Thế giới 24h: Nhật cử quân đội bảo vệ Điếu Ngư/Senkaku

Thế giớiThứ Sáu, 27/07/2012 07:44:00 +07:00

(VTC News) - Philippines sẵn sàng cho mọi tình huống ở Biển Đông, Nhật tính cử quân đội bảo vệ đảo tranh chấp,...

(VTC News) - Philippines sẵn sàng cho mọi tình huống ở Biển Đông, Nhật tính cử quân đội bảo vệ đảo tranh chấp, Indonesia, Trung Quốc bàn kế hoạch sản xuất tên lửa,... là những tin đáng chú ý trong ngày.

Philippines sẵn sàng cho mọi tình huống ở Biển Đông

"Chúng tôi luôn sẵn sàng dựa trên những giới hạn riêng của mình. Tuy nhiên, tư tưởng hay suy nghĩ về xung đột vũ trang có thể làm leo thang viễn cảnh xảy ra xung đột vũ trang. Chúng tôi xin nhắc lại, quan điểm của chúng tôi là giải quyết xung đột bằng phương pháp hòa bình", ông Aquino trả lời tại một cuộc phỏng vấn hôm qua, sau khi có bài phát biểu quan trọng tại Lễ kỷ niệm 114 năm thành lập Bộ Ngoại giao.


Tổng thống Benigno Aquino 

Ông nói thêm rằng chính quyền Philippines sẽ tiếp tục chiến lược "bình tĩnh và kiềm chế" trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham ở Biển Đông. Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) hôm 25/7 cho rằng khả năng xảy ra xung đột vũ trang ngày càng tăng, khi 10 nước ASEAN mới đây họp mà chưa ra được một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Nhật tính cử quân đội bảo vệ đảo tranh chấp

Thủ tướng Nhật hôm qua khẳng định nước này sẵn sàng huy động quân đội để bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của mình, trong đó có nhóm tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

"Nếu nước khác có hành vi xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải của Nhật Bản, trong đó có quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét khả năng huy động quân phòng vệ khi cần", đài truyền hình NHK dẫn lời thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda phát biểu trong phiên họp của quốc hội chiều qua.

Các tàu hải quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Ông Noda nhấn mạnh các biện pháp ngoại giao và quản lý khủng hoảng, tránh xung đột, vẫn rất quan trọng, tuy nhiên "chính phủ chắc chắn sẽ có thái độ kiên quyết để ứng phó" nếu tình huống trên xảy ra.


Đây là lần đầu tiên chính phủ Nhật tuyên bố sẽ huy động quân đội để giải quyết tranh chấp trên nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Nhật và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền với các đảo này.

Tuyên bố của ông Noda được đưa ra trong bối cảnh các tàu ngư chính của Trung Quốc liên tục hiện diện xung quanh quần đảo tranh chấp.

Hồi đầu tháng, Trung Quốc hai lần đưa tàu đi vào "những vùng nước của Nhật Bản" quanh quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông, gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Tokyo và Bắc Kinh. Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc lên để phản đối và cũng triệu hồi đại sứ Nhật tại Bắc Kinh về nước trong một ngày.

Mỹ đã sẵn sàng dùng siêu bom phá boongke

Loại bom thông thường lớn nhất từng được phát triển đã sẵn sàng hủy diệt những kẻ thù của Mỹ. Lãnh đạo không quân Michael Donley nói, loại bom có khả năng phá boongke siêu đẳng đã sẵn sàng để dùng sau nhiều năm thử nghiệm.

"Nếu cần ngay trong ngày hôm nay, chúng tôi đã sẵn sàng", Donley nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục thử bom để cải tiến khả năng của nó và mọi việc cứ thế mà tiếp diễn".

Ảnh: minh họa

Lầu Năm Góc đã chi 330 triệu USD để phát triển và chế tạo hơn 20 quả siêu bom có khả năng xuyên thủng những hầm ngầm bê tông nằm sâu dưới đất 60m.

Dù trước đây có những quả bom hạt nhân lớn hơn, song loại bom thông thường mới này nặng gấp 6 lần loại bom phá boongke trước đây mà không quân Mỹ sử dụng và có khả năng đem theo khối chất nổ 2.400 kg.

Các chỉ huy quân sự Mỹ đã công khai thừa nhận loại siêu bom trên được chế tạo để tấn công những cơ sở hạt nhân được gia cố vững chắc của các quốc gia "hiếu chiến" như Iran và Triều Tiên.

Dù Lầu Năm Góc khăng khăng cho rằng việc chế tạo loại siêu bom trên không nhằm vào mối đe dọa cụ thể nào song các quan chức không nêu tên trong Bộ Quốc phòng Mỹ luôn nói rằng loại bom trên được chế tạo để vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân của Iran tại Fordo hoặc ít nhất để hăm dọa Tehran.

 Video tên lửa hiện đại của Nauy bắn thủng tàu chiến


Indonesia, Trung Quốc bàn kế hoạch sản xuất tên lửa

Indonesia và Trung Quốc vừa bắt đầu đàm phán về kế hoạch hợp tác sản xuất tên lửa chống tàu C-705 tại nước Đông Nam Á này, theo báo The Jakarta Post ngày 27/7.

Tên lửa chống tàu C-705 của Trung Quốc 

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Indonesia Hartind Asrin cho hay, cuộc đàm phán diễn ra trong cuộc họp bàn về hợp tác quốc phòng hai bên tại thủ đô Jakarta ngày 25/7.

“Cuộc họp bàn về nhiều nỗ lực nâng cao hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Chúng tôi đã chuẩn bị một khu vực sản xuất tên lửa hướng ra biển để có thể tiến hành thử nghiệm”, ông Hartind cho biết, cũng theo ông Hartind, tên lửa C-705, do Trung Quốc chế tạo, có tầm bắn 120 km và hải quân Indonesia đã thử thành công tên lửa này ở eo biển Sunda.

Dự kiến thỏa thuận hợp tác sản xuất tên lửa C-705 của hai nước sẽ được ký vào năm 2013.

Chủ tịch Ủy ban về quốc phòng Mahfudz Shiddiq thuộc Hạ viện Indonesia cho rằng, kế hoạch hợp tác sản xuất tên lửa như trên nhằm đưa Indonesia tiến đến bước tự phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của mình.

Ngoài Trung Quốc, Indonesia đang hợp tác với Hàn Quốc sản xuất máy bay chiến đấu và tàu ngầm; với Hà Lan đóng tàu khu trục nhỏ; và với Tây Ban Nha sản xuất máy bay vận tải.

Đỗ Hường (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn