Tham gia RIMPAC không giúp thay đổi bản chất của TQ

Thế giớiThứ Bảy, 28/06/2014 02:04:00 +07:00

Một tác giả trên tạp chí Diplomat cho rằng Trung Quốc không vì chuyện tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC mà 'nhẹ tay' với láng giềng.

Một tác giả trên tạp chí Diplomat cho rằng Trung Quốc không vì chuyện tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC mà 'nhẹ tay' với láng giềng.

Lần đầu tiên Trung Quốc tham dự vào cuộc tập trận RIMPAC 2014. Đây là cuộc tập trận hải quân lớn nhất trên thế giới và diễn ra từ 26/6 đến 1/8. Năm nay cuộc tập trận có sự tham gia của 47 tàu nước mặt, 3 tàu ngầm, trên 200 máy bay và 25.000 quân.

Truyền thông Trung Quốc vốn hay chỉ trích cuộc tập trận này, coi đó là nỗ lực trắng trợn của âm mưu kiềm chế Trung Quốc do Mỹ cầm đầu.

Các pháo thủ của hải quân Trung Quốc trên Biển Hoa Đông

Tuy nhiên, việc Trung Quốc được mời tham gia sự kiện này trên cơ sở khá bình đẳng đã phần nào làm dịu giọng các lực lượng phê phán bên trong Trung Quốc.

Tuy nhiên, liệu việc Trung Quốc tham gia RIMPAC có thực sự làm hạ nhiệt căng thẳng Mỹ-Trung?

Đối với Mỹ, việc đưa Trung Quốc vào tập trận RIMPAC dường như đã nằm trong tính toán của họ ít nhất là từ năm 2000. Quy mô các nước tham gia cuộc tập trận này đã tăng đáng kể. Hồi năm 2010 chỉ có 14 nước tham gia, đến năm 2012 đã có 22 nước tham gia. Việc Trung Quốc tham gia chỉ là vấn đề thời gian.

Mỹ tuyên bố rõ mục tiêu gia tăng quan hệ quân sự với Trung Quốc, đặc biệt là hải quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLAN). Làm như vậy có tác dụng tạo sự minh bạch và ngăn ngừa các hiểu lầm giữa quân đội hai nước này.

Tuy nhiên việc Trung Quốc tham gia RIMPAC có ít lợi ích thấy rõ được. Nói cách khác người ta vẫn hoài nghi về tác dụng giảm căng thẳng của sự kiện này.

Trên thực tế đã có quá nhiều vấn đề bộc lộ giữa Trung Quốc, Mỹ và các nước khác tham dự RIMPAC kể từ khi PLAN khẳng định nó sẽ tham gia vào sự kiện RIMPAC 2014 (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ năm 2012 Leon Panetta vốn đưa ra lời mời với Trung Quốc).

Kể từ đó, Bắc Kinh đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của nhiều quốc gia châu Á đối với quốc gia này dọc theo “chuỗi đảo thứ nhất”. Nhiều đồng minh của Mỹ trong khu vực hoài nghi cao độ về ý định của Bắc Kinh đối với các vùng biển châu Á.

Cách giải thích duy nhất về ý nghĩa của việc Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC là nó cho phép Mỹ hiện thực hóa mong muốn của họ về minh bạch hóa quân sự và vô hiệu hóa các cáo buộc liên tục của Trung Quốc về âm mưu “kiềm chế” nước này.

Về phần mình, Trung Quốc "thích thú" được tham gia vào một cuộc tập trận hải quân lớn liên quan đến nhiều nước trong khu vực, và "thích thú" khi thấy việc tham gia này sẽ “nâng uy tín” của Trung Quốc với tư cách một quốc gia biển.

Ngoài ra, nhìn tổng thể sự kiện này giúp các nước tăng cường năng lực phối hợp giảm thiên tai…

Tuy nhiên, theo nhận định của tác giả Panda trên tờ Diplomat, việc Trung Quốc tham gia RIMPAC năm nay sẽ không mang lại thay đổi lớn nào trong cách thức Trung Quốc ứng xử với các láng giềng tại các vùng biển của châu Á.

Sự kiện này cũng không tác động lắm đến cách nhìn nhận của ban lãnh đạo Trung Quốc về vai trò của Mỹ ở châu Á.

Còn phải có nhiều nỗ lực nữa (ngoài việc mời Trung Quốc tham gia) thì giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc may ra mới từ bỏ niềm tin rằng Mỹ muốn khống chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Theo VOV
Bình luận
vtcnews.vn