Thách đố trên Facebook, nữ sinh đốt trường: ‘Bạn trẻ chỉ là con rối trong trò chơi mạng xã hội’

Giáo dụcThứ Tư, 12/10/2016 08:16:00 +07:00

Từ hàng loạt sự việc “chơi ngông” của giới trẻ trên mạng xã hội, Hoa khôi sinh viên Hà Nội cho rằng các bạn trẻ đang biến mình trở thành con rối trong trò chơi trên mạng xã hội.

Trước những sự việc đau lòng do giới trẻ gây ra trong thời gian qua, Hoa khôi sinh viên Hà Nội – Nguyễn Thu Hằng bên cạnh việc giáo dục của gia đình, nhà trường thì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi cá nhân.

Các bạn trẻ ngày nay đủ thông minh để nhận thức được rằng điều gì đúng và sai. Nhưng chỉ vì muốn được tung hô hay tán dương là “ anh hùng” mà các bạn đã bất chấp tất cả để xảy ra những hành động đáng tiếc.

Hoa khôi Nguyễn Thu Hằng cho rằng tuy mạng xã hội chỉ là ảo, nhưng mỗi hành động và lời nói của bạn qua đó đều có thể để lại hậu quả đáng tiếc.

hoa khoi sinh vien ha noi

 Hoa khôi sinh viên Hà Nội 2015 Nguyễn Thu Hằng

- Là một người trẻ, bạn nghĩ gì về hành động của nữ sinh 13 tuổi ở Khánh Hòa vừa tẩm xăng đốt trường khi đủ 1.000 like trên facebook?

Hằng thực sự khá bất ngờ trước vụ việc trên. Sự việc trên cảnh báo một điều rằng giới trẻ đang ngày càng sa đà và phụ thuộc quá nhiều vào cuộc sống ảo trên mạng xã hội. Họ muốn được cộng đồng mạng chú ý, quan tâm tới họ bằng mọi giá mà không cần nghĩ tới hậu quả sự việc sẽ ra sao.

- Không chỉ có việc làm của nữ sinh Khánh Hòa, gần đây giới trẻ Việt xuất hiện trào lưu “nói là làm” với hành động như đủ 10.000 like thì sẽ cởi áo, đủ 40.000 like sẽ tự thiêu…?

Trào lưu này tuy mới xuất hiện nhưng đã gây ra những hậu quả khôn lường và nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Trào lưu này không chỉ làm giới trẻ có những suy nghĩ lệch lạc, mà nguy hiểm nhất là còn làm ảnh hưởng đến tính mạng những người tham gia hay kể cả những người xung quanh.

- Nhiều bạn trẻ thực hiện xong còn quay clip và tung lên mạng xã hội như một thành tích?

Không giống như những trào lưu trước đây như “ anh hùng bàn phím”, “khoe thân”…. Trào lưu “ like là làm” thực sự quá đỗi nguy hiểm.

Trào lưu này làm một bộ phận giới trẻ hùa theo làm những điều mà trước đây họ không bao giờ dám nghĩ tới. Tuy nhiên họ lại sẵn sàng hành động khi được nghe những lời cổ xúy từ những kẻ xa lạ, hay còn gọi là “ hiệu ứng đám đông”.

Theo bạn vì sao giới trẻ Việt ngày càng thích "chơi ngông" và quay clip khoe chiến tích trên facebook?

Tâm lý của con người là luôn thích được ca ngợi và tán dương. Các bạn trẻ, thay bằng việc chứng tỏ mình bằng tài năng hay kiến thức xã hội, lại muốn mình trở nên nổi trội theo một cách khác biệt, các bạn cho rằng đó là cá tính riêng.

Nhưng các bạn lại chưa nhận thức được hệ lụy của việc làm của mình. Đám đông có thể hùa vào ca ngợi bạn nhưng rồi sẽ quên bạn ngay chỉ chưa đầy 24 giờ. Vì đã là trào lưu thì có lúc nó sẽ thoái trào, và nhất là khi trào lưu này có ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến giới trẻ.

 
Các bạn không nghĩ được rằng, cư dân mạng chỉ xem và coi đó như một trò giải trí , các bạn chính là “con rối” của trò chơi mạng xã hội.

Hoa khôi Nguyễn Thu Hằng

Các bạn trẻ nghĩ rằng sau những việc làm ấy, các bạn sẽ được ca ngợi và tung hô, được nổi tiếng. Nhưng các bạn không nghĩ được rằng, cư dân mạng chỉ xem và coi đó như một trò giải trí , các bạn chính là “con rối” của trò chơi mạng xã hội.

- Bạn có lo ngại khi trào lưu “nói là làm” của giới trẻ Việt bùng phát thì sẽ càng kích thích những bạn trẻ khác nghĩ ra những trò kinh dị hơn để được nổi tiếng?

Hằng thực sự lo ngại trước trào lưu này. Trước đây là “ tẩm xăng tự thiêu”, “ tẩm xăng đốt trường”, rồi sau đó sẽ còn xảy ra trào lưu gì tiếp theo. Hằng thực sự không dám nghĩ tiếp.

tam xang dot truong -2

 Vì thách đố với bạn bè trên Facebook, nữ sinh Khánh Hòa tẩm xăng đốt trường

- Liệu có thể cảm thông cho tuổi trẻ bồng bột?

Thật khó để cảm thông hay bao biện cho những hành động dại dột trên của các bạn trẻ. Hầu hết đối tượng sử dụng mạng xã hội đều có độ tuổi thanh thiếu niên trở lên, các bạn đều là học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, được dạy dỗ và đào tạo bài bản.

Vậy mà các bạn lại bao biện rằng mình còn trẻ nên có những hành động sai lầm là điều rất khó chấp nhận và thông cảm.

Video: Nữ sinh đốt trường ở Khánh Hoà vì lời khiêu khích

- Phải chăng giới trẻ Việt đang quá phụ thuộc vào mạng xã hội?

Bạn có thể quan sát thấy giờ đây ở xã hội chúng ta, đi đâu, đến đâu cũng thấy mọi người chỉ chú tâm vào chiếc smartphone mà quên đi cuộc sống bên ngoài, quên đi việc giao tiếp với thế giới xung quanh.

Người ta ví mạng xã hội giống như một chiếc tủ lạnh, biết chẳng có gì nhưng cứ mỗi 5 phút lại phải mở ra xem một lần. Dần dần nó biến thành  một thói quen xấu khó kiểm soát, con người chỉ quan tâm đến cuộc sống ảo, mà dần quên đi các mối quan hệ xung quanh.

- Phải chăng những cái like "bạc bẽo" là yếu tố gián tiếp gây nên hậu quả khôn lường?

Phải thừa nhận rằng những cái like tưởng như vô hại, nhưng nó lại tác động rất nhiều đến hành động thiếu suy nghĩ của các bạn trẻ. Nếu không vì muốn trang cá nhân của mình được nhiều người biết tới, muốn được nổi tiếng, trang cá nhân của mình có nhiều like, có lẽ các chàng trai và cô gái kia đã không có những hành động dại dột như vậy.

- Những người đã like những status, những phát ngôn ngông cuồng của các bạn trẻ kia liệu có vô can?

Theo Hằng những người đã like status hay có những phát ngôn ngông cuồng cũng phải chịu một phần trách nhiệm trước những sự việc này.

Các bạn là thế hệ trẻ, có kiến thức, có tư duy. Thay bằng việc khuyên ngăn họ trước những hành động dại dột sắp diễn ra, “cư dận mạng” lại cùng hùa vào like để mong được chứng kiến những màn trình diễn có 1-0-2 sắp diễn ra.

Họ bào chữa rằng chỉ 1 like của họ thì chẳng thấm  tháp vào đâu so với hàng chục nghìn like kia. Tuy nhiên chính vì lối suy nghĩ sai lầm này đã dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Thật đáng buồn, điều đó cũng thể hiện sự vô cảm của thế hệ trẻ ngày nay trong xã hội.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn