'Thánh địa' Mỹ Đình ' không thể biến dạng'

Kinh tếThứ Sáu, 05/10/2012 07:02:00 +07:00

Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình đã được “làm nóng” với những thông tin về việc khu này bị biến dạng vì... kiếm tiền.

Trong những ngày qua, Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình đã được “làm nóng” với những thông tin về việc khu này bị biến dạng vì... kiếm tiền. Để có cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng.

Tổng Cục trưởng Vương Bích Thắng 
Thưa ông, dư luận đang nóng trước những thông tin về việc Ban quản lý Khu Liên hợp “tận dụng” chủ trương xã hội hóa bằng mọi cách cho thuê mặt bằng làm dịch vụ, kinh doanh không thể thao để... kiếm tiền?


- Trước hết cần phải thấy rằng trong những năm qua công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao đã được mở rộng và đạt nhiều kết quả.

Còn với Khu Liên hợp Thể thao quốc gia thì chủ trương của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đồng ý cho Khu Liên hợp tự chủ tài chính và thí điểm kêu gọi đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, quĩ đất để thực hiện liên doanh, liên kết, mở rộng các hoạt động dịch vụ là nhằm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại Khu Liên hợp Thể thao quốc gia, tạo thêm nguồn thu cho Khu Liên hợp, giảm chi cho Ngân sách Nhà nước.

Nhưng dư luận cho rằng việc các công trình, dịch vụ không liên quan đến thể thao đang mọc lên từ chủ trương liên doanh, liên kết tại Khu Liên hợp hiện nay đã gây ảnh hưởng không ít đến cảnh quan và thiết kế của Khu Liên hợp, thậm chí làm Khu Liên hợp bị biến dạng?
- Với Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình, việc liên doanh, liên kết để mở ra thêm các dịch vụ là nhằm phục vụ các nhu cầu cho người đến sân tập luyện hoặc xem thi đấu tại sân vận động quốc gia và Cung thể thao dưới nước.

Những dịch vụ này mở ra sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân và thu hút được nhiều người đến sinh hoạt và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao ở Khu Liên hợp Thể thao quốc gia.

Trên thực tế, việc xã hội hóa ở Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình cũng nhằm huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân để mở thêm các hoạt động dịch vụ phục vụ trực tiếp và gián tiếp cho những người hoạt động thể dục thể thao , duy trì đội ngũ cán bộ quản lý...

Thực tế ở các nước phát triển, tại các công trình lớn phục vụ thi đấu thể thao đều có các tổ hợp dịch vụ đi kèm để đáp ứng các nhu cầu của người dân khi đi xem hoặc tập luyện thể dục thể thao ở đó.

Tôi cho rằng việc triển khai thực hiện một số dự án liên doanh, liên kết không thể làm biến dạng được Khu Liên hợp Thể thao quốc gia vì các dự án trên đều nằm ở các khu đất xen kẹt hoặc ở tương đối xa so với công trình đã được xây dựng.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã đồng ý để Khu Liên hợp Thể thao quốc gia điều chỉnh quy hoạch Khu Liên hợp. Với việc điều chỉnh này, vị trí một số công trình sẽ được thay đổi và nhiều công trình chưa từng có trong đề án quy hoạch cũ năm 2003 của Khu Liên hợp Thể thao quốc gia sẽ xuất hiện như: khách sạn thể thao 5 sao, sân tập golf, cao ốc văn phòng 20 tầng... Việc này sẽ làm cho Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình bị “biến dạng”?
Việc mở thêm các dịch vụ không làm ảnh hưởng đến công năng, hoạt động của Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình.  

- Trên thực tế, Quy hoạch xây dựng Khu Liên hợp Thể thao quốc gia, lập từ năm 1999, nhằm mục đích xây dựng một khu thể thao hoàn chỉnh, trong đó có nhiều công trình như Làng vận động viên, bệnh viện thể thao, Trung tâm báo chí và thậm chí cả sân tập golf.

Nhưng cho tới nay mới chỉ có một số hạng mục chính được Nhà nước đầu tư trong khi thành phố Hà Nội cũng đã xem xét, điều chỉnh một phần khá lớn diện tích đất thuộc qui hoạch trước đây của Khu Liên hợp để bố trí xây dựng các dự án khác.

Xuất phát từ sự thay đổi cũng như yêu cầu thực tế đó, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã đồng ý chủ trương cho phép Khu Liên hợp Thể thao quốc gia tiến hành các thủ tục đề nghị điều chỉnh qui hoạch.

Theo qui hoạch mới, do Ban quản lý Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình đề xuất, hạng mục sân tập golf nhằm bổ sung thêm một công trình thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện golf ngày càng cao của nhân dân thủ đô. Còn hạng mục khách sạn 5 sao là để kết hợp phục vụ các đội thể thao trong nước và quốc tế đến thi đấu tại Khu Liên hợp. Hiện Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang xem xét qui hoạch điều chỉnh mới này của Khu Liên hợp.

Ông có thể cho biết rõ thêm thông tin sau SEA Games 2003, Khu Liên hợp thể thao quốc gia dự định được cấp thêm 1.200 tỷ đồng để triển khai giai đoạn 2 của dự án. Tuy nhiên, do Ủy ban Thể dục Thể thao không thực hiện được nên sau đó đã bị thu hồi?

- Trên thực tế khoản 1.200 tỷ đồng để triển khai giai đoạn 2 của dự án mới chỉ nằm trong kế hoạch. Sau đó do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tại khu vực châu Á nên khoản kinh phí này đã chưa thể bố trí được để thực hiện giai đoạn 2 của dự án.
 
Khu thể thao Mỹ Đình - Đơn vị tiên phong trên con đường tự đứng trên đôi chân mình

Trong cuộc họp báo ngày 3/10, giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Cấn Văn Nghĩa cho rằng khu thể thao Mỹ Đình đang là đơn vị tiên phong trên con đường tự đứng trên đôi chân mình, khai thác hiệu quả giá trị đất và công trình mà nhà nước giao cho, thí điểm mô hình cho các công trình thể thao khác tiếp bước.

Theo lời ông Nghĩa, từ đầu năm 2012, Khu liên hợp thể thao quốc gia đã trở thành đơn vị tự hạch toán, tách ra khỏi bầu sữa ngân sách nhà nước. Từ chỗ hằng năm nhà nước phải rót 15-25 tỷ đồng tiền hoạt động, nay chỉ trong 9 tháng đầu năm 2012 Khu liên hợp đã thu về hơn 29 tỷ đồng. 10 tỷ đồng đầu tiên đã được đưa vào tái sử dụng với mục đích làm mới mặt sân Mỹ Đình, sửa chữa hệ thống ánh sáng trên sân, làm mới hệ thống điều hòa, bảng điện tử khu thể thao dưới nước, cải tạo khu nhà làm việc.
"Chúng tôi đang làm đúng, phải động viên chúng tôi chứ, sao lại chê trách. Trên thực tế, rất nhiều công trình thể thao ở phía bắc đang rơi vào tình trạng không khai thác hết công suất và phải dựa vào nhà nước bù lỗ hằng năm. Nếu có thêm các khu thể thao trong cả nước tự chủ được tài chính, đỡ gánh nặng cho nhà nước thì sẽ tốt hơn rất nhiều", ông Cấn Văn Nghĩa cho biết.

Đất được đưa vào liên kết sử dụng đều là đất xen kẹt và đất dự án chưa sử dụng. Cụm sân bóng đá mini và kho bãi trước là một bãi cỏ mọc cao ngút, trong đó có hàng trăm chiếu manh. Ban quản lý cho biết, tại đây đêm đến dân nghiện tụ tập hút hít, chích choác rồi ngủ lại luôn. Hàng nghìn kim tiêm vứt bừa bãi khắp nơi. Thỉnh thoảng có tay nghiện đốt đồ chích, cháy lan sang cỏ, phòng cháy chữa cháy đến lại phạt ban quản lý Khu liên hợp 15 triệu đồng. Bãi cỏ để hoang 10 năm, người cắt không xuể.

Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó giám đốc Khu Liên hợp cho biết, các hợp đồng cho thuê đất trên khu vực đất dự án và các phòng để trống, không sử dụng đến khi Việt Nam không tổ chức các sự kiện lớn đều chỉ có hợp đồng từ 6 tháng đến 1 năm, trong đó có điều khoản báo trước 1-3 tháng nếu Khu liên hợp có nhu cầu đòi lại đất và phòng ốc.

Trên thực tế, trên những khu đất được thuê ngắn hạn, các chủ đầu tư dựng nhà xưởng đơn giản, chỉ có một tầng để dễ tháo dỡ.

Bà Vũ Thị Thu Hương cho rằng khắp thế giới đều xây dựng các sân vận động, khu thể thao thành một cụm dịch vụ đa năng, thỏa mãn nhiều nhu cầu của người dân như shopping, ăn uống, cafe, làm đẹp... Người dân đến khu liên hợp thể thao sẽ được nhân lên nhiều lần dịch vụ đi kèm, có thế mới hút được đông người tới Khu liên hợp.

Trong bối cảnh tự mình làm bị lỗ và cũng không có khả năng làm, thì liên doanh liên kết với những đơn vị có tiềm năng, kinh nghiệm và vốn mạnh để có thêm nguồn thu là giải pháp mà Khu liên hợp cho rằng phù hợp với hoàn cảnh.

Ông Cấn Văn Nghĩa nói thêm: "Tất cả việc liên doanh liên kết mà Khu liên hợp thực hiện đã được báo cáo lên Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và được ủng hộ, đồng ý. Chủ trương là vậy, nhưng phần thực hiện là của Khu liên hợp. Nếu có gì sai, cá nhân tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm".

Thanh Liêm
(Tổng hợp)

Theo Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn