Thầy giáo gửi thư cho vợ ở tâm dịch: Đừng khóc, dành nước mắt cho ngày thắng lợi

Kinh nghiệm sốngThứ Ba, 01/06/2021 14:16:05 +07:00
(VTC News) -

"Chiều nay, tôi phải tắt máy điện thoại nhanh khi vợ đang gọi điện nói chuyện với con, vì tôi sợ vợ sẽ khóc vì nhớ con".

Để động viên vợ là y sĩ đang tham gia chống dịch tại "điểm nóng" Bắc Giang, anh Triệu Quang Tùng (giáo viên trường THCS Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang) viết thư chia sẻ, an ủi vợ với tựa đề "Gửi những người chiến sĩ nơi tuyến đầu: Tổ quốc tôi chưa bao giờ đẹp đến thế".

Bức thư được dân mạng chia sẻ những ngày gần đây. Nội dung thư như sau:

"Chiều nay, cô bạn gửi cho mình tin nhắn của cô ấy tâm sự với vợ mình. Nội dung khiến mình thấy nhói lòng, cảm giác bất lực vì không thể san sẻ.

Mình cũng biết vợ lo lắng nhưng không muốn nói hoặc cố gắng giấu nó đi. Cũng chiều nay, mình phải tắt máy điện thoại nhanh khi vợ đang gọi điện nói chuyện với con, vì mình sợ vợ sẽ khóc và mình biết cô ấy sẽ khóc vì nhớ con. Nhưng, biết làm sao khi đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của một công dân khi tổ quốc lên tiếng gọi? "Giặc dịch" len lỏi, gieo rắc nỗi lo sợ khắp nơi nên không còn cách nào khác là phải chống dịch. Chỉ mong sao, các chiến sĩ áo trắng được mạnh khỏe và bình yên. Rồi sẽ đến lúc chúng ta ca khúc khải hoàn.

Thầy giáo gửi thư cho vợ ở tâm dịch: Đừng khóc, dành nước mắt cho ngày thắng lợi - 1

Anh Triệu Quang Tùng chụp ảnh cùng vợ và ba người con.

Bỗng dưng nhớ lại bác Nguyễn Khoa Điềm từng viết: "Em ơi em, đất nước là máu xương của mình. Phải biết gắn bó và san sẻ. Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở. Làm lên đất nước muôn đời". Hay bác Chế Lan Viên cũng nói: "Ôi tổ quốc, ta yêu như máu thịt. Như mẹ cha ta, như vợ như chồng". Vậy nên, hỡi những chiến sĩ áo trắng, xin được bày tỏ lòng kính phục, lòng biết ơn đến các anh,các chị đã và đang ngày đêm hi sinh,cống hiến thầm lặng cho đất nước.

Nhìn thấy đội quân áo trắng, áo xanh, áo vàng... dài như sông, như suối, như tiếng hát ấy đang trên đường chi viện cho Bắc Giang, Bắc Ninh; nhìn thấy sự hy sinh ấy mới thấy tổ quốc tôi chưa bao giờ đẹp đến thế!

Hy vọng một lúc nào đó, trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi, vợ và các chiến sĩ áo trắng cũng sẽ đọc được những dòng viết này. Những hình ảnh trong đây hi vọng sẽ làm dịu đi cái căng thẳng, oi bức, ngột ngạt, nguy hiểm mà mọi người đang phải đối mặt.

Đừng khóc vợ nhé! Nước mắt chỉ dành cho ngày chiến thắng. Bởi đất nước này chưa bao giờ có cuộc chia ly!".

Anh Tùng chia sẻ, anh cũng như nhiều người chứng kiến các y bác sĩ ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ giữa tâm dịch đều xót xa, thương cảm. Vợ anh cũng là một trong những y bác sĩ đang miệt mài ngày đêm cống hiến sức mình nơi tuyến đầu. Ngoài việc lo lắng, hỏi thăm mỗi ngày, anh hy vọng bức thư này sẽ tiếp thêm sức mạnh, thêm động lưc và thêm niềm tin cho vợ.

Chủ nhân của bức thư gửi gắm thêm: "Tôi biết cô ấy rất bản lĩnh, thương chồng con nhưng nhất định sẽ không nói ra. Tôi tin, cô ấy sẽ hoàn thành công tác để trở về trong ngày chiến thắng đại dịch".

Thầy giáo gửi thư cho vợ ở tâm dịch: Đừng khóc, dành nước mắt cho ngày thắng lợi - 2

Chị Nguyễn Thị Hồng- vợ thầy giáo Triệu Quang Tùng.

Anh Tùng đang là giáo viên dạy Ngữ văn. Nhà chỉ cách trạm y tế xã - nơi chị công tác - khoảng hơn 1 km nhưng khoảng 20 ngày nay, khi dịch căng thẳng ở Bắc Giang, chị Nguyễn Thị Hồng (vợ anh) và đồng nghiệp 24/24 giờ túc trực liên tục ở Trạm Y tế xã Hợp Thịnh. Để an toàn, các y bác sĩ không được về nhà và hạn chế tiếp xúc với người thân do hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều ca F.

Do đó, anh Tùng phải thay vợ quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc 3 con, trong đó con lớn học lớp 6, con út chỉ mới 21 tháng tuổi.

Con nhỏ, không hợp sữa ngoài, nên hàng ngày anh hoặc ông nội cháu phải hầm cháo, xay bột cho ăn dặm. Nhớ mẹ, nhiều khi con khóc mà anh không biết phải làm sao. Lúc ấy anh đã nghĩ ra trò hát ru. Rất may là con thích nên dần dần cũng bám bố hơn.

Cảnh gà trống nuôi con không hề dễ dàng. Mỗi tối anh Tùng vừa dạy ôn thi trực tuyến cho học sinh lớp 9 vừa trông con. Nhiều khi đang giảng bài, anh phải bảo học trò thông cảm, bởi cháu bé gắt ngủ, quấn thầy quá.

Dù khó khăn, nhưng anh Tùng vẫn vui vẻ và hiểu rằng, những điều này không sá gì so với sự vất vả của vợ và đội ngũ y bác sĩ đang làm việc trong tâm dịch.

Đọc dòng thư động viên của chồng, chị Nguyễn Thị Hồng nghẹn ngào: "Lúc ấy nước mắt tôi cứ ứa ra, thương chồng, nhớ con. Cháu vẫn còn bé và mới cai sữa chưa được bao lâu, chắc con nhớ mẹ lắm. Mang tiếng là giáo viên dạy Văn nhưng bình thường vợ chồng tôi không hay biểu hiện tình cảm với nhau sến súa hay lãng mạn bao giờ. Có lẽ anh ấy muốn khích lệ, động viên chị em chúng tôi nên viết ra những lời xúc động như thế. Vậy nên khi đọc xong thư, tôi dặn lòng, phải cố lên, nhất định không được mềm yếu, không được chảy nước mắt", chị Hồng tâm sự.

Với chị, những lời động viên ấy như tiếp thêm sức mạnh, thêm niềm tin dịch COVID-19 sẽ sớm được đẩy lùi để chị và các y bác sĩ được trở về đoàn tụ với gia đình, với các con.

Thầy giáo gửi thư cho vợ ở tâm dịch: Đừng khóc, dành nước mắt cho ngày thắng lợi - 3

Chị Hồng cùng đồng nghiệp lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại trụ sở Trạm Y tế xã Hợp Thịnh (Bắc Giang).

Chị Hồng xa nhà, xa con tham gia chống dịch tại địa phương tròn 20 ngày. Vất vả nhất là lúc truy vết các ca F0, có khi phải làm việc liên tục 15 - 16 tiếng đồng hồ đến 3h sáng mới được về phòng nghỉ ngơi.

Làm việc cả ngày, nhưng trước khi đặt lưng xuống giường nghỉ ngơi chị vẫn không quên gọi điện hỏi thăm chồng và dặn dò chăm sóc con. Khi nhớ con quá thì chị tranh thủ mang ảnh con ra ngắm, lấy đó làm động lực làm việc, vượt qua những khó nhọc giữa tâm dịch.

Thời tiết ở Bắc Giang ngày một nắng gắt, chị Hồng và các y bác sĩ vẫn phải mặc quần áo bảo hộ đứng ngoài trời lấy mẫu xét nghiệm. Chị luôn trong tình trạng khát khô cổ, mồ hội ướt sũng áo và thiếu ngủ.

Dẫu có nhiều gian truân nhưng chị cùng đồng nghiệp luôn tự động viên nhau cố gắng. "Chúng tôi chung một niềm tin, Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng sẽ sớm chiến thắng đại dịch COVID-19", chị Hồng kiên quyết.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn