Thảm hoạ và tình yêu thương

Giáo dụcThứ Năm, 08/07/2010 12:32:00 +07:00

(VTC News)- Trước ngày 12/5/2008, giấc mơ của Phạm Đông Thành là tìm một vị trí ở công ty thương mại quốc tế, và xây dựng một ngôi nhà ấm cúng.

(VTC News)- Trận động đất tàn phá Tứ Xuyên mang tới sự thay đổi hoàn toàn trong cuộc sống với sinh viên Phạm Đông Thành. Trước ngày 12/5/2008, giấc mơ của Phạm Đông Thành là tìm một vị trí ở công ty thương mại quốc tế và xây dựng một ngôi nhà ấm cúng ở thành phố biển giàu có của Trung Quốc. Nhưng, tất cả đã thay đổi sau trận động đất Tứ Xuyên.

"Quan niệm sống của tôi thay đổi mãi mãi sau thảm hoạ ấy”, cậu sinh viên 20 tuổi tại Đại học Thường thức Tây Trung ở Đô Giang Yển - một thành phố gần Văn Xuyên tâm chấn thảm hoạ động đất thuộc tỉnh Tứ Xuyên cho biết.

 Sinh viên Phạm Đông Thành
"Tôi đã hiểu giá trị đích thực của tình yêu thương gia đình, và điều quan trọng khi tôi biết mở trái tim, chìa cánh tay tới những người cần giúp đỡ”, Phạm nói. Sinh ra ở Văn Xuyên, là con duy nhất trong một gia đình lao động, Phạm rời quê hương lần đầu tiên vào năm 2007 khi đậu đại học.

Cuộc sống êm đềm trôi qua cho tới ngày thảm hoạ, 12/5, khi Phạm rời phòng ở tầng hai trong toà nhà ký túc xá ba tầng để đi học chiều. Rồi Phạm sớm hiểu rằng, cậu đang trải qua một cơn địa chấn dữ dội, nhưng không biết phải làm gì. Bạn bè cùng lớp hét lớn rồi lôi cậu ra phía cửa.

"Khi thoát khỏi một cơn ác mộng, tôi đã vấp phải rất nhiều sinh viên trên cầu thang”, Phạm nhớ lại. “Tôi nghĩ lúc ấy tôi rất sợ hãi và rất khó lê bước, rất khó thở”.

Phạm và hàng trăm sinh viên khác tập trung ở sân thể thao, nơi cậu cố gắng gọi điện thoại cho cha mẹ đang làm việc trong một bưu diện ở Văn Xuyên và liên lạc với ông bà ở Đô Giang Yển. Khi không thể gọi cho ai, cậu sinh viên nhớ lại: “Tôi đột nhiên quỵ xuống vì sợ hãi và tuyệt vọng, nước mắt trào ra”.

Trong đêm ấy, cậu biết rằng tâm chấn chính là ở Văn Xuyên, và rằng lực lượng cứu hộ đang cố gắng tiếp cận vùng thảm hoạ. "Đầu óc tôi trống rỗng, sợ hãi, hoảng loạn, hy vọng, thất vọng, tất cả đến và đi trong khoảnh khắc. Tôi cảm thấy đang chênh vênh trên bờ vực thẳm và không hiểu tất cả những gì đang xảy ra xung quanh”, Phạm nói.

Ba ngày sau trận động đất, Phạm cuối cùng đã nghe thấy giọng nói mệt mỏi của mẹ là Lưu Hồi - người đang tất bật với công việc cứu hộ tại Văn Xuyên. May mắn thay, mọi thành viên trong gia đình cậu đều được an toàn và mạnh khoẻ. Thay vì trở lại Văn Xuyên, Phạm quyết định làm điều gì đó để giúp đỡ người khác, và cậu gia nhập đội tình nguyện xây dựng lều bạt tại Đô Giang Yển, đóng góp phân phát lương thực, cũng như chăm sóc người bị thương.

"Tôi không có thời gian để nghĩ về gia đình mình, chúng tôi khi ấy đang chiến đấu chống lại thảm hoạ giống hết như đang tham gia một trận đánh”, cậu sinh viên trẻ tuổi kể.

Cha mẹ cậu cuối cùng đã tới được Đô Giang Yển, họ đi giữa lúc dư chấn xảy ra liên miên và xuyên qua những đường núi luôn có nguy cơ sập xuống. “Đoàn tụ khiến tôi bất ngờ, tôi hiểu rằng cha mẹ yêu thương tôi thế nào”, Phạm nói và nhấn mạnh, cậu biết khi ấy đã lớn lên.

Hai năm sau, Phạm có thể nói lại những gì xảy ra, trải qua trong và sau động đất, mặc dù nhiều bạn bè khác rất khó khăn khi làm việc này.

Phạm đang chuẩn bị tốt nghiệp, nhưng cậu đã quả quyết sẽ trở lại và làm việc ngay ở mảnh đất quê hương, và cậu tin, trách nhiệm với thế hệ của cậu là góp phần tái thiết kinh tế, cơ sở hạ tầng địa phương.

Vào tháng 8/2008, Phạm đã được chọn là một trong 150 sinh viên Trung Quốc tham dự một chương trình tại trường Đại học New York với mục tiêu “xây dựng đội ngũ lãnh đạo trẻ”, những người sẽ phục vụ tại chính vùng chịu ảnh hưởng của động đất sau khi ra trường.

Các học sinh theo học chương trình được chọn lựa kỹ càng từ 2.000 ứng viên. Họ học trong vòng chín tháng. "Tôi rất xúc động vì tất cả những gì mọi người làm cho tôi”, Phạm nói.

Nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc với các giáo sư người Mỹ, với bạn bè và những gia đình Mỹ đã rất hoan nghênh các sinh viên Trung Quốc tới từ vùng thảm hoạ động đất, Phạm nói: "Xã hội và con người ở một quốc gia phát triển đã giúp tôi thay đổi quan niệm rất nhiều, tôi học được những điều lạc quan từ cuộc sống của họ và trở nên tin tưởng hơn. Gìơ đây, tôi không gặp khó khăn trong việc bày tỏ suy nghĩ cho dù tôi vốn là người nhút nhát”.

Cho dù vậy Phạm vẫn thừa nhận vẫn bị tác động bởi những gì chứng kiến trong thảm hoạ. Vào một đêm, trận động đất nhỏ đã xảy ra ở Đô Giang Yển. "Tôi nghĩ tôi đã phục hồi hoàn toàn từ những trải nghiệm đau đớn, nhưng tôi đã không thể, tôi khóc và run rẩy trong đêm khi các bạn cùng phòng vẫn ngủ yên lành”.

Trường đại học có một đội ngũ bác sĩ tâm lý, Phạm và nhiều sinh viên khác thường xuyên tới họ tìm lời khuyên. "Tôi nghĩ lẽ tự nhiên là khi trải qua chấn động lớn, cần thời gian để hàn gắn. Tôi luôn luôn mong ngày mai tốt đẹp hơn sẽ tới”, cậu sinh viên quả quyết như vậy.

Le&Le (Theo ChinaDaily)

Bình luận
vtcnews.vn