Tết của người Việt nơi trời Tây

Thời sựThứ Bảy, 28/01/2012 06:47:00 +07:00

(VTC News) - Ước ao chợt đến, giá như đường cao tốc 66 bên Virginia này là quốc lộ 1 về quê phía Ninh Bình. Cả nhà trên chiếc xe Dream đi giữa mưa mùa xuân...

Lời Tòa soạn: Tác giả bài viết là một trí thức Công nghệ thông tin, đã sang Mỹ nhiều năm, làm việc cho một ngân hàng lớn. Tết ở xứ người vẫn miên man, rơm rớm nỗi nhớ làng quê Việt Nam.

Mùa đông xứ người xa lạ. Ảnh: HM 

Tết về trên quê Việt của tôi. Hoa đào, hoa mai, hoa dơn hẳn là khoe sắc rực rỡ, lộng lẫy…Còn ở bên này, ngày xuân đang phôi pha giữa đất trời xa lạ…

Trên xa lộ 66 nối Virginia với Washington DC (Mỹ), dòng xe hơi nối đuôi nhau như vô tận. Nhiệt độ bên ngoài -5 độ C, gió khá lạnh. Những cánh rừng bên đường về mùa hè xanh mướt, sang thu rực rỡ lá vàng, xuân đến, hoa lá vội vàng khoe hương sắc sau giấc ngủ đông dài. Rất lạ, mùa đông DC năm nay chưa có tuyết, hàng cây ven đường trơ trụi đến nao lòng.

Đã vài mùa xuân đi qua, tôi không có dịp về quê thắp nén hương nhớ người cha đã khuất núi. Kể từ lần hai thân tiễn con đi đại học, đến đầu làng, con bỡ ngỡ bước vào đời, thế mà đã gần 40 năm. Biết đứa con sẽ tìm nẻo đường khác, cha dặn, đi xa đâu cũng được, nhưng Tết nhớ về. Con đi rồi, cha mẹ sẽ buồn, nhưng phía trước mới quan trọng, ông dặn thế.

Về Hà Nội làm việc 17 năm. Mỗi lần chuẩn bị Tết như đi hành hương. Những năm tháng cuối đời, mắt cha kém, chỉ nghe tiếng để nhận ra con. Chiều ba mươi, ông lần từng bước trong nhà, tai lắng nghe tiếng xe máy để đợi con. Đã chục năm nay, đến lượt mẹ tôi thay cha. Lưng mẹ đã còng xuống nhiều hơn. Tết này con cũng không thể về.

Ở xứ Mỹ này, có thể mua đủ cái Tết như đang ở Sài Gòn hay Hà Nội. Ra Trung tâm Thương mại Eden có bánh chưng 15$/chiếc, giò chả, mứt tết…Vài cây mai vàng không hiểu được mang từ đâu đến. Cây quất quả còn xanh được mọi người xúm xít hỏi giá. Có hương bán nhưng thắp trong nhà bên nước Mỹ rất khó. Nếu không tắt hệ thống báo động, khói lên sẽ làm còi kêu váng nhà. Các “cụ” chưa kịp về hưởng lộc thì xe chữa cháy 911 của cảnh sát đã ập đến.

Mấy gia đình mới nhập cư vào Mỹ, không có lá dong, gói bánh chưng bằng lá chuối mua ở chợ Hàn Quốc và luộc nồi áp suất. Cô bạn làm việc ở World Bank rất tài. Gói lá chuối, không cần khuôn, mà bánh vuông vức, mười chiếc giống nhau như đúc.

Ai cũng nói, nếu không luộc bánh chưng thì đám trẻ sẽ không biết Tết Việt Nam, tết của quê cha đất tổ. Sang đây công tác, tôi đã mua truyện cổ tích, ca dao, thơ và truyện tiếng Việt. Ai từ Hà Nội sang, hỏi thích gì, chỉ nhờ mang sách với ước mong con cái sẽ đọc cổ tích Tấm Cám, bánh chưng bánh dầy, truyện Kiều… Dạy chúng về cái nôi văn hóa Việt giữa nước Mỹ quả là thách thức.

Hai cậu con trai sang đây từ lúc 3-4 tuổi. Ở Hà Nội, chúng đã biết bánh chưng, giò chả, đào mai, ngày Tết theo bố mẹ lên Nhật Tân hay ra chợ Bưởi. Sang đây mới vài năm đã quên hết. Chỉ cây quất ở chợ Eden và hỏi cây gì? Lắc đầu. Hỏi bánh chưng, nói đây là bánh gạo dính (sticky rice cake).

Kể chuyện Lang Liêu dâng bánh chưng, chúng tròn mắt, tại sao cái nước ấy lại có vua. Sao không bầu cử tổng thống như ông Obama.Tại sao lại phải cống nạp. Vua như tổng thống phải mang quà cho trẻ con như ông già Noel chứ. Nếm một miếng, chúng nhè ra và bảo, không thể so với McDonald (bánh mỳ kẹp thịt nổi tiếng của Mỹ).

Thời gian đầu mới sang, cả nhà nói tiếng Việt. Con đi học về mếu máo, mẹ ơi, cô giáo và các bạn nói cái gì ấy, con không hiểu. Bố cười đùa hỏi, hay nhà mình về Hà Nội nhé. Không, ở đây đi học bằng xe bus đón, thích hơn.

Gặp cô giáo, hỏi han. Cô cười, cứ yên tâm, sáu tháng sau, các cháu sẽ nói thạo tiếng Anh. Không cần đợi dài thế. Suốt ngày đi học ở trường, quen bạn bè Mỹ, vài tháng sau, bố hỏi tiếng Việt, con “phang” tiếng Mỹ. Mẹ giải thích bằng tiếng Anh, chúng ngạc nhiên, sao mẹ lại nói ngọng. Ở công sở, người ta có hiểu bố mẹ nói gì không? Bây giờ đến lượt con cười, bố mẹ khóc thầm.

Vài mùa xuân nữa thôi, không hiểu mấy gia đình này còn tụ tập gói bánh chưng. Đám nhóc kia lớn lên, đi theo bạn bè cùng lứa. Và chuyện về Lang Liêu có lẽ chúng cũng quên dần.

Dù đi phương trời nào, ai cũng mong con cái lớn lên nhớ về cội nguồn. Cái nôi của người Việt là làng xóm quê hương sau lũy tre xanh. Mấy ai đi xa quên nhanh được. Nhưng quả thật, dạy chúng biết đâu là lúa nếp để gói bánh chưng, khó hơn đi tìm giấc mơ Mỹ.

Mấy hôm nay, cô giáo đùa tên các cháu khó gọi. Lại phải tìm một cái tên Mỹ cho tiện. Hồi ở trong nước, nhận card visit của Việt kiều có tên Andrew Nguyễn, Elisabeth Hoàng, hay Betty Bảo, cảm giác như họ “tây” và xa lạ. Tự hỏi trong lòng, sao có người quên nhanh thế.

Hoa đào Ninh Bình. Ảnh: HM

Ở vài năm tại nước ngoài sẽ thấy, vì miếng cơm manh áo để tồn tại, đành phải thêm một cái tên khác. Khi duyệt CV xin việc, người ta đọc cái tên đến sái quai hàm, khó mà được chọn vào danh sách. Có qua đoạn trường mới hay. Nhiều Việt kiều khi về nước phải in hai loại card visit. Một card có tên Mỹ để trao đổi quốc tế và một card chỉ để tên Việt cho khách Việt, vì một nỗi lo hiểu lầm mất gốc.

Thời ở quê, qua chiến tranh và lầm than, tuổi thơ đợi Tết để được vài bữa ăn no, mặc áo lành hơn và có tiền mừng tuổi, sao thấy lâu thế. Khi mái tóc đã pha sương, chợt thấy thời gian trôi đi như gió thoảng, lo âu nhiều hơn niềm vui, dù sống ở một nơi được gọi là “thiên đường”. Chỉ có bọn trẻ là hạnh phúc dù đón Tết ở nơi nào. Để chúng thành người, cha mẹ phải cố hơn. Ngày mai mới quan trọng, bỗng nhớ lời cha thuở nào.

Nếu ở Hà Nội, giờ này chắc phải đang lo quét dọn, mua đào quất. Ra chợ Bưởi mua cho được bình hoa thủy tiên dù biết rằng, có thể nở vào mồng hai Tết hay triết lý bộ rễ tôi cũng chẳng hiểu. Rồi cả nhà lên chiếc xe máy, bọc lớn, bọc nhỏ về quê. Đường bụi ngầu, rét mướt, mệt nhọc cũng được xua đi. Lũ trẻ đến đầu làng đã reo hò, gặp lại anh chị cùng tuổi mà mùa hè chúng đã kịp quen nhau. Bỏ cả giầy dép để chạy chân đất, hai đứa thi nhau đuổi theo mấy con gà trong sân. Ra Hà Nội lâu lâu rồi, chúng vẫn hỏi bao giờ lại về với bà.

Người bạn gửi tặng cuốn sách “Thế giới phẳng” của Thomas Friedman, nói về toàn cầu hóa và hội nhập. Lạ lùng thay, “Trời tròn đất vuông” của Lang Liêu trong từ nghìn năm trước lại chính là thế giới phẳng ngày nay. Theo tác giả, mỗi dân tộc cần tự suy ngẫm để biết được vị trí của mình ở đâu trong tương quan với các chủ thể khác trên thế giời hiện nay. Có được và có mất, tùy thuộc sự cảm nhận và được làm như thế nào.

Chợt nhận ra, gia đình nhỏ của mình đang được viết trong những trang sách đó. Bọn trẻ cần học cách tự lập, vì lớn lên, phía sau không còn cha mẹ nâng đỡ. Đang mất nhưng cũng được rất nhiều. Để đi lên phía trước mỗi người phải bỏ lại đoạn đường phía sau. Vẫn hy vọng, một ngày nào đó, các con ở xa, nhớ đến cha mẹ già bên nồi bánh chưng khi mùa xuân đến.

Phía trước hàng loạt xe bỗng dừng, đèn phanh đỏ lừ. Sắp đến Washington DC. Chút nữa gặp các đồng nghiệp trong tòa nhà nhôm kính uy nghi lạnh lẽo. Lại cười và được hỏi những câu cửa miệng trong thang máy. Hôm nay thế nào, mọi chuyện ổn chứ? Vâng, rất cảm ơn, trên cả tuyệt vời!

Bài hát “Bước chân lẻ loi” du dương bỗng vang lên trong xe. Cứ ngỡ nhạc sỹ hay nhà thơ nào đó sáng tác cho riêng mình “Nơi chân trời không ngày tháng//Phiêu du quên đường về”…

Ước ao chợt đến, giá như đường cao tốc 66 bên Virginia này là quốc lộ 1 về quê phía Ninh Bình. Cả nhà trên chiếc xe Dream đi giữa mưa mùa xuân bay lất phất. Ấm lòng biết bao, khi thấy cây nhãn trước ngõ thân quen hiện ra, mẹ già run run chống gậy đón các cháu trước cửa.

Mới hay, những gì của hôm qua mới tha thiết làm sao.

Hiệu Minh
(từ Washington DC, Mỹ)

Bình luận
vtcnews.vn