Thầy cô giáo được và không được làm gì học sinh?

Thời sựThứ Bảy, 01/05/2010 03:25:00 +07:00

(VTC News) – Cục phó Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục: "Bạo lực đẻ ra bạo lực. Dù nặng hay nhẹ, đây cũng là hành vi không thể chấp nhận được".

(VTC News) - Liên tiếp những vụ việc được báo chí phanh phui như giáo viên tát hàng loạt học trò vì không chịu học bài, giáo viên nhéo chỗ kín của HS, giáo viên xúc phạm thân thể và nhân phẩm học trò... khiến dư luận lo ngại về việc những người thầy giáo cô giáo đang sử dụng sai quyền hạn của mình. Vậy giáo viên được phép làm gì và không làm gì với học trò? VTC News đã có cuộc phỏng vấn với TS Trương Đình Mậu, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bộ GD&ĐT. TS Mậu khẳng định: "Bạo lực đẻ ra bạo lực. Dù nặng hay nhẹ, đây cũng là hành vi không thể chấp nhận được".

- Quan niệm "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" đã được nhiều gia đình và một số giáo viên sử dụng trong thực tế. Thậm chí có không ít người ủng hộ giáo viên đánh học trò ở mức độ nào đó để răn đe học trò hư. Bản thân ông suy nghĩ gì về quan niệm này và về những hành vi bạo lực đang tồn tại ở trong môi trường học đường?

TS Trương Đình Mậu - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bộ GD&ĐT 
TS Trương Đình Mậu, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bộ GD&ĐT: Quan niệm "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" không chỉ có trong gia đình, mà còn ở trong xã hội. Một khi quan niệm này đã đi vào tiềm thức thì việc thay đổi nó không thể là một sớm một chiều. Và việc nó còn rơi rớt lại trong đội ngũ giáo viên cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng sự ủng hộ việc giáo viên có quyền đánh học trò ở mức độ nào đó chính là còn thể hiện sự phó thác việc giáo dục con cái cho nhà trường. Con mình, dù mang nặng đẻ đau, nhưng không ít người  muốn con em mình tiến bộ trong nhà trường bằng mọi giá, cho dù con em họ hư và thầy giáo có quyền trách phạt, có quyền đánh đòn, gia đình không có ý kiến gì. Như thế có nghĩa là đổ hết trách nhiệm lên nhà trường.

Nhưng thực ra, trách nhiệm của nhà trường chỉ có một phần. Vai trò gia đình cực kỳ quan trọng. Giáo dục là việc diễn ra hằng ngày, thông qua việc làm, thông qua giao tiếp với bố mẹ... Bố mẹ phải là tấm gương. Chứ không thể đến trường, rồi giáo viên cứ dạy, cứ đòn roi là học sinh sẽ nên người.

Bây giờ là thế kỷ 21 rồi. Tính chất cơ bản của nhà trường vẫn bảo tồn, vẫn là nơi đào tạo dạy dỗ, hình thành nhân cách cho con người và bồi dưỡng lực lượng lao động xã hội, đội ngũ kế tiếp trong tương lai. Đó là thiên chức của nhà trường. Nhưng trong quan hệ giữa người với người, cùng với sự phát triển của xã hội, thì bạo lực là không thể chấp nhận được, mà phải phát huy bản tính tốt đẹp của con người, sự hướng thiện của con người bằng con đường giáo dục.

- Về lý thuyết là vậy, nhưng trong thực tế, nhiều giáo viên vẫn công nhận tác dụng nào đó của việc cho roi cho vọt đối với HS cá biệt. Một chút bạo lực vẫn có thể được giáo viên chấp nhận, như là một phương pháp bên lề, bên cạnh những phương pháp sư phạm truyền thống...

Bạo lực, dù nặng hay nhẹ cũng là phương pháp không chấp nhận được. GV đánh học trò vì không làm bài, đây là mang cách hành xử kiểu trong gia đình, với con cái vào nhà trường. Nhưng đây là cách hoàn toàn không đúng.

Tôi nghĩ, giai đoạn trước, trong nhà trường (nơi này hay nơi khác) cũng có hiện tượng giáo viên xúc phạm thân thể của người học. Và Bộ GD&ĐT đã có văn bản quy định việc giáo viên được làm và không được làm. Nhưng như tôi đã nói, để thay đổi quan niệm này trong giới giáo viên, cần một quá trình nhất định. Không thể chỉ 1, 2 năm sau khi ban hành Quy định đạo đức nhà giáo hay Luật Giáo dục là mọi người thực hiện nó suôn sẻ, ngay lập tức. Tôi có niềm tin là từ cuối năm 2008 đến nay, chắc là có sự chuyển biến rồi. Vì giáo viên họ cũng phải lo cho sự nghiệp của họ. Chỉ vì bức xúc nhất thời mà huỷ hoại sự nghiệp của cả đời người là việc mà ai cũng phải cân nhắc.

- Nhưng thực tế là thời gian gần đây có khá nhiều vụ tiêu biểu, như giáo viên tát hàng loạt học sinh vì không thuộc bài, cô giáo nhéo chỗ kín, thầy giáo đánh trò....

Nếu những trường hợp báo chí nêu là đúng thì cần phải xử lý nghiêm như những trường hợp điển hình để các giáo viên lấy đó làm gương, ý thức hơn với việc mình làm. Nhưng riêng trường hợp thầy Hà Phương Tiến ở trường THPT tư thục Hồng Đức, tôi thấy báo chí đưa tin trước và sau hoàn toàn khác nhau. Việc đuổi học giáo viên này, cần phải hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ lưỡng. Từ thông tin đánh học trò toé máu, thách học trò tự tử... đến việc chỉ phát nhẹ vào mông HS hai cái là hai việc có mức độ hoàn toàn khác nhau. Thầy Tiến cũng là một quản nhiệm hết sức có uy tín, chính phụ huynh HS đứng ra xin cho thầy. Vậy đuổi việc thầy này có nên hay không? Chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng và xử lý đúng người đúng mức độ vi phạm.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là trong khi chúng ta đang nói về một vài vụ này, thì hơn 1 triệu giáo viên khác đang lên lớp thực hiện sứ mệnh đào tạo cho trên 20 triệu học sinh Việt Nam, từ bé đến lớn. Do đó, không thể chỉ vì dư luận phản ánh, việc có một số ít giáo viên vi phạm phần nào đó đạo đức nhà giáo, nặng hay nhẹ, mà có cách nhìn tiêu cực về 1 triệu giáo viên còn lại. Nó không thể đại diện cho một triệu nhà giáo khác.

- Bản thân ông từng là một giáo viên, chắc ông hiểu được vì sao giáo viên lại có những lúc "không giữ được mình" như thế?

Tôi đi dạy 10 năm ở bậc đại học. Đối tượng là sinh viên đại học nên họ đã trưởng thành nhiều. Lúc đó tôi cũng chỉ hơn họ 5, 6 tuổi nên trong cách hành xử, tôi xem họ như là những người bạn. Và tất nhiên, không thể đánh họ được rồi (Cười).

Nhưng trong quãng thời gian tôi là HS, tôi cũng từng chứng kiến một đôi lần thầy xử lý các bạn. Có thể là phạt đứng trước lớp, hoặc có thể là ngồi nói chuyện riêng, không chịu nghe giảng nên thấy bắt đứng lên, kéo cái tai to ra và bảo để nghe cho rõ. Những cũng rất ít chứ không nhiều. Và chưa thấy thầy đánh trò bao giờ.

- Vậy, đọc, xem những thông tin giáo viên đánh học trò như thế này, cảm xúc của ông ra sao?

"Bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực. Dù nặng hay nhẹ thì đây cũng là hành vi không thể chấp nhận được"

Tôi buồn. Không phải vô cơ giáo viên đánh học trò. Có một bộ phận học sinh của mình chưa ngoan, chưa chăm. Nhưng mà tất nhiên, quy định thì ngành giáo dục cũng đã ban hành, khâu tuyên truyền của nhà trường và địa phương chưa tới chăng? Giáo viên chưa hiểu được tác hại, tác động của việc mình làm. Chưa biết sai là như thế nào.

- Vậy, qua những sự việc trên, ông có nên nhắc lại giáo viên được và không được quyền làm gì đối với học sinh?

Luật Giáo dục đã chỉ rõ, giáo viên không được quyền đánh học trò dưới bất cứ hình thức nào (Cấu véo, bạt tai...). Không được xúc phạm đến thân thể và nhân phẩm của học trò. Nhưng theo tôi, phải căn cứ vào trường hợp cụ thể. Ví dụ, học trò học giỏi, giáo viên khích lệ bằng cách cốc nhẹ, bẹo má. Xét về lý thuyết là cũng xâm phạm thân thể. Nhưng động cơ lại là khác. Do đó, nắm chắc bản chất vấn đề để xử phạt đúng người đúng tội.

Khi HS vi phạm, điều đầu tiên là giáo viên phải kiên nhẫn. Đúng là có lúc giáo viên bực lắm, nhưng họ phải kiên nhẫn và phải dùng các phương pháp giáo dục đúng đắn, đừng bộc phát lên để có hành vi bạo lực, vì bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực. HS sẽ dùng hành vi đó để hành xử tiếp với người khác. Kể cả cách nói năng của người lớn cũng sẽ khiến HS học theo. Nếu không đủ độ kiên nhẫn thì họ nên chọn ngành nghề phù hợp, chuyển nghề khác. Chứ không kiên trì thì rất khó làm nhà giáo.

Tất nhiên là các giáo viên đều được học nghiệp vụ sư phạm, nhưng có thể họ quên. Chúng ta cũng thế, có những thời điểm quên, vẫn hành xử nặng tay với con cái. Thế nên tôi nói là phải kiềm chế. Còn quên, thì ngành phải tiền hành bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, tạo điều kiện để giáo viên được trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như nghiệp vụ sư phạm.

- Xin cảm ơn ông!

Các hành vi nhà giáo không được làm

1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xúc phạm thân thể của người học;


2. Gian lận trong tuyển sinh, thi cử, cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của người học;


3. Xuyên tạc nội dung giáo dục;


4. Ép buộc HS học thêm để thu tiền.

Điều 75 - Luật Giáo dục 

Hiền Lê (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn