Thách thức cho vị CEO thứ ba của Go-Viet

Kinh tếThứ Hai, 30/09/2019 08:00:00 +07:00

Go-Viet bước vào thị trường Việt Nam hơn một năm thì đã thay hai đời CEO.

Khi cả hai vị CEO ra đi, sản phẩm của Go-Viet vẫn chỉ nghèo nàn với dịch vụ vận chuyển GoBike, giao đồ ăn GoFood và gửi hàng GoSend. Hãng gọi xe có nguồn gốc từ Indonesia đã không đáp ứng được kỳ vọng của mọi người và không thể cạnh tranh với hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ ngày càng đa dạng của Grab. Đó là thách thức cho vị CEO kế tiếp của hãng này.

Thông số 1223

1 năm hoạt động, 2 đời CEO, hoạt động ở 2 thành phố và chỉ triển khai 3 dịch vụ. Đó là bảng tóm tắt ngắn gọn 1223 về sự hiện diện của Go-Viet tại thị trường Việt Nam trong năm qua.

Khi CEO Nguyễn Vũ Đức và phó tổng giám đốc Nguyễn Bảo Linh chính thức rời khỏi Go-Viet cuối tháng 3/2019, “di sản” của hai vị này để lại là lời đe dọa đòi hãng bồi thường 800.000 USD. Bên cạnh đó, ứng dụng gọi xe này vẫn chưa triển khai được dịch vụ xe hơi GoCar và dịch vụ thanh toán điện tử GoPay.

Các chuyên gia nói rằng: “Một là những người thực hiện không đủ uy tín hay năng lực. Hai là tỷ lệ hoa hồng (chiết khấu) có vấn đề”.

Các mảng xe hai bánh, giao nhận thư từ và giao nhận thức ăn của Go-Viet đều thúc thủ trước Grab khi Go-Viet bình chân với sự hiện diện ở TP.HCM và Hà Nội. Grab có mặt trải rộng khắp 43 tỉnh thành và ở các thành phố các tiện ích của Grab ngày được gia tăng thông qua ví Moca: thanh toán hóa đơn điện nước và điện thoại, thanh toán tại cửa hàng, liên kết đặt phòng qua Agoda và Booking.com…

Với danh tiếng từ hồi còn làm giám đốc Facebook Vietnam, CEO Lê Diệp Kiều Trang thay thế vào tháng 4/2019 được kỳ vọng sẽ thay đổi số phận và tăng cường sức cạnh tranh của Go-Viet trước đối thủ chính là Grab.

Dường như may mắn đã không đến với “cô gái vàng”.

Giữa tháng 7, tài xế Go-Viet đã bãi công khi hãng tăng chiết khấu. Hành khách bắt đầu có nhiều trải nghiệm không tốt khi cuộc giằng co giữa tài xế và giới điều hành gia tăng. Go-Viet không thực hiện khuyến mãi cho từng chuyến xe, tài xế tắt app khi trời mưa và hãng cũng thực hiện tăng giá khi thời tiết thay đổi.

Khi hình ảnh Go-Viet bắt đầu xấu đi, hãng tung ra video clip với các nhân sự cao cấp và chủ chốt của hãng, kể cả CEO Lê Diệp Kiều Trang, tự mình làm tài xế phục vụ khách trên từng góc phố. Đoạn phim ngắn đã giành được cảm tình của người sử dụng và công chúng.

Nhưng cảm tình đó nhanh chóng biến đi, nhường chỗ cho khủng hoảng truyền thông và làn sóng tẩy chay khi tài xế Go-Viet hành hung một nữ hành khách. Thái độ không cầu thị và hoàn toàn không có lời xin lỗi trực tiếp nào đã tạo cơn bão một sao cho ứng dụng này. CEO Lê Diệp Kiều Trang ra đi vào thời điểm này sau hơn 5 tháng làm việc với hãng.

Tái cấu trúc kinh doanh

Bản thông cáo hôm 18/9 của Go-Viet hoàn toàn không nói rõ bất cứ mâu thuẫn nào giữa cô Lê Diệp Kiều Trang với công ty mẹ Go-Jek. Lý do đưa ra ngắn gọn là "tập đoàn ở Indonesia đang thay đổi cấu trúc kinh doanh". Nhưng xét cụm từ “cấu trúc kinh doanh” ở cấp độ khu vực của tập đoàn mẹ là Go-Jek, chúng ta sẽ nhận thấy sự ganh đua càng khốc liệt của Go-Jek với Grab trên mặt trận siêu ứng dụng.

Các nhà phân tích nhận định rằng tái cấu trúc kinh doanh của Go-Jek đòi hỏi Go-Viet phải có những bước đi thích hợp để tương thích với kế hoạch đang chạy của tập đoàn mẹ ở Indonesia.

go-viet

 

Thách thức mới cho Go-Viet và CEO kế nhiệm

Chân dung vị CEO mới của Go-Viet đang là theo dõi và chú ý của dư luận.

Các nguồn tin thân cận nói lãnh đạo công ty mẹ Go-Jek luôn muốn tìm nhân sự người Việt cho vị trí điều hành cao nhất của hãng con tại Việt Nam để đảm bảo yếu tố “am hiểu thị trường nội địa”. Sự ra đi sau thời gian thử lửa quá ngắn của hai CEO trước sẽ buộc Go-Jek thay đổi ý định. Và khả năng một CEO không phải người Việt sẽ nhiều hơn do đòi hỏi phải có “kế hoạch phát triển tương thích” với Go-Jek.

Di sản mà hai vị CEO tiền nhiệm để lại cho người tiếp quản sẽ rất đầy thủ thách. Vị CEO mới, dù là người nước ngoài hay người Việt, phải thực hiện bằng được vận chuyển xe hơi GoCar và thanh toán GoPay trong thời gian sớm nhất.

Kế đến là tăng cường khả năng cạnh tranh và chất lượng của sản phẩm và dịch vụ.

Ở mảng dịch vụ xe máy, Go-Viet đang bị Grab bỏ xa và bị Be – đối thủ sinh sau đẻ muộn – hơn qua mặt, về số lượng và lẫn chất lượng dịch vụ.

Thống kê của ABI Research cho thấy, sáu tháng đầu năm 2019 Grab thực hiện 146 triệu cuốc xe, Be 31 triệu cuốc và Go-Viet chỉ 21 triệu. ABI Research nói Go-Viet hiện chiếm 10% thị trường dịch vụ gọi xe máy tại Việt Nam. Chậm trễ hay dậm chân triển khai ở các tỉnh thành khác ngoài Hà Nội và TP.HCM có nguy cơ làm giảm thị phần của hãng trong năm nay.

Không khuyến mãi mà còn tăng giá cuốc xe khiến giá của Go-Viet hiện nay đã xấp xỉ ngang bằng với Grab và mắc hơn Be. Tỷ lệ tăng giá của Go-Viet là 50-60% có khi đến gấp gần 3 lần trước đây.

Chẳng hạn, cuốc xe trung bình hơn 3km từ Q1 đến Q3 khoảng gần 30.000 đồng. Trước đây, khách chỉ trả 10.000 đồng. Trong khi đó, cuốc xe dài 15km đi từ ngoại thành vào thành phố đã vọt lên 65.000-70.000 đồng, so với mức giá cao nhất là 45.000 đồng trước đó.

Tăng giá như vậy, nhưng trải nghiệm của khách không tốt hơn. Trả giá cao hơn nhưng chờ đợi lâu hơn, tài xế tắt ứng dụng hay hủy chuyến khi mưa lớn ở TP.HCM đã đẩy Go-Viet khỏi sự lựa chọn của nhiều khách.

Ở mảng giao nhận đồ ăn, Go-Viet nói dịch vụ GoFood là đơn vị dẫn đầu với hơn 70.000 nhà hàng và quán ăn tiếp nhận đơn đặt hàng mỗi ngày, tăng trưởng 25-35% mỗi tháng, nhưng không có số liệu cụ thể.

Trong khi đó, số liệu của hãng Kantar vào tháng 8 nói rằng GrabFood hiện chiếm tỷ lệ 87% thị trường giao nhận đồ ăn tại Việt Nam. Sự xuất hiện của “tân binh” Baemin Vietnam hồi tháng 5 vừa rồi cũng tạo áp lực cho GoFood và các đối thủ khác.

Ngoài chuyện hòa hợp với các tái cấu trúc kinh doanh của tập đoàn mẹ Go-Jek và củng cố lại bộ máy vận hành tại Việt Nam để giữ và mở rộng thị phần hiện có, Go-Viet còn đứng trước một thách thức mới. Đó là bộ mặt và dịch vụ thân thiện hơn với khách hàng sau các sóng gió vừa qua.

Hồ Nguyên Thảo
Bình luận
vtcnews.vn