“Thả phanh” như giới trẻ đổ tiền nuôi... “dế”

Kinh tếThứ Hai, 07/03/2011 12:00:00 +07:00

(VTC News) - Trong khi nhiều người đang chi tiêu dè sẻn trong bão giá, thì nhiều bạn trẻ vẫn không ngần ngại "đổ tiền" nuôi "dế".

(VTC News) - Thời bão giá, trong khi người người, nhà nhà ra sức tiết kiệm mọi khoản chi tiêu, thì nhiều bạn trẻ vẫn nhởn nhơ “nấu cháo” điện thoại hay đổ hết tiền để “nuôi” chiếc điện thoại di động của mình.  

Dạo quanh một số của hàng bán thẻ điện thoại trên tuyến đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), theo quan sát của chúng tôi chỉ trong vòng chưa đầy 20 phút đã có tới gần 10 khách hàng vào nạp tiền cho “dế”. Nhưng, trong số đó chỉ có 1-2 người trung niên còn lại gần 90% là sinh viên và các bạn trẻ.

Chị Hảo – chủ cửa hàng sim – thẻ điện thoại gần Ngã Tư Sở cho biết: “Khách hàng tới đây chủ yếu là sinh viên và học sinh cấp 3. Nhiều người kêu bán hàng không được, vì người tiêu dùng tiết kiệm. Nhưng, mỗi ngày tôi vẫn bán được gần 20 thẻ điện thoại các mệnh giá”.

Trong thời buổi lạm phát, giá cả mọi thứ đội lên, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không ngại ngần khi chi tiền nuôi “dế”. Duy Anh (Sinh viên đại học Hà Nội) cho biết: “Thà ăn ít một chút, nhưng điện thoại không thể bị “ bỏ đói” được, vì đó là phương tiện liên lạc thường xuyên của mình”.

Điện thoại di động được các bạn trẻ sử dụng mọi lúc, mọi nơi(Ảnh Thành Công)

9h tối, có mặt tại một quán bò nầm nướng trên phố Nghĩa Tân (Cầu Giấy, HN), khách hàng chủ yếu là các bạn trẻ. Mỗi người khi tới đây, vẫn không quên mang theo vật bất ly thân là điện thoại di động. Phương Hiền – 18 tuổi là học sinh lớp 12 của một trường THPT, mặc dù vừa ăn, vừa nói chuyện với bạn bè, nhưng vẫn không quên hí hoáy nhắn tin lia lịa. Theo quan sát của chúng tôi cứ khoảng 1 phút lại có một tin nhắn đến và lại có một tin nhắn được gửi đi.

Hiền cho biết: “Lúc nãy tới giờ ( 20 phút – pv) em đã gửi hơn 30 tin nhắn, kiểm tra tài khoản thấy hết gần 10.000 đồng rồi. Mỗi ngày em cũng phải nhắn hơn 50 tin nhắn cho bạn bè trong và ngoài trường. Mỗi tháng trung bình cũng hết gần 200.000 đồng”. Theo lời Hiền, ngoài tiên tiêu vặt 300.000 đồng mỗi tháng mà bố mẹ chu cấp,  cô còn được mẹ cho thêm 200.000 đồng để nạp tiền cho điện thoại di động. Nhưng, cũng có những tháng Hiền đã phải dùng tới 400.000 đồng, nên đành tự bỏ tiền tiết kiệm để mua card điện thoại.

Còn Việt Đức (18 tuổi) năm nay sẽ thi lại đại học, nên lịch học của cậu gần như kín mít từ đầu tuần đến cuối tuần. Đầu năm lại nay, bố mẹ của Đức đã hạn chế việc dùng máy vi tính và lướt net để cậu tập trung thời gian toàn tâm cho việc học. Vì thế, chiếc điện thoại Nokia E72 có kết nối GPRS mà cậu sử dụng từ hồi tốt nghiệp lớp 12 gần như trở thành  người bạn bất ly thân. Nó giúp cậu tranh thủ lướt net, chat với bạn bè mỗi khi rảnh hoặc khi mệt mỏi. Đức cho biết, mỗi ngày cậu cũng phải dùng 1-2 tiếng để load những trò chơi mới về máy hoặc tải nhạc chuông và nói chuyện với bạn bè.

Đức than thở: “ Em đang ôn thi nên tiền dùng di động chỉ được bố mẹ cho 50.000 đồng/tháng, nhưng số tiền dùng hàng tháng trung bình không dưới 200.000 đồng. Vì vậy, cứ cuối tháng em lại phải hết lời xin bố mẹ hoặc tự bỏ tiền lì xì hôm Tết ra mà thanh toán”.

Nhiều sinh viên ca cẩm về những bữa ăn trường kỳ với rau xanh và đậu rán, nhưng lại không hề để ý đến việc túi tiền đang cạn dần, do mải mê “đầu tư” cho “dế”. Trọng (Sinh viên đại học Xây dựng) mới quen được cô bạn kém 1 tuổi là sinh viên trường Đại học Sư phạm cách đây mấy tuần. Vì thấy nói chuyện hợp gu, nên tối nào cậu cũng phải dành 2-3 tiếng để nhắn tin, nói chuyện hết mọi vấn đề trên trời dưới biển. Trọng cho biết: “ Đợt này giá cả tăng cao, nên em chỉ dám ăn rau, đậu, mỳ tôm. Nhưng hôm 14/2, em gọi cho bạn ấy nói chuyện hơn 3 tiếng, đến khi kiểm tra mới giật mình, vì tài khoản chỉ còn 780 đồng. Thế là đi toi 200.000 đồng mới nạp cách đó 1 ngày”.

Thanh Hùng ( Sinh viên Đại học Dược) mới chỉ được dùng điện thoại từ học kỳ 2 năm học này. Vì sống cùng với hai bác, nên có việc gì bố mẹ Hùng chỉ cần liên lạc qua điện thoại cố định là nắm được thông tin về cậu con trai. Tuy nhiên, cậu đã phải ỉ ôi hết lời với bố mẹ, mới được mua một chiếc điện thoại di động “second – hand” để dùng liên lạc với bạn bè khi có việc cần thiết. Tuy nhiên, từ khi có điện thoại, mỗi tháng Hùng cũng phải chi tới gần 200.000 đồng cho việc “ nuôi dế”.

Hùng cho biết: “ Mỗi tháng bố mẹ cho mình 1 triệu tiền ăn và tiêu vặt, vì tiền nhà không phải trả. Riêng tháng trước, chiếc điện thoại của mình đã ngốn hết gần 300.000 đồng. Trung bình mỗi tối mình cũng phải chi gần 20.000 đồng cho 30 tin nhắn và nói chuyện với bạn bè, có hôm nổi hứng 40-50 tin nhắn là chuyện bình thường”.

May mắn hơn nhiều bạn dùng thuê bao trả trước, vì Bích ( Sinh viên cao đẳng tài nguyên môi trường) được bố mẹ cho phép dùng thuê bao trả sau. Theo đó, việc của Bích là gọi và nhắn tin, còn hàng tháng khi có hóa đơn thu tiền điện thoại, bố mẹ sẽ gửi tiền để cô thanh toán.  Nhưng, với sở thích “nấu cháo” điện thoại, mỗi ngày cô không thể ngồi yên, nếu không nhắn tin hay điện để “buôn dưa lê” với mấy đứa bạn cùng cấp 3 đang học ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Tận mắt chứng kiến tờ hóa đơn tháng 2 mà Bích cho chúng tôi xem, nhiều người sẽ không khỏi hốt hoảng. Hóa đơn gồm 5 trang dài dằng dặc, ghi chi tiết từng số thuê bao mà Bích đã gọi tới, đáng chú ý riêng ngày 20/2, từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa cô đã gọi tới hơn 20 số liên lạc, thậm chí có cuộc gọi có thời gian tới 30 phút.  Bích kể: “ Từ đầu năm đến nay, hóa đơn điện thoại tháng 1 và tháng 2 của mình đã hết mỗi tháng gần 500.000 đồng, đó là chưa kể tiền thuê bao hàng tháng”.

 

Một số mẹo tiết kiệm tiền điện thoại di động
  1. Sắp xếp trước nội dung cần nói với người mà bạn chuẩn bị thực hiện cuộc gọi. Sao cho đảm bảo về nội dung nhưng vẫn ngắn gọn và không tốn thời gian. Tránh tình trạng vừa nói vừa nghĩ sẽ nói những gì ?, cần nói những gì ?, như thế sẽ làm tốn một khoản tiền không nhỏ
  2. Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến hành một cuộc gọi, bởi khi thực hiện cuộc gọi sẽ tốn gần gấp đôi việc nhắn tin. Xem xét việc có nên tiến hành cuộc gọi không? Nếu không cần thiết thì không nên bởi như thế sẽ tốn hầu bao của bạn mà thôi.
  3. Một số người thường có sở thích load các hình động, hình ngộ nghĩnh, avatar hay các bản nhạc ưa thích thông qua dịch vụ GPRS hoặc qua truy cập Internet. Tuy nhiên, để tiết kiệm tiền điện thoại di động, bạn có thể tải chúng từ máy tính desktop hoặc laptop vào thẻ nhớ rồi sử dụng trên máy điện thoại.
  4. Ngoài ra, nên theo dõi các thông tin khuyến mại của các hãng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để có sự lựa chọn, nhằm tranh thủ thời điểm khuyến mại. Ngoài ra, căn cứ vào tính chất công việc, nhu cầu cho công việc và cuộc sống bạn nên chọn gói cước phù hợp.
  5. Nếu bạn là thuê bao trả sau hãy kiểm tra và xem xét hóa đơn mỗi tháng để xác định số tiền hàng tháng mình phải trả để có những cách tiết kiệm hơn vào tháng sau. Với cách làm này bạn cũng biết được những số điện thoại mình đã lãng phí tháng trước để rút kinh nghiệm.

 


Thành Công

Bình luận
vtcnews.vn