Thành công đến từ sự sẻ chia

Thời sựThứ Hai, 19/10/2015 07:54:00 +07:00

Cuộc trò chuyện giữa phóng viên với PGS.TS.Châu Ngọc Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM.

Cuộc trò chuyện giữa phóng viên với PGS.TS.Châu Ngọc Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM.

Trong lĩnh vực y học của nước nhà, PGS.TS Châu Ngọc Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM đang được biết đến là thầy thuốc hàng đầu của chuyên ngành tim mạch, đã không ít lần giúp người bệnh thoái khỏi lưỡi hái tử thần; đồng thời là nhà nghiên cứu khoa học, nhà giáo ưu tú tận tâm với nghề, vừa làm công tác quản lý vừa đào tạo cho biết bao thế hệ bác sỹ phục vụ đất nước. Động lực nào đã giúp cô vượt qua khó khăn để đạt được thành công trên mọi mặt công tác?
PGS.TS Châu Ngọc Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM 
Sau đây là cuộc trò chuyện giữa phóng viên với PGS.TS.Châu Ngọc Hoa.

- Thưa cô, cô có nghĩ chọn nghiệp y là chọn con đường khó, nhất là khi đã có gia đình? Cô làm thế nào để cân bằng được cuộc sống?

Nếu được phép lặp lại cuộc đời mình, tôi vẫn chọn lại 1 lần nữa hướng đi của mình. Một ngày có 24 giờ, nên nếu nghiêng nhiều về bên nào thì chắc chắn bên còn lại sẽ có 1 mảng khuyết. Khi đi theo ngành y thì đó là do theo ý muốn của gia đình, gia đình tôi rất tự hào với họ hàng, dòng họ của mình khi có đứa con học trường y.

Vì vậy, tôi luôn may mắn được gia đình nhường cho thức ăn ngon và không bao giờ phải làm việc nặng. Thực ra, tôi cũng không có thời gian để làm việc nhà vì 6h sáng phải đến trường, 6h- 7h tối mới về nhưng khi nào ở nhà, tất cả những việc nặng nhất tôi đều làm.
 
Ví dụ hồi xưa không có gas, tôi phải nắn than và quạt than để anh chị nấu cơm. Đó là khi còn ở với cha mẹ. Khi đã có gia đình riêng, 2 vợ chồng đều trong ngành y, phải trực thường xuyên, nên nhiều cái xáo trộn, đòi hỏi mình phải hy sinh một chút.

- Khi con còn nhỏ, cô đã quyết định xa con, xa gia đình để đi tu nghiệp ở nước ngoài. Cô có nghĩ đó là sự hy sinh của người mẹ?

Khi tôi đang du học tại Pháp, con gái lớn của tôi có gửi cho tôi một bức thư, chữ viết rất nguệch ngoạc với nội dung “Mẹ ơi, hôm nay là ngày tựu trường, tất cả các bạn đều đi với mẹ, con thì đi với bà ngoại”.

Đến giờ, tôi vẫn không thể diễn tả được tình cảm của mình khi đọc câu đó. Còn thư của chồng tôi thì viết “Hôm nay, anh phải đến trường dự khai giảng lúc 9h, anh đã dặn con là mẹ phải đi học nên con phải cố gắng học thật giỏi, khi về mẹ sẽ mua cho con con búp bê”. Tôi luôn nhớ 2 bức thư đó.
 
Khi về nước, tôi có chuẩn bị 2 con búp bê cho 2 con gái của tôi như đã hứa… nhưng gặp con gái nhỏ thì bé không nhận ra tôi. Mọi người hỏi cháu “Ai đấy?”, bé trả lời “Đó là mẹ của chị”. Lúc đó tôi chỉ biết ôm con khóc và nói “Mẹ là mẹ của Na mà!”. Rồi dần dà, bé làm quen và thân thiết với mẹ.

Nghĩ lại, nếu không có sự ủng hộ của gia đình thì tôi sẽ không chọn lựa đi vào lúc đó vì các con tôi quá nhỏ, nhưng ông xã đã là nguồn động viên rất lớn để tôi yên tâm ra đi.

- Hai vợ chồng cô đều cùng chung ngành nghề, có khi nào chồng cô không chịu được áp lực khi có vợ thành công và chỉ muốn vợ là hậu phương?

Người ngoài họ nhìn vào thấy tôi có học hàm, học vị cao, lại có chức danh quản lý, nên thấy mình có vị trí cao hơn chồng. Bạn bè, người thân cũng thường khuyên tôi phải biết cách cư xử khéo léo để chồng cảm thấy thoải mái.
 
Tôi nghĩ không cần phải cư xử quá khéo. Chỉ biết rằng, ông xã là người mà tôi không thể thiếu trong cuộc sống. Anh ấy luôn mang lại cho tôi cảm giác an toàn và thoải mái, vì vậy, có chuyện gì tôi cũng trao đổi với chồng để cùng nhau giải quyết.
 
- Theo cô, phụ nữ cần làm gì để gắn kết các thành viên trong gia đình trong cuộc sống hiện nay?

Vì cả hai vợ chồng đều làm trong ngành y, nên chúng tôi có ít thời gian bên nhau mà thường phải bận rộn với những ca trực. Vì vậy, sau khi ăn cơm xong, gia đình tôi thường dành thời gian ngồi nói chuyện với nhau, con cái chia sẻ với cha mẹ những khó khăn của mình.

Để có thời gian gần gũi với con hơn, thỉnh thoảng khi tôi đi dạy, có điều kiện là tôi cho con đi theo. Thật bất ngờ, con gái lớn của tôi vì vậy mà yêu nghề của cha mẹ từ khi nào không biết. Mỗi lần đi theo mẹ lên lớp, con gái lớn đã hỗ trợ tôi làm slide bài giảng.

 Còn bây giờ, cháu đã là đồng nghiệp nhỏ của tôi. Vì thời gian gần nhau thật ít nên quan trọng là phải biết trân quý khoảng thời gian đó và luôn tạo cho nhau bầu không khí vui vẻ, thoải mái.

- Cô có cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại và có điều gì chia sẻ với khán giả?

Tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống vì ba điều: thứ nhất, tôi được làm nghề mình chọn với tất cả khả năng của mình, thứ hai là có những người anh, người chị, lãnh đạo hỗ trợ, tạo điều kiện cho tôi làm việc; thứ ba, có gia đình là chỗ dựa an toàn, chồng luôn luôn chia sẻ, có 2 đứa con gái bây giờ cũng đã lớn, bắt đầu cống hiến cho xã hội. Tôi nghĩ đây là hạnh phúc và niềm mong ước của nhiều người.

Xin cảm ơn cô đã tham gia cuộc trò chuyện thú vị này.

Bài viết phục vụ “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng”.

Nguyên Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn