Thanh tra toàn quốc để lật tẩy nước mắm trá hình

Kinh tếThứ Bảy, 15/10/2016 18:24:00 +07:00

“Sau phản ánh về thực trạng 'nước mắm trá hình', 'nước mắm công nghiệp',… tung hoành, Bộ Y tế đã thành lập đoàn thanh tra đi thanh tra, kiểm tra nước mắm đóng chai trên toàn quốc”.

Ngày 14/10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết như trên.

Sẽ báo cáo Thủ tướng

Ông Phong cho biết sau khi có kết quả thanh tra sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sẽ thông tin tới các cơ quan truyền thông.

Khi được hỏi có hay không thông tin năm ngoái các doanh nghiệp (DN) làm nước mắm công nghiệp có đề nghị Liên bộ Y tế - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành một quy chuẩn về nước mắm. Theo đó, trong nước mắm chỉ cần có “đạm lỏng” là đủ gọi nước mắm, tức không cần có đạm có nguồn gốc xuất xứ từ đạm cá, hay đạm hình thành từ quá trình lên men tự nhiên với cá. Ông Phong trả lời: “Chưa từng nghe thông tin này”.

Thanh tra toan quoc de lat tay nuoc mam tra hinh hinh anh 1

Người tiêu dùng chọn mua nước mắm tại hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: HTD

Chiều cùng ngày, qua trao đổi với ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế, được biết thời gian qua Bộ Y tế nhận được nhiều phản ánh từ người tiêu dùng về tên gọi, nhãn mác, chất lượng, phụ gia sử dụng trong sản phẩm nước mắm, nước chấm đóng chai. Do vậy Bộ Y tế quyết định tiến hành thanh tra hai mặt hàng này.

Cụ thể, theo phản ánh của người dân, hiện nay trên thị trường có loại nước mắm không có thành phần cá mà chỉ có hương vị cá, khác hoàn toàn và không đúng với nước mắm truyền thống. Đó là chưa kể có nhiều loại phụ gia được sử dụng trong sản phẩm đang gây băn khoăn, lo lắng cho người tiêu dùng về độ an toàn.

“Đây là đợt thanh tra riêng về sản phẩm nước mắm, nước chấm đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây. Bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra nhãn mác, chất lượng, phụ gia, hương liệu sử dụng trong nước mắm, các đoàn thanh tra sẽ lấy mẫu sản phẩm nước mắm để kiểm nghiệm chất lượng”, ông Chính nói.

Thanh tra chưa đủ, cần có quy chuẩn

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng bên cạnh việc thanh tra thì điều quan trọng nhất để ngăn chặn tình trạng nước mắm trá hình là phải có bộ tiêu chuẩn cụ thể đối với nước mắm. Tiếp đến là quản lý chặt chẽ dựa trên các quy chuẩn, tiêu chí.

Ví dụ quy định rõ thế nào là nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Nước mắm, nước chấm muốn lưu hành trên thị trường phải được dán nhãn mác chi tiết như thế nào, độ đạm bao nhiêu phần trăm… Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần phải sửa Thông tư 26/2008 của Bộ Y tế để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

“Không thể để tình trạng như hiện nay mỗi doanh nghiệp làm một kiểu khiến người tiêu dùng nhầm lẫn, khó nhận biết sản phẩm nào là đảm bảo chất lượng. Bởi khi đã có tiêu chuẩn thì buộc tất cả doanh nghiệp phải làm ăn một cách rạch ròi, minh bạch theo đúng bộ quy chuẩn.

Thanh tra toan quoc de lat tay nuoc mam tra hinh hinh anh 2

Sự nhập nhèm giữa chất lượng nước mắm, nước chấm trên thị trường hiện nay đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Từ đây sẽ bịt được lỗ hổng trong quản lý, nếu không thì thị trường nước nắm sẽ ngày càng bát nháo”, ông Bảnh nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù không định nghĩa, không phân chia rõ nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp, nhưng trong bản dự thảo quy chuẩn kỹ thuật nước mắm mới nhất (năm 2015) của Bộ Y tế cũng đã đề cập đến hai loại này.

 Chẳng hạn trong phần chỉ tiêu hóa lý, Bộ đưa ra chỉ tiêu pH với “sản phẩm truyền thống” là 5,0 đến 6,5; trong khi “sản phẩm sử dụng các thành phần để hỗ trợ quá trình lên men” thì không thấp hơn 4,5.

Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng, khó mà phân biệt được đâu là sản phẩm truyền thống lên men tự nhiên và đâu là sản phẩm có “hỗ trợ”. Nhưng Bộ Y tế không đề cập đến việc ghi nhãn sản phẩm như thế nào để người tiêu dùng nhận biết hai loại sản phẩm như trên.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho rằng cần có quy định doanh nghiệp phải ghi rõ độ đạm trên nhãn. Người tiêu dùng lâu nay vẫn nhận biết hạng nước mắm theo độ đạm.

“Nếu anh mua nước mắm cốt về pha loãng ra để bán, đương nhiên độ đạm sẽ thấp, có thể trên dưới 10 độ đạm. Cứ ghi rõ độ đạm, người tiêu dùng sẽ hiểu mức độ loãng của nước mắm”, bà Thu đề nghị.

Nguồn: PL TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn