Thanh Loan sợ khó vượt "đỉnh" Ni cô Huyền Trang

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 07/02/2010 08:28:00 +07:00

(VTC News) - Sau vai Ni cô Huyền Trang, Thanh Loan chưa tham gia bất kì vai nào nữa. Bà cho biết, 1 phần do bà sợ biết đâu mình đóng những vai sau lại dở.

(VTC News) - Về hưu với quân hàm Đại tá, nguyên Phó giám đốc Điện ảnh Công an Thanh Loan cho biết, chị rất xúc động khi biết bộ phim Biệt động Sài Gòn được làm tiếp phần 2, mặc dù vai diễn ni cô Huyền Trang của mình khó có đất diễn trong phần này.

- Gần đây có thông tin ê kíp làm phim Biệt động Sài Gòn đang chuẩn bị kế hoạch xây dựng phần tiếp theo mang tên Những đứa con của các chiến sĩ Biệt động. Chị có biết thông tin này?

- Tôi cũng có nghe nhà biên kịch Nguyễn Xuân Hải nói là sẽ làm một bộ phim dài tập, là phần tiếp theo của bộ phim Biệt động Sài Gòn. Bản thân đạo diễn Long Vân cũng có gọi điện thông báo về bộ phim mới, và nói rằng sẽ mời các dàn diễn viên cũ tham gia. Diễn viên nữ chắc chắn có Hà Xuyên, Thúy An và có thể là Thanh Loan.

Bức ảnh chụp diễn viên Thanh Loan năm 1987.

Tại sao tôi lại nói là có thể, bởi vì vai diễn ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn cách đây 25 năm trước đã hi sinh rồi, thế cho nên, sẽ rất khó có đất diễn và xây dựng nhân vật phù hợp với tôi trong bộ phim mới này. Đạo diễn Long Vân gọi điện thông báo việc này cách đây khá lâu rồi, nhưng từ đó đến nay không thấy gọi lại, có thể là chỉ gọi điện thông báo cho tôi, để chia vui với đoàn làm phim thôi.

Còn nếu được tham gia bộ phim, theo một cách nào đó, thì tôi cũng rất sẵn lòng. Sau 25 năm, bộ phim Biệt động Sài Gòn vẫn còn cảm động được khán giả, điều đó chứng tỏ dư âm mạnh mẽ của bộ phim, cũng như giá trị đích thực của nó trong lòng người xem.

- Sau vai diễn ni cô Huyền Trang, chị không tham gia vào bất kỳ một vai diễn nào nữa, phải chăng do không tìm được vai diễn ưng ý? Hay là ni cô Huyền Trang có một sức nặng đặc biệt với cuộc đời diễn viên của chị?

- Thành công của một người diễn viên chính là có "đất” để thể hiện khả năng của mình. Đúng là sau vai diễn này tôi không tham gia bất kỳ vai diễn nào nữa, một phần là do mong muốn, ai nhắc đến Thanh Loan là nhớ đến ni cô Huyền Trang, đó là cột mốc quan trọng nhất cuộc đời diễn xuất của tôi. Biết đâu mình đóng những vai sau lại dở, bị khán giả chê thì sao? Tôi nghĩ, lên tới đỉnh phải biết dừng đúng lúc.

Một phần khác lại do, những kịch bản phim mà tôi được mời sau này đòi hỏi diễn xuất phải nhanh, không có thời gian đọc kỹ kịch bản, diễn viên có khi còn không thuộc lời, diễn không tới tính cách, số phận của nhân vật nên tôi cũng không muốn tham gia nữa. Sau này, có một bộ phim nhựa mà tôi rất thích, cũng muốn được tham gia là phim Thời xa vắng của Đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh, nhưng không có thời gian mà đi nữa.

Đó là lúc tôi đi học đạo diễn, rồi làm công tác quản lý ở Hãng phim Công An, vươn mình bước sang một lĩnh vực mới, không có nhiều thời gian để đi đóng phim nữa.

Mới đây nhất, hãng phim Phước Sang có mời tôi tham gia phim truyền hình Đại gia đình, nhưng phải đi lại xa xôi, đồng thời lại mới "lên chức" bà nội, nên cuối cùng, tôi đành lỗi hẹn với khán giả truyền hình.

Thanh Loan nguyên là Phó giám đốc Điện ảnh Công an, với quân hàm Đại tá. (Ảnh: Trịnh Mão)

- Người ta thường bảo phụ nữ đẹp làm nghệ thuật rất khó giữ gìn được hạnh phúc gia đình, nhất là khi công việc chính của chị là một đạo diễn phim tài liệu, nay đây mai đó?

- Tôi thấy rằng tất cả những người làm nghệ thuật đâu phải không có hạnh phúc, trái lại, những người có những công việc rất bình dị, yên ả khác mà gia đình vẫn đổ vỡ đấy thôi.

Theo tôi nghĩ, giữ được hạnh phúc gia đình hay không còn phụ thuộc vào cốt cách của người phụ nữ, cách nhìn nhận cuộc sống, trách nhiệm với gia đình. Nếu làm được điều đó, gia đình có nghèo cũng vẫn bền vững. Một người đàn bà đẹp mà cứ cậy là mình đẹp, rồi đỏng đảnh, điệu đà quá mức chắn chắn sẽ không có hạnh phúc thực sự rồi. Sự hiểu biết, quan niệm sống mới là điều quan trọng nhất để giữ lửa gia đình.

- Trước khi đến với công việc đạo diễn, chị từng tham gia nhiều bộ phim của các đạo diễn gạo cội có tên tuổi của VN, như phim Đồng cói của NSND Bạch Diệp, Bài ca ra trận của cố Đao diễn NSND Trần Đắc hay Bản đề án bị bỏ quên của cố Đạo diễn NSƯT Nông Ích Đạt, Biệt Động Sài Gòn đạo diễn Long Vân. Chị có học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ họ cho nghề nghiệp của mình?

- Tôi học được nhiều lắm. Đó là tính cách của NSND Bạch Diệp: làm gì cũng làm tới tận cùng, khó mấy cũng làm, lăn xả vào công việc. Đó là sự trầm tĩnh vui vẻ, cởi mở và luôn tìm hiểu cuộc sống, tâm tư của diễn viên như Cụ Nông Ích Đạt... Với tôi, tất cả những kinh nghiệm đó là vốn quí mà không phải ai cũng có được.

- Luôn vào vai những nhân vật chính diện, nếu có cơ hội và những vai phản diện, chị có nghĩ mình diễn tốt?

- Tôi luôn hi vọng được thử lửa trong những vai phản diện, nhưng chưa bao giờ có cơ hội. Có thể vì khuôn mặt mình khó có thể hợp với nhưng vai diễn nanh nọc, đanh đá. Mà hay hợp với vai cô gái nông thôn, rồi lại toàn yêu anh thương binh, người người đàn ông mất mát thôi, mặc dù mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Thú thực mà nói, chưa bao giờ có được sự thể nghiệm trong những vai phản diện, tôi cũng khó có thể nói được mình sẽ làm tốt hay không nữa.

Chưa bao giờ Thanh Loan vào vai phản diện. (Ảnh: Trịnh Mão).

- Chị thấy nghề đạo diễn mang lại cho mình điều gì?

- Công việc đạo diễn thường vốn là công việc của nam giới, còn với riêng phụ nữ theo nghề này cần phải có sức khoẻ, cá tính. Đạo diễn là người đứng mũi chịu sào, chỉ huy êkip làm phim của mình, cuộc sống nay đây mai đó. Để có một tác phẩm hay, đạo diễn cùng êkíp phải đi khắp mọi miền đất nước, phải lăn lộn vào thực tế. Rồi thì cũng có lúc phải thử lửa đầy cam go khi làm phim về những vụ án…

Đối với một đạo diễn phim tài liệu như tôi, thường phải đi làm những thước phim về số phận không may mắn, vì vậy, điều cần nhất là người đạo diễn phải có những tấm lòng nhân ái, biết xúc động, chia sẻ với những số phận. Để từ đó, gửi gắm tình cảm của mình, qua hình tượng nhân vật có thật trong cuộc sống, tái hiện lên phim. Về điều này, tôi nghĩ phụ nữ làm tốt hơn nam giới.

Tôi còn nhớ, khi làm phim tài liệu về những nữ tù nhân, bản thân cảm thấy vô cùng đau xót và cảm thông với họ. Chúng tôi phải quay cảnh trong trại giam, và một điều dễ nhận thấy: ở trại giam nam, số người vào tiếp tế rất đông, trong khi bên phía trại nữ chỉ lèo tèo vài người, họ có rất ít người thân còn quan tâm đến mình. Đau lòng hơn, có những người mẹ vào tù, thì con cũng vào trại giáo dưỡng, chồng đi với người đàn bà khác. Đó là điều mà cứ làm tôi day dứt mãi cho số phận người phụ nữ. Họ ở thời đại nào cũng vất vả, khổ hơn đàn ông…

- Là một phụ nữ Hà Nội gốc, chị nhìn nhận vẻ đẹp của người phụ nữ Hà thành ngày nay như thế nào?

- Vẻ đẹp mỗi thời một khác nhau, nhưng dù thời nào đi nữa, người phụ nữ cũng phải duyên dáng, có sự hiểu biết và lối sống văn hoá, chứ đừng chạy chạy theo sự hào nhoáng bên ngoài.

Một người phụ nữ đẹp, đảm đang, phải làm tốt vai trò của một người vợ, người mẹ. Theo tôi, người phụ nữ có tài giỏi đến đâu nhưng không có hạnh phúc thì cũng chỉ là vinh quang cay đắng. Cốt cách người phụ nữ Hà Nội được đánh giá từ lời ăn tiếng nói, cách đi lại. Còn đối với người ăn mặc hở hang, hãy hỏi chính những người đàn ông xem họ ăn mặc như thế có đẹp không?

Sự gia giáo nề nếp là rất cần thiết, chứ đừng đổ tại cuộc sống hiện đại gấp gáp, mà không giữ cho mình chất nữ tính. Một người phụ nữ ăn mặc đẹp đi ngoài đường mà xỉa răng, ngậm tăm, thì đó không phải nét đẹp của một người Hà Nội xưa.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Văn Trinh(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn