Thầy giáo Olympia: 'Vụ lùm xùm của Đăng như một quả bom nổ to'

Giáo dụcThứ Sáu, 04/12/2015 03:18:00 +07:00

Thầy giáo nổi tiếng Nguyễn Đức Thạch cho rằng sự việc của anh Đăng một quả bom nổ to để những tồn tại đã được ủ từ rất lâu nhưng bây giờ mới phát r

(VTC News) – Thầy giáo nổi tiếng Nguyễn Đức Thạch cho rằng sự việc của anh Đăng một quả bom nổ to để những tồn tại đã được ủ từ rất lâu nhưng bây giờ mới phát ra đúng lúc.

Thầy Nguyễn Đức Thạch đã rất nổi tiếng khi có nhiều học trò tham dự chương trình Đường lên đỉnh Olympia và đi du học. Nhiều học trò của thầy Thạch sau  này cũng đã lựa chọn con đường về Việt Nam để cống hiến cho đất nước.

Trong sự việc này, thầy Thạch cho rằng vấn đề nêu ra như môi trường làm việc trong nước, phát triển sự nghiệp khoa học, ổn định đời sống kinh tế… là những vấn đề không mới nhưng luôn thời sự đối với những nhân tài sau thời gian du học muốn trở lại làm việc trong nước.

Thầy Nguyễn Đức Thạch  - giáo viên của nhiều học sinh đã từng đi thi Đường lên đỉnh Olympia và đi du học
Thầy Nguyễn Đức Thạch - giáo viên của nhiều học sinh đã từng đi thi Đường lên đỉnh Olympia và đi du học 
-Vì sao những vấn đề tưởng chừng không mới đó nhưng qua sự việc lùm xùm của giảng viên Doãn Minh Đăng và lãnh đạo ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, vấn đề này lại được xới lên?

Bây giờ không còn là thời hát bài “Thời thanh niên sôi nổi” kiểu ngày xưa nữa nên khó mà có thể ép nhau được. Những người có tâm và có tầm sẽ tự biết cách giúp ích cho xã hội, cho đất nước theo cách của mình.

- Qua sự việc lùm xùm này, bản thân ông có suy nghĩ gì?

Tôi vẫn tiếc cho TP Cần Thơ vì có thể mất đi nhân tài. Nhưng không có gì tiếc cho Doãn Minh Đăng vì với cậu ấy, sẽ có nhiều nơi để phát huy khả năng và đóng góp.

Tôi thấy rất quý Đăng ở sự sòng phẳng. Đăng không chối bỏ nghĩa vụ của mình và sẵn sàng hoàn trả kinh phí đào tạo cho thành phố Cần Thơ.

Đấy là tư cách của một kẻ sĩ thực sự. Vì vậy, sự việc này như một quả bom nổ thật to nhưng lại là cái được cho xã hội.

Những tồn tại đã được ủ từ rất lâu nhưng bây giờ mới mới phát ra đúng lúc. Rõ ràng trên đất nước Việt Nam này không chỉ có một Doãn Minh Đăng và không chỉ có một ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ.

Trường hợp của Đăng chỉ là trường hợp điển. Sự việc này cũng giúp mọi người cùng nhìn nhận ra một vấn đề bất cập đã tồn tại quá lâu.
Chuyện ít biết về cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia



Giảng viên Doãn Minh Đăng
Giảng viên Doãn Minh Đăng 

- Vừa qua, vị hiểu trưởng ĐH Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ chia sẻ trên báo chí cho rằng giảng viên Đăng "có vấn đề thần kinh" khi từ chối vào diện quy hoạch lãnh đạo, từ chối vào Đảng. Liệu rằng góc nhìn nhận như vậy có phù hợp với những người muốn làm nghiên cứu khoa học như anh Đăng?

Tôi cho rằng đây là lời bình luận phi khoa học và thiếu nhân văn. Vị hiệu trưởng này nên chỉ ra những sai phạm của anh Đăng (nếu có) dưới góc độ của một người quản lý.

Nếu hiệu trưởng không đưa ra dẫn chứng lại nói lời xúc phạm thì không cần là dân khoa học, ai cũng thấy bực mình.


- Như vậy phải chăng những tài năng như Doãn Minh Đăng (nói riêng) và những tài năng khác không có cơ hội về làm việc trong nước do không phù họp cơ chế trong nước?

Tôi cho rằng có hai vấn đề là cơ chế  và thái độ cụ thể của người lãnh đạo trực tiếp. Những thứ đó làm những tài năng trẻ ngại nhất.

Vì vậy, những nhân tài muốn về cũng phải đấu tranh để vượt chướng ngại vật trong tư tưởng.

Hiện tại, Việt Nam đang thiếu một môi trường tự do thực sự cho những người làm khoa học.

Còn chuyện cơ sở vật chất thiếu thốn hay những thứ tương tự thì người làm khoa học ở mức độ nào đó có thể thông cảm được và sẽ khắc phục được.
Anh Đăng chia sẻ những bức xúc với nhà trường trên facebook
Anh Đăng chia sẻ những bức xúc với nhà trường trên facebook 

- Tức là nếu cơ chế chưa thể thay đổi thì rất cần những người lãnh đạo có tầm để phát huy hết khả năng của các nhân tài trở muốn trở về nước?

Đúng vậy. Phải có những người như Bí thư Kim Ngọc trong việc quản lý và sử dụng nhân lực thì mới tạo ra “Khoán 10 trong khoa học” để phát triển.

Những nhân tài muốn về nước phải cố gắng như thế nào để hòa nhập với môi trường làm việc trong nước, thưa ông?

Về việc "hòa nhập" với môi trường trong nước, tôi cho rằng những người đang điều hành cơ chế trong nước cũng cần phải có sự uyển chuyển.

Ở Việt Nam, sinh viên chưa chắc dám xưng “tôi – thầy” với giảng viên. Trong các cơ quan thì vẫn cứ kiểu cha/chú cho nên chỉ cần một vài ứng xử đòi bình đẳng là đã có vấn đề rồi.

Sau nữa là cơ chế xin/cho sẽ khiến dân tây học cảm thấy bị xúc phạm. Họ dễ phản ứng "thái quá" trong cách nhìn nhận của cấp trên.

Đôi khi, cái nảy sảy cái ung vì những điều vụn vặn. Điều đó làm những bạn trẻ mất cơ hội cống hiến và dập tắt nhiệt tình cống hiến.

- Nhưng muốn thay đổi ngay những bất cập đó để làm vừa lòng những nhân tài "tây học" cũng không phải chuyện một sớm một chiều?

Tôi cho rằng, trong những sự việc như thế này, cả 2 bên đều phải lùi một chút.

Cụ Nguyễn Du đã dạy rằng "rằng trong lẽ phải có người có ta". Nếu hai bên đều cố chấp thì thế nào chả gãy.

Xin cảm ơn ông!


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn