Thái Hòa - Phía sau tiếng cười...

Tổng hợpThứ Ba, 03/09/2013 09:22:00 +07:00

Phía sau tiếng cười còn là nỗi đau đáu của một người nghệ sĩ với con đường mình đang đi...

Phía sau tiếng cười của Thái Hòa là sự trầm tĩnh, nghiêm nghị. Phía sau tiếng cười còn là nỗi đau đáu của một người nghệ sĩ với con đường mình đang đi. Và phía sau tiếng cười ấy còn là những giọt nước mắt mặn đắng của một người đàn ông trước mất mát cuộc đời…

Theo nghề diễn để bớt… quậy phá
Thái Hòa bảo chính nghề đã chọn anh. 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống buôn bán và không có ai theo nghệ thuật, chàng thanh niên Thái Hòa ngày đó, giống như bao “cậu ấm” thành thị, bốc đồng và ham chơi. Để “trói chân” cậu con quậy phá, mẹ kéo Hòa đi buôn vải. Khổ nỗi, con trai bà lì lợm nhưng lại thật thà, không khéo mồm khéo miệng nên mấy chuyến buôn liền đều lỗ. Mẹ lại cho đi học thợ bạc với ý định sau khi lành nghề sẽ đầu tư mở tiệm vàng nhưng chứng ham chơi khiến Hòa cũng chỉ gắn bó được vài tháng. 

 

Cuối cùng, mẹ dắt Hòa đến nhà người quen đang dạy ở trường Sân khấu - Điện ảnh để nhờ kèm cặp thi vào trường. Sau hai lần thi rớt, Hòa được nhận vào học hệ B. Hòa bảo, hồi đó được học là may lắm rồi, bởi anh chẳng biết gì về nghề diễn, và cũng chưa bao bao giờ đi xem kịch, có xem trên ti vi cũng chỉ loáng thoáng chứ không xem hết vở. Nghĩ làm diễn viên cũng oai oai, vui vui, nên mới có chút hứng thú.
Trớ trêu thay, khi Hòa đã bắt đầu xem nghiệp diễn như một phần máu thịt thì gia đình lại xảy ra biến cố. Kinh tế sa sút, cha suốt ngày lặng thinh không nói còn mẹ thì đôi mắt lúc nào cũng đỏ hoe. Lúc bấy giờ, còn chiếc xe máy - món đồ quý duy nhất sót lại trong nhà - Hòa cũng bị bạn bè lừa lấy mất. Lần đầu tiên, cậu con trai phá phách biết nhỏ nước mắt xót thương bố mẹ. Vừa thấy có lỗi với gia đình, vừa chán nản tuyệt vọng, Hòa bỏ nhà đi bụi. 
Nhưng khác với những chuyến đi bụi trước, lần này, bước chân Thái Hòa đưa anh đến trước cửa sân khấu kịch 135 Hai Bà Trưng. Trong cơn khốn cùng, anh cũng không hiểu sao mình lại đến đó, chỉ biết rằng cảm giác thật nhẹ nhõm, an toàn. Chưa bao giờ anh cảm thấy ước ao được bước vào nơi này đến thế, ước ao được hằng đêm khóc cười dưới ánh đèn sân khấu. 
Và Thái Hòa được vào thật. Vào không phải để làm diễn viên mà để phục vụ việc vặt. Từ sửa ghế, mở phát quảng cáo, bật tắt đèn, chuyển micro… Với Hòa lúc ấy, có một công việc làm thêm để trang trải học phí là mãn nguyện lắm rồi. Hòa còn nhận cả việc thâu băng, dán tem, dán poster cho hãng băng Phước Sang. Để tiết kiệm tiền thuê nhà, Hòa xin ngủ lại luôn ở hãng băng. Rồi khi thầy Minh Nhí mở quán cà phê trong trường Sân khấu - Điện ảnh, Hòa cũng xin một chân phục vụ. 

 

Quần quật cả ngày làm thêm, Hòa không chỉ kiếm được tiền học, tiền ăn uống mà còn dành ra mỗi tháng được hơn 1 chỉ vàng gửi cho mẹ. Nhưng công việc cũng ngốn hết thời gian học của anh. Vài tháng sau, Hòa bị chuyển xuống hệ C. Buồn, nhưng vẫn phải đi làm để kiếm sống. 
Ra trường, Hòa trầy trật kiếm từng vai diễn. Một lần, gặp được nghệ sĩ Hồng Vân, Hòa năn nỉ ỉ ôi “cô thương con, có việc gì cho con làm với, không con chết”. Thế mà cô thương thật. Hòa được gọi về Sân khấu kịch Phú Nhuận, là nơi anh gắn bó cho đến tận bây giờ. Anh được giao những vai nho nhỏ, được diễn lót, nhắc tuồng cho các nghệ sĩ lớn như Minh Nhí, Bảo Quốc. Thương Hòa thật thà, nghệ sĩ Hồng Vân còn giao cho anh việc sổ sách, tiền nong chi tiêu lặt vặt. Mỗi đêm, ngồi dưới hàng ghế khán giả, Hòa say sưa theo dõi các cô chú diễn, và ao ước một ngày mình cũng sẽ có những vai diễn để đời. 
Rồi cơ hội cũng đến. Một lần, nghệ sĩ Bảo Quốc bận công việc không thể đến kịp giờ diễn và anh chàng phụ việc Thái Hòa được gọi lên để diễn thế vai. Khỏi phải nói, cả Hòa lẫn mọi người trong đoàn lo lắng đến thế nào. Nhưng cuối cùng, cái vẻ “khờ khờ, thộn thộn” của Thái Hòa lại khiến khán giả thấy thú vị. Tưởng như, chỉ cần bê anh chàng lên đứng nguyên trên sân khấu, không cần làm gì, cũng khiến người ta ôm bụng cười ngặt nghẽo. Đêm diễn thành công ngoài dự kiến cho một sự thế vai vào phút cuối. Cũng từ đó, Hòa được tin tưởng đảm nhận những vai lớn hơn. Sau này, nhiều người hay hỏi Thái Hòa “sao diễn hài hay vậy?”, nhưng thật ra, anh đâu có diễn hài, anh diễn kịch. Nhưng cái duyên hài nó cứ tự đến thầm lặng như thế…

 

“May mà xấu trai!...”
Thái Hòa có một khuôn mặt bình thường, chưa nói là hơi… xấu. Nhưng chính sự xấu trai ấy đã mang lại cho anh nhiều may mắn. Bởi từ thiếu thanh sắc, muốn kiếm một vai diễn anh đã phải cố gắng rất nhiều. Anh bảo, nếu mình… đẹp trai có khi đã không được như ngày hôm nay. Cũng phải, bởi nhờ cái vẻ ngơ ngơ ngáo ngáo cùng với chất giọng miệt vườn đặc sệt mà khi đứng trên sân khấu, chất hài của Thái Hòa đến rất tự nhiên, rất duyên. 
Là gương mặt quen thuộc của sân khấu kịch phía Nam, Thái Hòa bắt đầu tham gia màn ảnh với một số vai phụ trong Những đứa con thành phố, Huyền thoại bất tử, 14 ngày phép… Nhưng có lẽ chính bộ phim nhựa Để Mai tính mới là cú “ném” quyết định đẩy Thái Hòa từ ánh sáng sân khấu ra màn ảnh rộng. Vai “chị Hội” thành công ngoài sức tưởng tượng của chính êkip làm phim. Sau đó, anh tiếp tục “gây bão” với hai vai diễn anh Tèo nhà quê và đại ca giang hồ trong Long Ruồi. Thái Hòa nghiễm nhiên trở thành ngôi sao hạng A trong làng điện ảnh Việt Nam. Báo chí gọi anh là “gương mặt phim triệu đô”. Tên anh như một tấm vé thông hành, đảm bảo doanh thu cho bất cứ dự án phim nào Thái Hòa tham gia. Đến mức trong bộ phim tình cảm hài Cưới ngay kẻo lỡ, nhân vật phụ của Thái Hòa còn được khán giả chờ đợi nhiều hơn cả hai diễn viên chính.

 

Không chịu bó mình trong những vai hài, Thái Hòa đã làm một cuộc “lột xác” ngoạn mục với nhân vật Linh trong Lấy chồng người ta (ĐD Lưu Huỳnh). Khi đọc kịch bản, Thái Hòa luôn thấy ở nhân vật Linh hình ảnh một con quái thú rình rập để ra tay sát hại con mồi mà không biết con mồi đó chính là hạnh phúc của đời mình. Hòa tìm thấy ở Linh cái ánh mắt hằn học với cuộc đời. Điều đó giúp Hòa hoàn toàn chiếm lĩnh Linh và thành công trọn vẹn vai diễn này. Xem phim, khán giả mới thấy hóa ra “chị Hội” cũng biết… ác, cũng biết thủ đoạn và tàn bạo. Và hóa ra Thái Hòa không chỉ biết làm khán giả cười khoái trá, mà còn khiến họ căng thẳng và nghẹt thở đến thế nào. Cũng chính vai diễn này đã mang đến cho Thái Hòa giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế - Vietnam International Film Festival (VIFF) tổ chức ở Mỹ hồi tháng 4 vừa qua. Niềm vui đến quá bất ngờ, khiến anh chỉ biết cười thốt lên: “Lần đầu tiên trong đời, tui được nhận một cái cup có tiếng nước ngoài như thế này…”.
Sau thành công của Lấy chồng người ta, năm nay Thái Hòa còn có ba vai diễn lớn trong Lửa Phật (Dustin Nguyễn), Tèo Em (Charlie Nguyễn) và Quả tim máu (Victor Vũ). Anh cũng đang chạy nước rút để hoàn thành dự án Để Hội tính (phần hai của Để Mai tính) sẽ sớm ra rạp trong cuối năm 2013. 
Thể hiện tài năng và đắt sô ở cả trên sân khấu và màn ảnh rộng nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ Thái Hòa nghĩ mình là một nghệ sĩ nổi tiếng. Như một con kiến cần mẫn, anh làm chỉ để thỏa mãn niềm đam mê, khao khát chinh phục, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến danh vọng. Từng dành giải thưởng Diễn viên hài xuất sắc nhất của Liên hoan Sân khấu năm 1998 và giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Cánh Diều Vàng 2011 cho vai Long Ruồi, Thái Hòa bảo, với mình thế là quá nhiều hơn mong đợi. Bởi anh biết mình không phải là người được trời phú cho tài năng bẩm sinh, mà do những ngày tháng cần cù, tích góp làm nên.  
Ngoài nghiệp diễn viên, từ năm 2006 đến nay, Thái Hòa còn được biết đến với vai trò của một tác giả, đạo diễn sân khấu. Sự thành công của vở diễn đầu tiên Sự lừa dối đáng yêu đã thôi thúc anh có thêm tự tin đi theo ngã rẽ mới, dẫu biết mình chỉ là thân “tay ngang”. Những vở diễn tiếp theo như Người vợ ma, Quả tim máu… đưa tên tuổi anh trở thành “cha đẻ” của nhiều vở kịch hài kinh dị ấn tượng trên sân khấu kịch Phú Nhuận.
Có duyên với nghề đạo diễn nhưng hiện tại, Thái Hòa vẫn thích làm diễn viên hơn. “Tôi thấy hạnh phúc khi được đưa mặt ra cho khán giả nhìn, khán giả cười và cảm theo nhân vật của mình. Đến một lúc nào đó, khán giả chán cái mặt này rồi thì tôi sẽ lui về hậu trường, chú tâm viết kịch bản và làm đạo diễn”- Thái Hòa cười chia sẻ. 

“Đời không phải là sân khấu”
Nếu như ở trong phim hay trên sân khấu, Thái Hòa luôn khiến khán giả phải bật cười với hình ảnh vui nhộn, hài hước thì ở ngoài đời, anh lại ít nói, trầm lắng, nghiêm nghị. Thái Hòa cũng tự nhận mình không phải là người hài hước, mặc dù cả cuộc đời gắn với công việc mang lại tiếng cười cho khán giả. 

 

Cũng theo người nghệ sĩ ấy, điểm yếu lớn nhất của mình là không biết cách thể hiện cảm xúc. Hai mất mát lớn nhất trong đời anh là mất ba và mất vợ. Cả hai lần, anh đã chẳng nói với họ được điều gì, dù trong lòng trào dâng bao điều muốn nói.  
Nhớ lúc ba bị bệnh nặng, Thái Hòa đã hối hận mãi vì không nói được câu cuối cùng cho ba nghe, rằng “ba ơi, con thương ba nhiều lắm!”. Bây giờ thì ông đã không còn để nghe anh nói nữa rồi. Trong nhà, ba là người có ảnh hưởng lớn nhất với Thái Hòa. Tính anh giống ba, nóng nảy nhưng thẳng thắn. Hồi nhỏ, hễ nóng giận là Hòa hay đánh lộn, nhưng lớn lên, anh tự hóa giải cơn giận bằng cách bỏ đi chỗ khác hoặc bắt chước ba ngồi niệm Phật. Là đứa con quậy phá, bị ba la rầy nhiều nhất nhà, nhưng càng lớn, ba lại càng yêu thương, tự hào về anh. 
Thái Hòa vẫn nhớ mãi cái lần nghe tin ba mất. Lúc ấy anh và diễn viên nữ đang phải diễn cảnh đùa giỡn với nhau trong phim Long Ruồi. Mặt cười tươi mà chân tay anh run rẩy, tim nhói đau nhưng vẫn cố để không đánh rơi vỏ bọc của mình. Đời nghệ sĩ là thế. Mua vui cho thiên hạ, nhưng nỗi buồn của mình thì bán chẳng ai mua, bạc nhất là khi mình đau buồn tột đỉnh mà vẫn cứ phải nhe răng cười. Thấy thương anh quá, nữ diễn viên ôm lấy Thái Hòa mà khóc. Chính khoảnh khắc ấy, anh cảm thấy như tan vỡ. Cơn nghẹn ngào dồn ứ nơi lồng ngực khiến nước mắt cứ thế tuôn trào. Đoàn làm phim quyết định dừng lại để anh được chạy vào bệnh viện… Trút bỏ tiếng cười, Thái Hòa đã khóc như một đứa trẻ trước nỗi đau mất cha.
Rồi hồi anh chia tay vợ - nghệ sĩ hài Cát Phượng, người ta trách anh ghê lắm. Trách vì cái tội anh cứ im lặng, chẳng nói gì. Có lẽ, với đàn ông, nỗi đau lặn sâu vào trong chứ không nông nổi như đàn bà. Gia đình tan nát, chia lìa vợ con, dư luận ồn ào khiến anh thực sự “ngấm đòn”. Nước mắt lại đầy vơi theo từng ly rượu. Cũng may, còn có cái nghiệp diễn để mà vịn vào. Chuyện cũ nay đã qua. Giờ, anh đã hạnh phúc với cuộc sống mới. Nhưng có lẽ, mất mát đó mãi mãi là vết sẹo trong lòng người đàn ông có bề ngoài mạnh mẽ nhưng bên trong lại rất đỗi mềm yếu.  

 

Cũng phải mất 6 năm, Thái Hòa mới thực sự lấy lại thăng bằng. Con chim đã thôi sợ cành cong để tiếp tục cuộc đời của mình. Từ dạo Thái Hòa quyết định “đi bước nữa”, người ta thấy anh mập ra và ăn bận đẹp hơn. 6 năm rồi, bạn bè mới lại thấy mắt anh cười có đuôi và tinh thần lúc nào cũng phấn khởi. 
Là một nghệ sĩ nhưng Thái Hòa sống giản dị, không màu mè, không phô trương. Có lẽ vì thế mà người ta ít thấy anh xuất hiện trên báo chí hay ở các sự kiện trong làng giải trí. Lúc ra đường, anh chỉ thích bận quần đùi, áo thun giản dị, mũ phớt sùm sụp trên đầu. Đến cả quần áo, anh bảo vợ không cần phải ủi quá phẳng phiu, trừ khi đi tiệc tùng.
Danh hài ấy chia sẻ, nếu giàu có nghĩa là “có nhiều" thì thực sự nghệ thuật đã rất ưu ái với anh. Nó cho anh được sống với đam mê, cho anh được cười và mang lại tiếng cười cho mọi người. Nó cho anh vui. Mà cuộc đời, chỉ cần được vui vẻ thôi cũng đủ hạnh phúc lắm lắm rồi…

Thương Anh
Bình luận
vtcnews.vn