Thành công đến từ sự sẻ chia

Thời sựThứ Hai, 28/09/2015 01:46:00 +07:00

PGS.TS Châu Ngọc Hoa – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ về bí quyết thành công.

“May mắn lớn nhất của tôi là có một người chồng yêu thương tôi và những đứa con ngoan ngoãn, biết nghe lời cha mẹ. Gia đình luôn thấu hiểu và thông cảm cho công việc của tôi.” Đó là chia sẻ về bí quyết thành công của PGS.TS Châu Ngọc Hoa – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Y Dược TP.HCM.

Trong lĩnh vực y học của nước nhà, PGS.TS Châu Ngọc Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM đang được biết đến là thầy thuốc hàng đầu của chuyên ngành tim mạch, đã không ít lần giúp người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần; đồng thời là nhà nghiên cứu khoa học, nhà giáo ưu tú tận tâm với nghề, vừa làm công tác quản lý vừa đào tạo cho biết bao thế hệ bác sỹ phục vụ đất nước.
 
Không sinh ra trong gia đình có truyền thống về nghề y nhưng cô Hoa đã quyết định theo học nghề y, một nghề mà xã hội quan niệm là vất vả, nặng nhọc ngay từ khi học cho đến khi làm việc. Đó là vì mong ước của cha cô, muốn con trở thành bác sỹ, để có thể giúp cho gia đình và cứu người.

Với tư chất, với sự nhiệt tâm và chịu khó, cô Hoa đã vượt qua chặng đường 6 năm đại học và vinh dự là một trong ba sinh viên xuất sắc được mời ra Thủ đô dự “Liên hoan Thanh niên tiên tiến toàn quốc”.
 
Năm 1984, sau khi tốt nghiệp, cô Hoa là một trong số ít nữ sinh viên được giữ lại trường để đào tạo nguồn giảng viên trẻ cho bộ môn Nội. Mừng mà lo, vì cô xác định đây vừa là vinh dự vừa là trọng trách mà thầy cô đi trước đã tin tưởng giao cho.

Trong y khoa, Nội, Ngoại, Sản, Nhi là những khoa không chỉ khó về chuyên môn mà còn có vai trò vô cùng quan trọng trong cứu chữa sinh mệnh con người.

Cô chọn học khoa Nội bởi muốn thử thách chính mình, với mong muốn chinh phục ngọn núi cao sừng sững mà bao bạn cùng lứa ngại không dám leo. Càng học càng say mê, cô đã gắn bó với khoa Nội suốt 30 năm qua.
 
Cơ hội nâng cao trình độ tay nghề đã đến với nữ bác sĩ trẻ khi cô được nhà trường cử sang Pháp dự một khóa tu nghiệp về chuyên môn. Về nước, cô đem những kiến thức đó vào trong giáo án và các tiết thực hành ở phòng thí nghiệm. Đây cũng là thời gian cô vùi đầu vào nghiên cứu về căn bệnh tim mạch và bỏ ra nhiều công sức để xây dựng bộ môn Nội ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
   
Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn bao giờ hết, ngành giáo dục - đào tạo phải đi trước một bước trong việc chuẩn bị nhân tài, lực lượng lao động cho sự nghiệp CNH, HĐH.

Yêu cầu này đòi hỏi một sự đầu tư vừa cơ bản, vừa lâu dài và cấp bách. Thấu hiểu điều đó, bằng tài năng, tâm huyết và kinh nghiệm thực tiễn, cô Hoa đã tập trung nghiên cứu biên dịch hàng loạt cuốn sách như: Bệnh học Nội khoa; Triệu chứng học Nội khoa 2013; Bệnh học nội khoa 2012; Điều trị học nội khoa, với mong muốn tiếp lửa đam mê cho các thế hệ học trò, cho những bác sĩ nội khoa tương lai.
 
Sách của cô trở thành sách gối đầu giường của rất nhiều sinh viên y khoa muốn vươn lên trong học tập, bởi kiến thức đầy đủ, chi tiết và chính xác, những kinh nghiệm quí báu mà họ không thể thu nạp được trên giảng đường.

Cô còn xây dựng khung chương trình và chương trình chi tiết theo hướng giảm tải cho các đối tượng đại học và sau đại học; xây dựng chuẩn đầu ra cho ngành bác sĩ đa khoa, bác sĩ sau đại học; thực hiện chương trình đào tạo liên tục cho các bác sĩ quận, huyện. Mới đây, cô được Đảng ủy khối cơ sở Bộ Y tế chọn trình bày tham luận về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong lễ tổng kết công tác xây dựng Đảng.

Chọn con đường làm thầy thuốc là chọn con đường khó, phải chịu nhiều thiệt thòi, không có điều kiện, thời gian chăm sóc gia đình nhưng may mắn thay, cô Hoa đã vượt qua được khó khăn đó, nhờ sự trợ giúp của chồng và các con.
 
Cô Hoa chia sẻ: May mắn lớn nhất của cô là có một người chồng yêu thương, những đứa con ngoan ngoãn, biết nghe lời cha mẹ. Gia đình luôn thấu hiểu và thông cảm cho công việc của cô. Chồng cô đã lùi về phía sau làm hậu phương vững chắc, thay cô chăm lo gia đình và con cái để cô yên tâm công tác. Khi biết cô chuẩn bị làm nghiên cứu sinh trong nước, anh là người “ủng hộ 2 tay” và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho vợ học lên.

Đây cũng là thời kỳ khó khăn nhất trong gia đình, khi 2 cô “công chúa” còn nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, cần có ba mẹ rèn cặp thường ngày. Thế nhưng, nhờ sự giúp đỡ của chồng, bác sĩ Châu Ngọc Hoa đã kiên trì vượt qua mọi khó khăn, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: “Thuốc ức chế men chuyển trong điều trị suy tim”.

Con gái cô, vì tình yêu với mẹ, vì ngưỡng mộ công việc của mẹ cũng quyết định học để trở thành bác sĩ. Vậy là cô có thêm một học trò, một đồng  nghiệp nhỏ trong gia đình để cùng chia sẻ những vui buồn nghề nghiệp.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng”.

Minh Nga

Bình luận
vtcnews.vn