Thâm nhập bãi vàng Kim Sơn

Thời sựThứ Ba, 09/08/2011 04:15:00 +07:00

(VTC News) - Chúng tôi vào vai những người đi tìm gốc cây cảnh để thâm nhập bãi vàng Hố Khế, nơi xảy vụ sập hầm vàng vào chiều 30/4 khiến 4 người thương vong.

(VTC News) - Tình trạng đào đãi vàng trái phép tại xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân, Bình Định) diễn ra hàng chục năm nay khiến núi rừng tan nát, sông suối bị bồi lấp, đất đai bị sạt lở… Các cơ quan chức năng ở địa phương không thể xứ lý dứt điểm nên nạn đào đãi vàng trái phép diễn biến ngày càng phức tạp.

Tan nát núi đồi

 Được một người quen ở thôn Kim Sơn (xã Ân Nghĩa) dẫn đường, chúng tôi vào vai những người đi tìm gốc cây cảnh để thâm nhập bãi vàng Hố Khế, nơi xảy vụ sập hầm vàng vào chiều ngày 30/4/2011 khiến 4 người thương vong.

Hầm vàng vừa bị sập khiến 1 người chết, 3 người bị thương ở Hố Khế cách khu dân cư chừng 100 m và cách trụ sở UBND xã Ân Nghĩa 1 km 

Chẳng mấy khó nhọc, ngồi trên xe máy phóng một lèo chưa đầy 5 phút là đến thẳng Hố Khế. Bãi vàng vắng ngắt. Hầm vàng vừa bị sập nằm sát vách nhà dân, vàng mã tung tóe khắp nơi. Ngọn đồi chưa đầy 0,5 ha đã có không dưới 10 hầm đào đãi vàng trái phép.

Đi lòng vòng quanh bãi vàng, tôi rùng mình khi nhớ đến lời anh bạn đi cùng: “lòng đất ở khu vực Hố Khế trống rỗng do bị “rút ruột” trong quá trình đào hầm vàng”. Dấu vết của những người đi đãi vàng chỉ còn lại những quần áo, chén bát vỡ, bao tải, dây nhợ… trong các lán trại bị phá hủy.

 Lần theo dòng nước đục ngầu chảy xuống từ đỉnh đồi chừng 500m, chúng tôi đã bắt gặp vài người dân đang lén lút đào đất đãi vàng trong những bụi rậm. Bất ngờ thấy người lạ xuất hiện, những người đào vàng dừng tay và cầm đồ nghề để sẵn sàng… chạy! Biết chúng tôi không phải là lực lượng truy quét, một vài người tiếp tục đào bới và xầm xì tán chuyện.

Khu vực Hố Khế tan hoang vì nạn đào đãi vàng trái phép 

Một người tên Thành - ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa – cho biết: “Ở Hố Khế không có người nơi khác đến, toàn là dân địa phương đi làm để kiếm miếng cơm qua ngày. Thường 4 hoặc 5 người trong một gia đình, hoặc anh em, bạn bè... thành lập một nhóm rồi cùng đi đãi vàng”.

Anh Thành đã có thâm niên đãi vàng hơn 10 năm nhưng chưa lần nào “trúng đậm” mà chỉ đủ ngày công, hiện mỗi ngày nhóm của anh kiếm được khoảng 100.000 đồng/người. Thở dài một tiếng đầy ngao ngán, anh Thành nói: “Làm cái nghề đãi vàng này nó cũng bạc lắm! Ở đây chẳng phải rừng thiên nước độc như những bãi vàng khác nhưng nguy cơ sụp hầm vàng thì luôn rình rập. Người trúng thì chẳng thấy đâu chỉ toàn nghe tin đồn. Có người vừa nghe nói trúng “vàng ký” rồi thời gian sau cũng mang xà ben, máy bơm nước... lên lại bãi vàng. Làm phu vàng thì đâu cũng khổ như nhau”.

Người dân xã Ân Nghĩa lén lút vào rừng đào đất đá mang về nhà đãi vàng 

Theo anh Thành, mỗi lần sập hầm là Công an, Kiểm lâm… truy quét rất dữ dội nên việc đào đãi vàng phải lén lút. Từ sau sự cố sập hầm vàng ngày 30-4 đến nay, người dân ở Kim Sơn lại cất máy móc ở nhà, chỉ lên núi đào đất đá đem về nhà đãi vàng thì lực lượng chức năng không thể làm gì được! Thậm chí có người lên bãi đào từng bao đất đem về bán lại cho người khác để kiếm vài chục ngàn mỗi ngày.

Rời bãi vàng Hố Khế, chúng tôi tiếp tục đến bãi vàng Hố Kà Diếc (thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa). Ngay dưới chân bãi vàng này, hồ Đồng Quang đang trơ đáy. Một phần ba diện tích lòng hồ là bùn đỏ sền sệt do các con suối mang đất đá từ các bãi vàng xuống bồi lấp khắp nơi. Đi ngược theo con suối gần 3 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng phát hiện hàng loạt nhưng lán trại, hầm đãi vàng… do các “vàng tặc” để lại. Chỉ cần nghe tiếng “sột soạt” là những người đãi vàng ôm dụng cụ bỏ chạy. Ở khu vực Hố Kà Diếc, các hầm đào vàng nằm dọc theo lòng suối và con suối nào cũng bị đào bới tan hoang.

Đánh đổi mạng người

Theo UBND xã Ân Nghĩa, từ năm 1997 đến nay, trên địa bàn thôn Kim Sơn đã xảy ra 3 vụ sập hầm vàng. Mới đây nhất là sập hầm đào đãi vàng trái phép tại khu vực Hố Khế ở thôn Kim Sơn vào chiều ngày 30-4 khiến 3 người chết và 1 người bị thương.

Những con suối chảy từ Hố Kà Diếc mang bùn đất xuống bồi lấp lòng hồ Đồng Quang 

Tai nạn xảy ra khi các ông Trần Đức Hoài (59 tuổi, ở xã Ân Hữu), Trần Tấn Công, Trần Ngọc Thạch (ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, Hoài Ân) và ông Tạ Ngọc Dung (45 tuổi, ở xã Ân Phong) cùng một số người khác ngồi uống rượu dưới hầm đào vàng sâu 8 mét, rộng 15 mét thì bất ngờ đất đá xung quanh đổ ập xuống.

Trong khi một số người may mắn chạy thoát thì 4 người đàn ông nói trên bị đất đá đè lấp. Hàng chục người có mặt ở đó cố gắng đào bới thật nhanh, nhưng họ cũng chỉ cứu được ông Dung còn các ông Hoài, ông Công và ông Thạch đã chết. Trong số 3 người chết thì ông Công và ông Thạch là đồng chủ hầm vàng còn ông Hoài, làm nghề giáo viên, đến hầm vàng để uống rượu cùng bạn bè. Trước đó, vào năm 1997, một hầm vàng khai thác trái phép ở Hố Khế cũng bị sập làm bị thương nhiều người. Năm 2001 lại sập hầm đào vàng tại Hố Khế làm chết 4 người, trong đó có 2 người ở thôn Kim Sơn…

Lần theo các con suối nước đục ngầu sẽ bắt gặp những người đào đãi vàng trái phép 

Các bãi vàng ở xã Ân Nghĩa được phát hiện từ thời Pháp thuộc. Năm 2000, UBND tỉnh Bình Định mới cho phép Công ty Khoáng sản Bình Định khai thác vàng tại thôn Kim Sơn nhưng đến năm 2003 thì công ty này rút lui thì hoạt động đào đãi vàng trái phép bắt đầu diễn ra rầm rộ.

Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa Trương Văn Hải than thở: “Khi Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định còn hoạt động ở Kim Sơn đã thuê lao động địa phương nên họ mới biết “công nghệ” làm vàng. Sau khi công ty rút đi thì người dân rủ nhau đến các bãi vàng để khai thác trái phép. Khi đó, mỗi ngày có hàng trăm người dân địa phương và dân các tỉnh khác đến các khu vực Hố Cọp, Hố Khế và Hố Kà Điếc… để tìm vàng.

Lòng suối ở Hố Kà Diếc tang hoang vì nạn đào đãi vàng trái phép 

Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành truy quét nhiều lần, hoạt động đào đãi vàng chỉ lắng xuống một thời gian rồi lại tái diễn. Biện pháp tuyên truyền, giáo dục… chúng tôi cũng đã làm nhiều lần rồi, đa số người dân ở xã Ân Nghĩa đều biết đào đãi vàng là phạm pháp nhưng họ vẫn thực hiện. Bởi địa phương chúng tôi chủ yếu là làm nông, nhưng sản xuất nông nghiệp cũng gặp khó khăn, đất chật mà người đông, cuộc sống quanh năm túng quẩn thì làm sao họ không đi tìm cơ hội đổi đời ở các bãi vàng?”.

Chính quyền địa phương bó tay?

Từ giữa tháng 6-2011 đến nay, Tổ công tác liên ngành của huyện Hoài Ân đã tiến hành truy quét đào đãi vàng trái phép tại các khu vực hố Cà Diếc (thôn Hương Quang), hố Khế và hố Cọp (thôn Kim Sơn). Tại các điểm truy quét, Tổ công tác đã tiêu hủy hàng chục lán trại, hàng trăm tấm bạt che, hàng ngàn mét ống dẫn nước, bể chứa nước, 4 máy nổ, 2 cối xay đá, 1 bình bơm hơi, 1 diramo điện và nhiều vật dụng dùng để khai thác vàng khác. Tuy nhiên, vẫn không có một “vàng tặc” nào bị bắt. Theo một cán bộ xã Ân Nghĩa cho biết, khi thấy đội truy quét xuất hiện, những người đào đãi vàng đã dùng điện thoại di động thông báo cho nhau và nhanh chóng tẩu tán  dụng cụ, chạy trốn vào rừng!   

Một cán bộ phòng TN&MT huyện Hoài Ân kể lại nhiều câu chuyện mà đoàn kiểm tra của chính quyền địa phương từng “muối mặt” khi vấp phải sự đoàn kết của “vàng tặc” ở xã Ân Nghĩa. Có lần đoàn kiểm tra liên ngành huyện Hoài Ân do Phòng TN&MT chủ trì tiến hành truy quét tại Hố Khế đã thu giữ được 5 máy nghiền đất đá đãi vàng trái phép. Trưởng đoàn yêu cầu các cán bộ xã Ân Nghĩa điều động xe đến chở tang vật về trụ sở UBND xã thì chỉ nhận được những cái lắc đầu vì bà con, người quen…

Thấy có người lạ xuất hiện, “vàng tặc” vứt bỏ dụng cụ để chạy trốn 

Các chủ xe tải ở xã Ân Nghĩa cũng kiên quyết không vận chuyển vì nguyên nhân tương tự. Trưởng đoàn kiểm tra liên hệ với một nhà xe ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân) đến, hì hục mãi các dân quân mới vận chuyển được một máy nghiền đá lên xe thì anh tài xế, sau một hồi xầm xì nhỏ với một vài người dân, lại đề nghị “ben” máy xuống. Nguyên nhân được anh tài xế trả lời với trưởng đoàn kiểm tra rằng: “Toàn là người quen. Khổ lắm, cháu còn làm ăn nữa chú ạ!”. Sau câu trả lời của anh tài xế, người dân có mặt tại bãi vàng liên tục vỗ tay cho đến khi chiếc xe khuất hẳn mới thôi. Một thành viên trong đoàn kiểm tra “mời” xe ở huyện khác đến và kiên quyết “cách li” anh tài xế với người dân địa phương thì máy móc mới được chuyển về trụ sở UBND xã Ân Nghĩa. Khi đó đã gần 18 giờ chiều!

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cần - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân – thừa nhận: “Ngăn chặn hoạt động đào đãi vàng trái phép ở xã Ân Nghĩa như “nước đổ đầu vịt”, việc truy quét đã thực hiện nhiều lần nhưng rồi đâu cũng vào đấy! Trong thời gian qua tình hình khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Ân Nghĩa diễn biến phức tạp, việc khai thác vàng trái phép gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự trên địa bàn. UBND huyện Hoài Ân, UBND xã Ân Nghĩa và các cơ quan chức năng của huyện đã có cố gắng nhằm xử lý ngăn chặn tình hình khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, tình hình không giảm mà có diễn biến ngày càng phức tạp nguyên nhân của tình hình trên là do nhận thức của nhân dân địa phương chưa đúng mức, chưa thấy hết hậu quả của việc khai thác vàng trái phép ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, sức khỏe và tính mạng của chính họ”.

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn