Thả muỗi vằn mang Wolbachia để diệt dịch sốt xuất huyết: Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nói gì?

Sức khỏeThứ Ba, 05/09/2017 16:21:00 +07:00

Chiều 5/9, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, đại diện Sở Y tế đã báo cáo tình hình dịch sốt xuất huyết trong tuần qua và thông tin về việc thả muỗi vằn mang mầm bệnh Wolbachia để diệt dịch.

Tại cuộc họp giao ban, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, diệt bọ gậy giữ vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Các tổ công tác vẫn phải thu gom phế thải, diệt bọ gậy ở các nơi công cộng, trong từng hộ gia đình. Công tác kiểm tra phải thường xuyên, không chỉ dừng lại kiểm tra ở quận, huyện mà còn phải kiểm tra tận các phường, xã. Phải đảm bảo kinh phí cho các tổ giám sát và giữ vững tinh thần diệt dịch một cách quyết liệt nhất.

kiem-tra-5-mau-tra-xanh-c2-va-rong-do-khong-van-de-gi1 4

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Những tuần qua, tình hình dịch sốt xuất huyết ở trung tâm TP Hà Nội đã giảm nhưng ở các huyện, xã lại có chiều hướng gia tăng. Nhiều người lo ngại việc cấp sở thì tích cực nhưng lãnh đạo ở các địa phương còn thờ ơ với tình hình dịch bệnh sẽ khiến việc chống dịch sốt xuất huyết không hiệu quả.

Về vấn đề này, ông Hạnh phân tích: "Các huyện Mỹ Đức, Ba Vì, Mê Linh... rõ ràng đã có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh do họ đi làm ở khu vực nội thành nhưng khi bị bệnh lại về quê nên bệnh mới có nguy cơ lây lan ra các huyện ngoại thành".

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện một số loại thuốc diệt muỗi giả. Người dân lo ngại liệu những loại thuốc giả này trà trộn vào các đợt phun muỗi của Sở Y tế.

Trả lời vấn đền này, vị Phó giám đốc Sở Y tế cho hay: "Chúng tôi chỉ sử dụng duy nhất một loại thuốc được Bộ Y tế cho phép. Hiện nay, tôi thấy một số báo nói có thuốc giả. Chúng tôi đã huy động công an, quản lý thị trường xử lý tất cả các trường hợp bán thuốc giả, nếu có".

Về giải pháp chống dịch sốt xuất huyết bằng muỗi vằn mang mầm bệnh Wolbachia như một số nước Nam Mỹ đã làm, ông Hạnh khẳng định: "Trên thế giới, các nhà khoa học đã thả ra hàng triệu muỗi vằn mang mầm bệnh Wolbachia trong người.

Mục đích là đàn muỗi nhiễm bệnh này sẽ sinh sôi nảy nở và phát tán mầm bệnh để hạn chế khả năng lây virus sốt xuất huyết cũng như virus Zika từ muỗi sang người. Tuy nhiên, giải pháp này chúng ta đã nghiên cứu 10 năm nay ở Khánh Hòa nhưng chưa có hiệu quả nên Sở Y tế Hà Nội chưa áp dụng được".

mosquitoes-vs-dengue-1504083189

 Muỗi vằn nhiễm bệnh tại phòng thí nghiệm Fiocruz. (Ảnh: AFP)

"Cho đến giờ phút này, trên thế giới vẫn còn khó khăn với việc phòng chống sốt xuất huyết. Vì chúng ta chưa có vắc xin nên vẫn phải dựa vào cộng đồng. Có một số nước nghiên cứu vắc xin nhưng chỉ bảo vệ được 65%", ông Hạnh nói.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 2.605 trường hợp (giảm 307 trường hợp so với tuần trước). Một số quận. huyện có tỷ lệ mắc cao trong tuần như: Hoàng Mai,  Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông... Trong tuần cũng không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Tính từ 1/1 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 24.264 trường hợp, trong đó có 7 trường hợp đã tử vong do sốt xuất huyết. Số bệnh nhân đã khỏi là 22.176 (chiếm 91%). Hiện vẫn còn 2.088 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.

Video: Người dân Ấn độ ăn thanh long, uống nước ép đu đủ chống dịch sốt xuất huyết

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn