Thế giới 24h: Mỹ điều tàu quét mìn tới Nhật Bản

Thế giớiThứ Năm, 28/02/2013 05:14:00 +07:00

(VTC News) - Mỹ điều tàu quét mìn tới Nhật Bản; Nhà hàng ở Bắc Kinh gỡ tấm biển kỳ thị chủng tộc;… là những tin đáng chú ý trong ngày 28/2.

(VTC News) - Mỹ điều tàu quét mìn tới Nhật Bản; Nhà hàng ở Bắc Kinh gỡ tấm biển kỳ thị chủng tộc;… là những tin đáng chú ý trong ngày 28/2.

Mỹ điều tàu quét mìn tới Nhật Bản

Hải quân Mỹ đã quyết định điều tàu quét mìn USS Warrior tới Nhật Bản để thay thế cho tàu quét mìn USS Guardian bị mắc kẹt ngoài khơi Philippines hồi tháng trước.

Theo quyết định trên, tàu Warrior sẽ rời Bahrain vào ngày 2/3 tới để tới Sasebo, Nhật Bản.

Tàu quét mìn USS Warrior 

Tàu Warrior gần đây đã hoàn thành đợt triển khai tới khu vực hoạt động của Hạm đội 5 thuộc hải quân Mỹ và được lên kế hoạch trở lại cảng nhà ở San Diego.

Tuy nhiên, thay vì quay lại Mỹ như dự tính ban đầu, Warrior sẽ lên đường đi Sasebo trên một tàu vận tải hạng nặng và dự kiến sẽ tới Nhật Bản vào tháng 3. 

Warrior sẽ thay thế tàu USS Guardian, vốn đang bị mắc cạn tại một rặng san hô quý ở Philippines từ hôm 17/1.

Trung Quốc dùng công nghệ chống tham nhũng

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc vừa công bố báo báo nói rằng, chính quyền các cấp ở nước này gần đây áp dụng công nghệ trong phòng chống tham nhũng, như quy trình xác nhận trực tuyến, hệ thống thống kê hối lộ...

Năm ngoái, hệ thống theo dõi các trường hợp đưa hối lộ của các doanh nghiệp và cá nhân được đưa vào sử dụng, từ đó giúp các công tố viên dễ dàng kiểm tra trực tuyến thông tin về việc đưa và nhận hối lộ.

Diện mạo một quan tham ở Trung Quốc

Theo báo cáo, phương pháp này giúp Trung Quốc đạt được tiến bộ lớn trong việc ngăn ngừa hối lộ.

Chính quyền tỉnh Hải Nam áp dụng hệ thống trực tuyến ngăn ngừa quan chức can thiệp quá trình cấp phép, kiểm tra hành chính, còn chính quyền thành phố Ningbo, tỉnh Chiết Giang đưa vào sử dụng hệ thống giám sát hành chính điện tử.

Ông Lu Yanbin (Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) nói rằng, sử dụng công nghệ để chống tham nhũng ngày càng hiệu quả và sẽ tiếp tục được nhân rộng trong năm nay.

Indonesia phạt tù cha mẹ trẻ em đường phố

Chính quyền huyện Karimun, tỉnh đảo Riau (Indonesia) mới đây tuyên bố sẽ phạt tù những ông bố, bà mẹ nào buộc con cái lang thang đường phố làm các công việc như ăn xin, đánh giầy hay bán báo...

Cơ quan trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ trẻ em của huyện Karimun cho biết, các bậc phụ huynh sẽ có hai tuần để khắc phục cảnh báo của chính quyền, và sẽ bị phạt tù theo quy định của Luật Bảo vệ trẻ em nếu vẫn để con cái tái diễn lang thang đường phố. Chính quyền sẽ cung cấp giáo dục và y tế miễn phí để giúp xóa bỏ tình trạng trẻ lang thang đường phố.

Trẻ ăn xin tại thủ đô Jakarta, Indonesia 

Trong khi đó, Cơ quan An sinh xã hội của huyện Karimun nêu rõ sẽ tiếp tục nhận các em nhỏ vì những lý do bất khả kháng phải lang thang đường phố vào các cơ sở chăm sóc xã hội, nhằm hỗ trợ mục tiêu của chính quyền huyện xóa bỏ hoàn toàn tình trạng trẻ lang thang đường phố trong năm 2013.

Nhà hàng ở Bắc Kinh gỡ tấm biển kỳ thị chủng tộc

Bất chấp việc gỡ bỏ tấm biển kỳ thị chủng tộc vào hôm nay, 28/2, sau khi gây ra làn sóng phẫn nộ quốc tế, người chủ nhà hàng ở Bắc Kinh đã ngoan cố từ chối xin lỗi.

Tấm biển kỳ thị chủng tộc bị lên án dữ dội tại nhà hàng ở Bắc Kinh 

Tấm biển bằng tiếng Hoa và tiếng Anh dán trên cửa kính tại nhà hàng Beijing Snacks có nội dung: “Cửa hàng không phục vụ người Nhật, người Philippine, người Việt Nam và chó”, với ý nghĩa miệt thị người dân những nước có tranh chấp trên biển với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo AFP, bất chấp việc tháo tấm biển sau những cáo buộc về phân biệt chủng tộc, người chủ nhà hàng nói ông ta không hối hận và sẽ không xin lỗi vì những sự xúc phạm đã gây ra.

Giẫm đạp ở cổng cầu thang, 4 học sinh thiệt mạng


Theo Tân Hoa xã, một vụ giẫm đạp xảy ra ngay trước cổng cầu thang ký túc xá ngày 27-2 đã khiến bốn học sinh ở tỉnh Hồ Bắc thiệt mạng.

Theo đó, lúc 6g15 (giờ địa phương) ngày 27/2, hàng trăm học sinh tập trung đông đúc ở lối vào cầu thang ký túc xá thuộc Trường tiểu học Qinji, thành phố Laohekou.

Cổng ký túc xá lúc đó vẫn đóng do chưa đến thời gian mở cửa. Khi cửa mở, hàng trăm học sinh xông vào cùng một lúc đã gây ra cuộc hỗn loạn.

Một học sinh bị thương đang được điều trị tại bệnh viện địa phương 

Hậu quả, trong số 11 học sinh được đưa đến bệnh viện, bốn học sinh đã qua đời ngay sau đó.Đến 15g chiều cùng ngày, vẫn còn 3 học sinh bị thương nặng đang được điều trị tại bệnh viện địa phương.

Tám cán bộ, công chức, bao gồm cả người đứng đầu phòng giáo dục thành phố đã bị cách chức. Trong khi đó, hiệu trưởng cùng ba nhân viên khác của trường tiểu học trên đang bị điều tra.

Được biết, chỉ có một lối vào duy nhất ở tầng trệt ký túc xá 4 tầng này. Có hơn 500 học sinh nội trú tại trường.

Nga: đề cử bé 1 tuổi điều hành hãng bay nhà nước

Tỉ phú người Nga Alexander Lebedev vừa đề cử con trai mới 15 tháng tuổi của mình vào hội đồng quản trị Tập đoàn hàng không quốc gia Nga Aeroflot.

Chào đời vào tháng 11/2011, bé Egor Lebedev là một trong 14 ứng viên được đề cử vào hội đồng quản trị Tập đoàn Aeroflot.

Thông báo của Aeroflot trên website cho biết tập đoàn này chấp thuận danh sách ứng viên. Các cổ đông của Aeroflot sẽ chọn ra hội đồng gồm 11 người từ các đề cử trên vào ngày 24/6.

Tỉ phú Alexander Lebedev và vợ Yelena Perminova 

Hiển nhiên một đứa trẻ không thể điều hành cả một hãng hàng không. Lý giải về "trò đùa" này, ông Levedev nói với Hãng tin RIA: "Nếu ban giám đốc của những công ty quốc doanh không có quyền lực quyết định thật sự thì sự hiện diện của những người lớn ở đây cũng không có ý nghĩa gì".

Trước đó, ông Lebedev từng đề cử con trai Nikita vào vị trí ban giám đốc hồi năm 2009 khi bé mới 3 tháng tuổi.

Theo báo Moscow Times, việc đề cử trẻ em vào hội đồng quản trị một công ty không bị cấm tại Nga, vì luật không đề cập đến tuổi tác của ứng viên.

Khánh Thục (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn