Thế giới 24h: Ấn Độ thử thành công tên lửa đất đối đất

Thế giớiChủ Nhật, 26/08/2012 05:07:00 +07:00

(VTC News) - Ấn Độ thử thành công tên lửa đất đối đất; Hạm đội Nga đến đảo tranh chấp với Nhật;… là những tin đáng chú ý trong ngày 26/8.

(VTC News) - Ấn Độ thử thành công tên lửa đất đối đất; Hạm đội Nga đến đảo tranh chấp với Nhật;… là những tin đáng chú ý trong ngày 26/8.

Ấn Độ thử thành công tên lửa đất đối đất

Ấn Độ hôm qua tuyên bố bắn thử thành công tên lửa đất đối đất Prithvi-II có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, từ một căn cứ quân sự tại bang Odisha, miền đông nước này.

Hãng tin Indo-Asian News dẫn lời ông M.V.K.V. Prasad, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm liên hợp, cho biết tên lửa được bắn thử từ trung tâm này và thành công như dự định.


Tên lửa đất đối đất Prith-II của Ấn Độ phóng thử từ căn cứ quân sự tại Odisa 

Tên lửa Prithvi-II có tầm bắn 350 km. Prithvi là tên lửa đạn đạo đầu tiên do Ấn Độ chế tạo và là một trong 5 loại tên lửa được phát triển theo Chương trình phát triển tên lửa dẫn đường liên hợp của quốc gia Nam Á.

Hồi đầu tháng 8, Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-II có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn hơn 2.000 km.

Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm trung thuộc nhóm tên lửa đạn đạo chiến lược Agni trong chính sách đánh chặn hạt nhân của Ấn Độ.

Người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng qua đời

Nhà du hành vũ trụ nổi tiếng người Mỹ Neil Armstrong, người đầu tiên trên thế giới đặt chân lên mặt trăng, đã qua đời vì biến chứng sau khi phẫu thuật tim, gia đình ông hôm qua cho biết. Ông thọ 82 tuổi.

Armstrong đã phải phẫu thuật tim vào đầu tháng này sau khi các bác sỹ phát hiện động mạch vành bị tắc.

Neil Armstrong 

Sinh ra ở Wapakoneta, Ohio ngày 5/8/1930, Armstrong ngay từ đầu đã đam mê máy bay và khi còn nhỏ ông làm việc gần một sân bay. Ông bắt đầu học bay vào năm 15 tuổi và nhận bằng lái máy bay cho phi công vào sinh nhật lần thứ 16.

Khi là phi công trong Hải quân Mỹ, ông từng thực hiện rất nhiều sứ mệnh bay.


Ông học kỹ sư hàng không tại đại học Purdue ở Indiana và sau đó có bằng thạc sỹ về kỹ sư hàng không tại Đại học Nam California.

Nổ nhà máy lọc dầu lớn nhất Venezuela

Ít nhất 39 người đã chết, 80 người bị thương trong vụ nổ nhà máy lọc dầu lớn nhất Venezuela vào hôm 25/8, Chinanews đưa tin.

Vụ nổ xảy ra hôm qua tại nhà máy lọc dầu Amuay ở bang Falcon, tây bắc Venezuela.

Phó tổng thống Elias Jaua cho biết,  trong số 39 người chết, có 18 người là thành viên của Lực lượng phòng vệ quốc gia đóng tại nhà máy, 15 người là dân thường và 6 thi thể khác chưa được nhận dạng.

Tổng thống Hugo Chavez đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân xấu số, đồng thời tuyên bố 3 ngày quốc tang tưởng niệm các nạn nhân đã khuất.  Ông Chavez đã hạ lệnh điều tra nguyên nhân vụ nổ trên và cam kết hỗ trợ những người mất nhà cửa ở  khu lọc dầu.

Hiện trường vụ cháy nhà máy lọc dầu 

Bộ trưởng Năng lượng Rafael Ramirez nói,  nguyên nhân vụ nổ có thể là do rò rỉ khí.

"Nhiều người dân sống gần nhà máy đã phải sơ tán sau khi xảy ra vụ nổ khiến nhiều nhà cửa của họ bị phá hủy. Hiện đám cháy đã được kiểm soát hoàn toàn. Nguyên nhân vụ nổ có thể là do rò rỉ khí", Bộ trưởng Năng lượng Rafael Ramirez nói.

Video nổ nhà máy lọc dầu lớn nhất Venezuela  

Hạm đội Nga đến đảo tranh chấp với Nhật


Hạm đội Thái Bình Dương của Nga hôm qua rời cảng Vladivostok tuần hành đến quần đảo Kurils/Vùng lãnh thổ phương bắc tranh chấp với Nhật, trong bối cảnhn vùng biển Đông Bắc Á đang sôi sục.

Người phát ngôn hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga cho biết chuyến đi kéo dài từ ngày 25/8 đến 17/9, với sự tham gia của tàu đổ bộ cỡ lớn Đô đốc Nevelskoi và tàu kéo Kalar. 
Các tàu này sẽ tới 3 trong 4 hòn đảo tranh chấp để tham dự các buổi lễ vinh danh các thủy thủ Xô viết tử trận tại đây vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ II, hãng thông tấn Interfax cho hay.


Quần đảo Kurils/Vùng lãnh thổ phương Bắc 

Tranh chấp đối với quần đảo Kurils đã khiến quan hệ hai nước căng thẳng kéo dài kể từ Thế chiến thứ hai. Khi đó, lực lượng Xô viết đã chiếm 4 hòn đảo trong chuỗi đảo. 
Mâu thuẫn này cũng chính là nguyên nhân làm cản trở một hiệp ước hòa bình giữa hai nước sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Căng thẳng leo thang từ năm 2010 sau khi Dmitry Medvedev trở thành tổng thống Nga đầu tiên tới thăm quần đảo mà phía Nga gọi là Kurils còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ Phương Bắc.

Máy bay không người lái Mỹ diệt thủ lĩnh Haqqani


Theo các nguồn tin tại chỗ, ngày 26/8, tên Badruddin Haqqani, một trong những thủ lĩnh cấp cao của mạng lưới phiến quân Haqqani, có thể đã bị tiêu diệt trong một trận không kích của máy bay không người lái Mỹ tại bang Bắc Waziristan của Pakistan trong tuần này.

Các nguồn tin tình báo Pakistan khẳng định tên Badruddin đã bị tiêu diệt sau khi máy bay không người lái Mỹ tấn công vào khu nhà nơi tên này và một số phiến quân khác đang ẩn náu.


Badruddin Haqqani có thể bị thiệt mạng tại khu vực Bắc Waziristan, sào huyệt của hàng loạt mạng lưới khủng bố và cực đoan Hồi giáo 

Tuy nhiên, một thủ lĩnh khác của Haqqani là Maulvi Ahmed Jan đã bác bỏ thông tin nói trên và cho biết thành viên của mạng lưới này bị thiệt mạng là một người họ hàng xa của trùm khủng bố Osama Bin Laden, kẻ đã bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hồi năm ngoái.

Taliban, một đồng minh khủng bố của Haqqani, cũng khẳng định tên Badruddin còn sống.

Dân Trung Quốc lại biểu tình bạo lực chống lại Nhật

Mạng tin Sankei dẫn nguồn trang điện tử tờ "Minh báo" (Hong Kong) cho biết khoảng 1.000 người dân ở thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 25/8 đã tổ chức biểu tình phản đối Nhật Bản nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, hiện do Nhật Bản kiểm soát.

Theo thông tin đăng trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một toán người trong đoàn biểu tình đã xông vào đập phá một cửa hiệu sushi băng chuyền khiến bầu không khí chống Nhật dâng cao.


Ảnh: minh họa 

Bên cạnh đó, đoàn biểu tình còn hô vang khẩu hiệu "Đảo Điếu Ngư là lãnh thổ thiêng liêng bất khả xâm phạm của Trung Quốc" và cùng đồng thanh kêu gọi "tẩy chay hàng Nhật".

Trong những ngày qua, cư dân mạng ở Trung Quốc cũng kêu gọi đồng loạt tổ chức biểu tình phản đối Nhật Bản ở các thành phố như Nam Sung (tỉnh Tứ Xuyên), Chư Kỵ (Chiết Giang), Đông Quản (Quảng Đông), Hải Khẩu (Hải Nam)… vào ngày 26/8, trong đó ghi rõ địa điểm và thời gian tụ tập biểu tình.

Đỗ Hường (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn