Tháng 11, những chính sách y tế sẽ có hiệu lực, ai cũng cần biết

Sức khỏeThứ Tư, 01/11/2017 16:02:00 +07:00

Nhiều chính sách liên quan đến y tế như quy định về số năm hành nghề, thành lập tổ chức xã hội,....bắt đầu được thực hiện từ tháng 11/2017.

 Quy định hành nghề của người dạy thực hành khám chữa bệnh

Nghị định 111/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ 20/11 quy định) người dạy thực hành khám chữa bệnh phải đáp ứng được các yêu cầu về thời gian ít nhất là 36 tháng đối với đào tạo trình độ sau đại học; ít nhất là 24 tháng đối với đào tạo trình độ đại học; ít nhất là 12 tháng đối với trình độ cao đẳng và trung cấp.

Tại cùng một thời điểm, người giảng dạy không được dạy quá 5 người thực hành với trình độ sau đại học; 10 người với trình độ đại học và 15 người với trình độ cao đẳng, trung cấp.

Untitled

Có đến 9 Nghị định, 5 Quyết định và 20 Thông tư bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11 

Cho phép đào tạo thạc sĩ ngành hóa dược

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 25/2017/TT-BGDĐT về Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 10/10/2017, có hiệu lực từ ngày 25/11/2017.

Theo đó, ngành Hóa dược được bổ sung vào danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, thuộc nhóm ngành Dược học trong khối ngành Sức khỏe.

Ngoài ra, Thông tư 25 còn bổ sung nhóm ngành Kỹ thuật y học vào khối ngành Sức khỏe trong danh mục đào tạo, giáo dục cấp IV ở cả trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, gồm các ngành sau: Kỹ thuật xét nghiệm y học; Kỹ thuật hình ảnh y học; Kỹ thuật phục hồi chức năng.

Căn cứ các ngành được phép đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học chủ động phát triển các chuyên ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Cấm để trẻ mặc những loại quần áo dị thường

Cơ sở trợ giúp xã hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn tối thiểu về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng để chăm sóc đối tượng, phù hợp với những đối tượng có nhu cầu đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật, trẻ nhiễm HIV, trẻ bị ốm hoặc suy dinh dưỡng, người cao tuổi và những đối tượng có chế độ ăn kiêng theo bệnh tật, theo tôn giáo hay tín ngưỡng. Phải bảo đảm cho đối tượng được học văn hóa, học nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu; bảo đảm cho đối tượng chăm sóc tại cơ sở tiếp cận về văn hóa, thể thao, thể dục và giải trí phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm của đối tượng.

Nghiêm cấm đánh đập, nhốt đối tượng, trói đối tượng; Không cho đối tượng ăn, uống hoặc ngủ; Buộc đối tượng mặc những loại quần áo dị thường hoặc không phù hợp; Ngừng chăm sóc y tế cho đối tượng; Dùng đối tượng này để kỷ luật đối tượng khác; đe dọa hoặc mắng nhiếc, xúc phạm đối tượng bằng những từ ngữ thiếu lịch sự, thô tục; Buộc đối tượng làm những việc quá sức; Ép buộc theo hoặc không theo các tôn giáo.

(Nghị định 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, có hiệu lực từ ngày 1-11).

Bãi bỏ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa dạng lỏng

Thông tư 36/2017/TT-BYT (có hiệu lực từ 1/11) quy định việc bãi bỏ toàn bộ nội dung Thông tư 03/2017/TT-BYT về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5 -1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng.

Tại Quy chuẩn QCVN 5-1:2017/BYT quy định các mức giới hạn an toàn và các yêu cầu quản lý đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng, bao gồm:

Sữa tươi (sữa tươi nguyên chất thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất tách béo thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng, sữa tươi tách béo thanh trùng/tiệt trùng).

Sữa hoàn nguyên thanh trùng/tiệt trùng.

Sữa hỗn hợp thanh trùng/tiệt trùng.

Sữa cô đặc và sữa đặc có đường (sữa cô đặc, sữa đặc có đường, sữa tách béo cô đặc bổ sung chất béo thực vật, sữa tách béo đặc có đường bổ sung chất béo thực vật).

1

 

Bổ sung hồ sơ thành lập cơ sở trợ giúp xã hội

Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Theo đó, hồ sơ thành lập cơ sở trợ giúp xã hội được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định 55/2012/NĐ-CP và được bổ sung gồm:

Tờ trình đề nghị thành lập theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP.

Đề án thành lập theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP.

Dự thảo quy chế hoạt động của cơ sở theo Mẫu số 03a ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP.

Nghị định 103/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2017.

Không cứu người bị nạn bị phạt đến 10 triệu đồng

Hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ khi có điều kiện sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng (quy định cũ chỉ phạt từ 3 đến 5 triệu đồng). Mức phạt tương tự đối với hành vi sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng. Cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

(Nghị định 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11 quy định).

Video: Vì sao bác sĩ 'chê' Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ được hủy quyết định xử phạt?

Thu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn