"Thánh địa Mecca" trong lòng Hà Nội

Tổng hợpThứ Tư, 14/07/2010 05:06:00 +07:00

Hơn một thế kỷ đã đi qua thánh đường AL-NOUR tọa lạc trên phố Hàng Lược. Biết bao thế hệ người theo đạo Hồi đã đến đây hành lễ và nghe giảng kinh Koran...

Hơn một thế kỷ đã đi qua thánh đường AL-NOUR tọa lạc trên phố Hàng Lược. Biết bao thế hệ người theo đạo Hồi đã đến đây hành lễ, nghe giảng kinh Koran, nguyện cầu đấng sáng thế để vẹn tròn niềm tin tôn giáo của mình… Những người xây dựng nên tòa Thánh giữa Thủ đô Hà Nội cũng đã đi đến những chân trời khác, vì những lý do khác nhau… Thế nhưng, 16 người Hồi giáo vẫn bình yên, thủy chung bên đấng tối cao giữa lòng Hà Nội. Điều đặc biệt ấy đã khiến AL-NUOR trở thành thánh đường Hồi giáo kỳ diệu nhất thế giới ISLAM!

 

Các tín đồ Hồi giáo đến hành lễ tại Thánh đường vào trưa thứ 6 hàng tuần

Thánh địa “Mecca” trong lòng Hà Nội

   AL-NUOR được xây dựng từ năm 1890 bởi những kiều dân Ấn Độ và kiều dân hồi giáo đến Việt Nam theo con đường thông thương những năm cuối của thế kỷ 19. Những thương nhân mộ đạo đã cùng nhau gom góp tiền bạc để xây cất một thánh đường cho Đức tin của mình có nơi ngự trị. Tòa thánh không vì sự nhỏ bé của mình mà thiếu đi những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc nhà thờ Islam thường thấy trên thế giới, đặc biệt là dấu ấn kiến trúc Hồi giáo Ấn Độ. Giá trị kinh tế của nó, không có tài liệu nào lưu giữ, song, những đồng bạc Đông Dương khi đó, bên cạnh giá trị của một phương tiện thanh toán, còn có ý nghĩa to lớn để biến ước mơ có được một chốn linh thiêng cho niềm tin Islam hiện hữu trở thành hiện thực. Người kiến trúc sư tài hoa đã thổi vào AL-NOUR cả đức tin thánh thiện, khiến cho nó dường như bất tử trước thách thức của thời gian!

 

Theo niềm tin tín ngưỡng, thánh đường AL-NUOR hướng về phía mặt trời mọc, nơi khởi đầu của một ngày mới, nơi có thể đón nhận được những ánh nắng ấm áp đầu tiên do mặt trời rót xuống, và cũng là thời điểm những con chiên Islam trở dậy hành lễ trước bình minh, bình tâm đón nhận những điều sẽ đến trong ngày mới…

 

AL-NUOR gồm một phòng lễ chính. Hai dãy hành lang chạy vuông góc bên ngoài với những hàng cột quét vôi trắng, ôm lấy những ô cửa hình vòm. Tại những cửa bước vào phòng lễ chính, những bậc đá hoa xám là chỗ để con chiên đặt giày, dép… trước khi vào hành lễ. Cách trưng bày đồ đạc đơn giản toát lên một sự sạch sẽ đến tinh khiết. Trước khi đặt chân trần vào tấm đệm trắng chạy dọc hành lang, người hành lễ phải rửa chân tay thật sạch. Dường như, mọi thứ trước khi tiếp xúc với thánh Mohamad đều cần phải được vô trùng!? Phòng hành lễ dành cho phụ nữ được cách biệt bởi những tấm rèm vải. Khi hành lễ, nó được kéo ra che kín 4 phía, tạo nên sự riêng biệt và độc lập nhất định, dù cả hai phòng đều sạch tươm không một chút bụi, và sang trọng đến nghiêm trang bởi những tấm thảm trang trí họa tiết Ấn Độ, nơi dành cho người theo đạo phủ phục khi hành lễ.

 

Đối với đạo Islam, cây cối cũng là một phần của thiên đường. Có lẽ vì thế, dù trên khoảnh sân nhỏ hẹp ôm lấy phòng hành lễ, có tới ba cây cổ thụ tỏa bóng, tạo nên một không gian yên tĩnh, cách biệt hoàn toàn với con phố cổ hàng Lược lúc nào cũng đông đúc, tấp nập người-xe, dù nó chỉ cách một  bức mành buông rủ trước cánh cổng sắt lúc nào cũng khép hờ hững như chờ đợi sự trở về. Xen kẽ trong những lùm cây, những cột tháp thẳng đứng nhô lên, trông xa như bàn tay xòe về hướng đông, để có thể đón nhận được nhiều nhất những ấm nóng ban mai. Bước chân vào AL-NOUR, không cảm nhận thấy sự cách biệt của thế giới Islam và cuộc sống thường ngày. Sự khác biệt duy nhất, mà những người vô tâm sẽ không bao giờ nhận ra, đó là sự bình yên, lắng đọng của sâu thẳm tâm hồn.

 

Cùng trấn giữ địa điểm phía Đông của Hà thành, so với cầu Long Biên, AL-NOUR là “người anh” lớn tuổi hơn cây cầu bắc qua sông mẹ gần chục tuổi. (Cầu Long Biên được xây dựng năm 1899; thánh đường AL-NUOR được xây dựng năm 1890). Sự trùng hợp khá thú vị ấy khiến người ta hay có những liên tưởng, so sánh nho nhỏ: đó là sự trường tồn của mỗi công trình? Cả hai công trình có dấu ấn “ngoại quốc” ấy, đã có duyên số với đất Thăng Long, để rồi chứng kiến biết bao đổi thay dâu bể, và là một phần không thể thiếu trong những nỗi nhớ của người Hà Nội khi rời xa đất rồng bay…

 

 Tồn tại hơn 1 thế kỷ, thánh đường AL-NOUR MOSQUE nổi bật với kiến trúc đặc trưng Ả - Rập

16 người Đạo Hồi ở Hà Nội

Điều diệu kỳ của AL-NUOR không chỉ bởi đó là thánh đường Hồi giáo duy nhất hiện hữu tại Hà thành hơn 1 thế kỷ qua, mà còn bởi đó là nơi ngự trị đức tin của 16 người dân Hà Nội theo đạo Islam. Và cũng ngót một thế kỷ, con số 16 ấy chưa hề thay đổi số lượng, dẫu lúc này lúc khác có người chuyển sang vùng đất khác sinh sống. Cho nên, lịch sử của nhà thờ Hồi giáo ở Hà Nội cũng gắn liền với lịch sử của 16 người cùng một gia đình “sát hông” tòa thánh.

 

Người đàn ông đảm nhiệm coi sóc thánh đường mang tên Đoàn Hồng Cương. Ông là thế hệ thứ 3 của gia đình theo Đạo Hồi duy nhất còn định cư tại Hà Nội, đã gắn bó với thánh đường AL-NUOR từ thở mới lọt lòng, và cũng là người được giao trách nhiệm bảo quản, chăm sóc cho thánh đường hàng ngày. Bố ông (cụ Đoàn Hồng Cư) vốn là một người Việt gốc Pakistan, đã mang dòng máu Pakistan hòa vào dòng máu Việt Nam khi kết duyên cùng một người phụ nữ Việt. 2 người anh ruột của ông đã hồi hương về Pakistan năm 1980. Trong suy nghĩ của người theo đạo Hồi, “nếu còn một người đàn ông thì đạo không bị mất”, đó phải chăng là lý do để ông ở lại Hà Nội, gắn bó vởi tòa thánh, hàng ngày làm công việc của một “ông trẻ”, chăm sóc nơi lưu giữ linh hồn của đấng tối cao?

 

Thời điểm sau năm 1945, khi cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Đoàn Hồng Cư là người đứng tên trong các giấy tờ liên quan đến nhà thờ AL-NUOR, nghĩa là tất cả mọi giấy tờ hóa đơn tiền điện, nước, sinh hoạt… của nhà thờ hàng tháng, nhân viên điện, nước… đều tìm xuống nhà cụ để được thanh toán. Cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, cuộc di cư vào Nam sinh sống của các giáo dân nói chung và giáo dân Hồi giáo nói riêng đã khiến AL-NUOR gần như bỏ hoang hàng mấy chục năm trời. Đất nước hòa bình, thống nhất, cụ Cư xin chính quyền phường được chăm sóc và sửa sang lại tòa thánh. Khi cụ mất đi, công việc ấy chuyển sang ông Cương từ đó đến tận bây giờ.

 

Cuộc sống thường ngày của 16 người dân Đạo Hồi trong tòa thánh Islam duy nhất tại Hà Nội, chẳng phải vì những điều luật khắt khe ghi trong kinh Koran mà trở nên khác biệt. Năm 1990, ông Cương nghỉ chế độ 176 tại công ty khai thác cát Hà Nội, từ đó, ông toàn tâm toàn ý chăm sóc thánh đường và làm công việc tự do. Vợ ông, một công nhân làm việc tại một HTX cũng đã nghỉ chế độ 176, chăm sóc gia đình và thực hiện thiên chức làm bà của hai cháu nhỏ đang học lớp mẫu giáo. Hai người con của ông, một trai một gái, đều đã có gia đình. Theo điều luật của Đạo Hồi, người con gái lấy chồng phải theo đạo của chồng. Ba thế hệ người phụ nữ đến làm dâu trong gia đình ông đều đã vượt qua được những khắt khe của đạo luật. Và họ là những người “thế chỗ” cho sự di chuyển của những người đã chuyển sang sinh sống ở những miền đất khác, để giữ nguyên con số 16 khá đặc biệt suốt mấy chục năm qua.

 

“Hàng ngày, 4h15 sáng, cả nhà trở dậy để cầu nguyện cho một ngày mới. Khi mặt trời ló rạng, gia đình tôi mỗi người một việc. Các con đi làm. Con trai và con dâu tôi trông nom cửa hàng tại nhà. Các cháu đến trường. Những người phụ nữ lớn tuổi thì làm công việc nội trợ. Bà chị dâu tôi mở thêm quán nước trà ngay cổng nhà, cho vui tuổi già… Cuộc sống hàng ngày giản đơn như thế, chẳng có sự khác biệt hay khó khăn gì so với bà con khu phố hay những người không theo đạo… Công việc chính của tôi là coi sóc nhà thờ. Hàng tháng, Ban quản lý trích một số tiền nho nhỏ trả công cho người bảo vệ từ hòm công đức chung của cả nhà thờ… Đó là quy định của nhà thờ Hồi giáo… Đối với những điều cấm kỵ của Đạo Hồi như không uống rượu, hút thuốc, không ăn thịt lợn hay tháng nhịn ăn Ramadan, không có gì khó khăn đối với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình tôi. Đó là những thói quen dễ dàng thực hiện được. Hơn nữa, điều quan trọng nhất của tất cả các tôn giáo, đó là nièm tin và sự hướng thiện. Chẳng có tôn giáo nào làm khổ hạnh con người…” – ông Cương tâm sự.

 

 Ông Cương - Thế hệ thứ 3 của gia đình theo Đạo hồi duy nhất tại Hà Nội

“Tôi là người Pakistan cuối cùng trong gia đình còn định cư tại Hà Nội. Mới tháng trước, anh trai tôi từ Pháp trở về. Cuộc sống bên đó có thuận lợi hơn về điều kiện kinh tế, nhưng ít họ hàng thân thích. Ông ấy (anh trai ông Cư-T.G) cứ ấp ủ mơ ước được trở lại Việt Nam sống những ngày cuối đời. Tôi cũng bảo với các con, các cháu tôi, rằng, ở đâu cũng không bằng quê hương mình. Cho nên, có cho tiền, tôi cũng không rời Việt Nam để hồi hương về Pakistan. Tuổi thơ tôi, cuộc đời tôi, gia đình tôi… đã gắn bó với góc phố Hàng Lược này ngót một thế kỷ chứ đâu có ít!”. “Công việc hệ trọng nhất mà tôi quyết làm từ giờ đến cuối đời, ấy là tu sửa lại thánh đường. Trông bên ngoài thí thế, chứ tường vôi đã mục hết cả. Hơn trăm năm rồi chứ đâu có ít. Mà anh xem, cầu Long Biên còn “ít tuổi” hơn AL-NOUR chục năm trời, người ta đã rục rịch lên phương án cải tạo vài năm trước đó rồi còn gì?!”… Ông thủng thẳng nhả một hơi thuốc lào tròn vo. Làn khói thuốc bay lên rồi tan biến vào vòm xà cừ cổ thụ xanh mướt. Cái điếu cày kêu tanh tách như đang nịnh chủ, hay tại không khí trong tòa thánh AL-NUOR quá yên lặng, khiến tiếng động nào cũng trở nên to và rõ…?!

 Di Linh

Bình luận
vtcnews.vn