Thành công từ việc nhập khẩu, nâng cấp công nghệ xử lý rác thải

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 26/06/2018 11:16:00 +07:00

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Thiết kế, Chế tạo và Thử nghiệm - Cục Ứng dụng và Phát Triển công nghệ, các nhà khoa học đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đồng Xanh đã cải tiến thành công công nghệ lò đốt rác Sankyo - Nhật Bản.

Theo số liệu của Tổng Cục Môi trường, hiện nay trên toàn quốc chưa có đô thị nào được công nhận là đô thị xanh, sạch. Một trong những lý do chính là vấn đề xử lý rác thải đạt hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường. Thực tế rác thải ở nước ta hiên nay chủ yếu được xử lý theo phương pháp truyền thống là chôn lấp, gây ra nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm.

Trong khi đó hầu hết các lò đốt rác nhỏ và vừa hiện nay chỉ thực hiện quá trình thiêu đốt, tức là rác và chất thải khi đưa vào lò sẽ trải qua quá trình thiêu đốt và oxy hóa. Từ đó, các khí đốt được thải trực tiếp ra môi trường, gây ra ô nhiễm không khí. Như vậy mô hình chung việc này chỉ là sự chuyển đổi rác thải từ dạng chất thải rắn sang chất thải khí. Do đó, xử lý rác một cách an toàn và bền vững đang là đòi hỏi bức thiết của đời sống xã hội.

Từ những nhu cầu thực tiễn đó, năm 2012, Công ty CP Đầu Tư Phát Triển Đồng Xanh đã mua bản quyền sản xuất lò đốt rác Sankyo của đối tác Thái Lan dựa trên công nghệ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt của Nhật Bản để đưa vào sản xuất và phân phối trên thị trường Việt Nam.

Ở thời điểm đó, đây là một trong các sản phẩm công nghệ xử lý rác nhập khẩu sớm nhất vào nước ta. Sau quá trình đưa vào vận hành và sử dụng, công nghệ lò đốt Sankyo nguyên bản từ nước ngoài đã nhận được đánh giá cao từ phía địa phương.

Trong suốt quá trình thực tiễn đưa lò đốt rác Sankyo vào xử lý rác thải sinh hoạt của các địa phương, về cơ bản sản phẩm này đã xử lý được lượng lớn rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn có ứng dụng sản phẩm. Tuy nhiên vấn đề chuyên môn đặt ra ở đây là chúng ta mới xử lý được phần ngọn là rác, nhưng phần khí thải vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.

Xét theo điều kiện thực tế và vận dụng linh hoạt những kinh nghiệm quản lý rác thải sinh hoạt cũng như các biện pháp xử lý của các nước tiên tiến ở Châu Âu. Tháng 10/2016 Bộ Tài Nguyên Môi Trường ban hành QCVN61-MT:2016/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia về lò đốt rác thải rắn sinh hoạt.

Với phương châm luôn luôn vận động không ngừng hội nhập và phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn ngày càng tăng. Công ty CP Đầu Tư Phát Triển Đồng Xanh đã chủ động đề xuất nhu cầu cải tiến, đổi mới công nghệ thông qua hoạt động kết nối Cung - Cầu công nghệ (TechDemo) năm 2016 do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tại Thái Nguyên.

anh Toa dam lo dot rac (1)

 Ông Nguyễn Xuân Giang, Tổng Giám đốc Công ty Đồng Xanh; Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Nguyễn Ngọc Kiên, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ trong chương trình Kết nối chuyển giao công nghệ (từ trái qua phải)

Thông qua kết nối và hỗ trợ của Trung tâm Thiết kế, Chế tạo và Thử nghiệm - Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Công ty CP Đầu tư Phát triển Đồng Xanh đã nhận được sự hợp tác của các chuyên gia hàng đầu đến từ  Đại học Bách Khoa Hà Nội. Chính từ sự hợp tác này công trình hệ thống xử lý khí thải theo phương pháp giải nhiệt nhanh xử lý triệt để hơi axit và khói bụi dựa trên nền tảng lò đốt Sankyo đã ra đời. Những thành công trong việc đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào ứng dụng thực tế đã giải quyết triệt để vấn đề khí thải phát sinh khi đốt rác thải sinh hoạt.

“Điểm ưu việt nổi bật của công nghệ xử lý rác thải Sankyo mới so với các công nghệ khác là chú trọng tới cả việc xử lý hệ thống khí thải để thu giữ các khí độc hại và chỉ phát thải ra những khí đạt yêu cầu về môi trường”, TS. Nguyễn Ngọc Kiên, Đại học Bách Khoa Hà Nội, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu tham gia cải tiến lò đốt rác Sankyo khẳng định.

Mặt khác, diện tích sử dụng để xây dựng lò đốt rác Sankyo của công ty Đồng Xanh cũng nhỏ gọn hơn so với các lò đốt trước đây. Chỉ từ vài trăm đến tối đa 1000m2 là đã có thể lắp đặt được một hệ thống xử lý rác thải Sankyo cải tiến với công suất xử lý rác lớn, tùy vào quy mô khu vực: xã, thị trấn, huyện... Quy trình lắp đặt và vận hành hệ thống cũng được thiết kế, cải tiến để chuyển giao, nâng cấp một cách thuận lợi, dễ dàng.

Cho đến nay, công nghệ Sankyo cải tiến của công ty Đồng xanh áp dụng ở một số địa phương miền Bắc và miền Trung đã nhận được đánh giá tích cực cả về hiệu quả, tổng suất đầu tư và chi phí sau đầu tư. Tuy nhiên, đằng sau thành công đó lại là cả một chặng đường khó khăn của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Giang, Tổng Giám đốc Công ty Đồng Xanh chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trong việc đưa công nghệ này được sử dụng một cách rộng rãi ở nước ta là về vấn đề nhận thức. Người dân đã quen với phương thức xử lý rác thải truyền thống là chôn lấp, do đó, để thay đổi nhận thức của mọi người, bao gồm cả người dân và nhà quản lý ở khu vực đó cần có một khoảng thời gian nhất định.

“Chúng tôi mất 4 năm để có thể ứng dụng công nghệ này vào thực tế, đó là quãng thời gian khá khó khăn đối với Đồng Xanh. Thực tế, tại thời điểm đó, khi nói đến lò đốt rác, người dân ở các vùng nông thôn, miền núi không hình dung ra được nó là cái gì”.

Đồng Xanh đã không ngại nói ra những thực trạng, tồn tại, khó khăn của mình đến cho cơ quan quản lý để tìm ra cách tháo gỡ các khúc mắc. Từ đó, với sự hỗ trợ của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thông qua Chương trình Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khắn và đạt được kết quả hiện tại.

Cụ thể, theo bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, những doanh nghiệp có thể làm chủ được các công nghệ nhập từ nước ngoài rất đáng trân trọng, khuyến khích. Họ đang góp phần nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước trong việc nghiên cứu, hoàn thiện và “giải mã” được công nghệ nhập khẩu.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, gần đây nhất là Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017 và Nghị định hướng dẫn luật CGCN đã bổ xung thêm nhiều điểm mới để tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.

Cùng với đó là các chương trình KH&CN Quốc gia như Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình Công nghệ cao; Chương trình Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ; các chương trình liên kết về nhân lực, cơ sở hạ tầng, vốn; chương trình hợp tác quốc tế song phương, đa phương khác,... Đây là những hành lang mà nhà quản lý đưa đến cho doanh nghiệp các hỗ trợ cần thiết để nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cấp công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Công nghệ xử lý rác thải Sankyo của Công ty Đồng Xanh là một trong số những sản phẩm công nghệ đã thành công nhờ có sự kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý.

Về các công nghệ sẽ được phát triển trong tương lai của công ty Đồng Xanh, ông Giang cho biết: Hiện tại, Đồng Xanh đang hợp tác với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và các chuyên gia của Đại học Bách Khoa Hà Nội để tối ưu hóa công nghệ lò đốt Sankyo cải tiến, xử lý, tận dụng 15% tro xỉ chôn lấp từ lò đốt thành phân lót hoặc mùn hữu cơ phục vụ cho nông nghiệp và phát triển hệ thống máy móc phân loại rác thải giúp giảm chi phí nhân công, tăng hiệu suất của lò đốt.

Mặt khác, Đồng Xanh cũng phối hợp với các nhà khoa học thông qua Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ để triển khai Dự án Áp dụng công nghệ tận thu nhiệt khí thải của lò đốt quy mô nhỏ để tạo ra điện vận hành lò đốt. Dự kiến, cuối năm 2018, công ty sẽ ứng dụng mô-đun thu nhiệt khí thải để phát điện nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn