Tết Thanh Minh năm 2017 vào ngày nào?

Đời sốngThứ Ba, 04/04/2017 07:50:00 +07:00

Nhiều người vẫn băn khoăn không biết Tết Thanh Minh năm 2017 vào ngày nào.

Tết Thanh Minh thực tế có nguồn gốc từ Trung Quốc, qua quá trình du nhập đã thay đổi cho phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Tết Thanh Minh là ngày mà con cháu tỏ lòng thành kính của mình với tổ tiên, người thân đã mất. Con cháu quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tưởng nhớ tổ tiên và sum họp với gia đình.

Thông thường, vào dịp này, người còn sống sẽ tổ chức tụ họp người thân, làm lễ tảo mộ, thăm viếng và dọn dẹp mộ phần của ông bà tổ tiên. Công việc chủ yếu là dọn cỏ dại trùm lên mộ phần và đắp thêm cho ngôi mộ thêm đầy đặn do mùa xuân mưa phùn dễ làm cây hoang dại phát triêng tốt.

Tiết Thanh Minh thực chất là một trong 24 tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh bắt đầu từ ngày 4 - 5/4 Dương lịch tới 20/4 Dương lịch. 

Người ta thường lấy ngày đầu tiên của tiết Thanh Minh là ngày Tết Thanh Minh. Năm nay, ngày đó rơi vào 4/4 Dương lịch. Bắt đầu từ ngày nay, mọi người có thể tổ chức lễ tảo mộ du xuân, kết hợp giữa việc cúng lễ tỏ lòng hiếu kính và việc cả gia đình ra ngoại ô tận hưởng không khí trong lành.

tet-thanh-minh1

 Tết Thanh Minh là ngày mà con cháu tỏ lòng thành kính của mình với tổ tiên, người thân đã mất.

Đặc biệt, theo quan niệm xưa nếu tết Thanh Minh trùng vào ngày 3/3 Âm lịch – Tết Hàn Thực thì được coi là “Tết Thanh Minh đích thực”. Ngày này người ta làm bánh trôi, bánh chay – những thức bánh nguội và kiêng nổi lửa nấu cơm.

Tết Thanh Minh hiện nay đã trở thành ngày lễ quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam, tuy không phải là Tết lớn lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam - bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước.

Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.

Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.

Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.

Hoàng Anh (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn