Tháp Doanh nhân cao nhất Việt Nam: Thu tiền rồi bỏ hoang

Kinh tếThứ Tư, 16/07/2014 11:10:00 +07:00

(VTC News)-Sau 4 năm khởi công, dự án "đất vàng" tháp Doanh nhân (1 Thanh Bình, Hà Đông) do tập đoàn Anh Quân làm chủ đầu tư vẫn đắp chiếu vì chưa có giấy phép.

(VTC News) - Sau 4 năm khởi công, dự án "đất vàng" tháp Doanh nhân (1 Thanh Bình, Hà Đông) do tập đoàn Anh Quân làm chủ đầu tư vẫn đắp chiếu vì chưa có giấy phép xây dựng.

Thu tiền tỷ của dân, dự án vẫn đắp chiếu

Năm 2010, Tập đoàn Anh Quân Strong, Công ty Cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô, đã tổ chức lễ khởi công dự án được coi toà tháp Doanh nhân cao nhất Việt Nam.

Tòa tháp Doanh nhân tọa lạc ngay gần trung tâm quận Hà Đông, Hà Nội, được thiết kế gồm căn hộ cao cấp, văn phòng, khách sạn và trung tâm thương mại, với tổng số vốn đầu tư là 1.200 tỷ đồng, công trình nằm trong khuôn viên với diện tích xây dựng là 1370 m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 70 nghìn m2.


Tòa tháp cao là 52 tầng trong đó có 5 tầng hầm và 45 tàng nổi, 02 tầng lửng, với chiều cao tòa nhà là 168m, gồm 270 căn hộ, có diện tích từ 75-95 m2, 100-135 m2, trên 200 m2, đáp ứng nhu cầu nhà ở cao cấp cho khoảng hơn 1000 người.

Dự kiến sau 9 tháng thi công sẽ xây xong phần móng, 24 tháng phần thô và 42 tháng đi vào hoạt động.


ốc, nhà đất, Tháp Doanh nhân, Tập đoàn Anh Quân
Dự án Tháp Doanh nhân vẫn quây tôn, đắp chiếu 
Theo công bố của chủ đầu tư, sau khi hoàn thành tòa tháp Doanh nhân sẽ là điểm nhấn Trung tâm văn hóa, du lịch, dịch vụ, vui chơi, giải trí, hoạt động kinh doanh, thương mại, hoạt động cộng đồng dân cư ở phía Nam Hà Nội.

Tòa tháp khi hoàn thành sẽ tạo ra diện mạo mới cho quận Hà Đông nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Nơi đây còn được chủ đầu tư xem là một biểu tượng phát triển, hội tụ của giới DN Hà Nội.


Ngày khởi công quảng cáo rầm rộ rồi chìm dần, hiện, dự án vẫn chưa xong phần móng. Những biển quảng cáo giới thiệu dự án bên ngoài hàng rào tôn sót lại xô lệch. Công trường đóng cửa, không bóng công nhân. Điều đáng nói, dự án nằm ngay trước mặt tiền của một khách sạn lớn quận Hà Đông.

Đầu năm 2011, nhiều khách hàng đã tố Công ty Tây Đô chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý đã tiến hành huy động vốn và khởi công công trình... Tháng 11/2009, Công ty Tây Đô ký hợp đồng góp vốn đầu tư với một số nhà đầu tư.

Nội dung hợp đồng ghi rõ, sau khi ký hợp đồng góp vốn 90 ngày, Công ty Tây Đô sẽ khởi công công trình, sau 12 tháng kể từ ngày khởi công hoàn thành xong móng công trình đến cốt 00 và chuyển sang làm hợp đồng mua bán nhà cho người mua với số lượng căn hộ tương ứng tại các sàn nhà ở trong Tòa nhà hỗn hợp tháp Doanh nhân.

Nếu theo đúng cam kết trong hợp đồng, tháng 3/2011 việc thi công móng công trình đến cốt 00 phải hoàn thành. Dự án chậm tiến độ, các nhà đầu tư góp vốn không còn tin tưởng vào đơn vị chủ đầu tư nên gửi đơn tới các cơ quan chức năng. Lúc này, các cơ quan chức năng mới phát hiện ra dự án khởi công khi không có giấy phép xây dựng.

Ngày 17/1/2012, Thanh tra xây dựng quận Hà Đông đã lập biên bản vi phạm hành chính tại công trường Tòa nhà hỗn hợp tháp Doanh nhân. Tiếp theo đó, ngày 19/1/2012, UBND quận Hà Đông đã có tờ trình đề nghị Bộ Xây dựng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với hành vi vi phạm của Công ty Tây Đô.

Trước những sai phạm trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có quyết định xử phạt Công ty Tây Đô số tiền 35 triệu đồng do khởi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng.

Không chỉ "tai tiếng" vì chưa có giấy phép xây dựng, sau 4 năm triển khai, dự án vẫn nằm yên tại chỗ. Mô hình hợp nhất hai tòa nhà công bố trên website của Anh Quân Strong Cty Tây Đô khẳng định “Dự án đã thi công xong gần 80% số cọc móng của công trình” nhưng bãi đất dự kiến xây tháp Doanh Nhân vẫn um tùm cỏ cây và chỉ được đào sâu có một hố nước.

Bà N. T. T (khách hàng) cho biết, gia đình bà đã góp vốn tổng cộng gần 5 tỷ đồng vào dự án. Sau khi thấy dự án không triển khai đúng cam kết, bà đã nhiều lần đến gặp lãnh đạo công ty Tây Đô và Tập đoàn Anh Quân để đòi lại tiền bị chiếm dụng nhưng lãnh đạo khất lần hết lần này đến lần khác.

“Tiền góp vốn là tiền mồ hôi nước mắt của chúng tôi, hiện giờ gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, vợ chồng ly tán. Trong khi chủ đầu tư cầm tiền sử dụng vào mục đích gì chúng tôi không biết chỉ thấy dự án đắp chiếu 4 năm nay. Biết bao giờ chúng tôi mới được nhận nhà, bao giờ mới có thể lấy lại được số tiền đã góp” bà T cho biết.

Giống như bà N. T.T, anh N.V.K (một người mua nhà) cho biết, “sau khi tìm hiểu dự án chúng tôi mới tả hỏa dự án chưa đủ pháp lý nên chưa thể khởi công, chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng để yêu cầu làm rõ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Trong khi đó, chủ đầu tư cầm gần cả trăm tỷ tiền góp vốn của khách hàng 4 năm nay không đầu tư vào dự án, không trả lại cho chúng tôi. Rõ ràng, chủ đầu tư đã cố tình lừa khách hàng.


Số phận dự án đến đâu?


Theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, dự án Tháp Doanh nhân cho đến thời điểm này vẫn chưa được triển khai là do chưa đủ giấy phép xây dựng. Và Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã ra quyết định xử phạt công ty Tây Đô về việc khởi công dự án trong khi chưa có giấy phép xây phép xây dựng.

Trong khi đó, trao đổi trên báo chí hồi năm 2013, bà Phạm Thị Lan Anh - Phó Tổng Giám đốc công ty Tây Đô lại cho rằng Công ty Tây Đô bị phạt “oan”, bởi theo quy định của UBND tỉnh Hà Tây cũ thì khi công trình đã được phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500 thì có quyền tiến hành xây dựng.

Tuy nhiên, trước câu hỏi: "Tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội ngày 1/8/2008, trong khi tháp Doanh Nhân được khởi công vào ngày 25/1/2010, vậy công trình Tháp Doanh nhân có phải thực hiện thủ tục xin phép xây dựng theo quy định của thành phố Hà Nội hay không?”. Bà Lan Anh đã không đưa ra được câu trả lời.

Ngoài ra,  nếu nhìn vào quy mô dự án thì không hiểu đơn vị nào dám đặt bút ký giấy phép xây dựng cho dự án này.

Theo quảng cáo của Tập đoàn Anh Quân, dự án tòa Tháp Doanh nhân - sẽ cao nhất VN với chiều cao 168m gồm 52 tầng, trong đó có 5 tầng hầm, dự kiến xây dựng trên lô đất rộng 1.370m2.


Trong khi đó, sát cạnh dự án là tổ hợp khách sạn Anh Quân cao 15 tầng, nếu đào móng và xây 5 tầng thì chắc chắn không đảm bảo an toàn.

Rất nhiều câu hỏi đã được khách hàng đặt ra, vậy thì số tiền mà chủ đầu tư đã huy động của khách hàng đang được sử dụng vào mục đích gì. Liệu với tình trạng tài chính như hiện nay thì bao giờ chủ đầu tư mới có thể triển khai dự án và ngân hàng nào dám đứng ra bảo lãnh cho dự án…? Và như vậy không biết bao giờ người mua nhà  mới có thể nhận được căn hộ.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn