Thành viên Chính phủ lên tiếng về Vinashin

Thời sựThứ Ba, 02/11/2010 01:58:00 +07:00

(VTC News)- Về Vinashin, theo Bộ trưởng GTVT việc quản lý nhà nước “còn lúng túng”, Tổng Thanh tra CP thừa nhận tránh chồng chéo nên "chưa thanh tra toàn diện".

(VTC News) – Liên quan đến Vinashin, trước Quốc hội, Bộ trưởng GTVT nhìn nhận việc quản lý nhà nước đối với tập đoàn “còn lúng túng”, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhận định “vì phải tránh chồng chéo, nên chưa tiến hành thanh tra toàn diện”…

Tại buổi thảo luận hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 của Quốc hội chiều 1/11, có nhiều ý kiến quan tâm đến việc quản lý điều hành, hoạt động của các đơn vị kinh tế nhà nước, đặc biệt là quan tâm đến những yếu kém vi phạm của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: “Chúng tôi lúng túng!”

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh, về mặt quản lý Nhà nước thì Bộ GTVT thực hiện tương đối rõ ràng đối với Tập đoàn Vinashin là quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hàng hải (kết cấu hạ tầng cảng biển, luồng cảng biển, vận tải biển, đăng ký, đăng kiểm phương tiện vận tải biển, an ninh, an toàn hàng hải biển...) - những việc đó tương đối rõ ràng nó đúng theo luật và phù hợp với qui định của quốc tế.

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng (Ảnh: A.C) 
“Tuy nhiên đối với chức năng được phân công một số nội dung đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với tập đoàn thì có khó khăn, có lúng túng trong việc thực hiện vấn đề này. Chức năng đại diện chủ sở hữu làm rất khó!” – Bộ trưởng Dũng thừa nhận.

Theo đó, về chức năng đại diện chủ sở hữu, Bộ GTVT phải báo cáo Chính phủ ý kiến khi tập đoàn trình Chính phủ về một số các nội dung như mục tiêu, quy hoạch, phát triển chiến lược phát triển của tập đoàn; điều lệ của tập đoàn; tổ chức, cơ cấu tổ chức của tập đoàn; một số công tác dân sự, ví dụ ý kiến của ủy viên Hội đồng quản trị về Chủ tịch tập đoàn, về Tổng giám đốc... Ông Dũng cho rằng, nội dung này là Bộ báo cáo Chính phủ ý kiến của mình khi được Tập đoàn trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ sẽ tập trung lại và sẽ có quyết định, cái gì Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Tập đoàn thì Tập đoàn quyết định - “chứ Bộ thì hoàn toàn không có được một quyền nào quyết định trong tất cả những nội dung này”.

Cái khó thứ 2 của Bộ GTVT với Vinashin, theo Bộ trưởng Dũng là cùng với các Bộ khác như Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính... giám sát đầu tư tập đoàn. Tuy nhiên, nhiều vấn đề không phát hiện được, nhiều vấn đề phát hiện chậm, thậm chí tất cả những vấn đề cố ý làm sai trái là hoàn toàn không phát hiện được.

“Cái đó là khuyết điểm của Bộ trong việc chậm phát hiện, không phát hiện được những vấn đề nổi lên ở trong Vinashin qua thực hiện giám sát đầu tư. Qua vấn đề này chúng tôi cũng kiểm điểm thấy có trách nhiệm của mình, thấy có khuyết điểm của mình, nhưng cũng thấy có nhiều lúng túng trong việc thực hiện chức năng giám sát” – Bộ trưởng Dũng thừa nhận.

Ông Dũng lý giải, cơ chế bây giờ không thực hiện chế độ Bộ chủ quản, không có chế độ Bộ chủ quản trong các văn bản, nghị định, các nghị quyết và luật, không có chủ quản của cơ quan Nhà nước đối với doanh nghiệp, mà Bộ bây giờ thực hiện chức năng quản lý ngành đối với doanh nghiệp. Việc thực hiện quản lý ngành thì lại có một vấn đề quan trọng là chấm dứt tình trạng các cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp cụ thể vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn.

Như vậy, theo ông Dũng, ranh giới quản lý Nhà nước, ranh giới giữa đại diện chủ sở hữu ở một số nội dung và ranh giới để cho quyền chủ động không can thiệp và quyền chủ động của hội đồng quản trị, cho tập đoàn thực hiện nhiệm vụ được giao là…”chúng tôi lúng túng!”.

“Bởi thế, cho nên việc giám sát, phát hiện vấn đề có những khiếm khuyết mà chúng tôi tự nhận thấy rằng trong việc thực hiện chức năng, thực hiện đại diện chủ sở hữu của mình cũng chưa tốt về vấn đề này”.- Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nói.

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: “Chưa tiến hành thanh tra toàn diện …”

Chiều cùng ngày, cũng liên quan đến Vinashin, trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng, cần phải mổ xẻ để thấy đúng thực chất vấn đề, vi phạm đến mức nào, nguyên nhân vi phạm do đâu, trách nhiệm của ai và xử lý như thế nào.

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền (Ảnh:VNN) 
Theo ông Truyền, Chính phủ đã thảo luận, kiểm điểm nghiêm túc và có báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội, nêu rõ và đầy đủ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã quan tâm, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ còn lúng túng trong việc xác định cơ chế quản lý trong khi giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tập đoàn thuộc các tổng công ty, nhưng thể chế, cơ chế, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán thì chưa tương xứng, kém hiệu quả, do đó chưa phát hiện kịp thời những yếu kém, vi phạm trong hoạt động quản lý của tập đoàn để ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Trước những lập luận cho rằng Chính phủ còn buông lỏng quản lý, nhất là buông lỏng việc kiểm tra, giám sát và thậm chí còn có biểu hiện bao che, dung túng để Tập đoàn Vinashin vi phạm nghiêm trọng mà không biết, không xử lý để đánh giá đúng vi phạm của tập đoàn và trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi cơ quan, cá nhân để xảy ra vi phạm của Vinashin - Tổng thanh tra Chính phủ nêu rõ, từ đầu năm 2006 đến nay, có hơn 11 lần thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tuy nhiên, đây là một số lượng của thanh tra, kiểm tra, giám sát của nhiều cơ quan chức năng, không chỉ riêng có hoạt động của thanh tra và do pháp luật quy định trách nhiệm của các cơ quan khác nhau thì chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật khác nhau, trong khi đó pháp luật cũng chưa quy định cơ quan nào phải thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện.

“Còn kiểm toán và thanh tra của Chính phủ thì vì phải tránh chồng chéo, nên chưa tiến hành thanh tra toàn diện. Đây chính là vấn đề vừa qua như Chính phủ đã kiểm điểm là có trách nhiệm trong việc quản lý và cũng có một phần là do lỗi của cơ chế” – ông Truyền nói.

Qua 11 lần thanh tra, kiểm tra, kiểm toán giám sát đều phát hiện ra những vấn đề vi phạm của Vinashin về hoạt động sử dụng vốn, về tổ chức các công ty con, về đầu tư ra ngoài ngành nhưng không đúng quy định của pháp luật. Một số cuộc thanh tra, kiểm tra được báo cáo lên Chính phủ, một số cuộc đề nghị đến cơ quan chức năng và lãnh đạo tập đoàn Vinashin. Thủ tướng Chính phủ đã xem xét chỉ đạo và yêu cầu Vinashin phải chấn chỉnh kịp thời, nhất là vấn đề mua sắm tài sản và đầu tư ra ngoài ngành nhưng đáng tiếc lãnh đạo Vinashin không chấp hành đúng và nhà nước chưa có cơ chế để phúc tra lại việc chấp hành và đặc biệt các chế tài để xử lý các vi phạm không quy định cho các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, để kịp xử lý - “do đó chúng tôi không thể làm khác hơn được” – ông Truyền nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, do thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả giám sát là những hoạt động khác nhau, quy định pháp luật điều chỉnh cũng khác nhau - do đó về chức năng của Thanh tra Chính phủ không thể kiểm soát và cũng không thể đánh giá lại tất cả các hoạt động này được, nhất là các hoạt động kiểm tra giám sát, kể cả kiểm toán.

Cũng theo ông Truyền, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm của Vinashin và đã 3 lần đề xuất kế hoạch thanh tra toàn diện chứ không phải là 2 lần. Trong 3 lần thanh tra này, tuy có kế hoạch, nhưng chưa được tiến hành và đi đến nhận định chung của đại biểu Quốc hội là chưa có cuộc thanh tra toàn diện để đánh giá đầy đủ toàn diện, kịp thời - theo ông Truyền, việc này có một phần lỗi do trách nhiệm như Chính phủ nói là do hệ thống của chúng ta như vậy nên tuy thanh tra nhiều nhưng phát hiện không đầy đủ, không kịp thời, không có xử lý kịp thời đúng mức các lỗi phạm của Vinashin mang tính chất ngăn chặn. Tuy nhiên cũng có phần do cơ chế, chúng ta làm rất nhiều nhưng vì chồng chéo hoặc do không phân định rõ, dẫn đến có sự chờ đợi lẫn nhau, cái này cũng có ý kiến cho rằng nhùng nhằng.

“Trên thực tế chúng tôi cho rằng không có sự đùn đẩy hoặc là sự nhùng nhằng ở đây, vấn đề là do điều hành còn có những khiếm khuyết. Về mặt này Chính phủ và thanh tra Chính phủ chúng tôi cũng nhận hết trách nhiệm và chúng tôi cũng đã kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, sắp tới để khắc phục tình hình về tăng cường quản lý đối với các tập đoàn và tổng công ty, ngoài việc xây dựng, ban hành các cơ chế quản lý nói chung cần phải điều chỉnh lại cơ chế về hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, làm sao để có những cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp và có những cơ quan khác chịu trách nhiệm gián tiếp hoặc chịu trách nhiệm từng bộ phận một cách minh bạch, rõ ràng thì mới có thể nâng cao được hiệu quả của hoạt động thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Có ý kiến cho rằng có dấu hiệu là Chính phủ bao che, nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước về công tác thanh tra chúng tôi báo cáo rất rạch ròi về những vấn đề đã tiến hành, về trách nhiệm của mình còn Chính phủ bao che như thế nào thì chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu hoặc có căn cứ để nói như vậy”.

Về việc Quốc hội đã 2 lần đề xuất giám sát nhưng Chính phủ có ý kiến nói rằng để Chính phủ xử lý trước, thông tin này, theo ông Truyền, “chúng tôi cũng chưa có căn cứ để xác định việc đó đã diễn ra. Nói chung Quốc hội đã tiến hành giám sát và Quốc hội cũng đã có ý kiến về hoạt động của Tập đoàn Vinashin và Chính phủ cũng đã lắng nghe, đã xem xét những ý kiến của Quốc hội để chỉ đạo trong công tác quản lý. Đây là những vấn đề thực tế mà chúng tôi giữ trách nhiệm của mình rất nghiêm túc báo cáo trước Quốc hội để đại biểu Quốc hội xem xét”.

Trần Vũ


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn