Khủng hoảng virus corona lan rộng, người Việt 'không sợ chết', vẫn háo hức chen lấn hội hè

Chuyện bốn phươngThứ Sáu, 31/01/2020 14:37:00 +07:00
(VTC News) -

Trong khi virus corona lây lan với tốc độ chóng mặt, nhiều người Việt vẫn chủ quan, "không sợ chết", háo hức chen lấn ở các lễ hội trong những ngày đầu năm.

Virus corona đe dọa toàn cầu

Những ngày này, virus corona là nỗi ám ảnh của người dân trên toàn thế giới. Tính đến 7h30 ngày 31/1, thế giới có 9.480 người nhiễm virus corona, 213 người Trung Quốc tử vong. Những con số trên vượt xa so với dịch SARS năm 2002-2003. Hiện tại, có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ có người bệnh nhiễm virus corona.

Còn theo thông tin từ Bộ Y tế chiều 30/1, Việt Nam ghi nhận 5 bệnh nhân dương tính với virus corona, trong đó có 3 bệnh nhân là người Việt Nam.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch virus corona là trường hợp khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng.

Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch virus corona, có đội phản ứng nhanh, có đường dây nóng và phải báo cáo tình hình với Thủ tướng hàng ngày.

Khủng hoảng virus corona lan rộng, người Việt 'không sợ chết', vẫn háo hức chen lấn hội hè - 1

Các bác sĩ tại thành phố Vũ Hán đang chăm sóc cho một bệnh nhân nhiễm virus corona. (Ảnh: REX).

Chính phủ Việt Nam và cả thế giới đang căng mình đối phó với virus corona. Người dân khắp nơi trên thế giới đều đang thấp thỏm lo sợ, cập nhật từng diễn biến, dù là nhỏ nhất của dịch bệnh. Và càng ngày, họ càng cảm thấy lo sợ, bất an hơn với mức độ nguy hiểm của virus corona. Không ai dám đảm bảo rằng, mình có thể an toàn vượt qua dịch bệnh.

Nhiều người Việt vẫn rất chủ quan

Thế nhưng, mặc cho những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, những khuyến cáo liên tục của chính quyền, một số người dân Việt Nam vẫn rất thờ ơ với mức độ nguy hiểm của virus corona. Họ nô nức chen nhau đi vào các lễ hội xin lộc đầu năm. Họ cũng không đeo khẩu trang với lý do: Đi xin lộc, cầu xin phải thành tâm, đeo khẩu trang khấn vái, thánh thần nào chứng cho.

Vào ngày 29/1 vừa qua, hàng ngàn người đổ về chùa du xuân, lễ chùa. Cảnh chen chúc, hỗn loại xảy ra khiến nhiều người rùng mình khi nghĩ rằng, chỉ cần một người trong số đó đang ủ bệnh do virus corona, không biết hậu quả sẽ thế nào.

Hay như trong sáng 30/1 (tức mùng 6 Tết), hàng ngàn người dân và du khách thập phương trẩy hội đền Sóc (Hội Gióng) tại Hà Nội. Sau khi tham gia các hoạt động lễ hội, họ còn được ban lộc là cơm nắm và cà muối.

Lễ hộ đền Trần dù chưa khai mạc nhưng hàng ngàn người cũng đã đổ về. Từ nay cho tới hết tháng Giêng âm lịch, sẽ còn hàng trăm lễ hội khác diễn ra. Lễ hội nào cũng thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người. 

Nhu cầu về tâm linh của mỗi người là đáng được tôn trọng. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh cho virus corona diễn ra đang rất phức tạp như hiện nay, có lẽ mọi người phải có ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như những người xung quanh.

Đáng tiếc là nhiều người vẫn rất lơ là với căn bệnh đang đe dọa toàn cầu. Không chỉ háo hức chen lấn tại các lễ hội, vô số người khi tới nơi công cộng vẫn còn nói cười oang oang, thậm chí khạc nhổ và hắt hơi cũng không thèm che miệng.

Có lẽ những người này rất chủ quan. Họ cho rằng, dịch bệnh đang diễn ra ở tận đẩu tận đâu, chứ sẽ không xuất hiện ở nơi họ đang sinh sống. Họ không biết rằng, sự chủ quan của họ sẽ có ngày phải trả cái giá rất đắt, đó chính là sức khỏe của chính họ và những người thân.

Theo dõi thông tin dịch cúm virus corona phát trên các bản tin của kênh VTC1, VTC14, VTC16, ứng dụng VTC Now và liên tục cập nhật trên VTC News.

Mai Mai
Bình luận
vtcnews.vn