Than Núi Béo 'một vốn bốn nợ' và những tín hiệu xấu

Kinh tếThứ Hai, 19/03/2018 11:50:00 +07:00

Tài chính doanh nghiệp liệu có lành mạnh và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh... là những dấu hỏi lớn dành cho ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Than Núi Béo (Vinacomin) trước sự biến động rất xấu của các chỉ số tài chính cơ bản.

Cổ đông NBC (Công ty cổ phần Than Núi Béo – Vinacomin) có lẽ lo nhiều hơn mừng khi đọc báo cáo tài chính hợp nhất của công ty vừa được công bố.

1 vốn 4 nợ

Than Núi Béo đang gánh khoản nợ lên tới trên 2.227 tỷ đồng, gấp 4,6 lần vốn chủ sở hữu (hơn 481 tỷ đồng), gần bằng tổng tài sản (2.708 tỷ đồng), theo báo cáo tài chính, tại thời điểm 31/12/2017.

Hiện, Than Núi Béo có tài sản 2.708 tỷ đồng, gồm: Tài sản ngắn hạn 732,8 tỷ đồng, tài sản dài hạn 1.975 tỷ đồng. Nhưng trong tài sản này, hàng tồn kho đã chiếm tới 540,5 tỷ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu, và bằng 1/4 nợ phải trả của doanh nghiệp.

A1

 Nợ phải trả của Than Núi Béo lên tới trên 2.227 tỷ đồng, gấp 4,6 lần vốn chủ sở hữu.

Thời điểm 31/12/2017, Than Núi Béo chỉ có hơn 2,9 tỷ đồng là tiền mặt và các khoản tương đương; trong khi, doanh nghiệp có gần 1.000 tỷ đồng nằm chủ yếu tại 2 dự án đang triển khai là Dự án Hầm lò mỏ than Núi Béo, Dự án Khe cá Hà Phong.

Trong đó, Hầm lò mỏ than Núi Béo là dự án chiến lược của Than Núi Béo, có tổng mức đầu tư khổng lồ gần 5.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện 34 năm, triển khai từ năm 2011, dự kiến xây dựng cơ bản 6 năm, tới hết năm 2017.

Trong cơ cấu nợ hơn 2.227 tỷ đồng của Than Núi Béo, chiếm áp đảo là vay thuê tài chính. Thời điểm hết năm tài chính 2017, Than Núi Béo nợ vay, thuê tài chính hơn 1.735 tỷ đồng (gồm gần 1.329 tỷ đồng vay dài hạn và 407,7 tỷ đồng vay ngắn hạn).

Hầu hết các khoản vay này là từ ngân hàng. Than Núi Béo hiện là “con nợ” của Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương, số nợ tính tới 31/12/2017 là hơn 962 tỷ đồng (gồm: nợ vay ngắn hạn 196,8 tỷ đồng, nợ vay dài hạn đến hạn trả 37 tỷ đồng, nợ vay dài hạn 729 tỷ đồng).

Than Núi Béo cũng đang giữ sổ nợ tới hơn 621 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương – chi nhánh Quảng Ninh.

Ngoài ra, các Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc tế, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển cũng ghi nhận các khoản cho vay từ hơn chục đến hơn trăm tỷ đồng tại Than Núi Béo.

Riêng, hai khoản vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Công Thương – chi nhánh Quảng Ninh và Ngân hàng TMCP Ngoại Thương – chi nhánh Quảng Ninh là vay tín chấp, tức không cần tài sản đảm bảo.

Vay nhiều, nợ lớn (gấp tới 4,6 lần vốn sở hữu), trong khi doanh thu và lợi nhuận tăng không đáng kể, Than Núi Béo làm gì để khỏi rơi vào những rủi ro đáng tiếc?

Dấu hỏi về hiệu quả doanh nghiệp

Hoạt động kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều hướng tới mục tiêu hiệu quả. Dù kinh doanh lĩnh vực gì, thì điểm mấu chốt các doanh nghiệp gặp nhau vẫn là làm thế nào để một đồng vốn bỏ vào kinh doanh mang lại hiệu quả cao nhất, sinh lời nhiều nhất.

A2

 Nhiều tín hiệu xấu từ các chỉ số tài chính cơ bản của Than Núi Béo.

Theo báo cáo, năm 2017, Than Núi Béo đạt doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ khoảng 1.490 tỷ đồng (thấp hơn chỉ tiêu đặt ra tại nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên 1.515,8 tỷ đồng); trong đó, giá vốn là hơn 1.115 tỷ đồng, lợi nhuận gộp chỉ có hơn 375 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 87,2 tỷ đồng (tăng hơn 2,2 lần so với năm 2016).

Lợi nhuận dù tăng so với năm 2016, song tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) chỉ đạt 0,058 lần, chứng tỏ tốc độ tăng lợi nhuận không đáng kể. Rõ ràng, Than Núi Béo đang gặp vấn đề trong việc tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh (chi phí sản xuất thấp, giá bán cao…).

Chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của Than Núi Béo năm qua cũng chỉ đạt 0,19 lần – khả năng sinh lợi ở mức trung bình.

Video: Điểm mặt những khoản đầu tư ngoài ngành thua lỗ của Sabeco

Than Núi Béo cũng đang gặp vấn đề về thanh toán các khoản nợ ngắn hạn khi doanh nghiệp có khoản nợ ngắn hạn tới 898,2 tỷ đồng (hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn chỉ đạt 0,81 lần).

Ngoài chỉ số kinh doanh, tính hiệu quả của doanh nghiệp được thể hiện ở yếu tố quản lý. Năm 2017, Than Núi Béo chi tới 146,8 tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp, cao hơn rất nhiều so với năm 2016 (127,2 tỷ đồng).

Khoản tăng bất thường này nằm ở chi tiền mặt khác, năm 2016 là 46,9 tỷ đồng trong khi năm 2017 là 63,4 tỷ đồng.

Để kết quả sản xuất kinh doanh tốt, đòi hỏi việc quản lý các chi phí quản lý doanh nghiệp hiệu quả. Không rõ, Than Núi Béo dùng 63,4 tỷ đồng tiền mặt chi khác (theo quy định của Thông tư 200 về chế độ kế toán, các phí khác thuộc quản lý chung của doanh nghiệp gồm: chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, tàu xe, khoản chi cho lao động nữ…) thế nào, hiệu quả ra sao, có công khai cho cổ đông không?

Than Núi Béo (mã NBC) niêm yết tại sàn HNX từ 27/12/2006. Doanh nghiệp đã 4 lần tăng vốn điều lệ, từ 60 tỷ đồng vốn ban đầu lên 370 tỷ đồng (số làm tròn) như hiện nay. Hiện, giám đốc Than Núi Béo là ông Ngô Thế Phiệt. Ông Phiệt có quá trình đi lên từ công nhân vận tải lò, mỏ than Hà Lầm – một doanh nghiệp cũng thuộc Vinacomin.

Than Núi Béo dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 vào ngày 27/3 tới đây.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn