Tháng 10 Hà Nội

Tổng hợpThứ Tư, 17/10/2012 09:40:00 +07:00

Đêm qua trời trở gió. Gió lạnh về. Những loài hoa mùa hè mùa thu qua đi đưa Hà Nội sang đông mùa của hoa anh đào, trạng nguyên, mộc liên, mẫu đơn, mai trắng...

Đêm qua trời trở gió. Gió lạnh về. Những loài hoa mùa hè mùa thu qua đi đưa Hà Nội sang đông mùa của hoa anh đào, trạng nguyên, mộc liên, mẫu đơn, mai trắng. Lại đúng ngày Trung Thu. Sớm nay những sọt hồng chín đỏ trên gánh hàng rong bán vội, thúng cốm vòng cũng cân đong khẩn trương 7 giờ sắp điểm là giờ dẹp chợ cóc.

Chị bán chuối bán bưởi Da Xanh, bưởi Năm Roi vừa bán vừa hớt hải nhìn xe dân phòng sắp đến giờ “dọn dẹp” phố phường phong quang sạch đẹp mà chị vẫn không chịu nhượng bộ người mua hạ giá. Buôn bán bây giờ ai cũng kêu ế, khó kiếm quá mà giá cả cứ leo thang cùng với giá điện giá xăng dầu. Cứ như nước lên thì thuyền phải lên.

 
Trung Thu năm nay không ồn ã, sức mua kém, âu cũng bởi kinh tế toàn cầu khủng hoảng đâu chỉ riêng ta sa sút. Muốn nhìn rõ nhất hầu bao mỗi gia đình xin cứ tới các quầy bán bánh Trung Thu, năm ngoái bày la liệt, năm nay khiêm tốn có chừng, nhìn vào sức mua là rõ. Quý hồ mua là để thắp hương rồi dùng ké. Người mua đắn đo. Ai đời bánh Trung Thu mới mồng 10 đã niêm yết hạ giá 30%. Chứ mọi năm người ta đồ rằng chỉ một mùa bánh Trung Thu doanh nghiệp nhà hàng làm bánh lãi ăn cả năm. Có thể nói ngoa. Nửa năm thôi.

Lệ thường sáng ra tôi xuống đường đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm một vòng. Mọi sinh hoạt không có gì đổi thay trừ việc mỗi người có khoác hờ một chiếc áo ấm vì trời trở lạnh. Vẫn những đoàn người không ai cầm trịch mà vẫn rảo bước đều theo nhịp điệu đi bộ điền kinh theo chiều ngược kim đồng hồ hỏi người này hỏi người nọ chưa có ai giải thích nổi tại sao lại cứ đi ngược chiều kim đồng hồ. Có lẽ chỉ là hội chứng đám đông mà hội chứng này đang như một căn bệnh.

Những lúc như thế này người ta hay chợt nhớ về ngày xưa, về quá khứ, không hẳn vì nuối tiếc hoặc hoài niệm. Mà chỉ để so một chút đo một tý với hiện tại xem cái sự đổi thay, hơn kém, được và mất, hay hoặc dở. Nhưng để làm gì thì người ta cũng không biết nữa. Bởi mỗi con người thì nhỏ bé như chiếc lá me  lìa cành buông xuống đường bên hồ Gươm liệu có làm được gì lớn lao.

     
Tôi có người hàng phố mặc dù có nhà bên Gia Lâm nay nghỉ hưu sáng nào cũng gặp chị đáp xe buýt tháng sang đây đi dạo. Nhớ phố cổ. “Tập xong lại về Gia Lâm chứ?”. “Chưa. Em còn ra gốc cây lộc vừng chín thân trước cửa Nhà Đèn nhảy híp-hóp!”. Nơi đây sáng nào cũng có ba bốn chục cặp tuổi nhỡ và già đánh đu với nhau từng điệu nhảy đủ kiểu đâu chỉ có híp-hóp, trên nền nhạc đĩa CD. “Híp-hóp”, chắc muốn gửi thông điệp cho tôi sức trẻ chị còn vượng khí.Nơi sân xi măng quanh chiếc đồng hồ Thụy Sĩ tặng tròn như chiếc nong to đùng đặt nằm ngang nặng về trình bày, khoe chứ đâu phải để xem giờ vì nó lớn vượt khỏi tầm góc mở của thị trường mắt, cạnh tháp Hòa Phong, cũng là điểm tập thể dục nhịp điệu theo nhạc phát đĩa.

 
Đông nhất là ở Quảng trường Cụ Lý gần Tòa Thị chính. Vài trăm người. Nơi đây phải dùng loa thùng phát nhạc. Toàn các bà các chị các em gái ăn mặc thời trang bắt mắt. Những động tác vặn bụng đánh mông giơ tay vung ngực vừa mềm mại vừa dữ dội. Phía bờ hồ bên này Quảng trường cũng rất nhiều bà-chị-em gái nghe nhạc bên Quảng trường hắt sang tập ké. Quãng đường hồ này tôi hay gặp duy nhất một người đàn ông cơ bắp cuồn cuộn như vận động viên thể hình Phạm Văn Mách sáng nào cũng tới đây phang đôi cánh tay vào cột đèn cột điện, đấm vào các gốc cây cổ thụ thậm chí vào các bức tường của tháp Hòa Phong, và bám vào các thanh công-son cột quảng cáo đu người.

Tôi lo xa người đàn ông này sẽ làm tổn hại tới tuổi thọ công trình. Tôi không biết nhân thân anh ta, nhưng chắc là có hiểu biết nên nhiều lần gặp anh ta chủ động bắt chuyện với các cháu sinh viên gái ngày cuối tuần hay tới đây hẹn hò vì thấy anh ta khoa chân múa tay liên tục, nói liên tục. Một đôi lần có cả với những cô gái nước ngoài. Vậy là anh ta biết cả tiếng Anh. Người Hà Nội bây giờ biết tiếng Anh nhiều kể từ cậu bé đánh giầy, ngồi xe lăn bán báo dạo, đến anh lái xe ôm, nói thành thạo chuyện rôm rả cười kha kha chứ không chỉ đôi câu giao tiếp.

Nửa kia bờ hồ Hoàn Kiếm từ sân đền Bà Kiệu nơi có bức tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” qua Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục có cái đài phun nước, kéo dài tới trước cửa Báo Hà Nội Mới, nửa bờ hồ này lại dành cho cả hai giới đánh cầu lông, rồng rắn đấm lưng cho nhau và chơi cờ tướng. Các bà có thêm tập múa xòe quạt dưỡng sinh.

Còn các ông thì tụ tập theo nhóm bàn luận rất nhiều chuyện trong nước cùng thế giới từ xu hướng chính trị đến đổi thay xã hội, bàn đến cả cơ cấu tổ chức nhân sự nhân thân lãnh đạo thành phố và quốc gia. Toàn là “Tôi nghe người ta nói…”, “Một ông bạn tôi kể…”, “Một nguồn tin mạng đưa…” Tôi gọi họ là “Bộ Chính trị vỉa hè”. Có thể chuyện tào lao chỉ có ý nghĩa xả stress, chuyện làm quà, mặc dù nó vô bổ và chẳng để làm gì. Nhưng ai cũng cho rằng mình thạo tin như thông tấn xã.

Bây giờ người Hà Nội không thấy ngóng xem Cụ Rùa nổi vì yên tâm Cụ được chữa trị bệnh và nước hồ đã được cải thiện. Phó Giáo sư TS Hà Đình Đức bớt nhiều những phát ngôn gây sốc về Cụ. Và “Nhà Rùa học” vừa được Hà Nội vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2012. Bây giờ người Hà Nội lại say mê mang bánh mì ném xuống hồ nuôi từng đàn cá chép vàng từng thả phóng sinh trong mỗi dịp tết Nguyên đán. Nhìn đàn cá xô nhau đớp tỉa chói sáng một vùng nước hồ thật vui mắt.

 
Hà Nội vào đông, mùa này là mùa cưới. Các nhiếp ảnh gia coi đây là mùa làm ăn với những bộ ảnh mà các cặp uyên ương chuộng nhất, ngoài phong cách lãng mạn, ngoại ô đồng cỏ bãi ngô dải cát vàng mịn bên sông Hồng, vẫn không thể thiếu khung cảnh quanh hồ Gươm bên tháp Hòa Phong hoặc dưới gốc cây lộc vừng hay nép mình vào thân cây sấu cổ thụ, gạo cổ thụ, phượng vĩ cổ thụ mấy trăm năm tuổi được ghi danh trong Át-lát. Chàng trai còn hăng chứ cô gái thì oải cứ phải di chuyển trong bộ váy cưới rườm rà quét đất hai tay luôn phải đỡ nâng mệt chết người mà nhiếp ảnh gia cứ liên tục yêu cầu tạo dáng uốn chỗ này cong chỗ kia cùng các kiểu cười duyên nửa miệng.

Người Hà Nội vẫn sống theo cái cốt cách thanh thản có từ thời Thăng Long Kẻ Chợ. Có cái hay là họ giấu nỗi gian khó rất tài. Bôn ba trên vỉa hè suốt ngày tới đêm khuya kiếm sống nhưng vẫn có những bộ cánh sang và con gái nhất thiết phải đi xe tay ga. Có cô gái ngồi bán khế dầm, sấu dầm, me dầm vẫn ôm trong lòng chú chó cưng bé nhỏ giống chủng tận nước Pháp hoặc Tây Ban Nha.

Thực ra nhìn từ góc độ bình diện Hà Nội có rất nhiều đổi thay về xây dựng đô thị. Cũng chục năm lại đây thôi. Cứ ru rú ở phố cổ làm sao thấy được. Những lần được con cháu đưa đi siêu thị BigC hay Metro, thăm thân ở Cipucha mới thấy choáng ngợp khung cảnh dọc đường đi. Đường rộng mở hai chiều thênh thang, dải phân cách đầy cỏ xanh cùng hai hàng cây xanh, cột điện cao áp.

 
Nhà cao tầng dành cho các trung tâm thương mại và văn phòng nguy nga hiện đại không khác gì các nước phát triển. Hệ thống đường trên cao cùng với hệ thống cầu vượt mới mở đã xóa đi tất cả những hình ảnh quen cũ xưa về địa hình mà nhiều năm tôi cứ lấy nó làm mốc nhận dạng về địa danh ấy. Cái lần tôi đi Phủ Lý, rồi cái lần tôi đi Hưng Yên, Bắc Ninh mới biết hai cái cầu qua sông Hồng Vĩnh Tuy và Thanh Trì với những con đường dẫn và chia hướng đi từ chân cầu chi chít như mạng nhện chạy qua những khu đô thị mới toanh toàn biệt thự muôn kiểu muôn màu mới nhận ra mình lạc hậu tầm nhìn, chỉ biết có cái cầu Thăng Long khi khánh thành đã trao gắn cho nó cái tên “Công trình thế kỷ”.

Hà Nội ngày nay bỗng phát triển thành một thành phố tiêu thụ. Trước nhất là ăn. Người ta đầu tư lớn vào việc ăn. Thỉnh thoảng được bạn bè trúng mánh rủ, con cái mời mới thấy các trung tâm ăn uống, các nhà hàng sang trọng với đủ phong cách ẩm thực năm châu, đủ nguồn thực phẩm nhập ngoại... Nhà hàng Sen khởi nghiệp là ở Tây Hồ nay mở rộng gấp ba ngay tại đó lại thêm chuỗi nhà hàng Sen ở nội thành cho những thực khách ngại đi xa mà vẫn có bữa ăn trưa thú vị.

Sự phát triển những chuỗi nhà hàng ăn hiện đại này đã “bóp chết” luôn chuỗi nhà hàng thịt chó dân dã ở Nhật Tân: Tú Béo, Phương Xồm, Cầy Tơ, Trần Mục, Khói Mây Chiều rất thịnh một thời. Các cửa hàng ăn nơi phố cổ như ở Tạ Hiện, hàng Buồm cũng đua cải tạo thành cửa tiệm đủ diện tích cho cặp đôi và gia đình nhỏ với các món ăn chế biến đặc trưng phố cổ mà các nhà hàng ăn có quy mô lớn không tạo ra được, bởi nó là gia truyền kiểu như chim quay, cua bể rang me chua ngọt Thịnh Vượng, bít-tết Lợi, đồ ăn nguội xúc xích chân giò nhồi nấm pa-tê Nguyên Sinh...

 
Thứ hai là cái sự chơi. Các shop thời trang mở nhiều rải khắp mặt phố, đèn sáng bừng cửa kính với các ma-nơ-canh chân dài khoác trên mình đủ các loại y phục không thể phủ nhận là đẹp và sang. Các chuỗi shop mỹ phẩm đắt tiền. Các chuỗi cửa hàng beauty spa cho da dẻ trắng hồng chăm sóc tóc cùng móng chân móng tay sơn đính hạt cườm. Những cô gái từ đây ra lướt xe tay ga tóc buông bay cho cả một phố thơm chứ đâu chỉ có hương hoa sữa và dạ hương. Còn cái kiểu chơi tàn bạo ở các quán bar thì chẳng nên kể làm gì bởi nó phung phí quá đáng ghét…

Thế hệ nhiều tuổi thường hoài cổ luôn ta thán “bao giờ cho đến ngày xưa?”. Ngày nay ăn ở tiện nghi đủ đầy thậm chí hiện đại nhớ tiếc ngày xưa cái gì nhỉ?

Có lẽ là nhớ tiếc nếp ăn - nhẽ ở, đặc thù văn hóa người Hà Nội mà người cả nước hay nói “Cốt cách như người Hà Nội”. Cốt cách ấy là khi ra đường ăn mặc tề chỉnh đi khoan thai nói năng nhỏ nhẹ đủ nghe, thưa gửi cảm ơn xin lỗi kính trên nhường dưới gương mặt thân thiện không nói những lời thô, chọn từ ngữ cho đẹp lòng nhau. Cốt cách ấy còn là tấm lòng. Không tham lam nói dối cũng không đam mê quyền lực. Quan hệ người với người giàu lòng nhân ái vị tha có chót quá lời cũng bỏ qua, không chỉ với người thân, cấp trên mà đối với cả người lao động gặp ngoài đường cũng như vú em, người giúp việc trong nhà cũng vậy.

Bởi vậy ra đường bây giờ gặp toàn chuyện hư chuyện xấu kéo dài lâu năm mà năm nào cũng phát động dựng xây nếp sống văn minh hai ba chục năm rồi vẫn chưa thấy văn minh lên được, đường phố bẩn kinh khủng vận hành giao thông tùy tiện nên người ta mới hoài niệm một thời ngày xưa. Cách sống ích kỷ vụ lợi thiếu bao dung không chỉ ở ngoài đường mà vận hành vào tận nơi công sở nay phổ biến.

 
Chỗ nào cũng gặp lấn chiếm vỉa hè nói lời tục tĩu động chạm nhau là sẵn sàng giải quyết bằng vũ lực không chỉ diễn ra trong giới lưu manh côn đồ mà lây sang cả các nam sinh, nữ sinh thành thử ra đường gặp chuyện bất bình nhiều người đành nhắm mắt bỏ qua tránh phiền lụy. Trên Youtube hiện còn có clip dạy các cô gái trẻ kỹ năng biết cách tự vệ chống lại các “Yêu Râu Xanh” và “Kẻ Cướp xe máy” mà nó nằm trong Dự án giáo dục trên internet của một Thạc sĩ Tâm lý học.

Sáng nay Hà Nội trở lạnh bước sang Tháng Mười. Tháng Mười người Hà Nội hay hồi tưởng cái ngày hòa bình đầu tiên nên tôi viết về hoa. Đi quanh bờ hồ Hoàn Kiếm miên man nghĩ. Nơi đầu phố Hàng Đào hình ảnh thước phim tư liệu người dân Hà Nội đứng chật cứng hai bên đường cờ hoa phất cao hét to mừng Đoàn bộ đội Cụ Hồ về giải phóng hiện lên trong tâm trí tôi. Trong hàng dân Thủ đô đứng có một anh nhạc công kéo chiếc đàn Ác-coóc-đê-ông bành ra hết cỡ ngang tàng miệng mở to hát bội hơi lời ca “Trùng trùng quân đi như sóng”.

Vậy mà đã 58 năm. Già nửa thế kỷ. Nếu tính gần hơn là ngày đất nước thống nhất cũng đã 37 năm. Nửa đời người. Đô thị Hà Nội đổi thay ai cũng nhận ra người ru rú ở phố cổ như tôi còn nhận ra. Nhưng sao chậm chạp thế. Chính khách các nước người ta thường kiểm điểm những việc người đó làm được ngay sau 100 ngày đầu nhậm chức nhiệm kỳ 4 hoặc 5 năm. Với sự phán xét của cử tri dựa vào những chương trình hành động họ đưa ra và cam kết khi tranh cử.

 

Những người lứa tuổi thời đầu Cách mạng có thể được chứng kiến thành quả từ cái gọi là “Hà Nội, Tầm nhìn năm 2030 – 2050” không? Tức là còn những 18 năm, 38 năm nữa. Có lẽ lớp con-cháu họ sẽ được nhìn thấy bởi chính chúng là những người phải thực thi. Chúng là lớp người được đào tạo chu đáo tràn đầy năng lực và nhiệt huyết cách mạng sáng tạo. Nhưng với điều kiện chúng phải cắt bỏ được thói tham lam nói dối vụ lợi.

Năm năm trước có một luật sư người Việt từ đảo Sip về gặp người bạn cũ là bác sĩ ở cùng phố với tôi. Ông này muốn hồi hương về lại phố cũ thời Pháp thuộc. Ông bác sĩ rủ tôi cùng đi cho câu chuyện thêm phần rôm rả. Dạo dọc các con phố ông luật sư không còn nhận ra con phố quen một thời trai trẻ. Các nhà mặt phố đều cải tạo lên tầng cao dành tầng dưới cho thuê làm cửa hàng mang tên Tây vừa đẹp vừa sang. Những Festa Italian Restaurant, Pizza & Italian Noodle, Bèo Fashion, Lá Fashion, Bướm Ncollection, Chăn-gối-ga Bellizeno… Duy có một “cái làng” trong phố là chùa Lý triều Quốc sư vẫn xanh tươi hàng cây cau có giàn trầu không ken leo phía dưới cùng cây khế to trĩu quả chín vàng. Góc chùa xum xuê rậm rì tán cây đa cổ thụ ba trăm tuổi nép dưới có quán bánh gối Cụ Chùa lúc nào cũng đông khách ăn. Đây là dấu vết còn lại giữ được không gian êm đềm của làng Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương xưa nơi thờ Quốc sư Minh Không cùng thờ vong Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Thiền sư Giác Hải.

Hết nửa ngày chúng tôi táp vào một quán cafe có tên “Why not?” Cô gái trẻ Cafe Why not hỏi “Các anh dùng Capucino phong cách Ý nhé?” “Yes. Why not!” Ông luật sư đáp. Cô gái trẻ và chúng tôi cùng cười như vốn quen nhau. Đúng lúc, trên màn hình ti-vi nơi quầy thu tiền phát một quảng cáo giọng oang oang: “Còn chờ gì nữa? Hãy đăng ký và lắp đặt ngay hôm nay bộ đầu thu truyền hình kỹ thuật số với 70 kênh sóng SD & HD cho hình ảnh sắc nét lung linh âm thanh ba chiều trung thực phát sóng liên tục 24/24 giờ bạn sẽ có cả thế giới trong ngôi nhà của bạn!”

Ông bác sĩ vỗ đùi ông luật sư hỏi giật: “Còn ông, đăng ký ngay hôm nay ở con phố cũ này chứ?”. “Yes, OK!”

Tôi bỗng nhận ra một điều thiêng liêng, rằng Hà Nội có nhiều đổi thay nhưng lòng người Hà Nội yêu Hà Nội thì không bao giờ thay đổi.

Hà Nội,  Tháng 10 – 2012

 Khiếu Quang Bảo

 


 

     


Bình luận
vtcnews.vn