'Thành phố bọt biển' - cách ngăn lũ lụt mới của Trung Quốc

Tư liệuThứ Hai, 17/08/2020 08:44:20 +07:00

"Thành phố bọt biển" dựng vườn trên mái nhà, vỉa hè thấm nước và bể chứa ngầm để kiểm soát nguy cơ lũ từ các con sông.

Tại một khu phố cổ của thành phố Trùng Khánh, nằm bên bờ sông Trường Giang, chủ cửa hàng Liu dọn dẹp mớ hỗn độn sau trận lụt tháng trước. Bà xếp hàng chục đôi giày ướt sũng, bám đầy bùn đất bên ngoài vỉa hè, cùng tấm biển "tôi sẽ bán với bất kỳ giá nào", nhằm hy vọng thu hút khách hàng.

Người đi bộ nhanh chóng lướt qua và bỏ lại Liu cùng hậu quả của thiên tai mà hầu như năm nào cũng xảy ra, gây thiệt hại hàng triệu đôla và thậm chí hàng trăm sinh mạng, khi thất bại ngăn lũ từ các con sông.

"Không ai trong chúng tôi nghĩ lũ sẽ nghiêm trọng đến vậy", Liu, 63 tuổi, nói. "Tôi đứng từ cửa sổ nhà tôi cách đây không xa và nhìn nước lũ cuồn cuộn. Tôi không thể làm được gì ngoại trừ lo lắng".

'Thành phố bọt biển' - cách ngăn lũ lụt mới của Trung Quốc - 1

Hậu quả lũ lụt tại Trung Quốc. 

Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát các dòng sông với đê, đập hoặc kênh rạch để "khiến núi cao cúi đầu và sông phải tránh đường" như lời cố chủ tịch Mao Trạch Đông từng nói. Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc ghi lại hồ sơ về các thảm họa thiên nhiên trong 500 năm trở lại đây và hầu như mỗi năm đều xảy ra một trận lụt lớn.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh của Trung Quốc đang khiến tình hình trở nên tệ hơn. Vùng đồng bằng ngập lụt trước đây giờ đã nhường chỗ cho các ngôi nhà và nhà máy, được bảo vệ bởi các bờ đê ngày càng cao.

Do đó, chính phủ Trung Quốc quyết định tìm hướng giải quyết mới cho tình hình này. Đó là ý tưởng xây dựng "thành phố bọt biển" và Duyệt Lai, nằm ở rìa phía đông bắc Trung Khánh, gần trung tâm triển lãm quốc tế lớn mới xây dựng, là một ví dụ.

Các thành phố Trung Quốc bị lũ lụt một phần bởi hầu hết diện tích đất giúp hấp thụ nước mưa, như đồng cỏ, rừng cây và hồ nước, đã bị lát đá, buộc dòng nước phải chảy trực tiếp vào hệ thống thoát nước lỗi thời, không còn khả năng ứng phó.

Sáng kiến "thành phố bọt biển" ra đời năm 2015 là nỗ lực nhằm đảo ngược thực trạng trên bằng cách hấp thụ lượng nước mưa lớn và cho nó từ từ chảy vào các hồ chứa và sông. Sử dụng mô hình vườn trên mái, công viên đầm lầy, vỉa hè thấm nước và bể chứa ngầm, kế hoạch này dự kiến giúp hấp thụ và tái sử dụng 70% lượng nước mưa vào 4/5 diện tích đất đô thị của Trung Quốc.

"Chúng tôi cần trả lại không gian cho nước. Chúng ta nên xem nước là nguồn tài nguyên quý giá, chứ không phải kẻ thù", Du Khổng Kiên, giáo sư về kiến trúc cảnh quan tại Đại học Bắc Kinh, cho hay.

Duyệt Lai là một trong số địa điểm thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc. Công viên Trung tâm Triển lãm của nó được đặt thấp hơn các khu vực xung quanh để thu nước mưa, được lọc thông qua các lớp thực vật thủy sinh. Nước mưa rơi xuống mái nhà sẽ được dẫn tới các công viên gần đó hay các vỉa hè được làm từ vật liệu dễ thấm hút.

Trong khi Liu và nhiều chủ cửa hàng khác trong khu phố cổ đang dọn dẹp cửa hàng đầy bùn đất, Duyệt Lai, nằm bên bờ sông Gia Linh, có rất ít dấu hiệu bị ngập lụt. Đây dường như là tín hiệu tích cực đối với Trùng Khánh, thành phố nằm giữa các ngọn núi, nơi giao nhau của hai sông lớn, Trường Giang và Gia Linh, khi đã chi nhiều tiền cho dự án ngăn lũ hơn hầu hết nơi khác.

Trùng Khánh nằm trên đỉnh hồ chứa dài 600 km được tạo ra bởi đập Tam Hiệp trị giá 24 tỷ USD, dự án giảm thiểu nguy cơ lũ lụt lớn nhất Trung Quốc. Hoàn thành năm 2006, đập tạo ra 22,5 gigawatt điện, nhưng vai trò chính là điều tiết dòng lũ hàng năm từ sông Trường Giang.

Đập Tam Hiệp được thiết kế để có thể chống lại trận lũ tồi tệ nhất trong 10.000 năm, bảo vệ các khu vực ở hạ lưu như thành phố Vũ Hán. Tuy nhiên, trong vòng một thập kỷ sau khi hoàn thành, Vũ Hán lại một lần nữa ngập lụt khi sông Trường Giang vỡ bờ.

Vũ Hán từng được mệnh danh là "thành phố trăm hồ", ám chỉ vùng đồng bằng ngập lụt rộng lớn của nó, từng được sử dụng là nơi hấp thụ nước lũ hàng năm của sông Trường Giang. Khoảng 3/4 số hồ này đã bị lấp để phục vụ các công trình xây dựng trong 30 năm qua.

"Trung Quốc đã mất hầu hết vùng đầm lầy tự nhiên dọc sông Trường Giang, nên không còn chỗ cho nước thoát đi", Jennifer Turner, giám đốc Diễn đàn Môi trường Trung Quốc tại Trung tâm Wilson, ở thủ đô Washington, Mỹ, nói.

Các con đập "có thể giúp kiểm soát lũ trong những năm bình thường, chứ không phải như năm nay", Darrin Magee, giáo sư nghiên cứu môi trường tại Đại học Hobart & William Smith ở New York, người dự đoán lũ lụt ngày càng tệ hơn do biến đổi khí hậu, nói. "Đập Tam Hiệp có thể chứa rất nhiều nước nhưng không phải toàn bộ sông Trường Giang".

Chính phủ Trung Quốc và ban quản lý đập khẳng định lũ lụt ở hạ lưu sẽ tồi tệ hơn nếu không có đập Tam Hiệp, bởi lượng nước chảy từ hồ chứa ra ít hơn nhiều lượng nước chảy vào.

Khi lũ lụt càn quét miền nam Trung Quốc vào tháng 7, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cam kết chi thêm 1,29 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 184 tỷ USD) vào 150 dự án ngăn lũ, như xây dựng thêm nhiều đê điều, hồ chứa, đập, trong những năm tới. Chiều dài đê bờ sông Trường Giang và phụ lưu ước tính lên tới 34.000 km, dài hơn Vạn Lý Trường Thành.

Dù chính sách này của Bắc Kinh giúp cứu tính mạng cho nhiều người, lũ lụt vẫn là vấn đề đau đầu nhất đối với Trung Quốc nhiều thập kỷ qua. Giai đoạn 1950-2018, hơn 280.000 đã chết và 9,6 triệu hecta đất hoa màu bị mất trắng vì lũ lụt.

Giáo sư Du tại Đại học Bắc Kinh nói rằng lãnh đạo cấp cao đã nhận ra cách tiếp cận "xanh" hơn là cần thiết nhưng rất khó để thay đổi các quan điểm đã bén rẽ sâu ở cấp tỉnh. "Sẽ là một quá trình rất dài để thay đổi niềm tin của mọi người rằng chiến lược lớn hơn đồng nghĩa sẽ tốt hơn", ông nói.

Các chiến lược kinh tế và môi trường lớn do Bắc Kinh đưa ra thường gặp khó khăn khi thực hiện ở cấp địa phương. Chính quyền địa phương, quan chức cấp tỉnh và các công ty thường sử dụng tiền của chính phủ để theo đuổi chương trình nghị sự của riêng họ. Các nhà phát triển tô vẽ dự án tiềm năng như nỗ lực thực hiện chương trình nghị sự của Bắc Kinh, nhằm nhanh chóng được phê duyệt cho dự án xây dựng mới.

'Thành phố bọt biển' - cách ngăn lũ lụt mới của Trung Quốc - 2

Hồ chứa nước được xây dựng ở "thành phố bọt biển" Duyệt Lai. (Ảnh: Bloomberg)

Gần khách sạn 5 sao Wyndham ở Duyệt Lai, máy ủi và máy múc đang san phẳng các ngọn đồi phủ đầy cây xanh trước đây. Đó chỉ là một trong hàng chục dự án phát triển các thị trấn mới ở vùng ven thành phố Trùng Khánh.

"Các nhà xây dựng chặt cây, phá cỏ, xây nhà và sau đó trồng cây trang trí để nó trông như thành phố bọt biển. Họ kiếm được rất nhiều tiền từ đó", Zuo, tài xế taxi ở Trùng Khánh, nói.

Nhiều dự án tham vọng về thành phố bọt biển đã không được chú tâm duy trì. Một trong số dự án đầu tiên của Duyệt Lai, khu vườn hấp thụ nước mưa giờ đầy rác và cỏ dại, che kín cả những loài cây được trồng để lọc nước mưa.

Ngoài ra, nhiều người cho rằng cũng khó để "xanh hóa" các thành phố cũ. Hầu hết dự án thành phố bọt biển của Trung Quốc đều là xây dựng mới. Trùng Khánh cho biết họ có 40 km2 diện tích thành phố kiểu này, nhưng tại các cộng đồng như khu phố cổ, chỉ vài người từng nghe qua về dự án.

"Rất khó để khắc phục các vấn đề tồn đọng tại một số khu vực của thành phố, nơi quá đông dân hoặc quy hoạch kém", Dương Bồi Phong, giáo sư về kiến trúc và quy hoạch đô thị ở Đại học Trùng Khánh, nói.

Tuy nhiên, sáng kiến thành phố bọt biển vẫn là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang dần thay đổi và quan điểm phát triển bằng mọi giá ngày càng ít được người dân đồng tình.

"Tôi muốn mọi người đừng thay đổi tự nhiên nữa, nhưng bảo Trung Quốc ngừng phát triển vào lúc này là điều không thực tế", Dư Kiếm Phong, người sáng lập nhóm Trung tâm Văn hóa Cộng đồng về Bảo vệ môi trường cho các dòng sông, ở thành phố Trùng Khánh, cho hay. "Tuy nhiên, thành phố bọt biển ít nhất cũng khiến quá trình đô thị hóa chịu một số quy tắc và hạn chế".

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn