquirer của Philippines dẫn từ đại tá Omar Tonsay, người phát ngôn hải quân nước này. Trong thời gian lưu lại Philippines, tàu hải quân Mỹ sẽ tiếp liệu và cho thủy thủ đoàn nghỉ ngơi.


USS Frank Cable (AS-40) là tàu hậu cần chuyên hỗ trợ các tàu ngầm 

"Hải quân Philippines đã được thông báo về sự hiện diện (của tàu Mỹ). Đây không phải là một sự kiện giữa hải quân hai nước, mà chỉ là một chuyến cập cảng", Xinhua dẫn lời ông Tonsay nói.

USS Frank Cable làm nhiệm vụ cung cấp và hỗ trợ cho các tàu ngầm lớp Los Angeles của hải quân Mỹ. Tàu này được đặt theo tên của Frank Cable, một kỹ sư điện từng đảm nhận vai trò quyền thuyền trưởng trên USS Holland - tàu ngầm đầu tiên của Mỹ.

Đỗ Hường (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn