Thất bại nặng nề, MU còn đợi gì mà không mua tân binh?

Bóng đá AnhThứ Ba, 22/09/2020 08:12:26 +07:00
(VTC News) -

Trận thua Crystal Palace là lời cảnh tỉnh cần thiết đến MU, trong bối cảnh lực lượng HLV Solskjaer đang có không đủ mạnh để cạnh tranh ở bất cứ sân chơi nào.

Trận thua 1-3 trước Crystal Palace sẽ không vô nghĩa nếu nó gióng được hồi chuông báo động lên ban lãnh đạo về những lỗ hổng của Manchester United.

HLV Ole Solskjaer cần được tăng cường lực lượng để giúp Quỷ đỏ có danh hiệu mùa này. Phó Chủ tịch Ed Woodward phải hành động, thay vì ngồi im bất lực như pho tượng trong ngày MU để đối thủ hoàn toàn nghiền nát.

Thất bại nặng nề, MU còn đợi gì mà không mua tân binh?  - 1

MU thua tan nát trước Palace. 

Giá trị của trận mở màn 

Nếu MU cuốn phăng Palace trong trận đấu vào đêm thứ Bảy vừa qua như cách đã làm với Fulham ở mùa giải 2006/2007, những đòi hỏi về chuyển nhượng sẽ tạm lắng xuống. Luận điểm kiểu "đội hình MU vẫn đủ mạnh" sẽ xuất hiện nhiều hơn là những chỉ trích. 

Nhưng rốt cục điều đó không xảy ra. MU chịu thất bại tồi tệ nhất trong trận mở màn kể từ mùa 1995, khi họ thua Aston Villa. Mùa giải đó, MU bán Paul Ince, Mark Hughes và Andrei Kanchelskis. Nếu mạng xã hội xuất hiện vào thời điểm ấy, MU sẽ bị chê bai nhiều tới nhường nào?

Dù vậy, thất bại năm 1995 còn được an ủi khi MU thiếu Steve Bruce, Eric Cantona, Andy Cole và Ryan Giggs. Còn trận thua Palace vừa qua thì không có gì để bào chữa. Những cầu thủ tốt nhất đã tung vào sân, nhưng MU vẫn đá tệ hại.

Thất bại nặng nề, MU còn đợi gì mà không mua tân binh?  - 2

MU nhận thất bại khó bào chữa. 

Trở lại với mùa giải 2006/2007. Giám đốc điều hành MU khi ấy là David Gill đã hứa hẹn mang về hai cầu thủ đẳng cấp thế giới, nhưng sau cùng, họ chỉ có Tomasz Kuszczak và Michael Carrick.

Cái tên đầu tiên là một thủ môn... dự bị, mà hiếm CĐV MU nào viết đúng tên nếu không tra Google. Hai cái tên được kỳ vọng nhất là Carlos Tevez và Javier Mascherano đều không về MU mùa đấy.

Quỷ đỏ vẫn đủ mạnh để vô địch. Nhưng đó là khi Sir Alex Ferguson còn ngồi ghế chỉ đạo. 

HLV Louis van Gaal từng tuyên bố MU là đội bóng mạnh nhất thế giới, nhưng ông sớm phải chịu thất bại ngay trận mở màn trước Swansea City. MU hôm ấy ra quân với Tyler Blackett ở vị trí hậu vệ cánh, Chris Smalling và Phil Jones đá trung vệ. Cánh còn lại thuộc về Jesse Lingard.

Van Gaal thừa nhận chuỗi 6 trận thắng ở loạt giao hữu hè (trước Real Madrid, Liverpool) khiến MU tự tin thái quá. Trận thua Swansea chưa phải thảm họa. Sau đó ít tuần, họ bị MK Dons hạ nhục 4 bàn ở Cúp Liên đoàn. Đó mới là trái đắng thực sự với Van Gaal.

Sức ép bủa vây, buộc lãnh đạo MU phải đi đến quyết định mang về Angel di Maria, Marcos Rojo, Daley Blind và Radamel Falcao. Không ai còn trụ lại Old Trafford, nhưng nếu không có trận thua Swansea, chưa chắc MU đã chịu mua thêm người, và MU chưa chắc đã có vé đi Champions League cuối mùa giải đó. 

Thất bại nặng nề, MU còn đợi gì mà không mua tân binh?  - 3

Mourinho và Van Gaal là nạn nhân của chính sách chuyển nhượng bất hợp lý. 

Năm 2018, báo chí Anh đưa tin Jose Mourinho tức giận đến mức chửi bới sau cuộc điện thoại với Phó Chủ tịch Ed Woodward. Mourinho muốn có một trung vệ và một hậu vệ phải. Jerome Boateng được liên hệ, nhưng thương vụ trôi vào dĩ vãng.

Matt Judge, người phụ trách chuyển nhượng ở MU, chỉ bắt đầu hành động vào 2 tuần cuối của kỳ chuyển nhượng. Ông dĩ nhiên không cứu vãn được gì. MU chơi tệ hại và Mourinho bị sa thải. 

Khi MU bất lực trước Palace vào đêm thứ Bảy, cựu hậu vệ Gary Neville đã phải thốt lên: "Tại sao MU không mua thêm cầu thủ để bổ sung cho đội hình này?". Patrice Evra chua chát hơn: "MU chỉ gây sốt trên mạng xã hội, thay vì trên sân cỏ. Tôi thấy chán nản khi nhìn họ thi đấu". Ai cũng thấy MU tệ hại ra sao, thì Ed Woodward không thể... không thấy. 

Bài học từ mùa 2018 vẫn còn nóng hổi. Trên ghế huấn luyện MU không phải là Sir Alex, người giúp họ vô địch dù đội hình tệ hại đến đâu. Quỷ đỏ phải hành động nếu không muốn vứt đi một mùa giải nữa.

Hãy nhìn Van de Beek 

Van de Beek để lại dấu ấn ngay trận ra mắt với bàn gỡ 1-2 vào lưới Palace. Tiền vệ người Hà Lan sẽ gánh vác MU? Còn quá sớm để khẳng định. Van de Beek cũng chưa thể hiện được nhiều, nhưng anh có khát vọng.

Cựu cầu thủ Ajax Amsterdam chạy liên tục, di chuyển từ cánh trái sang cánh phải, nhiều lần giơ tay xin bóng, đuổi bóng, đốt cháy năng lượng trong 30 phút cuối. Van de Beek tạo ra sức sống cho hàng công MU tốt hơn bất cứ đồng đội nào.

Có thể Van de Beek chưa giỏi, nhưng anh có khát vọng và quyết tâm - điều không có ở hầu hết đội hình MU lúc này.

Thất bại nặng nề, MU còn đợi gì mà không mua tân binh?  - 4

Khát vọng Van de Beek là thứ không hiện diện ở hầu hết cầu thủ khác của MU. 

Cùng thời điểm MU thua Palace, Jadon Sancho có cú nước rút qua hai phần ba chiều dài sân để kiến tạo cho Erling Haaland ghi bàn. 110 triệu bảng cho Sancho là đắt? Anh khó thành công ở Anh? Rất có thể. Chelsea bỏ 80 triệu bảng cho Kai Havertz và đến giờ tân binh người Đức vẫn chưa đóng góp được gì. Không phải cứ chi tiền là xong.

Dẫu thế, các cầu thủ mới sẽ mang đến tinh thần mới. Quan trọng nhất, họ có khát vọng và sự tận hiến. Yếu tố này đôi khi còn quan trọng hơn là chuyên môn. Không có khát vọng, Quỷ đỏ sẽ không đi đến đâu.

Trận thua Palace sẽ không vô nghĩa nếu nó hối thúc lãnh đạo MU phải hành động. Bằng không, Quỷ đỏ chuẩn bị đối diện với một mùa bóng đáng quên nữa. 

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn