Thanh Bạch: ‘Nghệ sĩ xiếc - ảo thuật Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi’

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 20/06/2018 07:28:00 +07:00

Theo nam nghệ sĩ, nghệ sĩ xiếc - ảo thuật ở Việt Nam không những chịu nhiều thiệt thòi mà còn có thu nhập không cao.

Sau mùa đầu tiên nhận được sự ủng hộ từ khán giả, Kỳ tài lộ diện vừa có buổi công bố phát sóng cũng như tiết lộ nhiều sự thay đổi của chương trình năm nay. Theo đó, dàn giám khảo xuyên suốt của mùa thứ 2 gồm sư phụ Kao Long - Chủ tịch Chi hội xiếc - Ảo thuật – Hội sân khấu TP.HCM, nghệ sĩ Thanh Bạch...

Nhiều người thắc mắc tại sao Thanh Bạch lại được mời vào vị trí giám khảo một chương trình xiếc. Thế nhưng, nam MC kỳ cựu từng theo học Khoa tạp kĩ sân khấu của trường Đại học Sân khấu Lunatsaxki (Nga), trong đó có bộ môn xiếc - ảo thuật nên đến với chương trình, anh không chỉ đánh giá về kỹ năng biểu diễn mà cũng am hiểu ít nhiều về chuyên môn.

Theo anh, nghệ sĩ xiếc - ảo thuật là những nghệ sĩ chịu nhiều thiệt thòi so với các nghệ sĩ của các bộ môn nghệ thuật khác, thu nhập cũng thấp hơn. Và nhờ có chương trình này, các nghệ sĩ xiếc - ảo thuật được đầu tư, hỗ trợ rất nhiều về các hiệu ứng sân khấu bình thường họ sẽ khó có được.

Giam khao Thanh Bach (2)

Thanh Bạch.

Bên cạnh giám khảo chính, chương trình sẽ có giám khảo chuyên môn luân phiên là các sư phụ nổi tiếng với nhiều thành tích trong nghề. Chẳng hạn như ảo thuật gia Hoàng Nghiêm với hơn 20 năm hoạt động trong nghề ảo thuật, là thành viên Hiệp hội Ảo thuật gia quốc tế Hoa Kỳ IMS.

Hoàng Nghiêm cũng là ảo thuật gia từng đạt kỷ lục Việt Nam với tiết mục Người bay trong không gian với hai người bay ở độ cao cao nhất. Theo ảo thuật gia Hoàng Nghiêm, 100% các ảo thuật gia Việt Nam đều sống được với nghề nhưng nếu nói có thể làm giàu và có cuộc sống xa hoa từ nghề chỉ khoảng 10%.

Ở Việt Nam hiện chưa có trường đào tạo nghề ảo thuật mà chủ yếu tự phát, do mọi người quá đam mê và tự tìm tòi học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau như sách báo, mạng internet, các chương trình ảo thuật của nước ngoài, học từ các câu lạc bộ ảo thuật hoặc nghề truyền nghề...

Để có 1 tiết mục ảo thuật hoành tráng, hấp dẫn, ngoài việc khổ luyện thì cần sự đầu tư về đạo cụ. Đây cũng là một khoảng kinh phí không nhỏ và gây trở ngại cho nhiều ảo thuật gia trẻ.

ATG Hoang Nghiem (1)

Ảo thuật gia Hoàng Nghiêm.

Bên cạnh đó, mặt bằng chung cát-xê cho các ảo thuật gia Việt Nam không cao, đôi khi không đủ kinh phí để vận chuyển những đạo cụ có kích thước lớn nên cũng hạn chế phần nào sự sáng tạo trong biểu diễn, dẫn đến những tiết mục thiếu màu sắc, đơn điệu và lặp đi lặp lại.

Chính vì vậy, Hoàng Nghiêm rất kỳ vọng ở chương trình bởi đây là cơ hội để các ảo thuật được các nhà sản xuất, các bầu show chương trình biết đến nhiều hơn. Quan trọng là các ảo thuật gia sẽ được học hỏi nâng cao tay nghề, tìm ra hướng đi mới để tiếp cận gần hơn với khán giả đại chúng - cũng là con đường duy nhất để phát triển ảo thuật Việt Nam.

Video: Thanh Bạch từng cạo đầu, muốn kết liễu mạng sốn vì trầm cảm

Chu Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn