Thế giới 24h: Nhật muốn đưa Hàn Quốc ra Tòa án Quốc tế

Thế giớiThứ Bảy, 11/08/2012 05:57:00 +07:00

(VTC News) - Israel xây căn cứ tiếp tế ngầm để tránh tên lửa, Nhật muốn lôi Hàn Quốc ra Tòa án Quốc tế, ...

(VTC News) - Israel xây căn cứ tiếp tế ngầm để tránh tên lửa, Nhật muốn lôi Hàn Quốc ra Tòa án Quốc tế, Trung Quốc công nhận Indonesia là trung gian hoà giải ở Biển Đông, ... là những tin nổi bật trong ngày 11/8.

Israel xây căn cứ tiếp tế ngầm để tránh tên lửa

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đang lên kế hoạch xây ba căn cứ tiếp tế dưới lòng đất có khả năng tránh tên lửa ở miền nam, trung và bắc của nước này.

Hiện nay, IDF quản lý kho nhiên liệu, trung tâm tiếp tế lương thực và kho đạn tại những nơi khác nhau, theo The Jerusalem Post ngày 10/8.

Một sĩ quan từ Ban Hậu cần và công nghệ thuộc IDF cho hay mỗi căn cứ tiếp tế mới sẽ được trang bị công nghệ hiện đại và hệ thống tự động.

Binh sĩ Israel tuần tra gần hệ thống Vòm Sắt đánh chặn rocket

Do căn cứ tiếp tế mới có thể trở thành mục tiêu tấn công của Syria, Hezbollah, Iran, nên IDF đang có kế hoạch kiên cố hóa các căn cứ này và bảo vệ chúng bằng hệ thống Vòm Sắt đánh chặn rốc-két. Ngoài ra, một phần của các căn cứ mới sẽ được xây dưới lòng đất để tránh tên lửa của địch.

Ngoài các căn cứ tiếp tế, Ban Hậu cần và công nghệ thuộc IDF còn chịu trách nhiệm mở các tuyến tiếp tế cho các đơn vị hoạt động phía sau chiến tuyến địch và đảm bảo nguồn cung nhiên liệu, thực phẩm, đạn dược trong suốt thời gian xảy ra cuộc chiến.

Nhật muốn lôi Hàn Quốc ra tòa án quốc tế

Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba tiết lộ vào hôm 11.8, rằng Tokyo đang cân nhắc đề nghị Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) giải quyết tranh chấp với Hàn Quốc về chủ quyền một quần đảo.

Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak có chuyến thăm bất ngờ đến một quần đảo mà Nhật gọi là Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo), theo AFP.

“Chúng tôi đang cân nhắc biện pháp nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên công pháp quốc tế, bao gồm đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế”, ông Gemba nói với các phóng viên.


Một tàu chiến Hàn Quốc gần đảo Dokdo/Takeshima

“Cho đến lúc này, chính phủ Nhật đã cân nhắc tác động mà hành động như thế có thể gây ra đối với mối quan hệ Nhật - Hàn. Tuy nhiên chuyến đi của tổng thống Hàn Quốc đến Takeshima đã khiến sự cân nhắc đó trở nên không còn cần thiết. Chúng tôi phải trình bày lập trường của Nhật trước cộng đồng quốc tế”, ông Gemba nói tiếp.

Ông Gemba đưa ra phát biểu trên sau cuộc họp với đại sứ Nhật tại Seoul, ông Masatoshi Muto, người được Tokyo triệu hồi về nước sau chuyến thăm quần đảo của ông Lee.

Ông Lee đã đến thăm quần đảo hiện do Seoul kiểm soát vào hôm 10/8 bất chấp cảnh báo của Tokyo rằng chuyến thăm sẽ làm căng thẳng mối quan hệ vốn đã chông chênh giữa hai nước.

Tàu chiến Nga tập trận bắn đạn thật ở Địa Trung Hải

Một nhóm tàu chiến của Lực lượng Hải quân Nga vừa mới đây đã thực hiện một cuộc tập trận chiến thuật bắn đạn thật kéo dài hai ngày ở biển Địa Trung Hải. Đây là nhóm tàu chiến đang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Nhóm tàu tập trận gồm 3 tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn, hai tàu khu trục lớp Neustrashimy, một tàu khu trục lớp Udaloy và hai tàu hỗ trợ. Những chiếc tàu này đến từ Hạm đội phía Bắc, Hạm đội Baltic và Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga.

“Trong hai ngày qua, đội tàu chiến đặc biệt đã thực hiện một cuộc tập trận chiến thuật, trong đó có màn diễn tập bắn đạn thật với các hệ thống tên lửa và pháo binh”, Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (10/8) cho biết.

Các tàu chiến của Nga sẽ đến căn cứ hải quân Novorossiisk sau khi thực hiện thêm các bài huấn luyện ở khu vực trung tâm biển Địa Trung Hải vào cuối tháng này.


Một tàu chiến của Nga

Trái với những thông tin của báo chí trước đây, đội tàu chiến đặc biệt trên sẽ không ghé thăm căn cứ hải quân của Nga ở cảng Tartus, Syria.

Trước đó, hôm 3/8, báo chí rộ lên tin, Matxcơva cử 3 tàu đổ bộ cỡ lớn cùng với hàng trăm lính thủy đánh bộ đến căn cứ ở Tartus. Theo nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, mỗi tàu đổ bộ chở tới 120 lính thủy đánh bộ Nga sẽ đến Syria vào khoảng cuối tuần này. Nhiệm vụ của nhóm tàu đổ bộ là cung cấp các nguồn lực cho căn cứ hải quân Nga ở đây.

Matxcơva cũng từng thổ lộ, nước này chuẩn bị cử lực lượng lính thủy đánh bộ đến Syria để bảo vệ người của họ ở căn cứ hải quân thuộc cảng Tartus và di chuyển các thiết bị quan trọng ra khỏi nơi đây khi cần thiết.

Trung Quốc công nhận Indonesia là trung gian hoà giải ở Biển Đông

Trong khuôn khổ chuyến thăm Indonesia, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 10/8 cho biết là Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Indonesia với tư cách nhà trung gian hòa giải không chính thức, nhằm duy trì “hòa bình và ổn định" ở Biển Đông.

Ông Dương Khiết Trì cũng tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng làm việc “trên cơ sở đồng thuận” để đi đến việc thông qua một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Kể từ sau thất bại của hội nghị ASEAN tại Phnom Penh, khi hội nghị không ra được thông cáo chung do bất đồng về tranh chấp trên Biển Đông, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã cố thúc đẩy việc thông qua bộ quy tắc ứng xử, nhằm giảm bớt những căng thẳng trên vấn đề đánh cá, khai thác dầu khí và lưu thông hàng hải trên Biển Đông.


Ngoại trưởng Indonesia (trái) và người đồng cấp Trung Quốc 

Ngày 10/8 tại Jakarta, ông Natalegawa tuyên bố là vấn đề Biển Đông đòi hỏi các nước trong khu vực - ASEAN và Trung Quốc - làm việc chặt chẽ với nhau. Sau khi gặp Ngoại trưởng Trung Quốc, ông tin rằng ngoại giao vẫn là giải pháp đang được các bên chọn lựa.

Tại cuộc gặp vào ngày 10/8, Ngoại trưởng Trung Quốc và Ngoại trưởng Indonesia tại Jakarta đã thỏa thuận mở rộng quan hệ song phương, nhưng các bình luận về Biển Đông lại gây nhiều chú ý nhất.

Indonesia là chặng dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến công du ba nước thuộc ASEAN (Indonesia, Brunei và Malaysia), trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc với các láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc có một loạt động thái chứng tỏ tham vọng bá quyền ở Biển Đông của mình.

Tuyệt thực để chống tham nhũng

Nhà hoạt động chống tham nhũng Baba Ramdev đã bắt đầu đợt tuyệt thực ba ngày để kêu gọi Chính phủ Ấn Độ thu lại hàng trăm tỉ USD mà các quan chức đã cất giấu ở nước ngoài.

Ngày 10/8 khoảng 20.000 người đã tụ họp tại thủ đô New Delhi để bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch chống trốn thuế và bài trừ tham nhũng của ông Ramdev. Tại khu vực Ramlila chật kín người ủng hộ tay còn cắp giỏ quần áo và thức ăn đến từ nhiều tỉnh thành Ấn Độ. Ông Ramdev loan báo đợt tuyệt thực sẽ kéo dài ba ngày và đề nghị chính phủ cần có ngay quyết định, Theo báo India Express.

Ông Ramdev phát biểu tại thủ đô New Delhi trước khi tuyệt thực

"Nếu họ không hiểu tiếng nói của hòa bình, chúng ta sẽ khiến họ hiểu rõ tiếng nói của cách mạng" - ông Ramdev cảnh báo. Tuy vậy, ông nói cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ diễn ra một cách hòa bình, phi bạo lực.

An ninh đã được siết chặt tại khu vực biểu tình. Nhiều người lo ngại lực lượng an ninh sẽ can thiệp nếu số người tham gia ủng hộ ông Ramdev vượt quá 35.000 theo quy định.

Chiến đấu cơ T-50 bổ nhào cùng Mig-29

Màn nhào lộn của các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 Sukhoi T-50 hiện đại nhất của Nga sẽ là một trong những tiết mục tâm điểm của buổi trình diễn mừng sinh nhật thế kỷ của Không quân nước này.

Tại căn cứ không quân Zhukovsky, ngoại ô Moscow, các phi công tập dượt lần cuối với máy bay phản lực chiến đấu Sukhoi T-50 và Mig-29, với những màn nhào lộn cuộn vòng tròn.

Máy bay Sukhoi T-50 thế hệ thứ 5

Là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, Sukhoi T-50 được Nga thiết kế để cạnh tranh trực tiếp với chiếc F-22 Raptor của Mỹ và chiếc F-35 Lightning II của liên doanh Mỹ-Anh. Chiếc T-50 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 29/1/2010.

Các hoạt động kéo dài hai ngày mừng sinh nhật thế kỷ của không quân Nga với sự tham gia của Tổng thống Vladimir Putin, sẽ mở cửa cho công chúng từ ngày mai. Chương trình bao gồm một triển lãm máy bay và một màn trình diễn của không quân.
 

Đỗ Hường (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn