Thách đố trên Facebook, nữ sinh đốt trường: ‘Đừng nhìn các em như tội phạm’

Giáo dụcThứ Sáu, 14/10/2016 08:06:00 +07:00

Nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng người lớn không được nhìn các em học sinh như những tội phạm khi mắc lỗi.

Trước hiện tượng nữ sinh Khánh Hòa mang xăng đến đốt trường sau khi tuyên bố trên facebook "nói là làm" nếu được 1.000 like, nhiều chuyên gia cảm thấy rất lo ngại trước phong trào làm những trò kinh dị để câu like của giới trẻ hiện nay.

Bình luận về vấn đề này, GS Vũ Tuấn, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ tịch HĐQT trường THPT Hồng Hà (Hà Nội) cho rằng những hiện tượng đó bắt nguồn từ tâm lý của tuổi mới lớn của các bạn trẻ.

gs-vu-tuan-2

 GS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng người lớn không được nhìn các em học sinh như những tội phạm khi mắc lỗi.

Ở lứa tuổi này, các em thường muốn chứng tỏ cái tôi, chứng tỏ bản lĩnh mà chưa ý thức được hết những hậu quả của những việc mình làm.

“Thực ra, đó là một tâm lý rất bình thường của hầu hết học sinh ở lứa tuổi này muốn được nổi bật, muốn được chú ý, muốn chứng tỏ mình. Ngày nay, với những ứng dụng kết nối rất tiện ích của facebook, những hành động khích nhau, tỏ ra anh hùng hay chứng tỏ mình bị đẩy lên một mức độ cao hơn và lan rộng rãi hơn khiến cả xã hội rất lo ngại”, GS Vũ Tuấn bày tỏ.

Video: Thách đố trên facebook, nữ sinh tẩm xăng đốt trường

Tuy nhiên, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội lại cho rằng điều mà những người lớn, cha mẹ và giáo viên cần làm đầu tiên là không nhìn các em như những tội phạm khi các em có phạm lỗi gì.

“Việc giao tiếp, dạy dỗ và uốn nắn học sinh lứa tuổi này là cả một nghệ thuật, giáo viên hay cha mẹ cần phải vừa nghiêm khắc, vừa mềm mỏng, gần gũi tình cảm để có thể sớm phát hiện những sai lệch trong nhận thức hay hành động của các em để có những điều chỉnh kịp thời”, GS Vũ Tuấn nói.

Hầu hết, những em học sinh có những hành động quá khích như hiện tượng đốt trường vừa qua là những học sinh có hoàn cảnh gia đình bất ổn, không có người thường xuyên chăm sóc dạy dỗ và quan tâm.

Ngoài ra, không có ai giúp các em điều chỉnh những hành vi và ý thức của mình. Trong xã hội, không ít gia đình có những khiếm khuyết như vậy.

tieu hoc nguyen khuyen

 Trẻ cần được dạy dỗ uốn nắn khi còn nhỏ - Ảnh minh họa: học sinh trường tiểu học Nguyễn Khuyến (Hà Nội)

Để có thể phần nào giải quyết vấn đề này, GS Vũ Tuấn cho rằng cần phải giáo dục các em kỹ hơn về hành vi, ý thức, nếp sống văn minh từ khi các em còn là học sinh tiểu học.

“Có một thực tế là kiến thức có thể được bổ sung bồi đắp khi lớn lên, nhưng nếp sống, tư cách đạo đức không được giáo dục cẩn thận khi còn nhỏ lại rất khó có thể sửa chữa được khi các em đã lớn và bước vào tuổi sắp trưởng thành. Đến lúc đó xã hội, gia đình, nhà trường mới tìm cách xử lý thì có lẽ là đã muộn, việc uốn nắn các em trở nên rất khó khăn”, GS Vũ Tuấn bày tỏ.

Theo bạn vì sao giới trẻ Việt ngày càng thích "chơi ngông" và quay clip khoe chiến tích trên facebook?

“Nếu như ngay từ nhỏ, các em được học về quyền và các nghĩa vụ pháp luật cơ bản, cả những trả giá của công dân khi có hành vi vi phạm pháp luật, thì khi bước vào tuổi mới lớn các em sẽ hiểu rõ hơn hậu quả của những hành động của mình, từ đó sẽ giảm bớt đi phần nào những hành vi “điên rồ” gây hậu quả nghiêm trọng”, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm hà Nội nói thêm.

GS Vũ Tuấn chia sẻ thêm ngày 7/10, trong chương trình giao lưu giữa học sinh trường THPT Hồng Hà (Hà Nội) và trường Assumption Pathway của  Singapore, học sinh hai trường đã có trận đấu bóng rổ giao hữu tại sân trường THPT Hồng Hà.

Trong trận đấu, nhiều lần các giáo viên trường Assumption Pathway của Singapore đã nhắc đi nhắc lại với học sinh của đội mình: “ Thắng thua không quan trọng, hãy chơi với tinh thần Singapore !”. Các em học sinh Singapore đều rất tự hào với tinh thần Singapore và cư xử rất lịch sự, trật tự và khiêm nhường. 

Khi đó, GS Vũ Tuấn mới giật mình nghĩ rằng, vậy với tinh thần Việt Nam thì sẽ là gì?

THPT hong ha

Học sinh trường THPT Hồng Hà (Hà Nội) giao lưu với học sinh trường Assumption Pathway Singapore 

“Chúng ta có lẽ đã quá thiếu sót khi chưa giáo dục các em về tinh thần Việt Nam, về một vài đức tính của người Việt Nam khiến cho chúng ta tự hào và muốn con em mình luôn làm như vậy. 

Chúng ta quá quan tâm đến việc học trước kiến thức mà lại quên dạy trẻ thói quen xếp hàng khi mua đồ, thói quen nói năng lịch sự, giữ trật tự nơi công cộng, không vứt rác bừa bãi, biết giúp đỡ và quan tâm đến người khác…”, GS Vũ Tuấn nói.

 Việc dạy dỗ những đức tính này không nên chỉ là những bài đạo đức hay giáo dục công dân trên lớp, mà là những uốn nắn hàng ngày trong từng hành vi cử chỉ, và cả những lời khích lệ kịp thời như cách mà các giáo viên trường Assumption Pathway Singapore đã làm.

“Nhìn vào hiện tượng của giới trẻ hiện nay, có lẽ, đáng trách và thiếu sót nhất chính là người lớn chúng ta và đặc biệt là những người làm giáo dục.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đúng mức đối với việc dạy dỗ, uốn nắn hành vi và suy nghĩ của trẻ từ bậc mầm non và tiểu học. Có như vậy mới tránh cho xã hội những trò phá phách và cũng giúp các em không vấp phải những sai lầm nghiêm trọng khiến các em phải ân hận sau này”, GS Vũ Tuấn kết luận.

Phương Liên
Bình luận
vtcnews.vn