Thế giới 24h: Philippines 'đi đêm' với Trung Quốc

Thế giớiThứ Năm, 20/09/2012 04:40:00 +07:00

(VTC News)- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm căn cứ hải quân Trung Quốc; Philippines cử chính khách thương lượng ngầm với Bắc Kinh về biển đảo;...

(VTC News) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm căn cứ hải quân Trung Quốc; Philippines cử chính khách thương lượng ngầm với Bắc Kinh về biển đảo; Mỹ hối thúc Trung-Nhật giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao;… là những tin đáng chú ý trong ngày 20/9.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm căn cứ hải quân Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta sẽ trở thành ông chủ Lầu Năm Góc đầu tiên đặt chân tới căn cứ hải quân Trung Quốc ở Thanh Đảo vào ngày hôm nay, 20/9.

Theo AFP, các quan chức Trung Quốc hứa sẽ dẫn ông Panetta tham quan tàu khu trục và tầu ngầm mới nhất của nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt 

Chuyến thăm diễn ra một ngày sau khi ông Panetta có bài phát biểu trước các sinh viên ở Học viện Quân sự Bắc Kinh.

Trong bài phát biểu của mình, ông Panetta cam kết rằng việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang Thái Bình dương không phải là nhằm kiểm chế Trung Quốc mà là để ổn định tình hình tại một trong những khu vực có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc bác tin 1.000 tàu cá ra Điếu Ngư/Senkaku

Mạng tin Trung Quốc China News Service ngày 19/9 phủ nhận tin báo chí nước này trước đó nói rằng 1.000 tàu cá Trung Quốc đã tới khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đánh bắt.

Khoảng 10h sáng 19/9, hơn 700 tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở vùng nước cách Điếu Ngư/Senkaku 127 hải lý, phần lớn tàu cá trong số đó đến từ Đài Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, một số ít tàu đến từ Ôn Châu, Trung Quốc, Chinanews đưa tin.

Tân Hoa Xã trước đó đưa tin, hơn 2.000 tàu cá từ tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến đã trở lại Biển Hoa Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè ở khu này kết thúc.

Tàu tuần tra Nhật và đội tàu công vụ Trung Quốc vờn nhau ở Điếu Ngư/Senkaku chiều 18/9  

1.000 tàu cá trong số đó sẽ tới đánh bắt ở Điếu Ngư/Senkaku nhằm “duy trì chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku”.

Trong một diễn biến liên quan, khoảng 300 trang web của chính phủ, trường học, doanh nghiệp Nhật Bản bị tấn công bởi nhóm tin tặc nghi đến từ Trung Quốc, khiến nhiều website rơi vào trạng thái tê liệt.

Căng thẳng Trung – Nhật leo thang khi hai bên liên tiếp có những động thái “gây hấn”, đặc biệt sau khi Nhật tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo Điếu Ngư/Senkaku, dẫn tới hàng loạt cuộc biểu tình chống phá Nhật Bản diễn ra ở nhiều thành phố Trung Quốc, thậm chí những cuộc biểu tình nhanh chóng đã biến thành đụng độ.

Công bố các tình tiết mới về vụ Bạc Hy Lai

Theo Tân Hoa xã ngày 19/9, lần đầu tiên ông Bạc Hy Lai bị tố cáo dính líu đến hành vi cố ý giết người của bà Cốc Khai Lai trong vụ doanh nhân người Anh Neil Heywood bị sát hại.

Trong bài báo chính thức viết về phiên xử này mà không nêu đích danh chính khách thất sủng Bạc Hy Lai, Tân Hoa Xã cho biết ngày 28/1/2012, ông Vương Lập Quân, từng là cánh tay phải của ông Bạc, đã báo cáo với "lãnh đạo cao nhất của Thành ủy Trùng Khánh (được hiểu là Bạc Hy Lai)" về những nghi ngờ bà Cốc Khai Lai có dính líu tới vụ sát hại doanh nhân Heywood, xảy ra hồi tháng 11/2011 tại một khách sạn sang trọng của thành phố.

Cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai 

Ngay sáng hôm sau, Vương Lập Quân đã bị "vị lãnh đạo này xỉ vả nặng nề, thậm chí còn bị tát".

Vài ngày sau, ông Vương tính chuyện chạy vào lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô xin tỵ nạn chính trị.

Tân Hoa Xã cho biết rõ: "Tại Lãnh sự quán Mỹ, Vương Lập Quân khẳng định cá nhân ông đang bị đe dọa vì đang điều tra một số vụ án, cho nên ông xin tỵ nạn chính trị."

Trong phiên toà xét xử Vương Lập Quân, hai tội danh "tham nhũng" và "đào nhiệm" được cho là có liên quan đến bí mật quốc gia đã được xử kín hôm 17/9 vừa qua.

Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc phiên tòa một ngày, Tân Hoa Xã đã cho đăng tải thêm các chi tiết bí mật cho thấy ông Bạc Hy Lai có dính líu đến phạm tội hình sự.

Rất có thể đây là một động thái dọn đường dư luận để chuẩn bị cáo buộc và truy cứu trách nhiệm hình sự ông Bạc Hy Lai, qua đó khép lại vụ việc gây chấn động này.

Philippines cử chính khách thương lượng ngầm với Bắc Kinh về biển đảo

Theo nguồn tin chính thức từ Philippines được AFP ngày 19/9 dẫn lại, một nghị sĩ, từng bị tù vì âm mưu đảo chính, đã tiến hành thương lượng bí mật với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển.

Ông Edwin Lacierda, một phát ngôn viên của Tổng thống Benigno Aquino cho biết, thượng nghị sĩ Antonio Trillanes đã “được phép” bí mật thương lượng với các viên chức Trung Quốc để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở vùng bãi cạn Scarborough tại Biển Đông.
 
Tuy nhiên việc này gây bất đồng sâu sắc cho Ngoại trưởng Albert Del Rosario, người chịu trách nhiệm chính thức trong việc thương thuyết với Trung Quốc nhưng bị loại khỏi các cuộc thương lượng ngầm.

Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes IV (trái) và ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario 
Ông Trillanes tuyên bố ông có nhiệm vụ làm giảm căng thẳng với Bắc Kinh sau khi các cuộc thảo luận giữa hai bên bị ngưng vào tháng 4, và lên án Ngoại trưởng Philippines là “phản bội” với chiến thuật bị cho là cứng rắn.

Ông cho biết: “Hiện nay không còn khủng hoảng ở Scarborough, nhưng suýt nữa thì đã có chiến tranh. Đó là một hành động phản bội (của ông Del Rosario).”
 
Nghị sĩ này nói rằng tuyên bố của ông Del Rosario lên án Trung Quốc hăm dọa Philippines đã gần như dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp.

Trillanes cho biết ông đã gặp gỡ các “viên chức cao cấp Trung Quốc” ít nhất 15 lần tại Manila và Bắc Kinh kể từ tháng 5.

Putin thị sát cuộc tập trận lớn ở miền nam

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thăm một thao trường ở Krasnodar, miền nam nước Nga, để thị sát cuộc diễn tập quân sự lớn mang tên Kavkaz 2012.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17/9 đã đến thao trường Rajevski để thị sát cuộc diễn tập quy mô lớn Kavkaz 2012.

Cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 8.000 binh lính, 200 phương tiện quân sự, 100 đơn vị pháo binh và 10 chiến hạm, dưới sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Liên bang Nga, Đại tướng Nikolai Makarov.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lên đài chỉ huy để trực tiếp giám sát cuộc diễn tập quân sự 

"Những bài diễn tập này chỉ theo đuổi một mục đích duy nhất: các lực lượng vũ trang phải thể hiện được sự sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia, họ phải chứng minh rằng mình đã sẵn sàng phản ứng kiên quyết trước bất kỳ thách thức và mối đe dọa nào đối với an ninh quốc gia của Nga", RIA Novosti dẫn lời ông Putin phát biểu khi thị sát cuộc diễn tập.

Cuộc tập trận Kavkaz 2012 diễn ra từ ngày 17 đến 23/9 tại 4 thao trường của Quân khu miền Nam, cũng như tại vùng biển Đen và biển Caspi.

Phương Tây tố Iran đưa vũ khí, quân đội sang Syria qua Iraq

Theo một báo cáo tình báo của phương Tây, Iran đang dùng máy bay dân sự để đưa các thành viên quân sự và một lượng lớn vũ khí qua không phận Iraq để tới Syria, hỗ trợ cho Tổng thống Assad trấn áp cuộc nổi dậy kéo dài 18 tháng qua ở nước này.

Vào đầu tháng này, giới chức Mỹ cho biết họ đã chất vấn Iraq về các chuyến bay của Iran trong không phận Iraq bị tình nghi chở vũ khí cho ông Assad, một đồng minh của Iran.

Hôm qua, thượng nghị sỹ Mỹ John Kerry dọa sẽ xem xét lại chính sách viện trợ của Mỹ đối với Baghdad nếu Iraq không ngưng các chuyến bay trên.

Nhà cửa bị phá hủy ở Aleppo, Syria, trong một vụ không kích ngày 16/9 vừa qua 

Trong khi đó Iraq khẳng định họ không cho phép vũ khí bay qua không phận nước này.
 
Tuy nhiên, báo cáo tình báo do hãng thông tấn Reuters thu thập được cho biết một lượng  vũ khí lớn của Iran đã được bay tới Syria qua Iraq. Theo báo cáo, các đợt vật chuyển như vậy do Lực lượng vệ binh cách mạng Iran tổ chức.

Báo cáo cho biết thêm Iran “tiếp tục hỗ trợ chính quyền ở Damascus bằng cách phái xe tải qua đường bộ Iraq” để tới Syria.
 
Mặc dù những cáo buộc trên không có gì là mới, song báo cáo cho rằng quy mô của các vụ vận chuyển này lớn hơn rất nhiều những gì công chúng được biết và hệ thống hơn rất nhiều nhờ vào một thỏa thuận giữa quan chức cấp cao Iraq-Iran.

Mỹ hối thúc Trung-Nhật giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao

Ngày 19/9, Nhà Trắng bày tỏ hy vọng Nhật Bản và Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước thông qua "các biện pháp hòa bình".

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết: "Chúng tôi tin rằng các mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản có lợi cho tất cả các nước trong khu vực".

Đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku 

Ông Carney tuyên bố rằng Mỹ không đưa ra lập trường về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, song mong muốn hai quốc gia Châu Á này giải quyết vấn đề trên thông qua biện pháp ngoại giao.

Căng thẳng được đẩy lên cao độ khi gần đây nổ ra các cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn Trung Quốc, trong khi các tàu thuyền hai nước theo sát nhau trên vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Syria xem vũ khí hóa học là “phương án cuối cùng”

Trả lời phỏng vấn tờ The Times (Anh) ngày 19/9, một cựu lãnh đạo kho vũ khí hóa học của Syria tiết lộ chính quyền Tổng thống Assad đã có kế hoạch sử dụng loại vũ khí hủy diệt này như “phương án cuối cùng”.

“Chúng tôi đã bàn thảo về việc sử dụng vũ khí hóa học như thế nào và tại những khu vực nào. Chúng tôi nói về nó như một giải pháp cuối cùng, như trong trường hợp chính quyền mất kiểm soát những khu vực quan trọng như Aleppo” - tướng Adnan Sillu kể lại một cuộc họp cấp cao mà ông tham gia trước khi đào tẩu cách đây ba tháng.

Máy bay của không quân Syria phóng tên lửa tại thành phố Aleppo 

Ông Sillu, hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng tiết lộ chính quyền Damascus có cân nhắc việc chuyển vũ khí hóa học cho lực lượng Hezbollah tại Libăng để chống lại Israel. “Nếu chiến tranh nổ ra giữa Hezbollah và Israel thì chỉ có lợi cho Syria” - ông Sillu nhận định.

Bài phỏng vấn ông Sillu xuất hiện một ngày sau khi tờ Der Spiegel của Đức đưa tin quân đội Syria đã thử vũ khí hóa học tại khu vực sa mạc phía tây bắc vào tháng 8/2012. Syria được cho là đang sở hữu số vũ khí hóa học lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Iran.

Tập Cận Bình: Nhật Bản cần kiềm chế hành vi

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng cáo buộc, thương vụ mua quần đảo Điếu Ngư/Senaku của Nhật Bản chỉ là "một trò hề" và cảnh báo, Tokyo cần chấm dứt mọi hành vi vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.


Ông Tập Cận Bình 

"Nhật Bản nên kiềm chế hành vi của họ, không nên thốt ra bất cứ điều gì cũng như bất cứ hành động nào làm suy yếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc", Phó Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm qua.

Sau đó, Phó Chủ tịch Tập “nhắc khéo” ông chủ Lầu Năm góc rằng, cũng như “đồng minh ruột” Nhật Bản, Mỹ nên cẩn thận với lời nói và hành động của họ đồng thời nên biết kiềm chế để không “xía mũi” vào các tranh chấp lãnh thổ cũng như các vấn đề liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc.

Phan Anh (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn