Thế giới 24h: ASEAN quan tâm ứng xử ở Biển Đông

Thế giớiThứ Hai, 09/07/2012 06:58:00 +07:00

(VTC News) - Tổng thống Assad tố Mỹ kích động bạo lực ở Syria, Trung Quốc phản đối kế hoạch mua đảo của Nhật, COC là mục tiêu hàng đầu của ASEAN,...

(VTC News) - Tổng thống Assad tố Mỹ kích động bạo lực ở Syria, Trung Quốc phản đối kế hoạch mua đảo của Nhật, COC là mục tiêu hàng đầu của ASEAN,... là những tin đáng chú ý trong ngày.


Tổng thống Assad tố Mỹ kích động bạo lực ở Syria

Ngày 8/7, Đài truyền hình ARD của Đức cho biết Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã cáo buộc Mỹ kích động một cuộc nổi dậy bạo lực chống lại chính quyền của ông.


Đài ARD dẫn trả lời phỏng vấn trên truyền hình của ông Assad nói rằng Mỹ đang hợp tác với những kẻ "khủng bố... bằng vũ khí, tiền hoặc sự ủng hộ công khai và chính trị tại Liên hợp quốc."

Tổng thống Syria Assad


Ông Assad cũng tuyên bố sẽ không lùi bước trước "những thách thức của đất nước."

Theo ARD, đây mới chỉ là cuộc trả lời phỏng vấn thứ ba của ông Assad với truyền thông phương Tây kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy ở Syria hồi tháng 3/2011.

Bài phỏng vấn được tiến hành hôm 5/7 tại Damascus và do đài truyền hình nhà nước Syria ghi hình.

Nga sẽ tiếp tục tăng cường hải quân trong năm nay

Hãng tin Interfax-AVN dẫn nguồn tin từ đại diện báo chí và thông tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết hơn 10 tàu nổi và tàu hỗ trợ sẽ được hoàn tất xây dựng để trang bị cho Hải quân Nga trước cuối năm 2012.

Nguồn tin trên cho hay: "Trong số đó có các tàu hộ tống, tàu quét mìn ven biển, tàu đặc chủng, các tàu khảo sát mới nhất, tàu thủy văn, tàu kéo chạy tuyến và tàu kéo ngoài khơi.

Một tàu sân bay của Nga  

Trong tháng Bảy, Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch hoàn thành các thử nghiệm và bàn giao cho hải quân dự án tàu tên lửa 11661k Daghestan.

Theo nguồn tin, Bộ Quốc phòng Nga sẽ tiếp tục xây dựng khoảng 15 tàu nổi và tàu ngầm các hạng khác nhau.

Trung Quốc phản đối kế hoạch mua đảo của Nhật

Trung Quốc cho rằng các đảo thuộc chủ quyền của mình không thể được mua hoặc bán, sau khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố đang thương lượng để quốc hữu hóa các hòn đảo thuộc chuỗi Sensaku/Điếu Ngư.

"Lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc không thể được bất cứ ai đem bán hay mua", Lưu Vi Dân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trên trang web của mình hôm 7/7.

Chuỗi đảo tranh chấp Sensaku/Điếu Ngư 

Ông Lưu cũng cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục áp dụng những biện pháp cần thiết để "kiên quyết bảo vệ chủ quyền đối với chuỗi đảo Điếu Ngư cùng các đảo nhỏ kế cận".

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda hôm 7/7 phát biểu với báo giới rằng ông đang cân nhắc quốc hữu hóa một vài đảo thuộc chuỗi Sensaku/Điếu Ngư để tăng cường khả năng kiểm soát đối với các đảo này. Nằm trong vùng nước có nguồn thủy sản dồi dào, chuỗi đảo Sensaku/ Điếu Ngư thường xuyên là điểm nóng trong quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

COC là mục tiêu hàng đầu ASEAN

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng các quốc gia Đông Nam Á nên đặt mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng về biển Đông với Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN (AMM) lần thứ 45 vào hôm nay, 9/7.

Tại hội nghị AMM 45 ở thủ đô Phnom Penh, ông Hun Sen nhấn mạnh việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp là mục tiêu chính của 10 quốc gia Đông Nam Á.

Theo AFP, căng thẳng về chủ quyền tại biển Đông hứa hẹn sẽ là chủ đề chính tại hội nghị lần này, đặc biệt vào cuối tuần khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (hàng đầu, bên phải) chào đón ngoại trưởng các nước ASEAN 

Trong bài phát biểu, ông Hun Sen thúc giục các đại biểu hãy chú trọng hợp tác nhằm xây dựng COC, vốn sẽ cung cấp các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các tranh chấp lãnh thổ giữa các nước trong khu vực.

Ông Hun Sen nói ASEAN phải chứng tỏ khối này có thể là đầu tàu cho việc phát huy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị và an ninh, theo AFP.

“Duy trì hòa bình và an ninh khu vực là điều tuyệt đối cần thiết cho sự thịnh vượng của ASEAN”, Thủ tướng Campuchia phát biểu.

Căng thẳng ở biển Đông đã gia tăng trong thời gian gần đây với việc một số nước ASEAN lên tiếng về hành vi khiêu khích của Bắc Kinh.

Philippines đang vận động ASEAN đoàn kết nhằm thuyết phục Trung Quốc chấp nhận COC song Bắc Kinh chỉ thích đối thoại tay đôi với từng nước tranh chấp.

Israel muốn tên lửa tối tân cho tàu chiến mới

Hải quân Israel đang định lắp đặt tên lửa hiện đại cho những tàu chiến mà nước này sẽ mua vào năm tới, theo báo The Jerusalem Post (Israel) ngày 8/7.

Nhu cầu tên lửa mới được dựa trên ước muốn của Hải quân Israel là hỗ trợ các lực lượng phòng vệ tiến hành tấn công trên bộ ở dãy Gaza, Li Băng hoặc Syria.

Ảnh: minh họa

Tên lửa mới có thể được dùng để tấn công các căn cứ, trạm radar của kẻ thù, đồng thời yểm trợ cho các lực lượng trên bộ.

Từ đó, Hải quân Israel muốn có hệ thống tên lửa được hướng dẫn bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và một số tên lửa tầm xa.

“Những tên lửa này sẽ cho chúng tôi khả năng tạo thêm ảnh hưởng”, một quan chức hải quân Israel nhận định.

Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển Hoa Đông


Hải quân Trung Quốc tuyên bố tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông vào ngày 10/7 tới, trong bối cảnh cuộc tập trận chung của hải quân Philippines và Mỹ bắt đầu hôm 2/7 vẫn chưa kết thúc.
  
Hải quân Trung Quốc cho biết, họ sẽ diễn tập bắn đạn thật trên biển Hoa Đông vào ngày mai 10/7. Hải quân nước này đã phát lệnh cấm đánh bắt cá. Đây là cuộc diễn tập huấn luyện diễn ra thường niên.

Sơ đồ biển Hoa Đông

Tuy nhiên, báo giới nước ngoài chú ý hơn tới cuộc diễn tập năm nay vì thời gian và địa điểm cuộc diễn tập được cho là nhạy cảm.

"Đây là hoạt động quân sự thường niên của hải quân Trung Quốc. Trên thực tế, việc hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Hoa Đông không phải hiếm gặp", chuyên gia quân sự Trung Quốc, ông Tống Hiểu Quân nói trên tờ Tân Hoa Xã.

Tàu hải giám Trung Quốc diễn tập trái phép ở Trường Sa

Bốn tàu hải giám Trung Quốc đã tuần tra hàng chục đảo và bãi đá ngầm trên Biển Đông cũng như tiến hành một cuộc diễn tập tạo hình gần đảo Trường Sa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Thông tin về hoạt động của các tàu hải giám Trung Quốc được Tân Hoa Xã đăng tải ngày 8/7.

Theo THX, nhóm tàu tuần tra biển này của Trung Quốc đã trở về Quảng Châu ngày 8/7 sau khi tuần tra 2.800 hải lý trên Biển Đông để tiến hành cái gọi là "các hoạt động giám sát và tuần tra thường kỳ."

Tàu hải giám Trung Quốc diễn tập trái phép ở Trường Sa (Ảnh minh họa)

Thuyền trưởng tàu hải giám 83, Wang Yun, cho biết vị trí xa nhất nhóm tàu này tiến hành tuần tra được xác định ở 47,5 vĩ độ Bắc và 108,35 kinh độ Đông, được tính từ khi họ khởi hành từ thành phố duyên hải Tam Á hôm 26/6.

Trung Quốc liên tiếp có những hoạt động vi phạm chủ quyền Việt Nam, hôm23/6/2012, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo chào thầu quốc tế tại 09 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đỗ Hường (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn